Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Apr 20th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Hồi Ký Đảnh Lễ Lục Tổ

Hồi Ký Đảnh Lễ Lục Tổ

Email In PDF


TRƯỚC NGÀY LÊN ĐƯỜNG

Có lẽ do nôn nóng được đảnh lễ Lục Tổ hay do tâm trạng lo lắng bất an của một người ít đi đó đi đây, khiến tôi cứ trằn trọc hoài không ngủ được. Tôi nằm đó, nghĩ đến hành trạng của Lục Tổ qua những kiến thức chắp vá thu thập được qua nhĩ căn, nhãn căn, hiện về đứt quãng trong một đầu óc kiến thức và trí nhớ quá khập khiểng…

 

 

….Ngài xuất thân trong một gia đình nghèo khổ, cha bị bịnh mất lúc Ngài mới ba tuổi, mẹ ở vậy nuôi Ngài, lớn lên Ngài vào rừng đốn cũi đem ra chợ bán để nuôi mẹ, không hề được học hành gì cả.

Một hôm, trên đường gánh củi ra chợ bán, đi ngang một căn nhà, nghe bên trong vang ra tiếng tụng kinh, Ngài nghe qua tỏ ngộ, liền hỏi người kia đang tụng kinh gì, kinh đó ở đâu có được. Người kia đáp là kinh Kim Cang, do Ngũ tổ Hoằng Nhẫn ở chùa Đông Sơn, huyện Hoàng Mai dạy chúng tôi trì tụng. Nghe xong Ngài muốn đến gặp Tổ liền, nhưng còn do dự mẹ già không ai chăm sóc, lúc ấy có người quen nhận chăm sóc dùm mẹ già, Ngài vui quá, vội vàng về xin mẹ và lên đường tìm đến huyện Hoàng Mai. Đến nơi, Ngài xin gặp Ngũ Tổ, Ngũ Tổ thấy Ngài hỏi:


- Chú từ đâu đến?
Đáp:
- Từ Lĩnh Nam đến.
- Đến đây cầu việc gì?
- Đến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.
- Người Lĩnh Nam vốn là dân mọi rợ, làm sao cầu làm Phật được?
- Người tuy có bắc nam, nhưng Phật tính không chia nam bắc.

Qua cuộc đối thoại Tổ biết Ngài là hàng pháp khí, không nói gì, bảo Ngài xuống nhà bếp làm công quả.
Từ đó, Ngài ở trong nhà bếp, chuyên gánh nước, chẻ củi, giã gạo. Cái cối giã gạo lớn quá, Ngài thì nhỏ con, không đủ sức nhấc đòn bẩy, thế là Ngài lấy một cục đá đeo thêm vào sau lưng để đủ sức giã gạo. Cứ như thế, Ngài làm công quả suốt sáu tháng rồng, không được học hành, nghe kinh gì cả. Ngũ Tổ biết thời cơ truyền pháp đã đên nên ra lệnh trong chúng làm kệ trình tri kiến để chọn tổ thứ sáu. Trong chúng có ngài Thần Tú là giáo thọ sư, người giỏi nhất trong chúng làm kệ, và ai cũng nghĩ chỉ có Ngài là người duy nhất có đủ khả năng kế thừa y bát. Ngài Thần Tú vì không tự tin nên không dám trực tiếp trình kệ cho Ngũ tổ mà viết bài kệ lên trên vách tường, kệ rằng:

Thân thị Bồ đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Nghĩa:
Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn siêng năng lau chùi
Đừng để cho bụi bám.

Sau khi đọc xong bài kệ, Ngũ Tổ gọi ngài Thần Tú vào phòng nói rằng:
“Bài kệ của ông chưa rốt ráo, chỉ như người mới đến cửa, chưa bước được vào bên trong, nếu ai cũng theo bài kệ này tu hành thì sẽ không bị đọa lạc, có nhiều lợi ích, nhưng để cầu Vô Thượng Bồ Đề thì chưa được, ông về tư duy và làm bài kệ khác cho ta.”

Khi đó có một đồng tử đi ngang phòng giã gạo đọc bài kệ ấy, Huệ Năng nghe được hỏi chuyện, và nhờ đồng tử dẫn Ngài ra ngoài để được xem bài kệ đó, xem xong bài kệ, Ngài nhờ một người viết kế bên bài kệ ngài Thần Tú bài kệ sau:

Bồ đề bổn vô thụ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai?

Dịch nghiã:
Bồ đề vốn chẳng cây,
Gương sáng cũng chẳng đài,
Xưa nay không một vật,
Nơi nào dính bụi trần?

Ngũ Tổ đọc xong bài kệ, biết là người đã đắc pháp, bèn đi xuống nhà bếp hỏi Ngài:

- Gạo giã đã trắng chưa?

Huệ Năng đáp:

- Gạo trắng đã lâu, chưa có người sàng.

Tổ lấy gậy gõ trên cối ba cái rồi bỏ đi. Huệ Năng hiểu ý Tổ, nên canh ba vào thất. Tổ dùng Ca sa che lại không cho người thấy, rồi thuyết Kinh Kim Cang, đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Huệ Năng ngay đó đại ngộ tất cả vạn pháp chẳng lià tự tánh, bèn bạch Tổ rằng:

Ðâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
Ðâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động,
Ðâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp!

Sáng hôm sau, Ngũ Tổ lặng lẽ đưa Huệ Năng qua sông đi về phương nam đợi nhân duyên hoằng pháp. Đến bến sông Cửu Giang, Huệ Năng giành lấy mái chèo:

Ngũ Tổ nói: Đúng ra ta phải độ.

Ngài Huệ Năng thưa: “Khi mê thì thầy độ (cứu độ, đưa qua sông) khi ngộ rồi thì tự độ.”

Sau khi biết tin Ngũ Tổ đã truyền y bát cho Huệ Năng, Huệ Minh, vốn là một tướng quân, tín tình thô bạo, dẫn mấy trăm người đuổi theo Huệ Năng để lấy lại y bát. Khi ấy Huệ Năng để y bát trên tảng đá nói rằng: “Y bát là vật làm tin, há có thể dùng sức mạnh đoạt được sao?”, nói xong ẩn mình trong lùm cây. Quả nhiên ngài Huệ Minh không thể nhấc nổi bát. Lúc ấy Huệ Minh mới nói ngài đến vì pháp chứ không phải đến vì y bát, mong được khai ngộ.

Ngài Huệ Năng bước ra ngồi trên tảng đá khai thị một câu sau này trở thành công án: “không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai dện mục của thượng tọa Minh”.

Ngài Huệ Minh đảnh lễ trở về, ngài Huệ Năng một mình đi đến Tào Khê, để lánh nạn, Ngài phải ở chung với một nhóm thợ săn suốt 16 năm trời, tùy duyên thuyết pháp giáo hóa họ, chỉ ăn rau rừng luộc chung với nồi thịt của thợ săn….

