Chàng và nàng ở sát bên nhau dưới chân núi Mây. Gọi là Vân Sơn. Hai nhà cách nhau bởi hàng rào tre. Chàng tên là Suối, ở với mẹ già. Tổ tiên trao lại cho chàng mảnh vườn nhỏ bên cánh rừng có chiếc nhà tranh gần con suối. Suốt ngày, chàng làm việc âm thầm và chăm chỉ. Việc của chàng là chăn nuôi, trồng trọt, làm vườn, bếp núc, nuôi mẹ già đang bị bệnh.
Mẹ của Suối không thể đi đứng bình thường nên chàng phải dìu dắt, tắm rửa, mặc áo cho mẹ. Từ sáng sớm lúc khí trời vừa ấm lên, chàng đưa mẹ ra vườn. Chàng đặt mẹ nằm trên giường tre dưới bóng cây để chăm sóc. Chàng vừa làm việc, vừa chú ý tới mẹ. Lúc thì dâng nước, khi thì dâng thức ăn, chàng thường nhắc mẹ mỉm cười cho vơi đi nỗi đau nhức, khó nhọc trong cơ thể.
Nàng mồ côi mẹ từ lúc còn bé nên nàng thương mẹ của Suối như mẹ ruột của nàng. Tên nàng là Cành nhỏ hơn Suối hai tuổi. Hồi nhỏ, Suối và Cành thường chơi với nhau các trò bắt dế, tìm kiếm, vọc nước, ù mọi... Hai đứa như bóng với hình.
Đến năm Suối lên 16 tuổi thì mẹ chàng ngã bệnh. Ba của Suối đã chết trong một cuộc chiến ác liệt cách đây hơn mười năm. Từ đó, Suối bận suốt ngày vừa làm việc, vừa chăm sóc cho mẹ. Thấy Suối khó nhọc nên mỗi khi rảnh rỗi, Cành chạy qua giúp chàng nâng đỡ, chăm sóc cho mẹ.
Hai năm sau, ba của Cành cũng đi theo mẹ nàng vì một tai nạn để lại nàng mồ côi một mình. Cành và Suối thương nhau từ tuổi còn thơ, cho nên lần này chàng càng lo cho nàng nhiều hơn. Chàng nói:
- Bác trai đã mất! Nếu em đồng ý thì anh sẽ mở hàng rào tre ra cho hai nhà có chung một mảnh vườn. Chúng mình cùng nhau làm việc, trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cho mẹ và ăn cơm chung cho ấm cúng như một gia đình.
- Nàng đồng ý liền. Dù sao, Cành cũng thường qua nhà Suối lúc ba còn sống.
Cành và Suối nuôi mẹ được gần ba năm thì mẹ chàng mất. Cả hai anh em đều buồn, nhưng Suối buồn lâu lắm vì chàng thương mẹ nhất trên đời. Một hôm Suối nói:
- Cuộc đời này thật ngắn ngủi! Chỉ trong mấy năm, cả hai anh em mình đều mất hết người thân. May mắn! Anh vẫn còn có em. Nhưng, anh có cảm giác đời sống này sao mong manh quá! Anh thương em và muốn cho em có hạnh phúc lâu dài.
- Em còn nhớ không? Lúc bác trai mất, em khóc luôn ba ngày. Anh phải ngồi bên em để an ủi và dỗ dành. Đến khi mẹ anh mất, anh cảm thấy mất mát, buồn đau và thương tiếc suốt mấy tuần, không làm lụng gì được để em một mình gánh vác việc nhà. Nếu một trong hai anh em mình mất thì người còn lại sẽ bơ vơ, buồn khổ và hiu quạnh lắm. Anh muốn đi tìm cái gì cao quí hơn tình yêu gia đình, tình thương anh em. Anh muốn đi tìm con đường giải thoát cho tâm hồn đưa đến hạnh phúc chân thật.
- Anh nói đúng! Anh cứ đi đi! Em nguyện ở nhà chăm sóc nhà cửa và mảnh vườn của tổ tiên. Em sẽ lo hương khói cho ông bà và ba mẹ hai gia đình. Khi nào tìm ra con đường, anh nhớ trở về chỉ lại cho em.
- Chàng rót cái nhìn đầy biết ơn nàng trước khi ra đi.
Lặn lội khắp núi rừng, cuối cùng Suối cũng gặp được bậc thầy tôn kính. Lời thầy dạy thật đơn giản, thực tế và dễ hiểu. Người chú trọng vào phép chánh niệm trong từng giây từng phút. Suối ở lại học với thầy ba năm để thực tập. Chàng chuyên tu phép thiền định. Chàng ngồi thiền thật lâu, thật nhiều lần. Có ngày, chàng ngồi từ buổi sáng tinh sương cho đến khi mặt trời lặn. Có khi, chàng có cảm tưởng tâm nhẹ như mây, và chàng đang ngồi bềnh bồng trên đọt cây tùng. Có lúc, tâm chàng lắng sâu, không còn một suy tư nào nữa. Có lúc, chàng cảm thấy dòng sông cảm thọ ngưng lại.
