Vĩnh Minh Tự Viện

Thursday, Apr 25th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Tuổi Trẻ Những Ánh Đèn Lòng

Những Ánh Đèn Lòng

Email In PDF

Nhớ những mùa trung thu thuở bé, tôi cứ thích mê khi nhìn thấy những đứa trẻ trong xóm được ba mẹ mua cho những chiếc lồng đèn đầy màu sắc. Lúc ấy, những chiếc lồng đèn chạy pin đủ mọi hình dạng, màu sắc, có nhạc còn mới mẻ lắm, đứa con nít nào cũng muốn có một cái như vậy cả. Còn nhớ lúc ấy, cô bé nhà hàng xóm được mẹ mua cho một chiếc lồng đèn rất đẹp. Cô bé ấy thích thú cầm đi khoe khắp nơi, chiếc lồng đèn xoay đều phát ra đủ thứ màu sắc trong bóng tối cùng một giai điệu vui vui ngân nga vang lên làm tôi không sao rời mắt khỏi nó. Tôi cứ đứng mãi bên khung cửa sổ với những chấn song gỗ mà nhìn mãi không muốn rời đi, cho đến khi ông nội đến bên cạnh giục tôi đi ngủ.

Với những đứa trẻ bình thường việc năn nỉ, xin xỏ ba mẹ mua cho một cái cũng được thôi chẳng có gì khó khăn cho lắm. Nhưng với tôi, thì không được dễ dàng như vậy vì hoàn cảnh lúc ấy cũng không được đầy đủ như bây giờ và ba mẹ tôi lúc ấy lại đi làm xa ở tận Hà Nội.

Tôi phải sống với ông nội trong một thời gian khá dài, thỉnh thoảng ba mẹ lại viết thư về hỏi thăm tôi và ông nội, thỉnh thoảng ba mẹ lại gởi về một ít tiền. Ông nội tôi thì đã già, ông sống rất tiết kiệm, tiết kiệm đến nỗi ông chưa bao giờ tiêu một đồng tiền nào vào những việc không cấp thiết. Vì vậy trung thu với tôi chỉ là đứng hóng tiếng trống múa lân từ xa và nhìn những đứa trẻ khác cầm lồng đèn chạy tung tăng khắp xóm.

Khi trăng tháng tám gần tròn ông nội dắt tay tôi về quê. Ừ thì về quê cũng được thôi, cứ mỗi ngày giỗ quả tôi vẫn thường theo ông nội đi về mà, nhưng lần này tôi khóc. Tôi khóc ré lên nằng nặc không chịu về quê mặc cho ông nội hết dỗ dành rồi lại tét vào mông.

Tôi không muốn về, về quê thì có gì chứ? Về quê tôi sẽ không được nhìn thấy những chiếc lồng đèn pin đẹp đẽ ấy nữa, về quê tôi sẽ không còn được nhìn thấy những chiếc đầu lân với đôi mắt nhấp nháy đèn. Những thứ lung linh đầy màu sắc ấy đã ám ảnh tôi thật rồi.

“Về quê với nội đi, về quê có nhiều thứ vui hơn ở đây nhiều.” Nội ngồi xuống bên cạnh tôi khi tôi ngồi ở cửa sổ để nhìn qua nhà bên cạnh như mọi ngày. Có lẽ nội biết tôi muốn thứ gì, nhưng với nội dành tiền cho những ngày đau ốm quan trọng hơn rất nhiều so với những mong muốn trẻ nít của tôi. Tôi gật đầu theo nội về quê.

Trung thu ở quê chẳng rộn ràng màu sắc như ở thành phố, ít ra là tôi nghĩ thế. Ngày tôi về hai đứa em con chú của tôi vẫn bình thường sáng dắt bò đi cắm, trưa thì dắt về chứ chẳng như những đứa trẻ thành phố cứ suốt ngày cầm lồng đèn mà nhảnh nhót. Tôi ngồi ru rú ở nhà một cách buồn chán, hết thở dài đếm vòng quay của kim dây thì đến ôm gối nằm ngủ một mình.