Cứ thế, không biết tự lúc nào, tôi theo hành trạng cuộc đời của Tổ vào giấc ngủ. Thời gian lặng lẽ trôi, trôi xuyên qua màn đêm, trôi đến một ngày mới

ĐƯỜNG ĐẾN QUẢNG CHÂU


Tiếng đồng hồ reo làm tôi giật mình choàng tỉnh, lòng nghe nôn nao một điều gì không rõ. Sau khi điểm tâm tô mì gói, thắp nhang lễ Phật cầu nguyện chuyến đi được hanh thông, tôi quảy chiếc ba lô nhỏ lên vai, cùng mọi người xuống lầu. Sư phụ đã đến và đợi tự bao giờ.
Đúng 6g 30, hai chiếc xe bảy chỗ ngồi nối nhau lăn bánh, thành phố vẫn còn chìm trong giấc ngủ, trên đường phố xe cộ rất thưa thớt. Cái không khí lành lạnh và trong lành của buổi sớm mai thổi vào người qua khung cửa sổ thật dể chịu, chẳng bù cho những buổi trưa nóng đày bụi bặm và mùi khói xe. Tôi hít một hơi dài, nghe thật khoan khoái nhẹ nhàng. Qua khung cửa sổ, hiện tại vùn vụt trôi vào quá khứ, trước mắt phút chốc trở thành sau lưng, theo vận tốc xe chạy; quá khứ, hiện tại, tương lai giao nhau trong tầm mắt. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện ngài Đức Sơn Tuyên Giám.

Một hôm, rên đường đến Long Đàm, ngài gặp một bà già bán bánh bên đường, liền dừng lại mua vài cái bánh ăn điểm tâm. Bà già chỉ cái gánh ngài đang gánh, hỏi:

- Trong đó là cái gì?

Ngài đáp:

- Bộ Thanh Long Sớ Sao.

Bà nói:

- Tôi có một câu hỏi, nếu thầy đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Bằng đáp không được, mời thầy đi nơi khác.

Ngài đồng ý, bà liền hỏi:

- Trong kinh Kim cương có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.’ Vậy Thầy muốn điểm tâm nào?
Sư lặng thinh, không đáp được. Người đàn bà liền chỉ Sư đến tham vấn Thiền sư Long Đàm Sùng Tín. Tại đây ngài đắc pháp, từ đó không còn xem thường thiền tông như trước nữa.

Khung cảnh phi trường Côn Minh đã hiện ra trước mắt. Tiếng xe, tiếng người ổn ào tấp nập. Phi trường, sân ga, nơi diễn ra những chuyến ra đi, những chuyến trở về, những cuộc chia tay, những lần hội ngộ, những nụ cười đoàn tụ, những giọt nước mắt phân ly…tất cả diễn ra trong cùng một không gian nhỏ bé, chỉ có sân ga, phi trường vẫn bất động, những nhân viên làm việc chỉ thấy nơi ấy là một cuộc sinh nhai, một ngày lao động kiếm sống. Mỗi con người mỗi tư tưởng, mỗi thế giới riêng, dù đang sống trong cùng một không gian, một hoàn cảnh như nhau. Phật nói vô lượng vô biên thế giới phải chăng phát xuất từ đây? Từ nơi tâm tưởng của mỗi chúng sinh, mà chúng sinh thì vô lượng? Quá khứ, hiện tại, tương lai, lưu chuyển trong vô lượng thế giới, bằng sức đẩy của nghiệp lực???

Xe dừng ngay cửa dẫn vào sân bay trong nước, tôi lại quảy chiếc ba lô nhỏ lên vai, nhìn mọi người trong đoàn kéo những chiếc vali khá đẹp, thấy cũng sang trọng và hay hay, nhưng hơi lớn, tôi thấy thinh thích cái ba lô của mình hơn. Không biết từ bao giờ, tôi đã tập bỏ dần những thói quen “con gái” của mình. Con gái đi đâu thường khệ nệ đủ thứ, có những cái chẳng dùng tới cũng không dám bỏ lại. Tôi thì tập bỏ càng nhiều càng tốt, dù có khi cũng lâm vào cảnh “túng thiếu” nhưng thấy vẫn thích và thoải mái hơn là khệ nệ với đủ thứ đồ trên một chuyến đi. Ngay từ ngày đầu tiên đi chùa, nhìn thấy “mái tóc đã bay theo gió” của quý thầy, tôi bắt đầu thấy không có cảm tình với mái tóc của mình, thấy phiền phức mỗi lúc gội đầu, mỗi khi chải tóc trước gương… tôi muốn bỏ nó, và rồi một ngày kia “không còn tóc để rối, chỉ còn tóc ni bay”. Vào chùa đi sâu vào những lời Phật dạy, tôi lại thấy không mấy cảm tình với những bản tính “con gái” của mình, và tôi tập bỏ nó, vì Phật dạy đó là “nghiệp nặng” mà, tôi còn ôm giữ nó làm gì. Cho đến khi tiếp xúc với thiền, đọc những những hành trạng của chư Tổ, những câu chuyện du tăng đi hành cước, tôi thèm được làm một “nam tử hán” ba y một bát như bài thơ:


Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt ngắm xem trần thế
Mây trắng hỏi đường qua.

Dù biết rằng nam hay nữ cũng tốt cho chuyện tu học, ai cũng có họa và phúc cả, nhưng tôi vẫn thích làm nam nhi hơn, bởi chính tôi chiêm nghiệm được, dù tâm của tôi có thể đã không là “con gái” nữa, nhưng cái thân vẫn chi phối và ảnh hưởng rất lớn trên phương diện tu học cũng như lợi tha. Vì thân là kết quả của tâm, của nghiệp, thân hiện ra để thực hiện những gì ý nghiệp mong muốn, cho nên, nay ý nghiệp có thể thay đổi, nhưng thân nghiệp không tương ưng thì những nghiệp mới của ý thức khó thực hiện được. Vì vậy tôi chỉ có thể cố gắng thay đổi chính mình, biến mình thành “trượng phụ” từ tâm tính cho đến hình thức trong khả năng và hoàn cảnh có thể thực hiện được, và tôi thấy cái Phật dạy là “nghiệp nặng” từ từ tách rời cuộc sống của tôi. Tôi hiểu rằng, “nhất thiết duy tâm tạo”, vấn đề chỉ là thời gian và sự cố gắng của chính mình.
Sau khi hoàn tất thủ tục hành chính, đoàn đến nơi ngồi đợi và ăn điểm tâm với lương thực được mang theo. Tôi đã thủ bụng một tô mì rồi nên lôi quyển sách nhỏ mang theo ra đọc, lâu lâu ngước nhìn khung cảnh xung quanh, một dòng nhân duyên không đầu mối, tâm cảnh không hai, nếu hai thì sao hôm nay mình ngồi đây và nhìn thấy mọi thứ!

7 giờ 50 đoàn lên máy bay, phải đi xe buyt qua một đoạn đường khá xa mới đến máy bay. Đúng 8 giờ 20 máy báy cất cánh. Dù đi máy bay cũng mấy lần rồi, nhưng tôi vẫn bị khó chịu mỗi khi máy bay cất và hạ cánh, tôi phải nhắm mắt cho đến khi máy bay đã lên cao hoặc dừng hẳn mới dám mở mắt ra. Bên cạnh tôi, Từ Thảo cũng không khá hơn gì, mặt mày bơ phờ, nụ cười méo mó: “Con muốn lên ruột luôn”. Sau đó mọi chuyện khá dần lên khi máy bay đã an định trên độ cao nhất định. Tôi nhìn qua khung cửa nhỏ, mây trắng bồng bềnh bên dưới, lâu lâu cảnh phố xá hiện ra nhỏ bé chập chờn trong những áng mây mõng như những dãi lụa trắng hư ảo. Thật hư một cõi!

