Trong cuộc sống, ai trong chúng ta cũng đều mong ước có được hạnh phúc như: có vợ có chồng, có đủ tiền bạc sinh sống, gia đình hòa thuận, bệnh tật tiêu trừ, hoặc tâm hồn được nhẹ nhàng, thanh thản,… Vậy hạnh phúc là gì? Xin đưa ra hai ý kiến dưới đây để chúng ta cùng tìm hiểu:
Thứ nhất, “hạnh phúc là được yêu khi trẻ, toại chí khi đứng tuổi, thừa sinh lực lúc tuổi già và có tiền ở mọi lứa tuổi”.
“Được yêu khi trẻ”: lúc nhỏ, chúng ta được cha mẹ chăm sóc, ẵm bồng, nâng niu, chiều chuộng, lớn lên được vợ hoặc chồng thương yêu, quý trọng.
“Toại chí khi đứng tuổi”: thường là sự toại nguyện trong học vấn, tình yêu, công danh, sự nghiệp. Đứng tuổi có thể là ba mươi tuổi. Khi đó, về học vấn, chúng ta đã là tiến sĩ, hoặc bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư… Về tình yêu, đã có gia đình, có con, sống hạnh phúc. Về công danh, đã có địa vị trong xã hội: làm chủ tịch, giám đốc… Về sự nghiệp, đã có những tài sản như nhà cửa, tiền bạc, ruộng vườn v.v…
“Thừa sinh lực lúc tuổi già”: là chúng ta sống thọ mà không bệnh tật, mắt còn thấy, tai còn nghe, còn ăn uống, đi lại được, tinh thần còn minh mẫn, sáng suốt. Nếu không được như vậy thì chỉ “đa thọ đa nhục”, không phải là hạnh phúc.
“Có tiền ở mọi lứa tuổi”: lúc nhỏ được cha mẹ nuôi nấng, đáp ứng mọi nhu cầu về ăn, mặc, vui chơi,… lớn lên được thừa hưởng tài sản của cha mẹ, về già, được con cháu chu cấp hoặc có tiền hưu để sống.
Thứ hai, “hạnh phúc là tùy theo sự tưởng tượng của mỗi người”. Ý kiến này rất hay và tương đối hoàn chỉnh, chính xác. Chẳng hạn, một anh đạp xích lô cả ngày kiếm được 50.000đ, anh cảm thấy rất vui vì thường ngày anh chỉ kiếm được 20.000 – 30000đ, cũng cùng số tiền kiếm được đó, anh đi buôn lại cảm thấy buồn vì hằng ngày anh kiếm được 100.000 – 200.000đ.
Trường hợp khác, trong một ngôi chùa, có hai chú tiểu được thầy trụ trì giao nhiệm vụ thay phiên nhau chăm sóc một thầy bị bệnh. Chú thứ nhất cảm thấy rất sung sướng, xem đây là cơ hội để phục vụ, đem lại niềm vui cho người bệnh, cũng là để tạo phước. Chú nghĩ đem niềm vui cho người bệnh cũng là đem lại niềm vui cho chính mình, nên dù dơ bẩn chú cũng không than phiền, chú làm rất hoan hỷ. Còn chú tiểu kia nghĩ rằng mình “bị” làm công việc đó, phải tiếp xúc với những dơ bẩn của người bệnh nên rất khó chịu, đau khổ, chú làm không hoan hỷ. Như vậy, hạnh phúc không ở bên ngoài mà ở nhận thức chủ quan của mỗi người, cùng một trường hợp nuôi người bệnh nhưng một chú cảm thấy hạnh phúc, còn một chú thì rất khó chịu, đau khổ.
Trên đây là hai ý kiến của cá nhân về hạnh phúc. Riêng tôi cho rằng hạnh phúc có bốn trường hợp: khi được thỏa mãn ngũ dục lục trần, khi thoát khỏi đau khổ, khi làm các điều thiện, khi biết buông xả.
