Buổi chiều hôm ấy, không ai nhớ rõ là ngày tháng năm nào, một buổi chiều xuân khoảng nửa trước thế kỷ 17, khi mà đất Quảng Nam còn là cơ ngơi mới mẻ của các Chúa Nguyễn, khi mà những chuyến thương thuyền của người Tây Âu còn ngỡ ngàng thả neo ngoài phố Hội, có một giáo sĩ người Bồ Đào Nha lần đầu đặt chân trên Ngũ hành sơn.
Hẳn không phải là sự hiếu kỳ, mà dường như có một sự cuốn hút, thôi thúc mãnh liệt nào đó, giáo sĩ mặc áo chòang đen, tay chống gậy, chậm rãi trèo lên từng bậc cấp của ngọn núi đá vôi kỳ bí. Càng lên cao tầm mắt càng được mở ra với bao nhiêu mây nước biển trời. Đôi mắt xanh ngọc của giáo sĩ không được sắm sửa để giao hòa với hồn non nước, khi mà người ta không ngờ rằng cái xứ nhược tiểu này lại nên thơ và kỳ bí đến thế. Giáo sĩ đã ở lại nhiều năm với sông Hòai, phố Hội, đã quen với cái vẻ hiền hòa chất phát của dân quê, nên trong cách nghĩ, ông ta tưởng rằng chốn này chỉ là sự bình lặng, âm thầm và hồn hậu, còn sự kiêu hùng, kỳ vĩ không phải là chỗ của đất An Nam. Giờ đây, khi đang dừng lại giữa ngọn núi đá cheo leo, ông mới bàng hoàng trước nước non cẩm tú, đặc thù đến vậy.
Đang vất vưởng trước bao nhiêu kỳ hoa dị thảo, chợt giáo sĩ thoáng thấy một dáng người trẻ trung từ trên đỉnh non vạch lau đi xuống, vai quảy một cây trượng dài, đầu trượng một quả bầu khô, quắc thước nghênh ngang nhưng cũng vô cùng thanh thản, cơ hồ không hề để ý đến người mặc áo choàng đen đang nhìn ngắm mình phía dưới. Người tráng niên trạc tuổi tam tuần, mặc áo nâu thâm bước qua một cửa động, trèo lên một hang đá rồi mất hút. Một lúc sau, giáo sĩ cũng lần theo dấu chân vào động, nhìn quanh chẳng thấy người, chỉ thấy có một khe đá nhỏ dẫn lên phía trên, giáo sĩ hiếu kỳ vén áo nép mình leo lên. Đường lên thiên đàng – ông thầm ví von như vậy ! Những tảng đá to nằm gối đầu nhau như chực đổ xuống, chỉ chừa đủ khoảng trống cho một người len lỏi. Chắc hẳn người tráng sĩ đó đã lên trên kia bằng con đường này – Ông nghĩ vậy. Một luồng gió ở đâu mát lạnh đến tận xương, ông bước lên khỏi hang như đặt chân lên thiên đàng thật sự.
Ông có vẻ rất đỗi ngạc nhiên với những gì xảy ra trước mắt mình, nhìn về phía Tây, dòng sông Hàn uốn quanh ruộng đồng bát ngát; nhìn về phía Đông, biển xanh rì rào sóng vỗ; sau lưng là núi đá chập chùng, còn phía trước, trên một tảng đá, dáng người tráng niên ngồi xếp bằng thanh thản, tư thế thật vững chải mà cũng thật thoải mái. Vốn nhạy cảm, giáo sĩ nghĩ ngay đó là một nhà tu. Ông đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn hình ảnh đoan nghiêm như pho tượng này. Sau đó, giáo sĩ như muốn cố tình phá vỡ sự lặng yên để được đàm đạo, ông tiến đến phía trước cúi đầu chào thật thấp. Người ngồi cũng chắp hai tay lên ngực khẽ cúi đầu và nở một nụ cười thân thiện.
- Xin chào Ngài, tôi xin tự giới thiệu, tôi là Alexandre de Rhodes, giáo sĩ người Bồ Đào Nha, thuộc dòng Jésuites. Tôi đến đất An Nam đã lâu, nhưng mới lần đầu đặt chân lên núi này.
Người ngồi chỉ tay vào tảng đá cạnh bên mời giáo sĩ ngồi, môi vẫn giữ một nụ cuời vừa phải.