Chừng 9 giờ 30, nhân viên cho hành khách dùng điểm tâm. Vì có đặt thức ăn chay nên đoàn cũng nhận được phần ăn sáng như bao hành khách khác. Thức ăn chay điểm tâm cũng khá phong phú, một hộp cơm nóng bên trong có món cải (không biết tên) xào chung với cà rốt, ớt trái lớn như ớt Đà Lạt, một hộp như dưa trộn đủ màu xanh đỏ trắng, một ổ bánh mì tròn nhỏ, một hộp nhỏ trái cây là dưa gang màu vàng, một hộp kẹo nhỏ. Thấy cũng không mấy hấp dẫn, nhưng ăn sáng từ lúc chưa đến 6 giờ, nay bụng tôi cũng hơi lép nên quyết định độ tận chúng sinh. Đang ăn, nhân viên đem thức uống đến, tôi chọn caffe uống cho tỉnh táo, nhưng khi nhận ly caffe, chỉ nhìn màu sắc thôi tôi đã thấy “tỉnh” rồi, nhưng cũng phải “độ” thôi. Bồ tát độ sinh đâu thể kén chọn được!!! Ăn xong tôi không dẹp bàn, để quyển sổ lên đó tiếp tục ghi những vọng tưởng lên trang giấy trắng. Thấy vậy, Từ Thảo quay sang nói: “Sao hồi nảy giờ cô không để bàn ra viết cho khỏe mà để trên đùi”. Tôi chỉ biết cười: “Có đủ thông minh để nhớ đâu mà làm em”. Cả hai cùng cười, Từ Thảo thỉnh thoảng nói chuyện cùng cô Hạnh Trí, cô Tịnh Nghiêm và Nhụt ngồi hàng ghế bên trên, tôi tiếp tục công việc của mình. Bên dãy đối diện bên kia, ba hành khác ngồi cạnh nhau đem bài ra đánh, chỉ nhìn là đã biết dân Trung Quốc chính thống. Một anh chàng ngồi ngoài cùng dãy ghế với tôi, bên cạnh Từ Thảo, thì im lìm với chiếc phone trong tai.

BỮA CƠM ĐẦU TIÊN TẠI QUẢNG CHÂU


Sau gần hai tiếng đồng hồ bay, máy bay đáp xuống phi trường thành phố Quảng Châu trong cái nóng mùa hè oi bức, chẳng thua kém gì Việt Nam. Phi trường chia hai khu quốc tế và quốc nội, bên nào cũng rộng mênh mông, đi từ nơi này đến nơi kia mõi cả chân, vì vậy trong phi trường có một loại xe nhỏ chở hành khách từ nơi cân hành lý đến nơi ngồi chờ…đi đoàn nếu như lạc nhau thật phiền phức, nhất là những lính mới như tôi.

Sau khi đợi thầy Tâm Từ lấy hành lý, cả đoàn ra ngoài chờ xe đến đón về khách sạn. Ra đến đây mới thấy thế nào là nóng, ai cũng mồ hôi nhễ nhại, cô Hạnh Trí rút chiếc quạt Ba tiêu chuẩn bị sẵn ra quạt cho Sư phụ. Chờ một lát thì xe đến, mặc dù xe có máy lạnh, nhưng chưa đủ độ để làm mát những tổ hợp tứ đại còn nhễ nhại mồ hôi. Tôi ngồi ghế ngay sau Sư phụ, tiếp tục quạt cho đến khi nghe không khí trong xe mát lên. Con đường cao tốc từ sân bay về thành phố thật đẹp, vừa rộng vừa nhiều cây xanh và hoa, những chiếc cầu vượt hai ba tầng cứ giao nhau như những lớp ổ nhện, không phải chỉ một cầu như ở Côn Minh. Xe vào đến thành phố thì trời sầm tối bởi những áng mấy đen bao phủ, báo hiệu một cơn mưa sắp đến, không khí như dịu hẳn đi. Sự đồ sộ và nhộn nhịp của thành phố được xem là thành phố lớn và phát triển đứng thứ ba sau Bắc Kinh và Thượng Hải của Trung Quốc, khiến tôi chỉ biết ngắm nhìn trong lần hội ngộ đầu tiên này.

Xe đang giảm dần tốc độ trước dòng xe cộ của thành phố cũng như cơn mưa đang nhẹ nhàng rơi. Sư phụ quay xuống hàng con cháu phía sau nói:

- Hồi nảy ai ăn trên máy bay rồi no chưa, có muốn đi ăn nữa không, Sư phụ chưa ăn, Sư phụ đi ăn, ai không đi ăn thì nằm ở khách sạn nghỉ ngơi.
Hình như hết thảy sư con và sư cháu đều đáp no rồi không đi ăn. Tôi lên tiếng hỏi Sư phụ:

- Sư phụ ơi, ai không đi ăn có được …. thối tiền không?” hihihi!!! (Sư phụ bao ăn mừ!).

Sư phụ cười (ngao ngán)!!!

Xe dừng trước cửa khách sạn Đại Ái Quần, phía bên tay phải là dòng sông Duyên (Duyên Giang) khá rộng giữa hai bờ cây xanh, nước sông đang chảy nhanh dưới làn nước mưa nặng hạt.

Chúng tôi lần lượt nhận phòng, tất cả đều ở lầu năm, chỉ riêng HongYu và người chú (chú bà con, đang làm việc tại Quảng Châu, nên đi theo đoàn phụ giúp hướng dẫn chuyện đi lại, ăn ở…) ở trên lầu sáu. Sư phụ một phòng, thầy Tâm Từ và Toàn một phòng, hai song long Nhựt-Quang một phòng, hai song hổ Từ Thảo-Từ Phụng một phòng, tôi và Hạnh Trí một phòng, sư chị Tịnh Nghiêm vì lẻ nên một mình một giang sơn. Tôi chưa từng ở khách sạn lần nào nên không biết chất lượng cũng như giá cả, chỉ nghe sư phụ cũng như những thành viên có kinh nghiêm, không mấy bằng lòng. Với tôi, nó chỉ là một căn phòng bình thường, không có gì sang trọng cả, chưa nói là những tiện nghi trong phòng hơi lạc hậu và xuống cấp. Chỉ được một điều là từ của sổ khách sạn có thể ngắm nhìn dòng sông Duyên cùng hàng cây xanh rợp bóng mát bên dưới. Sư phụ dặn nhận phòng sắp xếp hành lý xong, tập trung đến phòng sư phụ để cùng đi ăn và đến chùa Quang Hiếu luôn.

Đúng 12 giờ 40, chúng tôi lên xe trong cơn mưa vẫn còn rơi. Mưa như bàn tay khổng lồ xoa dịu cái nóng của thành phố, đường phố đã sạch lại càng sạch thêm. Hai bên đường phố hàng quán sầm uất, đường đi bộ rợp những bóng dù đủ màu sắc sặc sở. Mưa không những không ngăn được bước chân của người trên phố mà còn tạo thêm vẻ lãng mạn đáng yêu cho du khách phương xa đến thành phố này.
Anh tài xế không rành đường đến chùa Quang Hiếu cũng như tiệm cơm chay Tịnh Thiện kế chùa, sau một hồi kiếm đường, xe cũng đã đến được tiệm cơm chay đang tìm kiếm.

