Hương của loài hoa
Không bay ngược chiều gió
Hương người đức hạnh
Ngược gió bay xa
Tôi xin mượn bài kệ này đốt nén tâm hương kính dâng lên Ôn Vĩnh Minh, bậc tôn túc một đời quên mình cho đạo pháp, quên mình cho sự nghiệp giáo dục Tăng Ni, một đời trau dồi đức hạnh làm gương cho hậu thế.
Cuộc đời Ôn cao cả là thế! Bao la là thế! Vậy mà tôi lại thiếu phước phần không được làm học trò của Ôn, không được gần gũi để thừa hưởng một phần gia tài pháp bảo của Ôn, được hồn nhiên tắm mát trong suối nguồn yêu thương của Ôn như bao thế hệ tăng ni cùng Phật tử khác. Tôi như một kẻ cùng tử lang thang, lê tấm thân gầy bữa đói bữa no trên đường đời vạn dặm. Vậy mà tôi không được gặp Ôn, một vị đại thí chủ luôn nấu sẵn những món ngon chờ trao cho những kẻ cùng tử đói lòng, như người mẹ hiền chờ con thơ mê chơi trong những bữa cơm. Tuy vậy, tôi vẫn còn chút phước duyên biết đến Ôn và được gặp Ôn tại Vĩnh Minh. Những cuộc hội ngộ hữu duyên ấy tuy ngắn ngủi nhưng đều làm lòng tôi chấn động.
… Hồi Ôn ở Phật Học Viện Huệ Nghiêm, mới ngoài ba mươi, vừa làm giáo thọ, vừa làm giảng sư. Phật tử thích nghe Ôn giảng lắm. Năm ấy, chùa Phổ Đức – Mỹ Tho giỗ Tổ, Sư bà nhờ quý thầy quen thỉnh Ôn về giảng cho quý Phật tử nghe. Nhưng khổ nỗi chưa ai biết mặt Ôn bao giờ cả. Mới bảy giờ sáng, chưa chuẩn bị xong, đã có một chiếc Tắc-xi dừng trước cổng chùa. Một vị thầy chưa tới bốn mươi, ốm, cao bước xuống, chiếc hậu đà bạc màu cùng chiếc đãy cũ kĩ khoác trên vai làm mọi người yên tâm không phải là giảng sư Thành phố mà nghĩ chắc là thị giả của giảng sư xuống trước xem mình xắp xếp ra sao.
Ngồi nghỉ trong phòng khách, thấy mấy cô loay hoay trang trí tấm bảng cung nghinh giảng sư, vị thầy ấy vui vẻ đến chỉ và phụ làm. Mọi việc đã chuẩn bị xong, giờ giảng cũng sắp đến, mọi người đều bắt đầu sốt ruột nhìn ra cổng. Đến khi không thể chờ được nữa, mấy cô thị giả bấm bụng đến hỏi vị thầy kia có phải là thị giả của thầy Giảng sư Tâm Thanh không, sao đến giờ rồi mà thầy chưa xuống. Vị thầy ấy mỉm cười hiền hòa bảo tôi là thầy Tâm Thanh đây. Mấy cô thị giả thất kinh, vội lên cho Sư bà hay. Sư bà y áo xuống xin sám hối thầy. Thầy cười sang sảng, bảo chẳng việc gì, rồi vội thay y hậu lên giảng đường trước ánh mắt bối rối ngỡ ngàng lẫn kính phục của mọi người.
Hình ảnh của Ôn cùng cái tên Tâm Thanh hay hay trong câu chuyện được nghe đi vào tâm hồn một cô bé mới bước chân vào chùa mười mấy năm trước như một câu chuyện thần thoại đầy ấn tượng. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Ôn.
Sau bốn năm Cơ Bản ra trường, tôi được theo phái đoàn của quý sư cô đi Đàlạt. Phái đoàn ghé Tu viện Vĩnh Minh đảnh lễ Ôn. Nghe người trong đoàn nhắc đến tên Ôn, lúc này Ôn đã là Thượng tọa, lòng tôi nôn nao như sắp gặp được người thân. Rồi Ôn xuất hiện, giọng cười sang sảng xua tan cái lạnh về chiều của Đại Ninh, xua tan sự mệt mỏi của đoàn lữ khách trên chặng đường dài và xua tan luôn bức chân dung Ôn ngày nào trong tôi. Ôn đứng đó, cao lớn, hồng hào, đôi mắt sáng quắc, cái bụng lớn như bụng ông địa, chiếc hậu vàng thâm kim nơi cổ, nơi tay, chiếc quần bạc màu kéo cao khỏi mắt cá để lộ đôi dép “cổ” to đùng, nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. Tất cả toát lên vẻ bình dị mà trang nghiêm, có gì đó hơi xuề xòa nhưng lại nghiêm túc, khiến người đối diện có cảm giác như thân quen tự bao giờ. Ôn thân thiện dẫn đoàn đi tham quan chùa, giọng cười sang sảng lâu lâu lại vang lên. Tôi cứ nhìn Ôn mãi. Nghe lòng mình bình an lạ. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Ôn.
