Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Một Ngày Trên Đỉnh Hiei

Một Ngày Trên Đỉnh Hiei

Email In PDF

Cho dẫu mùa đông lạnh lẽo đang về, Soho Miyamoto vẫn thức dậy đúng vào lúc 3 giờ 30 sáng như một thói quen hằng ngày. Bên ngoài, màn đêm dày đặc hãy còn bao phủ trên sân và cánh rừng chung quanh, thậm chí, trời sẽ còn tối đen trong vòng ba giờ nữa. Cũng vào thời điểm đó, ở một nơi khác trong ngôi chùa bình dị này, hai chú tiểu phục vụ và tu hành dưới sự hướng dẫn của Miyamoto cũng đã thức dậy và đang chuẩn bị cho các họat động trong ngày, đó là các hoạt động mà họ sẽ phải thường xuyên tiếp tục ngày này sang ngày khác bao lâu họ còn tu học tại chùa Jodoin. Chừng nửa giờ sau đó, những lời kinh vang lên phá tan bầu không khí tĩnh mịch, ấy là lúc nghi thức đầu ngày khởi sự và kéo dài trong khỏang một tiếng đồng hồ. Một người Nhật bình thường không thể hiểu được các bài kinh Hán tự xa xưa này, cũng giống như hầu hết người Phương Tây không hiểu nỗi các câu thần chú Latin trong nhà thờ của họ. Tuy nhiên, đối với khách nhàn du, từng lời kinh bổng trầm êm dịu kia như mời gọi họ về một cõi miền bình yên thanh thóat, họ cảm thấy tâm hồn thư thái và trút bỏ sau lưng những muộn phiền ràng buộc trên từng bước đi thế cuộc diêu đoan...

****

Nằm về phía Đông Bắc kinh thành Kyoto xưa cũ của Nhật Bản, nhiều thế kỷ trôi qua, ngọn núi Mt. Hiei cao nhất vùng này đã được xem như một vọng gác và là một rào chắn tự nhiên ngăn ngừa những bộ tộc hoang dã man di tấn công vào Kyoto, trung tâm học thuật và văn hóa.

Theo lời Miyamoto, vị sư trưởng chùa Jodoin, kể từ lúc  Kyoto trở thành thủ đô vào năm 794 và trong suốt vương triều của Hòang đế Kammu, các tu sĩ nơi đây đã sống độc thân trên núi, luôn dõi mắt trông chừng về chân trời phương Bắc nhằm phát hiện dấu vết của những kẻ xấu xa. Chẳng có ai có thể biết chắc được do đâu mà sắc lệnh ban ra lại cho rằng phía Đông Bắc kia là nguồn cơn của bao rắc rối tai ương, có điều là, vài chứng cứ còn lưu lại cho thấy rằng các cuộc giao ngộ ban đầu của dân định cư phía Tây Nhật Bản và của thổ dân Ainu phương Bắc đều tốt đẹp, chẳng có gì xảy ra cả ngoài tình hữu nghị chan hòa.

Chính ở nơi này, trên đỉnh Mt. Hiei, vào năm 805, tu sĩ Saicho đã xiển dương tông phái Tendai của Đạo Phật sau khi trở về từ Trung Hoa trong vai trò sứ giả, và cũng chính Ông là người đã có công xây dựng ngôi chùa này 30 năm trước đó. Năm 823, sau ngày Saicho viên tịch, ngôi chùa được mang tên là Enryakuji và trở thành Tổ đình của tông phái Tendai trong quá trình phát triển về sau. Ngày nay, Saicho được người đời nhắc đến với tên Denyo Dashi (có nghĩa là Bậc Tôn Sư Hoằng Dương Chánh Pháp), một tước hiệu mà Ông đã được phong tặng sau ngày viên tịch.

