Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Thảnh Thơi

Thảnh Thơi

Email In PDF

Đang cúi xuống ngửi hoa hồng vừa mới nở, Lang chợt nghe tiếng cười khúc khích của nắng mai.

- Chào nắng mai! Em đang ở đâu?

- Em đang ở trên đọt cây. Nắng chiều xuyên qua rừng cây đẹp quá nên em quá giang xuống thăm anh. Bông hồng có thơm không anh?

-    Thơm ngát! Cây hoa hồng này nở lần này là đợt thứ hai. Lần đầu, nó nở tới ba bông thật lớn màu hồng đậm sắc hơn. Hương hồng thơm ngào ngạt! Trong mười mấy cây hồng chỉ có cây này là mạnh khỏe nhất. Nắng mai có biết không? Hoa hồng ở đây sao thơm nồng nàn quá! Mùi hương dễ chịu lạ.

- Cho em ngửi một chút đi!

- Vâng! Ồ thơm quá!

- Anh Lang à! Hôm qua, chúng mình thực tập thiền định bằng tư thế ngồi. Như vậy, thiền định chỉ có thể áp dụng trong tư thế ngồi thôi sao anh?

- Không phải thế!

Thiền định có thể áp dụng trong bất cứ tư thế nào, nhưng ngồi là tư thế dễ dàng nhất. Thiền định là năng lượng tập trung tâm ý giống như ngọn đèn pha. Đèn thường không sáng bằng đèn pha vì ánh sáng lan toả ra khắp nơi. Thiền định là ‘tâm nhất cảnh’ nghĩa tâm chuyên chú tới một đối tượng như hơi thở, bước chân, thần chú hay câu niệm Phật... Thiền định là ‘tâm đẳng trì’ nghĩa là duy trì tâm trong trạng thái bình an, tĩnh lặng. Tiếng phạn gọi là Samadhi, gọi cho đầy đủ là Samma Samadhi, nghĩa là chánh định.

- Làm sao duy trì được định lực trong khi đi, hả anh Lang?

- Khi ngồi em chú ý tới một đối tượng thì khi đi em cũng chú ý tới một đối tượng. Tuy nhiên, người mới tập thiền thường khó chú tâm vì tâm ý của người ấy đã có thói quen chạy rong. Bởi thế, em phải tập luyện thường xuyên mỗi ngày.

Thiền định không thể học hỏi hay bắt chước từ người khác. Nó là nguồn năng lượng do tu luyện lâu ngày mới thành niệm lực, định lực và tuệ lực, giống như nhà máy phải chạy hàng giờ suốt ngày mới tạo ra điện lực để chuyển tải đi khắp mọi nơi.

- Cách thực tập thiền định của Lang trong lúc đi là chú ý tới bước chân. Tâm ý suy nghĩ, lo âu, tính toán nên bước chân thường hấp tấp, hối hả. Ca dao Việt Nam có câu: “Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây.” Chú ý tới bước chân thì tâm trở về trên mỗi bước chân. Sự suy nghĩ, lo âu, tính toán đều dừng lại.

-    Cách thứ hai là tập sống thảnh thơi, sống từ từ, sống chậm lại. Lang thích chữ “thảnh thơi” vì nó dễ hiểu và dễ thực tập.

Em không thể nào thảnh thơi nếu em cứ lăng xăng, lật đật, vội vàng. Em hãy sống chậm lại, sống cẩn trọng.

Sống chậm! Mới nghe qua ai cũng tức cười bởi vì làm sao sống chậm khi có trăm công ngàn việc cần phải làm. Ấy vậy, sống chậm rất cần thiết cho thời đại bận rộn này. Em sống chậm lại, làm việc thảnh thơi thì công việc đâu cũng vào đấy. Làm việc từ từ vừa khoẻ, vừa vui và vừa cẩn trọng. Đa số chúng ta đều bị năng lượng lo âu, căng thẳng chi phối vì thế ta mất đi sự thảnh thơi. Có khi công việc lại không thành mà thân tâm sinh ra nhiều bệnh tật. Các bác sĩ đều bảo rằng 80% bệnh tật đều phát xuất từ căng thẳng (stress). Tóm lại, thiền định là thảnh thơi. Thảnh thơi là sống như chơi, sống nhẹ nhàng như mây, sống vui tươi như nắng… Có thảnh thơi là có thiền định. Em có hiểu không?

- Dạ vâng! Em hiểu. Nhưng, em cần thời gian thực tập.

- Anh cũng đang cố gắng thực tập ‘thảnh thơi’. Đó là mục đích tại sao Lang vào rừng sâu sống ẩn dật một mình.

- Cám ơn anh Lang chia sẻ cho nắng mai thêm về thiền định.

- Thôi! Chúng mình đi chơi nhé.

- Dạ vâng! Hì hi hi…