Tiệm cơm chay Tịnh Thiện nằm ở đường Tịnh Huệ, số 76, khu Việt Tú, thành phố Quảng Châu. Tiệm khá rộng, có phòng riêng dành cho đoàn. Với đám con cháu khờ dại, Sư phụ phải ra tay cùng HongYu đặt thức ăn. Trong lúc đặt, sư phụ cũng tính trừ bớt lượng thức ăn đang nằm trong bao tử chúng tôi, chứ gọi nhiều quá dư thì không hay. Tuy nhiên sư phụ giới thiệu món này ngon lắm ăn đi, món kia ngon lắm ăn đi. Vì đã lỡ nói trước với sư phụ là không ăn, nay mà ăn nhiều quá thì kì, tôi bèn dùng tiếng Hoa để nói với Sư phụ cho đỡ ngại miêng:

- Sư phụ à, tuy nói không ăn, nhưng nếu thức ăn ngon thì cũng có thể ăn nhiều nhiều chút ạ
Sư phụ cầm thực đơn trên tay, quay qua nhìn tôi, cười (hoan hỷ)!!!

Sau một hồi chờ đợi, những món ăn từ từ được dọn lên, phong phú và đa dạng:

- Cơm chiên ít dầu, có mùi háp lửa nên được sư phụ chấm.
- Khoai môn nạo ra, tẩm bột chiên với hình con cá lớn.
- Món xào gồm nấm đông cô, nấm rơm, nấm mèo, phù chúc tươi, cải. Món này cũng được sư phụ chấm vì hương vị thơm ngọt của nấm rơm tươi.
- Món cuốn giống như bì cuốn, nhưng cuốn bằng lá phù chúc, bên trong đồ xào gồm cà rốt, nấm, cải…
- Món nấm kim xào với tàu hủ Nhật Bản, điểm vài lát ớt xanh cho có màu hấp dẫn. Tàu hủ từng miếng tròn nhỏ, mềm như tàu hủ non của mình, ăn vào có mùi thơm và béo béo.
- Phù chúc tươi ướp chiên.
- Phở xào.
Thức ăn ở đây được nấu với khẩu vị mặn mà giống như Việt Nam, nên rất dể ăn, vì vậy tất cả đều được độ tận.
Trà Phổ Nhĩ nóng vừa làm tan dầu của thức ăn, vừa làm ấm lòng lữ khách trong cơn mưa trên phố lạ.

QUANG HIẾU TỰ -PHÁP TÁNH TỰ


Chùa Quang Hiếu chỉ cách tiệm ăn vài căn nhà, dùng cơm xong, sư phụ có việc, nên chúng tôi vào chùa trước, đợi sư phụ. Cơn mưa vẫn chưa dứt, chúng tôi chẳng ai đem dù theo, nên phải tấp vội vào tiệm dù trước cổng chùa mua vài cái.
Mưa lúc này tuy không thích bằng nắng ráo, nhưng trong cơn mưa rỉ rả làm cho lòng người con Phật về đảnh lễ đất Tổ dâng lên một tình cảm lạ lùng, cơn mưa như trêu chọc, như muốn thử thách lòng thành của cùng tử trong một chuyến trở về! Chúng tôi đội mưa vào đảnh lễ từng điện thờ. Tuy là lần đầu tiên đến chùa Quang Hiếu, cũng là chùa Pháp Tánh, nơi Lục Tổ xuất gia, nhưng nhờ vốn kiến thức chữ Nho bỏ túi nên tôi đọc được những tấm biển và những tấm bia ký để ở mỗi nơi, nhờ vậy tôi biết những nơi mình đang đến. Tôi đọc những bia đá bằng chữ Nho nhưng có cảm giác như đang đọc lại những lời sư phụ từng dạy, từng kể, trong đó có câu chuyện nhỏ nhưng nghĩa lớn, câu chuyện mở đầu cho sự nghiệp hoằng truyền thiền tông hưng thịnh của Lục Tổ.

…Sau thời gian mười sáu năm sống chúng với nhóm thợ săn, một ngày kia, Lục Tổ biết thời cơ hoằng Pháp đã đến, nên đến chùa Pháp Tánh (Quang Hiếu) ở Quảng Châu, nhân lúc pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết bàn, trong hội chúng có hai vị tăng đang tranh luận chuyện gió và lá phướn, một người nói gió  động, một người nói phướn động, không ai nghe ai cả. Huệ Năng khi ấy nghe được, chen vào nói: “chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, mà chính tâm nhân giả động”. Chính câu nói này đã khiến cho ngài Ấn Tông thỉnh giáo, lạy Huệ Năng làm thầy, và xuống tóc cho thầy mình. Sau đó Huệ Năng hoàn tất những nghi thức thọ giới để chính thức trở thành một vị Tỳ kheo, chính thức được công nhận Tổ thứ sáu thiền tông, đủ mọi điều kiện và thắng duyên để hoằng truyền mạng mạch Phật pháp…

Sau khi đảnh lễ Phật Di Lặc, vị Phật tương lai được thờ ngay điện đầu tiên sau cổng tam quan theo cách tôn thờ của chùa Trung Quốc, với ý nghĩa, mỗi người đến nơi này không gì khác ngoài cầu gieo nhân với Phật tương lai, cầu gặp Phật tương lai, cầu thành Phật trong tương lai. Đâu lưng với Phật Di Lặc là ngài Hộ Pháp đứng cầm kiếm uy nghiêm, mắt không rời Đại hùng bảo điện trước mặt.

Phía sau chánh điện là tháp thờ tóc của Lục Tổ, bên cạnh là cây Bồ đề, nơi  Lục Tổ xiển dương pháp môn Đông Sơn (pháp môn nhận từ Ngũ Tổ ở Đông Sơn). Tương truyền cây Bồ Đề này được chiết từ cây Bồ Đề ở Bồ Đề đạo Tràng, do ngài Trí Dược, một vị tăng người Ấn đích thân đem từ Ấn Độ đến trồng nơi đây vào năm 502. Ngài Trí Dược còn tiên đoán: “170 năm sau, có nhục thân của Bồ tát ở dưới cây Bồ đề này xuất gia thọ giới, xiển dương giáo pháp thượng thừa, độ vô số chúng sinh.” Quả nhiên sau này tổ Huệ Năng xuất hiện đúng như lời tiên đoán.

Hành trạng cuộc đời của chư vị Tổ sư xuất hiện ở đời, không thể dùng con mắt phàm và cái trí phàm phu đầy nghiệp chướng mà nhìn và hiểu được, có chăng còn chút phước duyên có niềm tin chân chính, kiên cố, cộng thêm sự khai thị của chư thiện tri thức, chúng ta mới mong thể nghiệm phần nào cuộc đời, sự chứng ngộ và sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của quý Ngài. Từ đó phát tâm lập nguyện đi theo con đường các Ngài đã đi, lập nguyện thành Tổ, thành Phật, độ tận chúng sinh.

Mưa vẫn rơi chuyện của mưa, những người con Phật vẫn thành tâm lễ lạy, cúi mình dưới những chứng tích lịch sử một thời đã chứng kiến cuộc sống của một bậc Tổ sư, một bậc Long tượng của chốn thiền môn. Gió cứ theo chiều gió, phướn cứ phất theo phướn, chuyện gì nhân giả phải phân vân? Phải tranh cãi?

Chúng tôi tiếp tục đi về phía sau, đến điện thờ Lục Tổ. Chánh điện cũng như những điện thờ khác của chùa Trung Quốc thường có không gian hơi âm u chứ không sáng sủa như chùa Việt nam, đặc biệt vào đảnh lễ ở các điện đều mang dép vào, nên nền chùa ở đây không sạch sẽ bóng loáng như thường thấy ở Việt Nam. Tuy vậy, tôi vẫn có thói quen bỏ dép bên ngoài mỗi khi vào đảnh lễ các điện.

