Vĩnh Minh Tự Viện

Thursday, May 02nd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Nửa Chữ Cũng Là Thầy

Nửa Chữ Cũng Là Thầy

Email In PDF

Cô xuất hiện lần đầu tiên trong giờ chào cờ vào một buổi sáng thứ hai ở trường tôi. Thầy hiệu trưởng vừa giới thiệu cô sẽ chủ nhiệm lớp 7A, cả lớp tôi vỗ tay reo mừng. Mặt cô đỏ lên, rạng rỡ và bẻn lẻn. Áo dài trắng đơn sơ, khoát bên ngoài chiếc áo len xanh ngắn, tóc dài chấm lưng thùy mị, đó là hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi về một cô giáo vừa mới tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt.

 

Sân trường Di Linh như mới lạ ra dưới ánh nắng hồng. Tan giờ chào cờ, cả lớp ùa vào phòng để chuẩn bị đón cô giáo mới. “Phải bày một cái trò gì đó để gây ấn tượng” - một bạn đề nghị. Một giọng nữ nghịch ngượm: “Để dằn mặt mới đúng chứ”. Mấy phút sau, nghi thức chuẩn bị đón cô giáo mới đã chuẩn bị xong, cả lớp ngồi đâu vào đấy, im phăng phắc như một tập thể ngoan ngoãn hiền lành. Tiếng kẻng vang lên, giây phút hồi hộp sắp đến, cô giáo từ phía văn phòng đủng đỉnh đi về lớp chúng tôi.

*****

Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi vừa tức cười, vừa nghĩ ngợi miên man. Đó là vào khoảng năm 1980, người ta có sản xuất một loại pháo hai đầu có hai sợi dây, chỉ cần nắm hai đầu sợi dây giật mạnh là pháo sẽ nổ. Chúng tôi khép cửa lại, cột hai sợi dây vào hai tay nắm cửa. Khi cô vừa kéo cửa thì pháo nổ đùng một tiếng đinh tai. Cả lớp la ầm lên, vỗ tay reo mừng, rồi bỗng nhiên im bặt. Cô thuộc dạng yếu tim, vì quá bất ngờ nên xỉu ngay trước cửa lớp. Cả lớp ùa ra đỡ cô dậy, đưa về phòng chăm sóc. Chiều hôm ấy cả lớp kéo đến khu tập thể giáo viên, đứa thì nấu cháo, đứa thì đem cam, bánh kẹo trái cây thôi thì đủ thứ. Nhờ cái nghịch ngượm của chúng tôi mà cô trò có cái duyên gặp nhau bắt đầu bằng buổi chiều thật đẹp, không có phấn bảng, bút nghiên, chỉ có bụi đỏ cao nguyên lất phất qua mấy hàng tùng sân trước.

Cô lớn hơn tôi không bao nhiêu tuổi, những lần đầu tiên gọi học trò lên trả bài, cô run như chính cô trả bài vậy. Cô có giọng nói tuy nhỏ nhẹ nhưng có sức thu hút kỳ lạ. Cô dạy môn văn, những giờ giảng văn của cô bây giờ đã biến thành huyền thoại. Cô hay kể chuyện cổ tích và cô cũng trở thành nàng tiên trong truyện cổ tích… Tôi thích nhất là nghe cô giảng Truyện Kiều, cô thuộc Kiều vanh vách, kể đến đâu đệm thơ đến đó. Chủ nhiệm lớp tôi đến ba năm, cô kể cho chúng tôi nghe nhiều về Đức Khổng Tử, về Tam Cang Ngũ thường, về sự cấu thành Hán tự (Hồi học Cao đẳng cô có biết lom lem vài chữ Hán). Cô bảo chữ Nho là chữ của Thánh hiền, người ta học nó, dạy nó, sống với nó, thở ra nó. Cô là người rất mực bao dung, sẵn sàng tha thứ cho cậu học trò dám rảy mực lên áo dài trắng của cô. Cô là người rất giữ chữ tín, dám dốc hết lương tháng của mình bao cho cả lớp đi ăn chè vì đã hứa nếu lớp thi học kỳ trên trung bình 100%. Học trò bệnh, cô đạp xe hàng 7 cây số đến tận nhà thăm. Cô mềm mại trong cư xử, nhưng rất cứng rắn trong quyết định. Những lúc xem lời nhận xét của cô giáo bộ môn trong sổ đầu bài, nếu lớp có tinh thần học tập yếu hay đạo đức kém, thường thì cô khóc, quá lắm thì cô giận, mà đến khi cô đã giận lớp thì thôi, bỏ ăn, bỏ dạy, về nằm mãi trong phòng, đến khi cả lớp kéo đến xin lỗi và hứa khắc phục thì cô mới thôi. Phần gia đình chúng tôi, trái bắp đầu mùa, củ khoai cuối vụ, cái gì ngon cha mẹ cũng bảo đem biếu cô trước nhất.