Thế nhưng, thỉnh thoảng tâm thức của chàng vẫn âm thầm xuất hiện nỗi sợ hãi, lo lắng và vấn vương. Chàng sợ sự mất mát như đã từng mất mẹ. Chàng cảm thấy có lỗi với tổ tiên. Đáng lý, chàng nên ở nhà chăm sóc nhà cửa, ruộng vườn, hương khói. Chàng lo không ai chăm sóc cho Cành khi chàng chết… Ở trên núi cao, chàng thường nhớ mẹ, mảnh vườn, con suối và mái nhà ở chân núi Mây, nơi ấy có Cành. Chàng nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu. Chàng nhớ ánh mắt, nụ cười, tiếng nói của nàng. Chàng cố tình xua đuổi những hình ảnh này để thiền định nhưng càng xua đuổi, chúng hiện về càng mạnh mẽ hơn. Chàng nghĩ:
- Sao mình không trở lại quê nhà! Mình có thể tập luyện thiền định và tỉnh thức trong lúc lo hương khói cho tổ tiên, chăm sóc ruộng vườn, nhà cửa và có mặt cho Cành. Mình không thể nào ích kỷ sống nhàn nhã để Cành phải lo nhiều công việc ở quê nhà.
Chàng quyết ngày mai từ tạ ân sư trở về quê hương. Về đến nhà, Chàng đi thẳng ra vườn cải ở phía sau nơi có con suối. Từ xa, chàng thấy Cành đang gánh một gánh cải. Mặt nàng trong sáng như ánh bình minh. Nụ cười tươi vui hơn ngàn hoa lá. Nàng đặt gánh xuống vừa mừng, vừa gọi:
- Anh Suối! Anh Suối đã về! Nàng nhìn chàng sung sướng!
- Anh gầy hơn lúc trước. Chắc ở trên núi, anh tu hành cực lắm phải không?
- Em mới cực! Chứ anh chỉ ngồi thiền suốt ngày thì có cực gì đâu! Nhưng, tâm anh cứ nhớ về quê hương, tổ tiên, cha mẹ, ngôi nhà, mảnh vườn và em. Anh cảm thấy có lỗi đã bỏ em một mình ở nhà, gánh nặng nhiều công việc.
- Không! Em vui lắm! Tuy công việc nhiều nhưng em làm từ từ. Ngày này làm chưa xong, em tiếp tục làm ngày mai. Có lúc, em suy nghĩ: “Vườn cỏ nhiều thế này làm sao nhổ cho hết!” Nhưng, em vẫn cứ làm thong thả. Em vừa làm, vừa chơi. Có lúc, nhìn lên bầu trời xanh em thấy những đám mây trắng đang bay mà lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Có lúc, em chú ý tới tiếng chim đang hót líu lo và thấy tâm hồn vui vui. Được ở nhà, lo hương khói, lo vườn ruộng của tổ tiên, em cảm thấy gần gũi với cội nguồn và thiên nhiên. Mẹ đặt tên em là Cành. Cành liền với cây, anh ạ! Anh xem trong vườn nhà mình và cánh rừng bên kia suối có biết bao nhiêu là cây. Nhìn cây nào, em cũng thấy có Cành trên đó. Mỗi ngày, em làm vườn, em tiếp xúc với đất. Đất mềm mại! Đất tươi mát! Đất sinh ra hoa quả, rau trái nuôi dưỡng em. Em cảm thấy thương đất. Đất giống như người mẹ. Lại nữa, ngày nào em cũng xuống suối rửa chân tay, lấy nước tưới ruộng vườn. Suối mát mẻ! Suối nuôi cây! Suối reo vui như đang hát cho em nghe.
Nói tới đây, mắt nàng tươi vui, tỏa rạng niềm sung sướng, hạnh phúc. Càng nghe nàng, mắt chàng càng sáng lên! Chàng thấy hạnh phúc không thể đi tìm, dù đi tìm trong thiền định. Thực tập thiền định để làm gì? Cũng chỉ để cho chàng sống hạnh phúc từng giây từng phút như em Cành đang sống. Vậy nên hạnh phúc là biết sống, biết tiếp xúc được với mảnh vườn, con suối, rừng cây, người thân... Chàng là Suối mà bỏ con suối, bỏ quê hương, lìa đất tổ thì làm sao chàng có thể tìm ra cho được chân hạnh phúc.
Sung sướng quá! Chàng ôm lấy Cành vào lòng như ôm sự sống quí giá, ôm tâm hồn của ba mẹ, ông bà và tổ tiên.
Từ đó, hai anh em sống mãi bên nhau trong hạnh phúc.