Ngày còn nhỏ, một tay chị bồng bế, chăm bẵm em. Ngày ấy chị vừa phải giúp ba mẹ làm việc nhà, vừa phải chăm em. Từ cái quần tã của em, chị cũng giặt, mà khi giặt thì mẹ dặn không được vò, không được vắt vì người ta nói nếu vò và vắt nhiều, con nít tối ngủ sẽ bị giật mình và quấy khóc.
Rồi chị lớn lên, cũng những tháng tháng, ngày ngày toan lo bận bịu quán xuyến nhà cửa. Thiếu thốn đủ điều, chị cũng chỉ biết lẳng lặng, cam chịu, nhìn xuống mà không dám nhìn lên hay đòi hỏi gì vì chị biết nhà mình còn nhiều khó khăn, các em còn nhỏ.
Không biết tự lúc nào, chị đã tự gán cho mình trách nhiệm phải đỡ đần việc nuôi dạy các em với ba mẹ. Có lần ngoại vô thăm, thấy chị lấm lem than bếp, ngoại rơi nước mắt nói: “Bà bếp của ngoại, sao có bao tuổi đầu mà cực nhọc thế này?”. Ngoại thương chị nhiều, và chị cũng thương ngoại nhiều.
Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần vào thăm cháu, ngoại luôn luôn ghé chợ mua cho mấy chị em nào là bánh men, bánh con sâu… Và cho đến giờ, khi miếng bánh tan chảy trong miệng của đứa cháu gần 30 tuổi của ngoại, con vẫn cảm nhận được vị ngọt ngào và ngon lành, như tình thương của ngoại dành cho tụi con vậy.
Chị và em thường về chơi với ngoại, chị hay gội đầu cho ngoại, còn em thì bóp chân cho ngoại. Ngoại kể cho chị nghe những câu chuyện dài thuở thiếu thời của ngoại, thời ngoại có chồng và nuôi dạy các dì, các cậu. Ba bà cháu thường quay quần bên mâm cơm thật ngon. Ngoại dạy chị nấu. Trước khi về ngoại thường hôn em, tựa cửa nhìn hai chị em khuất dạng rồi mới bước vào nhà. Thấy mà thương ngoại quá chừng.
Mẹ giận ngoại, không về thăm ngoại, ngoại biên thư cho thằng cháu cầm vào cho mẹ mà không quên gửi kèm mấy trái ổi vườn, mấy bịch mứt gừng, mứt khế ngoại tự làm cho mấy đứa cháu. Ngoại đông con nhưng sống một mình. Sớm tối vào ra cùng nỗi lo về sự bất hạnh và mạnh lành của con cháu mình. Rồi một ngày, nghe tin ngoại mất, em và chị nhìn nhau, hơi thở chừng như thắt lại - đó là một ngày tháng Tư, có mưa buồn rả rích… Và Ngoại đã mãi mãi ra đi…
***
Bài đã đăng: Ngày tháng nào của mẹ? ll Viết cho mẹ ll
18 tuổi, nghe ba mẹ nói sẽ cho chị thôi học, đi học nghề may rồi lấy chồng. Chị hoang mang và xin ba mẹ cho chị được đi học tiếp, chị học về sẽ giúp ba mẹ lo cho các em. Ngày chị xách giỏ lên Sài Gòn trọ học, em thấy sợ vô cùng, đơn giản là em sợ người chị hiền lành bị người ta ăn hiếp, bắt nạt.
Rồi chị ra trường đi làm; với chị quãng thời gian một mình đi học và kiếm sống nơi đất khách là những tháng ngày chị thấm thía thế nào là tình đời, thế nào là ý nghĩa của cuộc sống. Làm sao quên được những tờ 50, 100 ngàn chị cho em những khi về thăm nhà; em cầm tiền mà xót xa chừng nào vì em biết chị trên đó cũng đâu dư giả gì…
Năm 18 tuổi, em lần đầu đặt chân lên Sài Gòn. Món ăn đầu tiên mà chị chở em đi ăn là món bột chiên và chè Mỹ. Có lẽ, cả đời này, em không quên được mấy ngày hè năm đó, khi em biết chị thiếu thế nào mà vẫn muốn cho em cái này, cái kia. Và bây giờ, mỗi khi thấy buồn, em lại tìm một quán bột chiên nào đó, để mong được ăn lại cái vị bột chiên thuở hàn vi của hai chị em.
Ngày nghe tin em đậu đại học, chị mừng đến không nói nên lời. Rồi em lên Sài Gòn sống với chị, thực hiện ước mơ của em và cũng là của chị. Chị dạy em sống tự lập ngay trong sự bảo bọc và yêu thương của chị. Chị dạy em nấu ăn để không lo bị đói khi phải sống một mình, chị dạy em về ý nghĩa của hai chữ trách nhiệm, chị dạy em cách sống dung hòa với những người xung quanh… Tất cả và tất cả: chị là một người thầy lớn trong cuộc đời của em.
Em ra trường và đi làm. Bao lo lắng và bất an trong công việc của em, chị dường như thấu rõ. Chị không làm thay em việc gì cả, nhưng chị đã cho em những lựa chọn, những đắn đo để em quyết định đúng đắn hơn.
Là con người tự chủ trong cuộc sống với những niềm riêng của mình, em đã nhiều lần muốn, và rất muốn sống xa chị, vì em khao khát mình được “tự do như một cánh chim bằng”, và vì em đã lớn. Chị không cản trở ước muốn đó nhưng em mãi không quên lời chị: “Chị tin rằng chị em mình có nhân duyên lớn mới có thể hiểu và sống cùng nhau đến tận ngày hôm nay, và ngày nào còn có thể sống chung thì hãy sống hết lòng với nhau”. Là một diễm phúc lớn lao khi chị và em được sống cùng với nhau.
Hạnh phúc của chị, giản đơn như chính ước vọng của chị giữa cuộc đời này: tự tại. Đó là sự tự tại tươi mát khi không phải dính mắc vào tiền tài danh lợi, khi không phải đeo mang những lụy phiền, ưu tư và bất lực của người đời. Chị đang sống lặng lẽ, lặng lẽ trong sự tĩnh lặng như con người và tâm hồn chị vậy...
Chị là thế. Có lẽ quãng đời đã qua, chị chưa ngày nào là sống cho riêng mình cả. Cuộc sống đã làm chị đa đoan và can trường hơn những người phụ nữ đồng tuổi khác. Tôi chưa làm được gì cho chị, và em biết rằng chị chỉ cần an vui cho những người chị yêu thương thôi, có cảnh khó, cảnh khổ nào mà chị chưa qua. Chị có lần nói, nếu một người chỉ biết nghĩ, biết sống cho mình thôi thì người đó sẽ chẳng bao giờ có được niềm vui và hạnh phúc thật sự. Vâng, chị là thế. Giả một ngày tôi bước đi trên con đường khác thì trong tâm khảm tôi: Chị, chị mãi mãi là chị, một người chị khả kính và đáng quý biết nhường nào.
Vâng, chị là thế... Có lẽ những giới hạn của ngôn ngữ không thể giúp tôi bày tỏ hết lòng mình nhưng tôi biết, chị biết: “Lời nói đẹp và ngọt ngào nhất là những lời còn giữ lại trong tim” - trong tim của tôi và của chị...