****

Nằm trên một lối mòn nhỏ bé quanh co của quần thể Enryakuji, nơi cao hơn cả 1000m và xa khỏi những ồn ào náo nhiệt của thành phố Kyoto tráng lệ tân kỳ, Jodoin ("Ngôi chùa Thanh Tịnh") là một ngôi chùa tương đối nhỏ bé, ước chừng không quá một vài du khách đến thăm viếng mỗi ngày. Trong chùa chỉ vỏn vẹn có Miyamoto cùng hai tu sĩ trẻ ngụ cư. Tuy nhiên, tại nơi đây, ta có thể ngắm nhìn ngôi tháp của ngài Dengyo Daishi, có hàng rào bao phủ chung quanh, phía trước là hàng trụ có mái bằng đá như đang cúng dường đảnh lễ, và chính ngôi tháp đã trở thành biểu tượng đặc trưng cho các tu sĩ thuộc tông phái Tendai.

Miyamoto đã tự khẳng quyết rằng cuộc sống trần gian vật chất mà hầu hết người dân Nhật Bản ưa chuộng kia không còn thích hợp với Ông nữa, và Ông đã trải qua gần 14 năm tu tập. Với cái đầu cạo nhẵn, với mảnh nâu sòng đơn sơ và nét mặt trầm lặng thanh bình, thật khó mà đoán biết được tuổi tác của Ông. Ngay cả với hai vị tu sĩ trẻ vận y đen kia, ta cũng thấy ở họ tóat lên một vẻ an bình thanh thoát, mặc dù họ hãy còn quá ư "niên thiếu" trên bước tu hành. Khi được hỏi vì sao lại chọn chùa Jodoin này để tinh tấn tu học, Miyamoto trả lời đơn giản: "Ấy bởi vì, đây chính là nơi tốt nhất."

Ở Nhật Bản, việc các tu sĩ lái mô-tô hoặc đọc các tạp chí phổ thông khi ngồi trên tàu lửa là không phổ biến. Hầu hết các tu sỹ đều không ưa thích điều này, đặc biệt là các tu sỹ thuộc tông phái Tendai, những người đã quyết định dâng cả đời mình cho việc tu hành và nghiên cứu, muốn vươn tới những điều cao viễn hơn cả mọi tựu thành thế tục. Đỉnh Hiei đã trở thành một nơi chốn diệu huyền linh thánh nhất trong vùng. Tự thân Miyamoto cũng rất hiếm khi rời khỏi những mảnh sân chùa bé nhỏ khiêm cung này, chứ đừng nói chi đến việc rời ngọn núi.

Cho đến hôm nay, ngọn Hiei đã trở thành một trung tâm của những họat động tôn giáo. Từ "quần thể" ở đây nhằm mô tả một khu vực chùa chiền dễ làm ta lạc lối, đó là những cấu trúc đan xen nhau. Có nhiều ngôi chùa nằm xa khỏi những lối mòn, xa khỏi vài ngôi chùa nổi tiếng đang thu hút từng đòan du khách. Miyamoto nói rằng, "giờ đây những ngôi chùa trên ngọn Hiei chỉ còn cách Kyoto một vài giờ đường mà thôi. Sinh thời của Ngài Dengyo Daishi, đây thật là nơi xa xôi hẻo lánh. Các tu sỹ đã phải chịu đựng biết bao nhọc nhằn gian khổ, không những chỉ việc xây chùa dựng cốc mà còn phải đấu tranh sống còn với từng mùa đông dài khắc nghiệt trên đỉnh non mù rừng rậm âm u".

Một truyền thống từ thuở xa xưa đến giờ hãy còn lưu lại là vấn đề thực phẩm. Đối diện với những điều kiện khó khăn như thế, các tu sỹ đầu tiên nơi đây đã tạo cho mình một thói quen ăn uống kiêng khem và đơn giản. Gạo và các thực phẩm khác phải được chở lên từ mãi tận Kyoto. Bởi vậy, lâu dần thành quen, các tu sỹ rất rành trong việc chọn lựa từng loài rau dại, từng thứ trái hoang để bổ sung vào các thứ chính như gạo và dưa chua để dành. Thậm chí ngày nay, ở Kyoto, thực đơn tại các quán ăn chay thực sự chẳng khác là bao so với những gì mà các tu sỹ Đạo Phật đã dùng từ một ngàn năm trước.