Lần thứ hai tôi gặp Ôn trong không khí thân gần hơn. Lớp Luyện Dịch Hán Nôm chúng tôi ra trường, Sư phụ chủ nhiệm tổ chức đi Đàlạt, ghé Ôn ở lại một đêm. Vừa bước vào chào Ôn, một vị thầy đệ tử Ôn chỉ tôi giới thiệu: “Đây là VL viết bài trong Suối Nguồn đó bạch thầy”. Ôn nhìn tôi cười: “À, giỏi, còn nhỏ mà viết được như vậy là khá, viết nhiều vô con”. Giọng Ôn sang sảng, mạnh mẽ, tôi bất ngờ quá chỉ biết mỉm cười, chắp tay xá Ôn. Đó là lần đầu tiên tôi được đứng bên Ôn, được nhận từ Ôn một lời khích lệ. Tôi thầm nghĩ trong lòng sau này sẽ cố gắng viết thật nhiều, để được Ôn đọc, được Ôn khích lệ và hướng dẫn, là nhân duyên khởi đầu cho nhiều điều tốt đẹp về sau. Thế nhưng tôi quên cuộc đời là vô thường, để cái diễm phúc lần đầu tiên ấy đã trở thành lần cuối cùng tôi được gặp Ôn, được nghe Ôn nói cười.
Tin Ôn mất làm tôi bàng hoàng, lặng người, thẫn thờ, xen lẫn sự hờn trách. Ngày hay tin Ni sư Trí Hải mất tôi cũng có tâm trạng như thế, dù rằng cũng như đối với Ôn, tôi chưa hề được làm học trò của Ni sư, chỉ biết thế thôi. Tôi buồn cho Phật giáo mất đi một bậc tôn túc tài đức, tôi buồn cho tôi, cho tăng ni trẻ mất đi một bậc thầy tinh thần, nên nỗi buồn của tôi cứ mêng mang. Tôi trách vô thường sao không đến dẫn kẻ hậu sanh nghiệp dày duyên mỏng, ngu si có thừa như tôi đi mà lại tìm đến những bậc thầy của nhiều thế hệ, cội đại thọ tỏa bóng mát cho nhân sinh. Tôi giận Ôn ra đi quá sớm, măng chưa cứng mà tre đã nỡ rụi tàn.
Tuyến đường từ Thành phố Hồ Chí Minh lên Đại Ninh cùng cảnh trí hùng vĩ, thơ mộng hai bên đường không làm cho nỗi buồn trong tôi dịu xuống được. Cuối xuân, ban ngày khí hậu Đại Ninh ấm áp mà tôi nghe lòng lạnh buốt. Lặng lẽ theo chân mọi người vào phương trượng đảnh lễ Ôn lần cuối trước lúc nhập liệm, tôi như không tin Ôn ra đi mãi mãi. Ôn nằm đó, bình yên thanh thản, hoa nở rộ xung quanh, hương tỏa ngào ngạt. Tôi phủ phục trước thềm, nỗi buồn mênh mang cứ trào dâng, tràn ra khóe mắt. Tôi thấy buồn Ôn chi lạ. Ôn bảo, “Đi cũng tốt, ở cũng vui lòng”, vậy sao Ôn không ở mà đi? Giá như Ôn nói ở lại buồn quá thì tôi dễ chấp nhận. Tại sao Ôn nỡ về với Phật, với tổ, bỏ lại đàn hậu thế bơ vơ. Tôi thẫn thờ trước thực tại.
Đi cũng tốt, ở cũng vui lòng
Đi vui theo nhịp Lâm Tòng hoa chư Tổ
Ở lại tùy duyên hóa độ chúng sanh
Đi sẵn sàng thắp sáng huệ tâm linh
Ở lại cùng chúng hữu tình vui diệu pháp
Vui như thế còn gì vui hơn nhỉ?
Đi cũng tốt, ở cũng vui lòng.
Bài kệ ra đi ngày nào của Ôn tôi đã thuộc, tôi không còn buồn Ôn nữa. Hôm nay, trong khuôn viên chùa Vĩnh Minh, tháp giữ nhục thân của Ôn sừng sững vươn cao cùng nhiều công trình Ôn để lại. Nhưng cao hơn cả là cuộc đời và sự ra đi của Ôn, là ngọn đuốc huệ tâm linh soi sáng cho đàn hậu tấn cùng muôn vạn sinh linh trên đường về bến giác.
Cuối hạ Ất Dậu
Viên Lộc