Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, Dec 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Giá Trị Cuộc Sống

Giá Trị Cuộc Sống

Email In PDF

 

Phật pháp đồi với chúng ta là một kho báu vô tận, cung cấp những chân giá trị để hướng dẫn con người có một cuộc sống tốt đẹp và hiền thiện cho chính mình.

Thể theo nguyên lý Duyên khởi, xã hội mỗi ngày mỗi phát triển thì nhu cầu con người càng phát sinh. Nhiều giá trị khác nhau được con người thiết lập bao gồm giá trị vật chất cũng như tinh thần. Con người phải đối diện những vấn đề nan giải của cuộc sống vốn thường xuyên thay đổi, đôi khi dẫn đến lầm tưởng và hệ lụy, nhất là không phân biệt đâu là giá trị thật, hay phi thực. Vấn đề đặt ra là làm thế nào nhận ra đâu là giá trị thực của cuộc sống để hướng đến một đời sống thật sự hạnh phúc và an lạc.

Phật pháp đồi với chúng ta là một kho báu vô tận, cung cấp những chân giá trị để hướng dẫn con người có một cuộc sống tốt đẹp và hiền thiện cho chính mình. Thế nên bất cứ ai hướng tâm theo Phật thì có nhiều cơ duyên hơn để suy ngẫm về những chân giá trị đó, thể hiện chúng trong cuộc sống hằng ngày của mình. Có thể nói càng thể nghiệm, chúng ta lại càng nhận ra các giá trị đích thực từ cuộc sống đem lại. Hẳn nhiên mỗi cá nhân hiện hữu học Phật và hành trì lời Phật dạy có thể nhận ra những giá trị chân thật trong việc thiết lập một đời sống hạnh phúc của chính mình. Thiết nghĩ có ba giá trị đích thực của cuộc sống mà chúng ta cần suy ngẫm và thực hiện trong đời sống thường nhật. 1- Sự sống bất diệt. 2-Tình giác; và 3 -Tiếng nói nội tâm.

1-  Sự sống là bất diệt.

Cuộc sống vốn mầu nhiệm vô cùng. Con người luôn khát vọng được sống lâu, được thăng tiến về trí tuệ, và được hưởng thành quả từ những gì họ đã tạo dựng. Thế nên các cá nhân hiện hữu luôn có thái độ lo âu sợ hãi khi cái chết đến gần, hay đột nhiên có người thân qua đời do tai nạn hay bệnh tật. Đó là tâm lý tự nhiên của con người. Nhưng Phật pháp đã dạy chúng ta sự sống là bất diệt, và sống-chết chỉ là hành vi lặp đi lặp lại của một chuỗi sống chết luân hồi vô tận. Sinh ra, già đi rồi chết, rồi lại tái sinh …cái vòng sinh tử luân hồi đó cứ kéo dài mãi cho đến khi con người giác ngộ và giải thoát mới thôi. Vấn đề sinh và tử thật sự chỉ là bóng mây  thoảng qua trên bầu trời và dợt sóng nhấp nhô trên biển cả, chết không phải là sự yên nghỉ cuối cùng mà là sự chuẩn bị một cuộc sống mới. Vì vậy bất cứ ai hiện hữu trên đời này đều có thái độ tỉnh thức về sự sống, và khi phải đối diện với cái chết. Chết không phải là mất tất cả hay hết tất cả. Chết là tiến trình thiết lập một đời sống mới, trong một cõi sống mới, một thân phận mới.

Do đó người hiểu đạo không nên lo âu về cái chết mà chỉ cần quan tâm làm sao cho mỗi lần sống, mỗi cuộc đời phải là một bước tiến dài trên con đường tiến bộ tâm linh, hướng tới giác ngộ và giải thoát. Kinh dạy::” Hữu sinh hữu tử luân hồi, Vô sinh vô tử vô khứ lai” là nghĩa vậy. Và như thế, cuộc sống mới, cõi sống mới, và thân phận mới tốt đẹp hơn hay xấu hơn so với hiện nay hoàn toàn tùy thuộc những điều ta suy nghĩ, nói năng và hành động vào bây giờ, ở đây và hằng ngày, ngay tại cuộc sống này. Hành động của chúng ta  (bao gồm cả suy nghĩ và lời nói) càng có ý thức thì tác động của nó càng mạnh đối với tương lai gần cũng như xa. Hành động đó nếu kèm theo tâm vô lượng từ bi hỷ xả, thì tác động của nó trong phạm vi không gian và thời gian cũng sẽ là vô lượng.