Điện thờ Lục Tổ khá yên tịnh, thưa khách trong chiều mưa. Bên trong có hai vị phật tử ngồi trông coi. Sau khi đảnh lễ Tổ xong, trời bên ngoài vẫn tí tách tiếng mưa rơi, tôi đến phía vách tường bến trái của điện, ngồi kiết già trên nền đất, mong chạm vào chút “bất động” luôn hiện hữa và bao trùm vạn pháp trùng trùng biến động theo nhân duyên!!!...

Rời điện Lục Tổ, dưới chiếc dù màu xanh dương mới mua trước cổng chùa, tôi cùng Hạnh Trí (lúc này bị đoàn bỏ rơi) tiếp tục đến các điện khác. Bên phía trái chánh điện từ ngoài nhìn vào là niệm Phật đường, thờ Tây phương tam thánh, một nhóm Phật tử mặc áo tràng đen đang quỳ trên những chiếc bục nhỏ tụng kinh, đa phần là phụ nữ, tất cả đều quỳ chứ không ngồi. Bên phía phải là điện thờ Bồ tát Địa Tạng, tiếng tụng kinh cũng đang âm vang, tuy không nghe hiểu lời kinh đang tụng, nhưng nhìn quyển kinh trên tay một vị ni quỳ sát ngoài cửa, tôi biết mọi người đang tụng kinh Địa Tạng. Tôi đảnh lễ Bồ tát trong âm vang trầm ấm của lời kinh xen kẻ tiếng tí tách trên mái ngói, nghe trong cõi tâm linh sâu thẳm, lời đại nguyện của Bồ tát trầm hùng vang vọng: “Địa ngục vị không thệ bất thành Phật, chúng sinh độ tận phương chứng Bồ đề”. Lời kinh này tôi đã tụng không biết đến bao nhiêu lần rồi, nhưng sao hôm nay giữa đất Tổ, lời kinh nghe như mới lạ, chấn động cả thân tâm.
Lại bung dù ra, đội mưa đi kiếm mọi người, nếu không, lỡ lạc nhau giữa ngôi chùa lớn thế này thì có khi phải khóc theo mưa. Vì tuy không đi chung, nhưng lâu lâu tôi cũng dõi mắt theo hướng đi của mọi người nên nhanh chóng tìm thấy mọi người đang che dù thả thức ăn cho cá ăn ở ao Liên Trì. Cá đủ màu sặc sở, tung tăng tranh ăn khi thức ăn được thảy xuống. Cá ở chùa có phước được ăn no và bình yên tuyệt đối. Tôi không biết chúng có nhận ra được phước duyên chúng đang hưởng, cái phước duyên mà nhiều đồng loại của chúng không mấy kẻ có được? Nhưng tôi tin với những thắng duyên đang có trong hiện tại, tương lai có thể chúng không còn phải làm thân súc sanh nương nhờ sự cứu độ của người khác, mà còn biết cách tự cứu và cứu nhiều chúng sinh khác nữa.

Chúng tôi tập trung ra trước cổng chùa, định đi xem những tiệm bán Phật cụ, cũng như tượng Phật phía ngoài cổng chùa trong khi chờ sư phụ đến. Nhưng chúng tôi vừa ghé vào tiệm đầu tiên thì thấy sư phụ đã đến. Sư phụ cùng chúng tôi đội mưa vào chùa. Sư phụ vào đảnh lễ Phật rồi dẫn con cháu ra giảng cho nghe về lịch sử tháp thờ tóc của Tổ và cây Bồ đề. Sau đó chụp hình lưu niệm bên tháp và cây Bồ đề dưới cơn mưa vẫn chưa dứt. Sư phụ cứ phải chạy ra chạy vô dưới cơn mưa để làm trung tâm điểm cho đàn con cháu thay nhau đứng nép bên cạnh, lưu lại những khoảnh khắc đáng trân trọng này.

Chụp hình xong, đoàn chuẩn bị rời chùa, để tiếp tục cuộc hành trình. Tôi nhìn cây Bồ đề tuổi thọ hơn 1500 năm rợp bóng mát, nhìn tháp thờ tóc của Tổ, chợt khởi lên sự so sánh việc xuất gia của Tổ và của phàm nhân.

Một phàm phu tục tử như tôi xuất gia với ba ý nghĩa được giáo huấn: Thứ nhất, ra khởi nhà thế tục; thứ hai, ra khỏi nhà phiền não; thứ ba, ra khỏi ba cõi. Tức là lìa bỏ cuộc sống gia đình, lìa bỏ phiền não và thoát khỏi sinh tử trong ba cõi. Nếu chỉ với ba ý nghĩa này thì ngài Huệ Năng chẳng cần xuất gia làm gì? Thế tại sao Ngài vẫn xuất gia? Vì ngài là nhục thân Bồ tát, như lời tiên tri của ngài Trí Dược, nên việc ngài xuất gia cũng như ý nghĩa “chúng sinh bịnh nên Bồ tát bịnh” trong kinh Duy Ma Cật đã nói. Tất cả chỉ là phương tiện để một vị Bồ tát hoàn tất hạnh nguyện hạ hóa sau khi đã thượng cầu. Từ đó tiếp tục thượng cầu hạ hóa, hạ hóa thượng cầu cho đến khi viên mãn. Như thế, xuất gia với ba ý nghĩa trên đã đủ đối với một hành giả bước trên con đường Bồ tát đạo, con đường thượng cầu hạ hóa mà chư Phật, chư Bồ tát, chư Tổ sư đã đi qua? Câu trả lời là chưa, như những gì Sư phụ đã từng dạy về giáo nghĩa Đại thừa, con đường Bồ tát đạo.

Sư phụ dẫn đàn con cháu ra xe dưới cơn mưa còn rỉ rả như muốn níu giữ bước chân những đứa con lần đầu đến nơi này.

Chúng tôi lên xe, tiếp tục cuộc hành trình với điểm đến kế tiếp là đảnh lễ tôn tượng Quan Âm Nam Hải. Thế nhưng lòng vẫn thấy luyến lưu nơi sắp phải rời xa. Có cuộc hội ngộ nào chẳng đến lúc chia tay, có cuộc chia tay nào chẳng để bắt đầu một cuộc hội ngộ mới? Chia tay nơi này để tao ngộ nơi kia, thế mà khách trần vẫn buồn vui với bao cuộc tương phùng ly biệt!!! Biết đến bao giờ tâm không còn động khi gió thổi phướn lay???

ĐẢNH LỄ NAM HẢI QUAN ÂM


Tượng Quan Âm Nam Hải ở chùa Bảo Phong thuộc khu thắng cảnh quốc gia Tây Tiêu, thành phố Phật Sơn, cách thành phố Quảng Châu hơn một giờ xe chạy.
Xe chạy qua nhiều chặng đường cao tốc lớn và đẹp dưới cơn mưa lớn. Ra khỏi thành phố Quảng Châu, mưa tạnh dần, xe chỉ chạy ngang qua thành phố Phật Sơn chứ không vào trung tâm thành phố. Đến Tây Tiêu Đại Kiều (cầu lớn Tây Tiêu) đã có thể nhìn thấy phần diện tôn tượng Quan Âm chợt ẩn chợt hiện ở dãy núi trước mặt.