Khi tôi thức dậy cũng đã ba giờ chiều, hai đứa em và đám bạn của chúng cũng đã dắt bò về chuồng. Tôi dụi mắt nhìn quanh mà chẳng thấy chúng đâu cả, chỉ nghe thấy tiếng nói chuyện thì thầm và tiếng cười rúc rích thỉnh thoảng vang lên ở phía vườn sau nhà. Tôi túm lại mớ tóc dài của mình buột gọn vào rồi đi rón rén ra phía sau vườn về phía những tiếng nói ấy phát ra… (tính ra thì ngay từ nhỏ đã không kìm được tính nhiều chuyện của mình rồi. ^^)

Và những gì tôi nhìn thấy khiến tôi ngạc nhiên đến tròn mắt. Ở một góc vườn, dưới tán cây bưởi sum suê một đám trẻ sàng sàng tuổi tôi đang túm năm tụm ba vót tre và rọc giấy. Những bàn tay nhỏ nhỏ lấm lem cầm những con dao bén ngót, to hơn bàn tay chúng rất nhiều đang vụng về vót mỏng từng thanh tre nhỏ. Những tấm giấy báo, giấy vở, những tấm giấy bồi, những tấm giấy kính màu xanh đỏ mà khi nhận phần thưởng cuối năm chúng để dành và cất lại. Những chai keo chỉ còn lại chút đỉnh hay một chén hồ được làm từ bột nếp hoặc một chén cơm nguội được nghiền ra. Tất tần tật những thứ đó đều đang được trải qua một quá trình biến đổi để trở thành những món đồ chơi trong dịp trung thu. Tôi cứ đứng tần ngần ở đấy một lúc lâu cho đến khi Phú – thằng em họ lớn hơn tôi năm tuổi vẫy tay ngoắc tôi lại.

Nhìn những đứa trẻ bằng tuổi mình vừa làm đồ chơi vừa cười nói vui vẻ mà tôi thầm nghĩ, không biết cô bé cạnh nhà có chiếc lồng đèn pin có vui như thế này hay không nhỉ?

Cả buổi chiều loay hoay cuối cùng cũng xong, bọn chúng tôi làm được một chiếc đầu lân cũng khá lớn (vừa đủ chui lọt cái đầu bé tẹo của tôi là cùng.), một loạt đèn ông sao, đèn bươm bướm bằng giấy và tre, những chiếc lồng đèn treo bằng những vỏ hộp nhựa được đục hàng chục lổ trên thân, và còn vô số nào là đèn trời. Tôi cũng làm được một chiếc đèn trời nhé, mặc dù trông nó méo xẹo, xấu xí không thể tả…

Bọn chúng tôi chụm đầu bàn tán một hồi lâu rồi ai về nhà nấy. Bữa tối hôm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi không ngồi nhơi nhơi bữa cơm của mình như thường lệ, tôi cố gắng ăn thật nhanh, nhanh đến nỗi nghẹn đến đỏ cả mặt khiến cho cả nhà cứ ngạc nhiên đặt ra vô số là câu hỏi.

Bảy giờ rưỡi tối, khi giờ hẹn gần tới, thằng Phú cứ nhóng người nhìn mãi ra cổng cho đến khi có một ánh nến thấp thoáng từ đàng xa ra hiệu cho bọn nhóc chúng tôi tập họp. Ba đứa chúng tôi gồm tôi, bé Bù và thằng Phú cùng một lượt phóng ra khỏi nhà, để lại sau lưng những lời dặn dò của gia đình mà chỉ ậm ờ cho qua. Trước khi đi ra tới cổng tôi có thoáng nghe thấy ông nội khẽ cười vui vẻ.

“Con nít là phải biết những thứ như thế này chứ… Khà, khà.”

Bãi cỏ mà bọn trẻ con ở đây thường xuyên cắm cọc cho bò ăn, tối nay rất đông, dường như tất cả những đứa trẻ trong thôn đều tụ tập ở đây hết vậy. Bãi cỏ rộng, những ngọn cỏ mát rượi sương đêm cọ vào lòng bàn chân nhồn nhột. Xa xa trên bầu trời đêm là ông trăng khổng lồ, lớn hơn rất nhiều so với cái mặt trăng bé xíu mà tôi vẫn thường thấy ở nhà.