Thế nên khi chúng ta bắt đầu thực thi đời sống hướng nội, trong khi thực hành thiền, theo dõi hơi thở, cần nhớ nghĩ về cái tâm vô lượng đó, đối với những lời lẽ đầy cảm hứng như sau:

“ Mong sao tâm tôi mãi mãi. Trong vắt như ngọc pha lê, Quang đãng như bầu trời không mây, Thanh tịnh như hư không không bụi, Rộng lớn mênh mang như biển cả không bờ, Vững vàng không chuyển chư núi đá bất động …” (Kinh Từ Bi)

Trong ý niệm đó, chúng ta cầu mong rằng hằng ngày ta nghĩ gì, nói gì và làm gì từ việc nhỏ đến việc lớn đều không tách rời cái tâm vô lượng đó, trong đời này, trong các đời sau nữa, trên con đường dài của tiến bộ tâm linh. Mỗi lần nghĩ tới cái tâm vô lượng như vậy, chúng ta cảm thấy lòng mình như trong sáng hơn, thanh thản và bình lặng hơn. Với một cái tâm như vậy, mọi lo âu và bức xúc về sống chết sẽ được giải tỏa. Thay vào đó là thái độ sống an nhiên tự tại, dành toàn bộ thời gian để hoàn thiện bản thân, tích cực đóng góp cho gia đình và xã hội.

Chính trong tinh thần xem sự sống-chết là tiến trình chuyển hóa thân phận, chuyển hóa các sắc thân ngũ uẩn thành pháp thân mà Thiền Sư Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhà Phật học lỗi lạc đời Trần, đã phát biểu: “ Cựu hải hà phương nhất điểm âu”. Nghĩa là biển lớn thì can gì một bọt sóng nhỏ. Đúng vậy. sự sống là biển cả không bờ, sống chết là bọt sóng nhấp nhô lên xuống. Cũng chính với cái tâm ấy mà Thiền sư Trì Bát đời Lý viết bài thơ Thiền Sinh Tử: “Hữu sinh tất hữu tử, Hữu tử tất hữu sinh, Sinh vi thế sở hỷ, Bi hỷ lưỡng vô cùng, Hổ nhiên thành bi thử, Ư chư sinh tử bất quan hoài”. Ý tứ của bài thơ là: Có chết thì có sinh ra (tái sinh), Có sinh thì có chết. Chết thì người đời buồn. Sinh thì người đời vui.Buồn và vui là (hai khâu của một chuỗi khâu) vô cùng, (Nhưng) vì đối đãi nhau mà có cái này cái kia. (Còn ta) đối với sống chết không có quan tâm, lo âu gì”. Đó là thái độ ung dung bình thản đối với sự sống và sự chết của một thiền sư ngộ đạo, thấu hiểu được đạo lý của sự sống và cái chết. Chúng ta, những người học đạo, cũng nên có thái độ ung dung tự tại như vậy đối với sống và chết để có thể an trú vào đời sống hiện tại có nếp sống tốt đẹp, hạnh phúc sau khi chết đi, tái sinh vào cõi thiện lành an lạc.

2-  Chánh niệm tỉnh giác

Sống trong thế kỷ 21, với những thành tựu khoa  học công nghệ và nền công nghiệp hóa toàn cầu, con người một mặt càng có nhu cầu thọ hưởng vật chất, các phương tiện phục vụ đời sống tiện nghi: mặt khác càng có thái độ sống muốn chiếm hữu, sở hữu của cải, khẳng định cái gọi là ta, của ta, và tự ngã của ta. Hãy thử vào một cửa hàng siêu thị được trưng bày theo công nghệ được quảng cáo hiện đại với những thành tựu sản phẩm mới nhất, hay hãy ngắm một mỹ nhân, hoặc đứng trước một cơ hội đầy lợi danh..thì chúng ta sẽ  thấy ý thức tỉnh giác của tự thân đang ở cấp độ nào ! Chính vì vậy mà đạo Phật khuyên ta hãy thường xuyên chánh niệm tỉnh giác từ trong ý nghĩ cho tới từng hành vi biểu hiện và mọi ứng xử trong cuộc sống.