- Rất hân hạnh được gặp Ngài !
Alexandre de Rhodes nhìn bộ áo nâu thâm bạc màu sương gió của người đối diện mà có vẻ lúng túng trước chiếc áo choàng sang trọng của mình. Ông vả lả :
- Xin lỗi Ngài ! Tôi vừa mới giảng đạo cho con chiên xong, muốn lên núi chơi cho thanh thản, may mắn được gặp Ngài. Xin Ngài vui lòng cho biết tánh danh.
- Tôi tên Hương Hải, Minh Châu Hương Hải.[1] Thầy tôi đặt cho như thế !
- Ồ ! Minh Châu Hương Hải ! Minh Châu là viên ngọc sáng, Hương Hải là biển thơm. Tên Ngài đẹp quá !
Hương Hải có vẻ hơi ngạc nhiên về khả năng nói tiếng Việt và hiểu âm Hán việt của Giáo sĩ. Ông khẽ sửa tư thế ngồi, nhìn Giáo sĩ nói :
- Ngài có kiến thức rộng quá ! Ngài am hiểu tiếng Việt nhiều quá !
A. Rhodes có vẻ thích thú trước lời khen ngợi, nên liền bộc bạch :
- Thưa Ngài ! Chẳng giấu gì, tôi được phái đi theo những chuyến thương thuyền sang Việt Nam để truyền giáo, tôi thấy người Việt Nam rất hiền hòa dễ mến, ngặt vì dân trí không cao, văn tự không có, tôi đã dốc sức mượn chữ La tinh để viết âm tiếng Việt, soạn thành một bô tự điển gọi là Từ Điển Việt Nam - La Tinh – Bồ Đào Nha. Công việc kể cũng cơ bản hoàn thành. Không biết Ngài nghĩ như thế nào ?
Hương Hải tỏ vẻ lãnh đạm, hơi trầm tư rồi ôn tồn đáp :
- Việc làm của Ngài thật đáng ca ngợi. Thực ra người Việt Nam rất cởi mở, sẵn sàng đón nhận tất cả những cái hay của người khác và thẳng thừng loại bỏ những gì không phù hợp với họ. Người Việt Nam có truyền thống văn hóa riêng của mình. Gần 1000 năm người Việt Nam bị một cường quốc là Trung Hoa đô hộ, nhưng họ không thể đồng hóa người Việt được. Những thuần phong mỹ tục, những hình thức tín ngưỡng và văn hóa cao siêu đều được người Việt Nam đón nhận, nhưng họ lại có truyền thống của họ, thậm chí, họ còn sáng tạo ra một thứ văn tự vốn vay mượn từ mẫu tự của Trung Hoa, đó là chữ Nôm mà chắc Ngài đã biết. Nếu Ngài nghĩ rằng người Việt Nam phải chịu ơn các Ngài về sự vay mượn mẫu tự La tinh thì Ngài đã lầm, bởi việc làm của các Ngài xuất phát từ chiêu bài truyền giáo. Còn nếu Ngài nghĩ rằng La tinh hóa Việt ngữ để chúng ta dễ dàng tìm hiểu và hội thoại với nhau thì đó là một thiện ý.
A.Rhodes hơi bị phật ý trước lời nói của vị thiền sư, ông ra điều tranh luận với giọng nói tỏ vẻ khiêm tốn :
- Sứ mạng của chúng tôi là rao giảng Thánh kinh. Chúng tôi muốn người Việt Nam phải hướng về với Chúa, trở thành tín hữu Kitô.
- Chúng tôi đã có tín ngưỡng của chúng tôi.
- Ý Ngài muốn ám chỉ Thích - ca, một tên da đen ở xứ Ấn Độ ?
Hương Hải vẫn tỏ vẻ thản nhiên trước cách xưng hô của vị giáo sĩ, đáp chậm rãi :
- Tôi xin lập lại với Ngài, người Việt Nam không bao giờ phân biệt da đen hay da trắng, ở Đông hay ở Tây, hễ bất kỳ ai đem lại sự hạnh phúc an lạc cho nhân sinh thì người Việt Nam sẵn sàng đón nhận với tất cả lòng thành kính của mình.
- Thế thì ông Thích-ca đã cho Ngài được những gì ?