Sau giờ trì kinh buổi sáng, các tu sỹ chùa Jodoin đều tập trung ở căn bếp nhỏ của nhà chùa để chuẩn bị cho "Bữa điểm tâm cúng dường Đức Phật". Họ dọn bày vật thực phía trước tượng Phật trong chánh điện, đó là bữa điểm tâm vô cùng đạm bạc: một món cháo gạo đơn sơ (o-kayu), vài thứ rau quả ngâm, ít trái mận Nhật bản dầm với tên gọi umeboshi. Chỉ khi nào nghi thức được hòan tất, các tu sỹ mới bưng dọn xuống để dùng, và không gì khác hơn nữa cả ngoài những thứ đã cúng dường Đức Phật.

Khi màn đêm bắt đầu nhường chỗ cho các tia nắng đầu tiên len qua từng nhành cây ngọn cỏ chung quanh, hai tu sỹ khởi sự làm công việc hằng ngày là lau chùi quét dọn ngôi chùa, lúc đó, Miyamoto trở lại thư phòng để thực hành thiền quán trong khỏang vài giờ. Suốt thời gian này, Ông ngồi trong tư thế tập trung hết mức và tụng những bài kinh.

"Những bài kinh ấy nhiếp dẫn tôi từng bước một trên con đường giác ngộ, từng bước, từng bước một để viên thành Phật quả", Miyamoto đã giải thích như thế.

Trong khi đó, hai vị tu sỹ trẻ tiếp tục cần mẫn công việc dọn dẹp lau chùi, một công việc mà họ phải làm thường xuyên ít nhất là ba tháng ngoài ba năm phải rèn luyện trên đỉnh Hiei. Một trong hai người phải làm một công việc khá cực nhọc, đó là phải cúi khom người mỗi buổi sáng để cọ rửa từng viên đá lát sân. Loại công việc này là một trong ba công việc tập sự  "chịu đựng gian nan" và là một  phần của cuộc sống tại các ngôi chùa của quần thể Enryakuji. Phía bên trong chùa Jodoin cũng cần phải được lau chùi sạch sẽ, nhưng công việc này nhẹ nhàng hơn bởi những đồ đạc trang bị nơi đây vô cùng đơn giản. Chỉ chiếc máy điện thoại kiểu cũ và cái ấm đun nước bằng điện là dấu hiệu chứng tỏ rằng ta đang sống trong thế kỷ hai mươi.

Nơi đây, điều khó khăn nhất cho các tu sỹ là việc thực hiện một cuộc hành hương nghìn ngày, đó là sự khổ hạnh tùy chọn cho mình trong vòng bảy năm. Một khi đã khởi sự, nó phải được hòan tất, không thể nhút nhát chần chừ, như lời Miyamoto giải thích: " Trong 100 ngày như thế, vị tu sỹ chọn phương pháp khổ hạnh này mỗi ngày phải thức dậy lúc nửa đêm và một giờ sau đó, vị ấy đi vòng quanh đỉnh Hiei, chỉ mang theo bên mình chiếc đèn lồng bằng giấy để dò đường trong đêm tối. Rồi vị ấy lại tiếp tục đi vòng vòng như thế trong vòng 8 hoặc 9 tiếng đồng hồ, chỉ thỉnh thỏang dừng lại ở vài địa điểm khác nhau để tụng đọc những bài kinh thuộc lòng. Trở lại chùa sau đó, vị ấy còn phải tiếp tục nhiệm vụ hằng ngày của mình như thường lệ. Xong giai đọan 100 ngày khổ hạnh này, vị ấy còn phải tiếp tục lặp lại 9 lần như vậy nữa trong vòng 7 năm".

****

Bữa ăn trưa cũng đạm bạc đơn sơ như bữa sáng, mặc dù thọat trông thì có vẻ nhiều món hơn. Dùng bữa xong, cả ba vị tu sỹ đều nghỉ ngơi, họ nghiên cứu các kinh sách khác ngoài tông phái Tendai. Từ căn bản ban đầu, về sau, Tendai đã được phát triển thành nhiều chi phái khác nhau trong Phật giáo Nhật bản. Nổi tiếng nhất là phái Thiền ở cuối thế kỷ mười hai, chi phái này đã nổi bật lên trên tất cả các trường phái khác nhau về  tư tưởng Nhật bản ở Phương Đông.