Chánh niệm là ý nghĩa chân chánh, không nghĩ xấu, nghĩ ác, nghĩ bậy, có hại cho mình và người khác. Tỉnh giác là tỉnh táo, theo dõi mọi ý nghĩ, mọi niệm; đảm bảo mọi ý nghĩ, mọi niệm trong tâm của chúng ta đếu chân chánh, không để bất cứ niệm nào xen vào. Chúng ta thường xuyên tỉnh táo đề phòng khi mắt thấy sắc, tai nghe thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi liếm vị …Nói chung, khi sáu giác quan tiếp xúc với sáu trần, nếu có ác niệm nào khởi lên thì lập tức phải tìm ra nguyên nhân để đoạn trừ, không để cho tâm tham, tâm sân, tâm si dấy động. Thế nên Phật dạy: “ Với tâm không bị khuấy đục, biết được lợi ích cuả người hay biết đươc lợi ích cả hai, sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng các bậc Thánh” (Tăng Chi 1).

Rõ ràng tỉnh giác là chìa khóa vàng của lối sống có hiệu năng, tích cực và cho ta ý thức trách nhiệm vế thái độ và hành vi ứng xử với đời trong các mối liên hệ hữu cơ của con người và cuộc sống. Nói một cách chính xác, nó giúp ta nhận ra giá trị bản chất của một cuộc sống với cái tâm trong sáng và nhu nhuyến, khởi đầu bằng chánh niệm tỉnh giác. Từ đấy, tự thân mỗi người sẽ có đời sống hiền thiện, xa rời đời sống bất thiện.

Kinh Phật phân biệt thiện ác theo ba loại: Thứ nhất là thiện ở nơi hành động của thân, tức là không sát sinh, mà còn phóng sinh, trân trọng sự sống của muon loài, không lấy của không cho mà còn bố thí nữa, giúp người khác bằng của cải vật chất (tài thí), bằng đạo lý (pháp thí) bằng lấy sức mạnh che chở kẻ yếu (vô úy pháp thí) hay bằng cách chia sẽ niềm vui với người khác (tùy hỷ thí) không tà dâm. tà hạnh, mà sống thủy chung trong đạo lý tình yêu, tình nghĩa. Thứ hai là thiện ở lời nói. Cụ thể là nói lời chân thật,không nói dối; nói lời dễ nghe, không nói lời tho ác, nói lời đoàn kết, không nói lời chia rẽ; nói lời hữu ích, có lợi, không nói lời vô nghĩa. Thứ ba là thiện trong ý nghĩ. Cụ thể là không tham lam, không giận dữ.không si mê. Kinh Phật thường gọi là không tham không sân, không si. Ba điều thiện này là ba điều căn bản, vì từ đó khởi sinh mọi lời nói thiện và việc làm thiện, nền tảng của nếp sống đạo đức hiền thiện.

Vậy từ sự chánh niệm tỉnh giác, chúng ta đi đến sự tu tập tâm. Khi tâm được điều phục, được hộ trì, được phòng hộ, được bảo vệ, được đặt đúng hướng, thì nhất định ai cũng được an trú trong sự bình an nội tại. Tự thân bước ra khỏi vòng tâm lý đấu tranh, cạnh tranh, khẩu tranh, hơn thua, dại khôn …Trong cuộc sống thường nhật. Nói như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ở hai câu kết của bài thơ dại khôn: “Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp, nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.

3-  Tiếng nói nội tâm.

Nhờ thường xuyên tỉnh giấc trong quá trình tu tập tâm mà mọi người lắng nghe được tiếng nói chân thật của con người thật, của cái Ta thật, vốn là bản chất đích thực của con người. Tiếng nói đó càng ngày càng rõ, nhờ sự tỉnh giác của chúng ta ngày càng có chiều sâu, nhờ dần dần dẹp yên được tiếng gào thét dục vọng của cái Ta giả, con người giả, trước đây vốn từng thao túng và chi phối mình.Tiêng nói của nội tâm là sự yên lặng, một sự yên lặng giúp cho tâm thấy tất cả, biết tất cả, Thiền sư Suzuki từng nói: “ Khi bạn tự chiêm nghiệm mình, bạn sẽ thấy tất cả”.