- Không phải là cho những gì. Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng có một ai có quyền ban phước giáng họa cho ai, chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình được cứu rỗi. Đức Thích-ca đơn thuần là người chỉ ra được phương pháp để tự mỗi người tìm được hạnh phúc nơi chính bản thân, tìm được Phật tâm nơi chính mình mà thôi.
A. Rhodes cảm thấy yếu thế trước lối lý luận của thiền sư. Nhìn dáng ngồi ngay thẳng trên phiến đá, giáo sĩ thấy rõ ràng từ nơi vị thiền sư toát ra một thứ lực gì đó đầy uy mãnh, đầy nghị lực. Dưới kia sóng biển vẫn vỗ mãi vào bờ cát trắng một âm thanh rì rào bất tuyệt. Trên đỉnh non, bóng người lồng lộng như tỏa hơi ấm ra từ ánh mắt, nụ cười. Từ chỗ diễn bày, cật vấn, giọng nói của giáo sĩ đột ngột thay đổi như một thiền sinh hỏi đạo :
- Thưa Ngài ! Tôi vẫn chưa hiểu cái mà Ngài gọi là “Phật tâm nơi chính mình”. Đâu là Phật ? Đâu là chúng sanh ?
- Phật và chúng sanh có cùng một thể tánh. Níu Phật mà bỏ chúng sanh thì không bao giờ có thể đạt đạo. Ngài hãy thử quán sát đi ! Khi mặt trời lên chiếu sáng thiên hạ thì hư không không vì đó mà sáng; khi mặt trời lặn, bóng tối bao trùm khắp thiên hạ thì hư không không vì đó mà tối. Sự sáng và sự tối tranh cướp lẫn nhau, còn hư không thì lặng lẽ tự nó là nó. Tâm Phật và chúng sanh cũng vậy. Nếu quan niệm Phật là thanh tịnh, quang minh, chúng sanh là dơ bẩn, mờ tối thì có tu qua nhiều kiếp như cát sông Hằng cũng không đạt được giác ngộ.
Alexandre de Rhodes đã nhiều năm giảng đạo ở các giáo đường, nhưng chưa bao giờ ông nghe được một thứ lý luận lạ lùng như vậy. Ở nơi ông, giữa Chúa và con người luôn có một sự cách biệt, con người thành kính chỉ được gọi về ánh sáng thiên đàng vinh quang của Chúa. Ông không hề nghĩ rằng con người sẽ trở thành Chúa. Ông phân vân hỏi về sự “ trở thành” :
- Thưa Ngài ! Ngài nhận thức thế nào về sự giác ngộ ? Ngộ và mê khác nhau ra sao ?
Thiền sư trả lời ngay :
- Không có sự khác nhau giữa mê và ngộ. Mê và ngộ cùng chung thể tính. Mê và ngộ dựa vào nhau. Chân và vọng vì đối đãi nhau mà có. Nếu tìm chân mà bỏ vọng thì không khác gì người sợ bóng theo hình mà cứ chạy ở ngoài nắng. Nếu biết rõ vọng là chân thì cũng như đi vào nơi rợp mát, bóng tự khắc biến mất. Giữa tâm và cảnh, thiện và ác cũng như vậy. Người Tây phương các ông luôn cắt chia thế giới này làm hai mảnh, luôn nhận thức mọi sự theo một phạm trù đối đãi, thấy người thấy ta, thấy nhân thấy ngã. Chính thái độ đó đã làm cho con người và sự vật chia cắt, xa lìa nhau, rồi phát sinh ra sự xung đột, sự đổ vỡ. Người hiểu được thể tánh của vạn pháp là một thì không bao giờ trốn chạy sự vật. Chạy trốn là thú nhận sự bất lực của chính mình. Toàn bộ kinh điển Phật giáo nói riêng và triết lý Đông phương nói chung là dạy con người tìm trở lại con người thật của chính mình, trả toàn vẹn quyền con người lại cho con người. Con người tự mình định đoạt số phận của mình chứ không phải theo ý của một vị Phật, Chúa, hay Thượng đế nào cả. Đó là tính nhân bản của triết lý Đông phương.
