Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, Dec 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Người Khiếm Thị Sống Bằng Nghề Tụng Kinh

Người Khiếm Thị Sống Bằng Nghề Tụng Kinh

Email In PDF

Tôi gặp những người khiếm thị là hội viên của Hội Người Mù Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sau khi họ không còn chỗ để bán hàng rong trên thành phố Ðà Nẵng đã chọn cách dắt nhau đi tụng kinh kiếm cơm.

Họ nương nhờ vào cửa Phật để kiếm chén cơm độ nhật, để giữ lương tâm mình trong sạch và để thấy, để tin cuộc sống này còn điều gì đó tốt đẹp dành cho họ.

Họ chừng ba mươi người, dường như không quen tụng kinh nên có người tụng bè cao, có người tụng bè trầm, có người ấp a ấp úng, có người ngồi một chút lại đổi tư thế vì đau nhức trong người... Nhưng dường như ở họ có sự tập trung và niềm tin cao độ để chú nguyện một điều gì đó.

Thu nhập của họ vốn đã eo hẹp giờ càng eo hẹp hơn. Thời gian trở nên dư thừa, họ rủ nhau tìm đến cửa Phật.

Cứ mỗi Chủ Nhật, họ rủ nhau cả nhóm chọn một ngôi chùa để xin phép các sư trụ trì cho họ tụng kinh, cầu nguyện thế giới an lành, chúng sanh an lạc. Cứ như vậy, từ chùa này sang chùa khác. Và, họ chỉ xin một yêu cầu duy nhất, sau buổi tụng kinh, nhà chùa hãy mở lượng từ tâm mà bố thí cho họ một bữa cơm chay tịnh, với họ như vậy đủ ấm lòng lắm rồi.

Một người tên Mơ, trong nhóm người mù, tâm sự: “Chúng tôi đi tụng kinh, dường như không hẳn để kiếm bữa cơm. Vì nếu vì một lý do nào đó, nhà chùa không thể bố thí cho nhóm một bữa cơm thì chúng tôi vẫn lấy làm hoan hỉ bởi mình đã làm được một việc có ý nghĩa”.

“Chúng tôi là những người kém may mắn hơn người khác về khả năng nhìn thấy, và trong một nghĩa khác thì chúng tôi ít phước duyên, phải trải qua nhiều thăng trầm, đau khổ trên đường đi kiếm cơm mỗi ngày, hết đụng tai nạn xe cộ thì lại đụng tai nạn điều cấm của một ai đó ở một nơi nào đó, đôi khi thấy tuyệt vọng. Chính việc tụng kinh cầu nguyện cho đồng loại, cho chúng sinh đã mang lại cho chúng tôi sự bình an và tin yêu đời sống.”

Một người khác, tên Ngọc, cho chúng tôi biết thêm: “Anh chị biết không, bữa đầu tiên đi tụng kinh, được nhà chùa cho thức ăn và ân cần hỏi thăm, tặng quà, chúng tôi ai cũng cảm động, riêng tôi đã khóc rã riêng vì chuyện này, tự dưng vừa vui mà cũng vừa buồn tủi, khó tả lắm...”

Thời buổi vàng thau lẫn lộn

Một ni sư yêu cầu giấu pháp danh, cho biết: “Trong xã hội bây giờ, có những người cho dù thân thể mang bệnh tật nhưng lại có lòng tự trọng, sống tử tế và sòng phẳng, lấy tâm từ bi chú nguyện cho chúng sinh, cho những sinh linh nhỏ bé để đổi bữa cơm độ nhật như nhóm bạn mù này quả là hiếm hoi.”

““Hôm nay tôi đến đây để thuyết pháp cho những người bạn mù nghe, và tôi cũng mang một ít quà tặng họ, tự tay nấu một bữa cơm cúng dường cho những người bạn này. Trong cuộc đời tu hành của tôi, bữa cơm này thật là ý nghĩa... Họ cao đẹp thật sự... Tôi đã gặp nhiều nhóm bạn mù như vậy trên khắp từ Nam chí Bắc.”

Nói đến đây, vị ni sư rươm rướm nước mắt dọn từng dĩa rau để chuẩn bị cho một bữa ăn ấm áp tình người và nhìn những người bạn mù đang ngồi im lặng lau từng chiếc đũa, chuẩn bị vào bữa ăn. Trước khi ăn, họ không quên niệm Phật danh A Di Ðà ba lần để cảm tạ, hồi hướng công đức của người mang cho họ bữa cơm ấm áp tình người.

Nhìn họ từ tốn ăn từng sợi mì, muỗng cơm cùng nụ cười nhẹ trên môi, tự dưng chúng tôi thấy nao nao khó tả! Nghĩ đến Chủ Nhật tuần sau, họ lại dắt díu nhau đến một ngôi chùa nào đó, rồi lại xin được tụng kinh, xin một bữa cơm, có ai tốt bụng thì mang cho họ vài gói mì ăn liền làm quà...

Nghĩ đến cuộc đời trôi dạt của họ từ quê ra thành phố, rồi lại từ thành phố về quê, và rồi những bữa cơm chùa, những chén cơm chan nước mắt... Một mối cảm hoài về thân phận làm người.

Phi Khanh