1. Hạnh phúc khi được thỏa mãn ngũ dục, lục trần:
- Thỏa mãn về ngũ dục:
Trong cuộc sống, con người thường có xu hướng tìm hạnh phúc bằng sự thỏa mãn nơi ngũ dục: tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kĩ.
Về tiền tài: có tiền được xem là một hạnh phúc, bởi có tiền sẽ có của cải, vật chất như nhà cửa, ruộng vườn, xe hơi, nhà lầu…
Về sắc đẹp: tự mình có sắc đẹp, có một mái ấm gia đình hạnh phúc với người vợ hoặc người chồng xinh đẹp, sống hòa thuận, êm ấm đến già, là một hạnh phúc lớn của đời người.
Về danh lợi: ngoài tiền tài, sắc đẹp, con người còn mong cầu có địa vị trong xã hội như được làm Chủ tịch, Giám đốc… vì có địa vị sẽ được mọi người kính nể, coi trọng và kèm theo đó là lợi lộc.
Về ăn: Khi thèm một món gì đó mà được thỏa mãn khẩu vị, chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Cho nên, ăn là một điều bình thường, nhưng đôi khi cũng là một hạnh phúc.
Về ngủ: Nếu chúng ta mệt mỏi, thiếu ngủ mà được ngủ một giấc đẫy đà, cũng là một hạnh phúc.
Khi thỏa mãn được năm thứ đó chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Và thường người ta rất khổ cực để đi tìm: tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn ngon, ngủ kĩ. Nhiều người cả đời chỉ tìm kiếm có bấy nhiêu thôi.
- Thỏa mãn về lục trần:
Lục trần là sáu thứ bên ngoài gồm: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Đây cũng là những thứ chúng ta tìm cầu và cho là hạnh phúc.
Sắc là đối tượng của mắt. Khi thấy sắc, mắt chúng ta phân biệt người này đẹp, người kia xấu. Khi thương một ai đó, chúng ta thường muốn được nhìn mặt họ, nhìn được rồi, cảm thấy rất sung sướng, hạnh phúc. Chẳng hạn, nhiều người rất thích nhìn mặt ca sĩ mình ái mộ ở ngoài đời, dù đã xem họ hát trên tivi rất nhiều lần. Nên khi nghe ca sĩ về hát ở vùng quê, người dân thường kéo đến xem rất đông. Ngay như Phật tử, nếu có tâm thành kính đối với một bậc chân tu, dù vị đó ở trong hang, trên núi hay một nơi xa xôi hẻo lánh nào đó, thì cũng cố tìm đến tận nơi để chiêm ngưỡng, đảnh lễ cho bằng được, nhìn được vị ấy rồi, mình cảm thấy rất an lạc, hạnh phúc.
Về thinh. Thinh là tiếng. Đối tượng của tiếng là lỗ tai. Khi nghe lời nói êm dịu của người mình thương, chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc.
Về hương. Hương là mùi thơm. Đối tượng của mùi thơm là lỗ mũi. Khi thương người nào đó, họ xức nước thơm mình cũng thấy ghiền. Không những ghiền mùi nước thơm người đó xức mà có thể ghiền cả mùi hôi. Tục ngữ có câu: “Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”. Người mình thương đi đâu lâu quá không được ngửi mùi hôi mình cảm thấy nhớ, khi ngửi được mùi hôi thì cảm thấy hạnh phúc. Đây là sự thật.
Về vị. Vị là mùi vị, là những thứ chúng ta tiếp xúc được bằng miệng như: món ăn, thức uống. Trong cuộc sống, những món ăn đặc biệt, ngon, hiếm quý, thường được gọi là sơn hào, hải vị. Sơn hào là thức ăn quý lấy từ trên núi, hải vị là thức ăn quý lấy từ dưới biển. Những món ăn đặc sắc đó người bình thường không đủ tiền để mua ăn, mình được ăn, cũng là một hạnh phúc.
Về xúc. Xúc có nghĩa là chạm. Đối tượng của xúc là thân. Khi chúng ta thương một người nào đó mà được nắm tay hoặc được hôn, cũng là hạnh phúc.
Về pháp. Đối tượng của pháp là ý. Pháp là những thứ hiện hữu trên cuộc đời. Như khi chúng ta suy nghĩ, tưởng tượng ngày mai mình sẽ có xe hơi, nhà lầu hoặc lấy được chồng Đài Loan, sống hạnh phúc nơi thiên đường giàu có. Trong lúc mơ tưởng đó, chúng ta cảm thấy hạnh phúc.
Như vậy lục trần cũng là một thứ hạnh phúc. Đối tượng của lục trần là sáu căn Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý. Sáu căn của mình tìm cầu thỏa mãn ở sáu trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Khi sáu căn của chúng ta thỏa mãn sáu trần là hạnh phúc.
2. Hạnh phúc khi thoát khỏi đau khổ.
Trong cuộc sống, khi gặp những cảnh đau khổ, khó khăn mà vượt qua được, chúng ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Như có người bị ung thư rất đau đớn, khổ sở nhưng khi được ai đó chỉ cho phương thuốc gia truyền uống vào hết bệnh, hết đau người đó sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Hoặc khi chúng ta nghèo khổ, thiếu thốn, nếu được trúng số hay có người giúp đỡ làm ăn, có tài sản, tiền của, được thoát nghèo, cũng là một hạnh phúc.
Thông thường ai cũng có cặp mắt để nhìn, nhưng ít khi chúng ta thấy đó hạnh phúc, chỉ khi nào mắt kéo mây không thấy đường, chúng ta mới biết có cặp mắt sáng là một hạnh phúc. Khi không thấy đường, chỉ thấy một mảng tối tăm, chúng ta cảm thấy rất đau khổ. Được bác sĩ giải phẫu mắt, nhìn thấy được bầu trời, mây bay, người thân,… chúng ta cảm thấy rất hạnh phúc.
Khi chúng ta đói cũng vậy, nếu được ăn cũng là một hạnh phúc. Năm nay là năm Ất Dậu, cách đây 60 năm về trước cũng là năm Ất Dậu (1945). Theo thống kê, năm đó ở miền Bắc có hai triệu người chết đói. Những người đói, sắp chết như vậy mà được ăn thì sẽ hạnh phúc vô cùng.
Như vậy, khi đau khổ mà được thoát khổ, là một điều hạnh phúc.
3. Hạnh phúc khi làm điều thiện.
Khi mang hạnh phúc đến cho người khác, chúng ta cũng cảm thấy hạnh phúc vì hạnh phúc của người cũng chính là hạnh phúc của mình. Do đó, nhiều người rất thích đi làm từ thiện và xem đó là một hạnh phúc. Như có cặp vợ chồng không hòa thuận, chúng ta góp lời khiến họ vui vẻ, hòa hợp trở lại. Thấy người dân ở những vùng quê nghèo phải lặn lội đi lấy nước rất xa và cực khổ, chúng ta phát tâm khoan giếng nước giúp họ. Thấy cây cầu tre ở nhiều vùng quê nhỏ được đóng cọc rất sơ sài, nhiều người đi qua có thể gặp nguy hiểm, chúng ta làm cầu đúc để họ đi lại được an toàn. Hoặc nhìn những em học sinh nghèo không có phương tiện đi học, chúng ta giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em được cắp sách đến trường… Khi làm được những việc đó, trong lòng chúng ta cảm thấy rất hạnh phúc.
Có câu chuyện hai vợ chồng và bốn đứa con nhỏ đi nghỉ mát và tắm biển. Hai vợ chồng nằm nghỉ trên ghế bố, bốn đứa con ngồi chơi cách họ 10 thước. Lúc đó, có một bà già từ xa đi tới, áo quần sơ sài, mặt mày khắc khổ, trên tay cầm bao ni lông, thỉnh thoảng bà cúi xuống lượm vật gì đó bỏ vào bao. Thấy bà già đang đi về phía những đứa con của mình, hai vợ chồng sinh nghi nghĩ bà đến xin tiền hoặc làm điều gì không trong sáng, liền đến dặn bọn trẻ: “Nè con, khi bà già kia đến nói chuyện, mấy đứa không được trả lời, không được nghe lời bà đó nghe không!”. Nói rồi hai vợ chồng trở lại ghế bố ngồi. Một lát bà già đi lại gần chỗ mấy đứa trẻ và lượm một cái gì đó bỏ vào bao, bà nhìn bọn trẻ cười nhưng không nói gì, mấy đứa nhỏ không dám nhìn bà, cũng im lặng. Lát sau hai vợ chồng và bốn đứa con lên quán nước trên bãi biển uống nước và hỏi thăm chủ quán. Họ hỏi: “Bà già lúc nãy đi dọc bờ biển thỉnh thoảng cúi xuống lượm một cái gì đó, bà già đi như vậy là như thế nào?”. Ông chủ quán nói: “Bà già này rất dễ thương. Trước đây, bà có một đứa cháu ngoại cũng tắm trên bãi biển này vô tình đạp phải mảnh chai, sau đó bị nhiễm trùng uốn ván và chết. Từ khi cháu bà chết, bà phát tâm ngày nào cũng ra biển lượm những mảnh chai, đinh, hay bất cứ cái gì sắc nhọn, có ai hỏi bà lượm những thứ đó làm gì thì bà nói: “Tôi lượm những thứ này để cho các cháu khi ra bờ biển chơi không đạp phải những mảnh chai và bị chết đau khổ như cháu của tôi. Nên mỗi ngày tôi phải đi lượm để cho các cháu được vui”. Khi đó, hai vợ chồng mới cảm thấy hối hận, muốn chạy đến xin lỗi nhưng bà đã đi xa rồi.
Như vậy, khi làm điều thiện, mang lại hạnh phúc cho người khác, cũng là một điều hạnh phúc.
4. Hạnh phúc khi biết buông xả
Buông xả nghĩa là không nắm giữ. Chỉ những ai có nhận thức sâu sắc và ý chí cao thượng mới có thể thực hiện được hạnh phúc này. Đó là nhận thức về thế gian vô thường, thân người vô ngã, tất cả mọi thứ đều là huyễn, đều do duyên sinh mà thành. Do nhận thức được như vậy, nên đối với họ, mọi sự thịnh suy, thành mất, hợp tan trên cuộc đời đều không quan trọng, họ biết buông xả, không bị vật chất thế gian làm đắm nhiễm. Nhờ đó họ có hạnh phúc.
Có một câu chuyện rất hay về hạnh phúc buông xả. Vào thời đức Phật còn tại thế, một tối nọ, trong giờ thiền tọa, một thầy tên là Baddhiya trong lúc đang ngồi thiền đột nhiên lại thốt lên:
- Ôi hạnh phúc ! Ôi hạnh phúc!
Khi đó, các thầy cùng thiền tọa đều nghe được. Sáng hôm sau, có một thầy lên bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, tối qua trong giờ thiền tọa con có nghe thầy Baddhiya thốt lên: “Ôi hạnh phúc ! Ôi hạnh phúc !”. Con nghĩ rằng trước đây Baddhiya là một người giàu có, cho nên bây giờ thầy ấy còn mơ tưởng đến cuộc sống quá khứ, không chịu được sự tu tập khổ hạnh nên mới thốt lên như vậy. Xin Thế Tôn mời thầy ấy lên hỏi xem có đúng như vậy không?
Trưa hôm đó, sau giờ thọ trai, đại chúng ngồi đầy đủ, khi đó đức Phật gọi Baddhiya lại và hỏi:
- Này Ba-đi-da, có phải tối qua trong giờ thiền tọa, thầy thốt lên “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc!” hay không?
Baddhiya thưa:
- Bạch Thế Tôn! Quả là con có thốt lên như vậy.
Đức Phật hỏi:
- Vì sao, thầy hãy trình bày cho đại chúng cùng nghe?
Baddhiya trả lời:
- Bạch Thế Tôn, trước đây con là quan Tổng trấn, sống một cuộc đời rất giàu có sung sướng, dinh thự con luôn có lính canh gác, khi ra ngoài luôn có lính theo hộ tống. Dù sống sung sướng đầy đủ vật chất như vậy nhưng lúc nào con cũng cảm thấy bất an, luôn lo sợ bị người ta ám sát. Từ khi xuất gia theo Phật, con sống thảnh thơi như con nai rừng, con không sợ ai, không sợ mất gì mà cũng không có gì để mất. Con thấy sung sướng, hạnh phúc quá nên đêm qua không kềm lòng được, con đã thốt lên: “Ôi hạnh phúc! Ôi hạnh phúc!” làm động chúng, con xin sám hối.
Đức Phật tán thán:
- Này Ba-đi-da, thầy đang bước những bước vững chãi trên con đường giải thoát, thầy đã tìm được an lạc, hạnh phúc thật sự trong cuộc sống. Ta mong thầy sẽ tiếp tục đạt được những kết quả trong thời gian tu tập sắp tới.
Như vậy, hạnh phúc không ở bên ngoài, mà ở chính chúng ta. Nếu biết buông xả, biết đủ, chúng ta sẽ có được hạnh phúc. “Vài người có thật nhiều mà vẫn còn ham muốn. Tôi có ít nhưng cảm thấy đủ, chính họ nghèo dù tiền rừng bạc biển. Chính tôi giàu tuy túi rỗng không” (Edward Dyer). Có nhiều nhưng thấy chưa đủ thì vẫn khổ vẫn thiếu, còn nghèo mà thấy đủ thì vẫn giàu, vẫn hạnh phúc.
Qua bốn hạnh phúc kể trên, chúng ta cùng xem xét lại đâu là hạnh phúc chân thật bền vững, đâu chỉ là hạnh phúc hư dối, tạm thời.
Thứ nhất, hạnh phúc khi thỏa mãn ngũ dục, lục trần. Có tiền, sắc đẹp, địa vị… là một hạnh phúc, nhưng nếu chẳng may gia sản phá tán, vợ chồng chia tay, địa vị không còn,… khi đó chúng ta cũng không còn hạnh phúc. Như vậy, hạnh phúc có được bằng sự tìm cầu, thỏa mãn vật chất là không bền chắc, vì khi được chúng ta hạnh phúc, khi mất chúng ta đau khổ.
Thứ hai, hạnh phúc khi thoát khỏi đau khổ. Khi chúng ta nghèo khổ, túng thiếu, mà được trúng số, có nhiều tiền, nhiều tài sản, khi đó chúng ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc, nhưng nếu chẳng may bị trộm mất hết gia sản, khi đó có thể chúng ta còn khổ gấp trăm ngàn lần. Vì không có thì khổ ít, có mà mất sẽ khổ nhiều hơn. Cho nên, hạnh phúc này cũng không bền chắc.
Thứ ba, hạnh phúc khi làm việc thiện. Khi làm được việc thiện, chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhưng đôi khi chính những việc đó lại làm chúng ta khổ. Điều này tôi thấy rất rõ, nhiều người rất năng nổ, tích cực làm việc thiện, được báo chí, truyền hình đưa tin ca ngợi, nhưng từ khi họ nổi tiếng thì có rất nhiều người đến xin tiền, hết người này đến người kia, khiến họ phiền não. Cho nên hạnh phúc này cũng chưa hoàn toàn, chúng ta vẫn có thể bị đau khổ.
Thứ tư, hạnh phúc khi biết buông xả. Nhiều người cho rằng hạnh phúc này chỉ những người xuất gia mới có thể làm được, như thời Phật còn tại thế, mỗi ngày các vị tu sĩ chỉ ôm bát khất thực rồi lo tu, lo hoằng truyền Phật pháp, còn người tại gia có nhiều ràng buộc như: vợ chồng, con cháu, công việc làm ăn, nhà cửa, ruộng vườn,… thì khó lòng mà buông xả được. Theo tôi nghĩ, quý Phật tử tại gia vẫn có thể thực hiện được hạnh phúc buông xả này nhưng không như cách các vị tu sĩ làm, mà buông xả bằng tâm niệm. Chẳng hạn, khi bị trộm mất hết tiền của, nếu không biết buông xả chúng ta sẽ đau khổ, có thể tự tử nhưng biết buông xả, sẽ thấy việc đó là bình thường. Bởi như Phật dạy, tiền bạc sẽ rơi vào năm nhà: vua quan, trộm cắp, nước trôi, lửa cháy, con cái phá tán, nếu không như vậy thì khi chết chúng ta cũng không mang theo được. Người tại gia nếu biết quán và hiểu được điều này, chắc chắn sẽ không quyết định đi đến cái chết khi bị đau khổ.
Khi vợ hoặc chồng chúng ta lấy người khác, nếu không biết tu, chúng ta sẽ rất buồn khổ, có thể vì đó mà làm những chuyện tội ác như tạt axit, giết người, tự tử… Biết tu rồi, chúng ta lại cảm thấy mừng vì nghĩ trước đây khi có vợ, có chồng, mình bị ràng buộc, đi đâu cũng bị kiểm soát, bây giờ chồng hay vợ lấy người khác rồi, mình được tự do, sung sướng. Hơn nữa, nếu biết quán rằng nếu bây giờ chồng hoặc vợ không bỏ, sau này chết rồi cũng bỏ. Cho nên, có cũng tốt không có cũng tốt, không phải có thì hạnh phúc, mất thì đau khổ. Khi tâm niệm được như vậy, chúng ta sẽ không đau khổ.
Muốn được như vậy, chúng ta phải nhận thức được thế gian là vô thường, thân người là giả tạm, tất cả những gì trên cuộc đời này đều là duyên sinh, có hợp thì có tan, hữu hình thì hữu hoại, khi tâm niệm được như vậy, khi chúng còn hay mất đi, chúng ta cũng không đau khổ. Càng ôm giữ nhiều, càng nặng, càng tham đắm nhiều, càng khổ, nếu chúng ta biết buông bỏ từ từ thì sẽ được hạnh phúc, ví như đang gánh nặng mà được bỏ gánh xuống sẽ được nhẹ nhàng. Vì vậy, không chỉ người xuất gia mà người tại gia cũng làm được, người xuất gia làm theo cách của người xuất gia, người tại gia làm theo cách của người tại gia.
Qua trình bày trên, tôi mong rằng mỗi người sẽ nhận thức được đâu là hạnh phúc tạm thời, đâu là hạnh phúc là chân thật, bền vững. Ai thích hạnh phúc nào thì nắm giữ hạnh phúc đó, hạnh phúc nào đưa mình đến chỗ an lạc, giải thoát thì chúng ta nên nắm giữ, hạnh phúc nào khiến chúng ta đau khổ thì không nên nắm giữ.
Chuyển từ pháp thoại của Thượng tọa Thích Chân Tính trong Khóa tu một ngày, ngày 11/02 năm Ất Dậu.
- Sóc Nhỏ
- Vài Lời Khuyên Hạnh Phúc Trong Cuộc Sống Hằng Ngày
- Ăn Trong Chánh Niệm - Sống Trong Tỉnh Thức
- Vì Yêu Mến Cuộc Sống
- Đừng Quay Đầu Lại
- Sen
- Sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử Trong Bối Cảnh Mới: Thời Cơ Và Thách Thức
- Dối Trá Căn Nguyên Phiền Não
- Bát Cơm Thanh Thản
- Mộc Bản - Những Báu Vật Vô Gá
- Về Tình Yêu Thương
- Giáo Dục Phật Giáo Có Gì Đổi Mới Hơn Thập Niên Qua ?