Rõ ràng, yên lặng ở đây không có nghĩa là không có tiếng ồn. Yên lặng ở đây là nội tâm ta trở nên bình lặng, không còn bức xua và mặc cảm, dù là tự tôn hay tự ti đi nữa. Mọi niệm đều dứt. Trong tâm hoàn toàn trống vắng, không có ý niệm nào cả. Vì còn có niệm là còn có ức chế, bức xúc, khiến chúng ta hao phí năng lượng một cách vô ích. Trái lại, với nội tâm hoàn toàn yên lặng, chúng ta sẽ cảm nhận một trạng thái thư thái và hỷ lạc tuyệt vời. Lúc bấy giờ, năng lượng vận động một cách tự do trong toàn thân, đem lại cho chúng ta một sức mạnh, một sức sống mới.

Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên đời Trần, từng ngồi một mình lắng nghe tiếng nói nội tâm của mình mà quyết định trở thành Thiền sư, đặt nền tảng tư tưởng cho thiền phái Trúc Lâm ra đời được diễn trình trong Khóa hư lục

“ Tâm tịnh nhi tri, thị danh chân Phật” (lòng lặng mà biết, đó là Phật thật). Hóa ra tiếng nói nội tâm là tiếng nói Phật tâm, được xuất phát từ cõi lòng mình. Còn Thiền sư Kiều Trí Huyền thì mô tả tiếng nói nội tâm thật huyền bí, kỳ diệu và thật cụ thể cho mọi người: “ Ngọc lý bí thanh diễn diệu âm, Cá trung mãn mục thị thiền tâm, Hà sa cảnh thị Bồ-đề cảnh, Nghĩ cách Bồ-đề cách vạn tầm”. (Trong viên ngọc phát ra âm thanh huyền bí kỳ diệu, Ở đó khắp nơi là tâm thiền, Tất cà cảnh giới đều là cảnh giới giác ngộ (Bồ-đề). Ấy thế mà lại đi tìm Bồ-đề cách xa hàng vạn dặm). Ngọc ở đây là nội tâm, âm tanh kỳ diệu huyền bí ở đây là sự im lặng. Thiền tâm là tâm giác ngộ. Cảnh Bồ-đề là cảnh giác ngộ. Giác ngộ và giải thoát đều ở trong thế giới thực tại này cả, đâu cần đi tìm cách xa đây hàng vạn dặm ?

Con người hiện đại dường như không có thời gian cho việc lắng nghe tiếng nói nội tâm và suy nghiệm về đời sống của chính mình. Xung quanh ta, thật sự có quá nhiều tiếng nói, âm thanh ngôn ngữ khác nhau, buộc con người phải nghe, để giải trình cho quan điểm của mình về một đời sống đầy biến động và thay đổi qua tư duy khái niệm được xem  như là công cụ để trao đổi; nhưng vướng mắc, chắp nhận vào chúng thì đó chính là hàng rào ngăn cách không cho chúng ta thực nghiệm nội tâm theo chiều sâu.

Sách Phật có câu: “ Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, ý tứ của câu trên là mỗi người muốn lắng nghe tiếng nói nội tâm đích thực, muốn hòa mình vào sự im lặng của nội tâm sâu thẳm thì phải biết cắt đứt ngôn ngữ và diệt trừ tư duy khái niệm. Chính sự an trú vào tâm tỉnh lặng trong một thế giới bình an nội tại sẽ khiến chúng ta có cái nhìn chánh kiến, thiết thực hiện tại: “Thở vào tâm tỉnh lặng. Thở ra miệng mĩm cười. An trú trong hiện tại. Giây phút thật tuyệt vời”. Người Phật tử hiểu đạo thì phải thường xuyên lắng nghe sự im lặng của nội tâm, âm thanh huyền bí và kỳ diệu của sự im lặng đó. Đây chính là giá trị đích thực của cuộc sống khi chúng ta thực thi tiếng nói đích thực của lòng mình trong sự tìm cầu hạnh phúc an lạc.

Trên đây là ba chân giá trị mả kho báu Phật giáo cung cấp cho chúng ta. Tất cả đã được Đức Phật Thích Ca và các bậc Thánh, các Thiền sư và cả những con người tu tập minh chứng giải trình. Bất cứ ai lãnh hội giá trị đích thực của cuộc sống này, tin chắc rằng sẽ có một đời sống hiện tại lạc trú, thậm chí cánh cửa vô sinh bất tử sẽ mở ra ngay trong cõi đời trần tục này.

Sưu Tầm