Thông qua Thiền, và cũng có nghĩa là thông qua phái Tendai, truyền thống văn hóa Nhật bản càng thêm nổi tiếng bởi cung cách thiểu ngôn và đơn giản đầy thẩm mỹ trong từng bài thơ haiku, trong nghi thức uống trà và trong việc đề cao, thưởng ngọan thiên nhiên. Tuy nhiên, dẫu rằng Phật giáo được nhận thức một cách phổ quát như một tôn giáo hòa bình, thì nơi đây, điều đó không phải lúc nào cũng đúng.

Từ thế kỷ thứ chín trở về trước, phải đến hàng mấy trăm năm, các ngôi chùa trên đỉnh Hiei cũng như các ngôi chùa khác ở Nhật bản đều có những đạo quân thường trực gồm các tu sỹ. Mặc dầu địch thủ của họ thường là các tông phái Phật giáo đối đầu khác, các "chiến binh tu sỹ" trên quần thể Enryakuji vẫn không từ nan việc đổ bộ xuống núi để xâm lấn thủ đô, đặt Hòang đế dưới sự che chở của họ và nhũng nhiễu dân lành khắp chốn. Trong khỏang gần 400 năm, quân đội của Enryakuji đông nhất Nhật bản, họ sẵn sàng tẩy chay bất cứ sắc lệnh hoặc chỉ dụ nào mà họ không ưa thích của Hòang đế.

Ngay cả những chi phái phụ tách ra từ Tendai mà dám đứng tách rời ra như một bè phái khác cũng không tránh khỏi bị tấn công bởi đạo quân tu sỹ Enryakuji: chùa chiền của họ thường bị san bằng thiêu rụi cả người lẫn vật bên trong. Vào thời điểm uy quyền sức mạnh cao nhất, quần thể Enryakuji có đến trên dưới 3000 ngôi chùa, và không một sức mạnh nào có khả năng đánh bại. Để rồi sau hết, mù quáng bởi những thành công, cả tin vào quân đội dũng cảm của mình, Enryakuji đã dám đương đầu với một con người mạnh nhất.

Vào năm 1571, Tướng quân Oda Nobunaga khởi sự tiến hành công cuộc thống nhất nước nhà, chấm dứt gần một thế kỷ chiến tranh tương tàn cốt nhục. Nhận thức được sức mạnh quân sự đầy đe dọa của Enryakuji, mùa thu năm ấy, Nobunaga đã quyết định tấn công ồ ạt vào ngọn Hiei, thiêu rụi tất cả các ngôi chùa trong quần thể. Quả báo nhãn tiền, tất cả những gì mà các chiến binh tu sỹ trong một thời gian dài đã gây ra cho kẻ khác, nay tự họ phải gánh chịu. Mọi sao lục và văn bản trong 8 thế kỷ dài đăng đẳng đã vĩnh viễn  tiêu vong. Rồi năm tháng trôi qua, quần thể Enryakuji lại được phép tái dựng xây, 125 ngôi chùa mới được hình thành dưới thời chánh phủ Tokugawa đầy thận trọng. Cho dẫu đó chỉ là con số bị giảm thiểu, Enryakuji hãy còn là một trong những tự viện lớn nhất xứ Phù Tang.

****

Trên chùa Jodoin, màn đêm bắt đầu bao phủ, những cánh cổng chùa giờ đây im ỉm đóng. Dưới chân núi, một phần thành phố Kyoto đang bắt đầu chấp chóa những ánh đèn neon mời gọi nhân gian. Trên đỉnh Hiei, chẳng còn gì vang vọng ngoại trừ tiếng gió xạc xào qua cành lá xung quanh. Ba vị tu sỹ nghỉ ngơi trong góc phần đơn giản của mình, hòan tòan khuất xa thành phố dưới kia. Trước khi an giấc, họ quán tưởng lại những gì đã học được trong ngày, mỗi người đều biết rằng họ đã bước thêm một bước nhỏ bé nữa trên đường về Chánh giác.