Núi đồi sau cơn mưa khi trời chiều sắp đến không xanh màu rừng mà trắng màu khói sương, những ụn mây trắng hóa thân từ những đĩnh núi cứ chờn vờn lơ lững như lưu luyến không muốn rời xa chốn thâm u tịch tĩnh. Xe chạy vào con đường vòng quanh dưới chân núi rồi tẻ vào con đường nhỏ có tấm bảng đề “Hoàng Phi Hồng Tiên Thánh Cảnh”, sau đó tiếp tục quẹo phả và lấy đà lên núi. Con đường lên núi thật yên tĩnh, dường như chỉ có chiếc xe của đoàn thôi, thật lâu mới thấy một chiếc xe nhỏ từ trên chạy xuống. Đường đèo dóc khúc khuỷu, nhưng rất đẹp và  sạch sẽ sau cơn mưa, hai bên cây xanh rợp bóng mát. Xe càng lên cao càng đưa chúng tôi đến gần với chùa, với Phật, với Bồ tát, bỏ lại cuộc sống hồng trần, phố thị lại sau lưng, dưới chân đồi.

Xe dừng lại trước cánh cổng khu du lịch để mua vé vào, rồi tiếp tục chạy lên những đèo dốc cao hơn nữa. Vì đã vào trong khu du lịch nên cảnh trí hai bên đường không còn thuần là rừng cây hoang dã mà mang đậm nghệ thuật sáng tạo của con người. Những hàng cây cắt tỉa ngay ngắn, những thảm có xanh mướt, những chiếc ao hoa súng màu tím nhạt; màu hoa điểm thêm một nét huyền ảo trong bức tranh rừng núi về chiều.
Tượng Quan Âm chợt gần chợt xa, lúc thấy trước mặt, lúc thấy sau lưng, lúc bên trái, lúc bên phải, theo hình uốn khúc của con đường. Xe chạy lên cao, dừng lại trước một cánh cổng, ngay sau lưng tôn tượng khổng lồ hiện rõ trước mặt. Nhưng nhân viên nói đoàn đi nhầm đường, đây không phải đường vào Quan Âm Nam Hải, và chỉ trở lại phía dưới, đến cánh cổng phía trước mặt tôn tượng mới đúng. Cuối cùng xe đã đến đúng nơi. Tôn tượng Bồ tát Quan Âm hiện lên trên bạt ngàn rùng núi, phía trên là nền trời xanh trong vắt không một áng mây. Hình ảnh như thực như mơ khiến tôi ngẫn ngơ vui sướng, nhìn không chán mắt. Tôi rời vị trí khi thấy sư phụ cùng đoàn đã đi xa phía trước. Đoàn dừng lại chụp hình nơi khoảng sân rộng phía trước tôn tượng hiện rõ toàn thân, trên một ngọn đồi nhỏ, với nhiều bậc tam cấp đi lên, không bị núi đồi che khuất. Từ đây nhìn lên tôn tượng vẫn còn xa, toàn là bậc tam cấp. Tôi e ngại nhìn Sư phụ: “Mình có lên trên đó không Sư phụ”, “Nhìn thấy vậy chứ xa lắm con, Sư phụ chắc lên không nổi”. Mọi người tiếp tục chụp hình, trong khi đó, tôi thấy sư chị Tịnh Nghiêm đang trang nghiêm lạy trên những bậc tam cấp, ba tam cấp một lạy, đồng thời cũng thoáng nghe Trí Quang đang nhờ ai cầm dùm cái gì đó để Quang lạy. Tôi bèn gọi Trí Quang lại, nói muốn lạy thì thưa Sư ông đã, vì trời cũng sắp tối rồi, sư ông đồng ý thì mình lạy. Sau khi nghe Quang thưa, sư phụ còn ngần ngừ, cuối cùng quyết định: “Mấy đứa con cứ lạy đi, lạy được nhiêu thì lạy, chừng nào sư ông gọi thì xuống”. Thế là mọi người bắt đầu lạy, ba bước một lạy. Tôi và Hạnh Trí không ai nói với nhau lời nào nhưng hành động thật giống nhau, vì sợ không kịp thời gian, không lên được trên tòa sen thì tiếc, thà lên trên rồi còn thời gian thì lạy, nên hai chúng tôi đi mỗi bước niệm một danh hiệu của Bồ tát, đến từng khoảng bằng giữa hai tầng tam cấp dài mới lạy ba lạy, rồi đi tiếp. Nhờ vậy tôi và Hạnh Trí lên đến đích trước nhất. Khuôn viên rộng mênh mông chỉ thưa thớt vài ba người khách nên rất yên tịnh, phù hợp cho việc đảnh lễ. Lên được tầng cuối cùng ngay dưới tòa sen, nhìn xuống thấy mọi người đang thành kính lạy, tôi thấy hơi tiếc, nhưng cũng rất vui vì mình đã đến đỉnh rồi, ngay dưới tòa sen Bồ tát ngự. Tôi tiếp tục đảnh lễ và chiêm ngưỡng Bồ tát. Tôi biết mình hạnh phúc nhiều so với bao sinh vật đang ở quanh đây, thậm chí có kẻ ở ngay trên thân Ngài mà nào hay biết. Tôi không chỉ biết tôi đang hiện diện trước Ngài, tôi biết được hạnh Từ Bi cứu khổ của Ngài, tôi biết nhờ hạnh nguyện của Ngài mà tôi được cứu… mà tôi còn biết học theo hạnh cứu độ của Ngài để tự cứu và cứu người khác, chứ không phải ngồi chờ Ngài đến cứu. Tôi đảnh lễ Ngài, tri ân Ngài đã dẫn tôi đến gặp Sư phụ để được học những điều chân chính về hạnh nguyện của Ngài. Tôn tượng Bồ tát lớn quá, không gian bao la quá, yên tịnh quá; tâm lượng của Bồ tát vô biên quá, hạnh nguyện của sư phụ cao cả quá… tôi thấy mình thật nhỏ bé, nhỏ đến độ từ từ biến mất, nghe trong thinh lặng “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”.
Ngay bên dưới, trong lòng đế của đài sen là một tiệm lớn bán đặc sản, đồ ăn thức uống, gì gì đó nữa. Đi qua một cầu thang bên trong, mới lên được ngay dưới đài sen, xung quanh đài sen là một dòng nước bao quanh rộng hơn một mét, uốn lượn rất đẹp, cách khoảng lại có chiếc cầu nhỏ nối khoảng sân bên ngoài dòng nước và một khoảng sân sát với chân tòa sen, có khá nhiều cá đang tung tăng bơi lội. Lúc này mọi người cũng đã lần lượt lên đến đỉnh, sau đoạn đường tam bộ nhất bái, ai cũng mồ hôi nhễ nhại, nhưng mặt mày đầy sung sướng. Tiếp tục đi kinh hành giáp một vòng, tôi dừng lại nhìn xuống bên dưới kiếm sư phụ, xem sư phụ đã gọi chưa, và rất ngạc nhiên khi thấy Sư phụ đang ở ngay tầng bên dưới. Chúng tôi kéo nhau xuống, thỉnh sư phụ cùng lên. Sư phụ hơi bơ phờ, hỏi trên đó sao, đẹp không. Chúng tôi đều đáp đẹp lắm. Sư phụ liền quyết định: “Không lẽ lên đến đây rồi, còn một tầng nữa mà không lên sao”. Thế là chúng tôi cùng lên với Sư phụ. Quả nhiên Sư phụ rất thích quang cảnh rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát, an tịnh nơi này. Sư phụ ngồi trên bờ của dòng nước nhỏ, chụp hình, ngắm nhìn cảnh hoàng hôn đang giang cánh tay vô hình ôm choàng vạn vật. Thứ nắng hoàng hôn vàng dìu dịu lung linh chập chờn trên núi đồi như nói lời chia tay, như báo hiệu một điều không lành sắp đến, màn đêm sẽ nuốt chửng tất cả vào cái tối tăm đáng sợ của nó! Hãy đợi xem! Dù biết màn đêm có sức mạnh đó, nhưng với dàn đàn điện có mặt khắp nơi, tôi biết màn đêm sẽ ngoan ngoãn kéo thuộc hạ lánh xa đạo tràng của Bồ tát. Như vô minh không thể xuất hiện một nơi với trí huệ được. Giá như được ở lại đây một đêm nhỉ. Vâng, đã là giá như thì đành hẹn lần sau vậy!!!