Alexandre de Rhodes lắng nghe say sưa. Những điều vị thiền sư nói quá mới mẻ với ông. Ông không ngờ rằng với cái bề ngoài đơn sơ giản dị như vậy mà vị thiền sư đã đạt được một trình độ tâm chứng đặc biệt, khả dĩ thăng hoa được tâm hồn người nghe mà không hề trải qua sự lý luận dằng dai. Cơ hồ điều mà vị thiền sư nói ra là cái chính Ngài đã đạt được chứ không phải một thứ tư duy trừu tượng nào cả. Vị giáo sĩ trịnh trọng xin thiền sư dạy cho một câu để dụng tâm và để sống tiếp giữa đời sống này. Thiền sư Hương Hải ngước nhìn một cánh chim bay ngang trời, thong thả ngâm :
“Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.”[2]
A. Rhodes đứng dậy, chắp hai tay trước ngực theo cách mà ông thường thấy người Việt Nam hay chắp trong các đền thờ, cúi đầu cảm tạ. Thiền sư Hương Hải cũng vươn vai đứng dậy đáp lễ. Trong ý thức, ông biết vị giáo sĩ mắt xanh da trắng này không dễ dàng gì lãnh hội được những điều mình nói. Một người mà thứ lý luận nhị nguyên đã ảnh hưởng thâm căn cố đế vào máu họ, thì không dễ gì một sớm một chiều có thể thay đổi định kiến của họ. Tuy nhiên, ông biết vị giáo sĩ này là thành phần đặc biệt, là người sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quần chúng, nên ông sẵn sàng thân thiện để nói những gì có thể.
Hai người cùng nhau xuống núi. Vị giáo sĩ còn hỏi rất nhiều điều về xứ sở, tâm hồn và con người đất Việt, kể cả hiện tại và tương lai. Giáo sĩ lại tin những lời trần tình đơn giản của thiền sư về tương lai như những lời tiên tri chính xác. Cho đến giờ phút này, sau nhiều năm ở Việt Nam ông mới thấy được sự lớn lao của con người ở xứ mà ông đã từng cho rằng nhược tiểu, thấp kém. Chính bộ từ điển Việt Nam – La Tinh – Bồ Đào Nha mà ông đã làm giờ này ông không cho rằng có tác dụng “khai hóa” người Việt Nam, ông lại cho rằng chính công việc La tinh hóa tiếng Việt giúp cho Đông và Tây dễ tìm hiểu nhau mà thôi. Hương Hải cắt dòng suy nghĩ của ông :
- Ngài thấy non nước ở đây thế nào ?
- Ồ, thật tuyệt ! thưa Ngài.
Hương Hải chỉ tay hướng dẫn :
- Ngài có thấy ngoài ngọn núi chúng ta đang đi còn có bốn ngọn khác xung quanh nữa không ? Người Việt Nam ví năm ngọn núi này như Ngũ Hành, tức Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, năm yếu tố tạo thành vũ trụ. Chúng ta đang đi trên ngọn Thủy sơn.
A. Rhodes chợt buột miệng hỏi :
- Tôi nghe nói núi này là nơi tu hành của Bồ-tát Quán Thế Âm, điều ấy có thật không ?
- Nếu Ngài tin có thì nó có. Năm ngọn núi này tượng trưng cho Ngũ uẩn. Ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức, năm yếu tố tạo thành con người và vũ trụ theo quan điểm của Phật giáo. Bồ-tát Quán Thế Âm là người quán thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khổ ách, không còn chướng ngại. Dân chúng ở đây gọi năm hòn núi này là Ngũ Uẩn Sơn. Hình tượng của Ngài được dân chúng khắc vào đá để tôn thờ, như một vị có năng lực nghe hết âm thanh thống khổ của thế gian và đem lòng Từ để hóa độ. Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu hiện của lòng Từ bi vô ngại, lòng Từ đó vẫn có thể có ở trong Ngài, trong tôi, hoặc bất kỳ một ai, Đức Quán Thế Âm nhờ quán sát ngoại giới, soi thấu bản chất của Ngũ uẩn mà đạt được tự do, cho nên được gọi là Quán Tự Tại. Người đạt ngộ là người tự tại trước mọi hoàn cảnh của đời sống nhân sinh.
- Thưa Ngài ! Những điều Ngài nói quá cao xa, liệu người dân bản xứ có hiểu biết điều ấy không ? Liệu một thời gian sau, ngọn núi này có còn là một thánh địa linh thiêng như Ngài nghĩ không ? Ngài nghĩ sao khi khoa học kỹ thuật phát triển tiến bộ ?