Bãi cỏ mênh mông lộng gió được mặt trăng tưới lên một thứ ánh sáng bàn bạc huyền ảo. Thằng Phú em tôi và những đứa trẻ lớn nhất trong đám bắt đầu tụ tập lại đốt lửa. Một đám lửa nhỏ bùng lên, những đứa trẻ khác chia nhau những mẫu nến cỏn con lấy được ở nhà châm vào ngọn lửa lớn rồi cắm vào những chiếc lồng đèn mà lúc chiều đã cùng nhau tự làm.

Những chiếc lồng đèn đơn giản được thắp lên chỉ tỏa ra một thứ ánh sáng vàng mật nhưng mộc mạc và đẹp hơn rất nhiều so với những ánh đèn bất động giả tạo mà tôi vẫn hay mơ tới. Những chiếc đầu lân vẫn còn nguyên màu giấy báo được những thằng con trai chuyền tay nhau rồi thay nhau nhảy nhót, tiếng cười giòn giã lại cất lên. Khi những chiếc đèn trời đươc đem ra, những ngọn lửa được thắp lên, chiếc đèn căng dần căng dần rồi nhẹ bổng lên, chẳng mấy chốc bầu trời đêm đã sáng rực ánh đèn lung linh huyền ảo.

Tôi ngước mắt nhìn những chiếc lồng đèn lấp lánh trên bầu trời như những vì sao sáng rực mà không khỏi há hốc mồm ngạc nhiên rồi hét lên vì hào hứng. Thậm chí, chiếc lồng đèn méo mó của tôi lúc này cũng đã hòa mình biến thành một trong những ngôi sao trên bầu trời cao rộng kia mất rồi. Tôi khẽ khép mắt, dư ảnh của những ánh sáng kia còn lưu lại trong tâm trí tôi rất lâu, rất lâu cho đến mãi về sau này… Tiếng cười vui vẻ, tiếng hát rộn ràng vang lên trong một đêm mùa thu trong trẻo.

Sau này khi ba mẹ trở về, ước mơ của tôi cuối cùng cũng thành hiện thực. Trung thu năm sau đó tôi được ba mẹ mua cho một chiếc lồng đèn chạy pin xoay tít và biết hát.

Nhưng thật không hiểu sao ánh đèn này không còn ám ảnh tôi như trước nữa. Đến lúc nhắm mắt lại trong tâm trí tôi lại chỉ hiện lên khung cảnh bao la rộng rãi, những chiếc đèn giấy thô sơ, những ánh đèn trời rực sáng, ấm áp.

Ánh sáng mộc mạc đó đã chiếm toàn bộ tâm trí tôi, có lẽ ánh sáng đó đã thay thế cho ánh đèn pin lạnh lẽo này mà ám ảnh tôi thật rồi.


**********

Chiều nay, có chút việc đi về Quảng Nam, tôi tạt ngang qua Hội An cổ kính rồi đứng tần ngần một lúc lâu trước một cửa hiệu bán đèn lồng. Đưa tay lựa vài chiếc lồng đèn bằng khung gỗ cao cấp, được bọc lụa với những hoa văn, họa tiết sang trọng mà tôi khẽ cười. Con người càng lớn, càng thành đạt thì những chiếc lồng đèn của họ càng cao cấp, càng thể hiện khả năng tài chính của mình. Bây giờ đâu còn nhìn thấy những chiếc lồng đèn làm từ giấy bồi như xưa nữa đâu.

Nhìn những chiếc lồng đèn lụa ấy được treo lên cao, ánh đèn led vàng nhạt đứng sựng, không nhấp nháy lập lòe như ánh nến mà lòng tôi bỗng thấy hụt hẫng tiếc nuối một đoạn kí ức trẻ thơ đã qua.

Đèn lồng lúc này thật đẹp, thật lớn, thật cầu kì nhưng ánh sáng của nó đã lạnh lẽo quá rồi!!!

Sưu Tầm


Thêm bình luận mới


Mã bảo vệ
Tạo lại