Học hết lớp Phổ thông, tôi có duyên xuất gia vào chùa. Hơn mười năm không gặp cô, tôi đã lớn, được học hỏi thêm nhiều ở sách vở. Một chiều nọ, khi tôi đang dạy cho các vị tân xuất gia học chữ Hán, đột nhiên cô xuất hiện. Cô được chuyển về dạy ở một ngôi trường gần chùa tôi. Lâu ngày gặp lại, cô trò nói chuyện huyên thuyên, cô ngạc nhiên về kiến thức và phong cách của tôi có lớn nhiều so với cậu học trò nghịch ngợm năm nào. Cô năn nỉ tôi dạy chữ Hán, cô bảo giáo viên dạy Việt văn mà không biết chữ Hán là một điều thiếu sót đáng kể. Tôi không thể từ chối, từ đó mỗi chiều cô lại đến chùa để học cùng các chú tiểu. Trước mỗi giờ học, cô cắm một bình hoa để lên bàn tôi cùng một ly nước, với cử chỉ rất mực cung kính. Cái cảnh vừa lập nghiêm với đàn em, vừa phải hạ mình trước cô giáo cũ, tôi thấy mình rất lúng túng. Cô rất chăm học, viết chữ rất cẩn thận, có điều cô đã lớn tuổi, tiếp thu hơi chậm. Có lần tôi gọi cô lên trả bài trong Minh Tâm Bửu Giám, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”,có mấy chữ ấy mà cô viết trật lên trật xuống. chữ “bán” viết thành chữ “dương”, chữ “tự” viết thành chữ “tử”, chữ “sư” viết thành chữ “soái”. Tôi la nhẹ, thế mà cô khóc, cô xin lỗi tôi cho về nhà học bài kỹ lại. Nhìn cô khóc, tôi thổn thức cả lòng, hồn nghĩ tưởng miên man.

*****

Thưa cô, giờ ngồi đây với những hoài vọng không tên, tất cả đã trở thành kỷ niệm. Em nhớ ngày xưa cô có dạy em chữ “nhân” trong nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; Hồi ấy cô viết chữ “nhân” là người chứ không phải là lòng nhân đức, nhân từ, nghĩa là cô viết thiếu bộ “nhị”, cô dạy em chỉ có nửa  chữ “nhân” thôi, nhưng nhân phẩm và lòng thương yêu của cô thì em học cả đời không hết. Cô chỉ biết có nữa chữ nhân mà cô đã học nó, dạy nó, sống với nó và thở ra nó. Bây giờ em có dạy lại cô 1000 chữ, nhưng tất cả chỉ là chữ nghĩa, em chưa thở ra được cái hương vị thanh cao của chữ nghĩa Thánh hiền, thì 1000 chữ của em không dám đổi nửa chữ “nhân” mà cô đã truyền lại cho em. Thưa cô! Nơi em ngồi đây có đầy đủ tiện nghi, chỉ cần bấm nút là bao nhiêu kiến thức phổ thông có thể hiện lên màn hình vi tính, chỉ cần nhấc điện thoại lên là biết đủ mọi thông tin, nhưng nửa chữ “nhân” của cô – nửa chữ mà cô cắt nghĩa rành rọt trong những ngày tháng bé bỏng của cuộc đời em, trọn đời chắc chi em học hết. Một chữ cũng là thầy, nữa chữ cũng là thầy, cô mãi mãi là người thầy khả kính của em, phải vậy không thưa cô?

Thích Đạo Thắng


Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại