Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, Oct 18th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Mộc Bản - Những Báu Vật Vô Gá

Mộc Bản - Những Báu Vật Vô Gá

Email In PDF

Báo Gia đình&Xã hội Cuối tuần số 23 (ra ngày 7/6/2012) có bài viết về kho mộc bản vô giá tại chùa Vĩnh Nghiêm- Bắc Giang. Tuy nhiên tại Bắc Giang còn có một kho mộc bản nữa tại chùa Bổ Đà- xã Tiên Sơn- huyện Việt Yên. Đây thực sự là những báu vật của người xưa để lại.

 

Lối vào cổ kính của chùa Bổ Đà.

Vườn tháp độc đáo tại chùa Bổ Đà. ảnh: P.v

Chùa Bổ Đà (Tứ Ân tự) nơi được xem là chốn tổ của dòng thiền Lâm Tế - dòng Thiền có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, hàng năm kết hạ an cư, các vị tăng ni, tín đồ ở nhiều nơi về tham thiền học đạo. Chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với những ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, bởi lối kiến trúc ''nội thông ngoại bế", các tòa ngang, dãy dọc, tường bao bằng đất nện... tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng... Đặc biệt, tại đây hiện lưu giữ hơn 2.000 mộc bản khắc ngược (âm bản) bằng chữ Hán - Nôm và chữ Phạn trên gỗ thị - loại gỗ được trồng nhiều trong vùng, bởi đặc tính gỗ nhẹ, mềm, bền, dai, không bị mối mọt, cong vênh nên các vị tổ sư đã chọn làm vật liệu để đục kinh Phật. Cùng với mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, mộc bản chùa Bổ Đà được xem là một trong những bộ mộc bản cổ nhất Việt Nam.

Mộc bản chùa Bổ Đà được hình thành từ ý tưởng của các vị tổ sư muốn truyền thừa, giảng dạy đạo Phật cho thế hệ mai sau. Trong đó các bộ kinh tiêu biểu như: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy… thời gian san khắc các tấm mộc bản này sớm nhất là từ năm 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng. Trên những mộc bản đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng, nổi bật là các hình khắc Đức Phật tổ Như Lai, Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quan Thế Âm Bồ Tát, các vị La Hán…

Bộ kinh còn nói đến cõi niết bàn, vòng luân hồi chuyển kiếp của một đời người, giải thích thế nào là sự tu nhân tích đức, cõi vô vi... thể hiện những tư tưởng của Phật giáo Việt Nam. Đây là những di vật Phật học đặc biệt quý giá và độc đáo. Hiện nay, các bộ kinh vẫn khá nguyên vẹn, với hơn 2.000 bản kích thước trung bình dài 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Ngoài ra còn có những ván kinh khổ rất lớn dài 150cm, rộng 30cm. Cũng theo Đại đức Tự Tục Vinh, nếu so sánh với số lượng 3.050 tấm mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm thì mộc bản chùa Bổ Đà có phần khiêm tốn, nhưng theo xét về mặt giá trị thời gian, kỹ thuật điêu khắc, nội dung, nghệ thuật… mỗi nơi có những ý nghĩa, nét độc đáo và tầm vóc riêng.

Mang trên mình những giá trị vô giá nhưng từ lâu kho mộc bản chùa Bổ Đà chưa được quan tâm nghiên cứu, bảo quản trong điều kiện tốt nhất có thể. Hiện nay kho mộc bản tại chùa Bổ Đà được cất giữ tại gian phòng phía sau chùa, tuy nhiên, ở đó môi trường ẩm mốc lại không được bảo vệ ngặt, vì vậy tình trạng thất lạc, hư hỏng là điều khó tránh khỏi. Các chuyên gia lĩnh vực ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, khoa học cần tập trung nghiên cứu, đánh giá về nội dung, ý nghĩa cũng như giá trị, từ đó là cơ sở để có hướng bảo tồn, phát huy giá trị của kho mộc bản độc đáo này.

Nguồn: GiaDinh.net.vn