Hương Hải mỉm cười ý vị, đáp cặn kẽ cho vị giáo sĩ nghe :
- Người dân mà Ngài cho là thấp kém ấy lại hiểu điều này còn sâu hơn cả chúng ta. Họ không được sinh ra để lý luận, nhưng chính sự vô tâm đó đã giúp họ hiểu về Quán Thế Âm một cách chính xác và thơ mộng hơn những người có học nhiều. Không phải một thời gian sau, mà cả đến ba bốn trăm năm sau, cái mốc mà Ngài cho là tận thế – năm 2000 đấy, ở tại năm ngọn núi này sẽ có nhiều ngôi chùa mọc lên. Người ta xây tháp cao 8 tầng trên đỉnh núi để tôn thờ Phật, Bồ-tát. Khoa học kỹ thuật càng phát triển thì người ta càng có điều kiện để nhìn lại những giá trị thiêng liêng của đời sống. Theo tôi, người ta có tổ chức lễ hội hàng năm để tưởng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm. Mọi người ở các nơi, trong đó có cả nhiều người Âu Tây các Ngài nữa, sẽ quay về đây để dự hội, tìm hiểu, và dành nhiều thì giờ ngồi lại để chiêm nghiệm về lẽ huyền vi. Ngài hãy chờ đợi mà xem.
A. Rhodes trầm ngâm. Nắng chiều gần tắt, họ đi xuống gần đến chân núi. A. Rhodes hỏi như tiếc nuối một điều gì :
- Làm sao tôi có thể gặp Ngài được nữa ? Ngài thường ở đâu ? Làm gì ?
- Tôi vừa ở đảo Tiêm-bút-la vào đây. Hiện đang ở Thiền Tỉnh viện trên núi Quy Kính, Thừa Thiên, hoằng hóa rất thịnh. Nhờ đủ nhân duyên mà hôm nay vào Quảng Nam, biết đâu nay mai tôi lại ra Đàng Ngoài.
- Thế thì trước lúc chia tay, xin Ngài chỉ dạy tôi vài điều – A. Rhodes khẩn khoản.
Hương Hải nhìn vị giáo sĩ thân thiện, rồi ung dung nói :
- Ngài có công rất lớn với tiếng Việt đấy ! Người Việt sẽ nhớ ơn Ngài, nhưng những điều Ngài nói trong quyển “Phép Rao Giảng 8 Ngày” cũng như những mong muốn lôi kéo dân Việt Nam về với lý tưởng của Ngài, điều đó Ngài sẽ ân hận. Dân tộc Việt Nam hẳn phải còn chịu bao nhiêu cay đắng bởi chiến tranh ngoại xâm, đôi lúc cũng xuất phát từ chiêu bài truyền giáo của các đế quốc, thực ra là muốn biến Việt Nam thành thuộc địa của họ. Nhưng ngài phải tin rằng người Việt Nam có tôn giáo của họ, tổ tiên của họ, dù phải trải qua bao nhiêu cay đắng, cuối cùng họ cũng sẽ đứng vững trên hai chân nhỏ bé của mình.
Alexandre de Rhodes cúi đầu lặng lẽ. Đèn dưới xóm nhà dân đã sáng, bóng đêm dần choàng lên đỉnh núi. Tiễn vị giáo sĩ đến sát chân núi, thiền sư chắp tay chào từ biệt, rồi thong thả đi ngược lên núi.
Sau đó người ta không còn thấy vị giáo sĩ kia đâu nữa. Có lẽ Ngài đã về lại cố quốc, không còn ở Việt Nam. Cuốn tự điển Việt Nam – La tinh – Bồ Đào Nha được người ta xuất bản, người dân Việt Nam vẫn dùng mẫu tự La tinh để viết tiếng Việt. Năm tháng vẫn trôi trong xứ sở kiêu hùng này, mọi việc vẫn xoay vần, nhưng ít ai biết và nhớ đến cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật nổi tiếng của thế kỷ 17 tại đất Quảng Nam này, và cũng ít ai biết rằng nhờ cuộc gặp gỡ mang dấu ấn lịch sử này mà dân tộc Việt Nam đã bước đi nhũng bước vững chải, thành tựu về mọi mặt mà vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, vẫn giữ được tâm hồn cao quý của mình.
Mùa Xuân năm 2000
Nhất Thanh