Chúng tôi đảnh lễ Bồ tát ra về trong niềm cảm xúc khôn cùng:

Đảnh lễ Ngài con về phố thị
Mang bên mình đại nguyện từ bi
Quyết theo Ngài cứu độ quần sinh
Diệt tam chướng rạng ngời chân trí.


BÊN DÒNG DUYÊN GIANG


6 giờ 30, đoàn từ giả Tây Tiêu, về đến thành phố Quảng Châu khi đường phố đã lên đèn. Sư phụ dẫn đàn con đi ăn, lần này sư phụ chẳng cần phải hỏi xem ai không ăn, vì biết tất cả đều đói rã ruột rồi. Tiệm ăn có tên gọi rất hay và ý nghĩa “Phật Hữu Duyên”, nghĩa là có duyên với Phật. Ai từng bước chân vào tiệm cơm chay này đều có duyên với Phật, ăn chay, dù với bất kỳ lý do nào đều góp phần cứu sống sinh mạng, khơi dậy hạt giống từ bi sẵn có trong tâm thức, dù là vô tình hay hữu ý, hạt giống Phật vẫn đang âm thầm nảy mầm trên mảnh đất tâm cằn cỗi hoang vu trong bao kiếp.

Tiệm này rộng và sang hơn tiệm Tịnh Thiện. Chiếc bàn tròn có mâm quay khá rộng, đủ chỗ cho cả anh tài xế và chú của Hongyu cùng ăn chung. Sư phụ lại tiếp tục giúp đàn con chọn món ăn. Cô phục vụ có giọng nói lanh lảnh, sắc bén đứng sát bên sư phụ nói liên hồi khiến lỗ tai sư phụ phản đối kịch liệt, nhưng được cái vui tính và nhiệt tình. Sư phụ thích hương vị của nấm rơm tươi của thành phố này nên gọi một dĩa lớn và được ưu tiên đem lên trước. Thêm món phù chúc tươi xào, món phở xào, một dĩa bánh bao không nhân, một dĩa chả giò chính hiệu Việt nam, cuốn bằng bánh rế giòn rụm…cuối cùng được tiệm tặng mỗi người một chén chè đậu xanh nguyên hột nấu nhừ. Nói đến chè cháo chuối là Sư phụ xem như kẻ xa lạ, nhưng hôm đó nghe tôi quảng cáo đậu mềm, bùi, không ngọt…nên sư phụ cũng dùng hết một phần. Ăn chè đậu xanh lúc này thật thích hợp, nó có thể giúp cơ thể chống chọi lại cái nóng bức của thành phố có khí hậu giống Việt nam này.
Xe về đến khách sạn đã hơn 9 giờ, nhìn dòng Duyên giang cuồn cuộn chảy dưới hàng hàng lớp lớp ánh đèn điện chớp nhoáng đủ màu  hai bên bờ khiến lòng lữ khách ngẫn ngơ. Nhưng suốt một ngày rong ruỗi với nắng nóng, với mưa rơi, với núi đồi… làm sao thanh thản ngắm sông đêm được chứ. Hẹn tối mai vậy!

Sau khi xả bỏ bụi đường trong làn nước mát, tôi nghỉ ngơi trên chiếc giường nệm trắng muốt mà tôi chấm nhứt trong khách sạn này, bật truyền hình nghe tiếng Quảng Đông chẳng hiểu mô tê gì cả…

Tôi choàng tỉnh khi trời đã nhờ nhờ sáng, nhìn quanh chẳng thấy đồng hồ đâu cả. Giường bên kia Hạnh Trí còn đang ngon giấc. Tôi không muốn phá tan giấc ngủ của Hạnh Trí, nhưng cũng không thể ngủ tiếp vì dòng Duyên Giang cứ chập chờn trong đầu. Tôi rón rén nhẹ nhàng xuống giường…Sau khi đội nón, quảy chiếc túi nhỏ, mang giày…chuẩn bị khởi hành thì Hạnh Trí cũng đã thức giấc.

- Mấy giờ rồi? – Tôi hỏi, vì Hạnh Trí có đồng hồ đeo tay.
- Sáu giờ kém 10.
- Chị xuống dưới đi dạo, chừng 7 giờ lên.
- Không ăn sáng à? Mà cũng chưa biết ăn sáng mấy giờ nữa.
- Đúng bảy giờ chị lên, nếu kịp thì ăn sáng với mọi người, không kịp thì coi như chị không ăn. Có gì thưa Sư phụ dùm chị. Cho chị mượn đồng hồ đặng biết giờ lên.

Trời đã sáng hẳn, hai bên sông có nhiều người đang tập thể dục bằng đủ hình thức. Tôi góp thêm một nét vẽ cuộc sống buổi sáng bên dòng Duyên Giang bằng hình ảnh tản bộ. Tôi đi tản bộ hay đi thiền hành? Hay đi niệm Phật? Tôi không cố ý, nhưng tất cả diễn ra đều đặn, nghe lòng thật bình yên. Dòng Duyên Giang lúc này không cuồn cuộn như buổi tối, mà lững lờ trôi theo dòng ngược lại của con nước rồng. Dòng nước đùng đục nặng phù sa như những dòng sông ở quê nhà. Nhớ đến quê hương, người ta thường nhớ đến hình ảnh của dòng sông, của lũy tre, của cây đa giếng nước… Những hình ảnh nói lên cái nghèo, cái lạc hậu của một đất nước trong thời buổi hiện đại hóa này, nhưng chính những hình ảnh đó đã dệt thành thứ tình cảm nồng nàn, đã thành thi ca, trong lòng những người xa quê…Như Chế Lan Viên đã từng hối tiếc, quyến luyến khi phải đi xa, vì đã không sống hết lòng nơi mình đang sống. Có lẽ với những ai từng đi xa, thật xa mới cảm hết hai câu thơ bất tuyệt này.

« Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. »

Tự dưng tôi nhận ra trong hai câu thơ này một ý nghĩa sâu sắc hơn, không chỉ đơn thuần là tình cảm bình thường mà là một mối quan hệ mật thiết giữa mình và cảnh được đức Phật dạy là Y báo và Chánh báo. Những nơi mình hội ngộ trong cuộc đời ngắn ngủi này, dù là mảnh đất cằn cỗi hoang vu, là đầm lầy nước đọng, hay nơi thành phố xa hoa lộng lẫy, những con đường cao tốc mút mù...những con người chân lấm tay bùn, đọc A, B, C..chưa chạy; hay những con người văn minh lên đến tận cung trăng...tất cả phải chăng là do tạo hóa, do Thượng đế, hay do lòng người nham hiểm, lương thiện… khiến mình hội ngộ những cảnh đó; hay tất cả là đứa con ruột thịt của chính mình, là máu xương, là mồ hôi nước mắt…của mình tạo ra từ bao nhiêu kiếp??? Vâng, tất cả là sản phẩm của bàn tay và khối óc của chính mình, thì tại sao có nơi mình chối bỏ, mình sống thờ ơ, thậm chí nguyền rủa, lên án…; còn có nơi mình nâng niu…phải chăng chỉ có những đứa con làm vừa lòng mình mình mới thương yêu nó, còn ngược lại thì mình ghét bỏ, oán trách nó làm khổ mình??? “Tâm tịnh thì cảnh Phật tịnh, Tâm uế thì cảnh Phật uế”. Như Phật Ấn thiền sư vì trong tâm có Phật nên nói Tô Đông Pha là Phật, còn Tô Đông Pha vì tâm ô uế hơn thua nên mới nói ngài Phật Ấn là đống phân trâu, nhưng có biết đâu chính tâm mình là phân trâu mới thốt lên như vậy??? Giáo lý Phật dạy thật rõ ràng, nhưng lòng người vẫn mãi chạy theo những thứ đảo điên, để tiếp tục đối xử tệ với chính mình, tiếp tục tạo những y báo không tốt trong tương lai? Hãy trân trọng những xứ sở, những con người …mình tao ngộ trong đời, vì tất cả là con ruột của chính mình, là tâm hồn của mình. Tâm cảnh không hai! Y báo và Chánh báo không khác! Bởi thế tôi tin và trên trọng những nơi tôi đã hữu duyên tao ngộ, đặc biệt là đạo tràng của Tổ mà tôi đã được đến và sẽ đến. Tôi tin đó là những nơi tôi từng tao ngộ, dù là khi ấy có lẽ tôi vẫn còn là con sâu cái kiến, hay tôi sẽ được đến bằng tâm nguyện “diện kiến Tổ sư” của đời này. Dù đã hay sẽ đều không rời tâm, tôi tin và quyết tâm nuôi dưỡng những tâm nguyện cao cả cho đến ngày nó hiện ra y báo trước mắt.
Chư Phật và chư Bồ tát trong vô lượng kiếp đã từng khổ với chúng sinh, đã từng vào ra sinh tử. Nhưng không vì thế mà quý Ngài oán trách chúng sinh, ghét bỏ khổ đau sinh tử. Ngược lại, chính vì thể nghiệm sâu sắc cái khổ đau trong mê muội của chúng sinh nên quý Ngày nguyện cùng chia sẽ nổi đau đó, chia sẽ nổi thống khổ đó, để cùng dìu dắt chúng sinh thoát khổ. Với chư Phật, chư vị Bồ tát…không hề có quốc gia, không hề có chủng tộc…“Không hề có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”; với quý Ngài chỉ có Tâm và Cảnh, chỉ có chúng sinh, chỉ có si mê và khổ đau cần cứu độ. Trong kinh Duy Ma Cật đã đưa ra một công thức tuyệt diệu mà với phàm phu thấy như trái ngược, nhưng đó là con đường mà chư Phật và chư Bồ tát đã đi trong vô lượng kiếp: “Tùy kì tâm tịnh tức Phật độ tịnh”, hay “Tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh”….

Một dề lục bình nhỏ lững lờ trôi qua tầm mắt khiến tôi bồi hồi xúc động như bắt gặp người thân giữa phố lạ quê người. Dề lục bình có vẻ xơ xác, tiều tụy, không màu xanh mướt của lá, không màu tím buồn của hoa, hình như nó đã nhận ra sai lầm khi dấn thân vào phố thị, cảnh đẹp thì đó, nhưng không phải hoàn cảnh cho một loài hoa như nó sinh sôi nảy nở…Nó lặng lẽ trôi như mang bên mình một tâm sự không lời lẳng lặng buông xuôi đời mình trên sóng nước, chỉ xin gởi riêng cho những ai đồng cảm, hiểu được những lời vô ngôn của một loài hoa. Tôi muốn làm một bài thơ tặng người bạn mới tương ngộ giữa buổi bình minh nơi xứ lạ, như một chút đồng cảm sẻ chia giữa một cuộc đời với một cuộc đời…Thế nhưng loay hoay hoài đầu óc tôi vẫn chai cứng, đành khe khẽ đọc lại một bài thơ cũ, gởi theo dòng nước trôi...

Phố lạ người thưa tuyết đổ nhiều
Lòng người xa xứ thoáng cô liêu
Hôm nay gió về mang thêm lạnh
Văng vẳng đâu đây lí chiều chiều.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Nhớ về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Nhớ căn nhà lá liêu xiêu
Bên dòng kênh nhỏ hắt hiu bóng dừa
Nhớ cây cầu khỉ đong đưa
Ngày ngày mẹ gánh nắng mưa về nhà
Dưới cầu tím lục bình hoa
Lênh đênh sóng nước biết là về đâu?
Hoàng hôn nhuộm úa một màu
Nhớ thương xin hẹn ngày sau ta về.

Tôi tạm biệt dòng sông khi cuộc sống của một ngày đã bắt đầu xôn xao tấp nập. Tôi cố nhìn dề lục bình đã trôi tận nơi xa, nghe chạnh lòng một câu hỏi mênh mang, hỏi cho hoa hay hỏi cho chính mình?

Dưới cầu tím lục bình hoa
Lênh đênh sóng nước biết là về đâu?

TÀO KHÊ – NAM HOA TỰ


Tôi lên phòng vừa đúng giờ ăn sáng. Bữa ăn sáng tại khách sạn thật phong phú. Một tô cháo trắng thật lớn, hai dĩa dưa món nhỏ để ăn với cháo, một dĩa trứng luộc, lại thêm bánh bò, bánh có nhân trứng gà có mùi vị tựa tựa bánh phong lan. Woa…dĩa nào cũng lớn, cũng nhiều, làm sao mà độ hết chứ. Chúng tôi lần lượt khởi động, chỉ có sư phụ vẫn ngồi yên như còn chờ đợi một phép mầu nào đó. Hihii!!! Không ngồi yên sao được khi trước mắt chỉ có cháo trắng và bánh chứ? Chúng tôi ăn trong e dè vì sư phụ đang quan sát, hihihi. Nhưng mọi chuyện đã trôi chảy khi chị phục vụ đặt thêm vào bàn dĩa bánh ướt thật hấp dẫn. Thầy trò ông cháu cười vui vẻ, mạnh dạn độ những chúng sinh hữu duyên đang chờ đợi đôi đũa thần của mình khai quang điểm nhãn! Với tôi, buổi sáng ăn cháo và bánh là tuyệt nhất. Bên cạnh tôi, sư chị Tịnh Nghiêm cũng là trường phái của đạo cháo, nên những chén cháo từ có thành không cao dần lên trước mặt. Tôi vừa đưa những muỗng cháo trắng với nước tương kho quẹt vào miệng, vừa nhìn sư phụ tấm tắc khen ngon, nhưng không thể làm sư phụ động tâm. Làm sao có thể thay đổi một tình cảm đã được duy trì hơn nửa thế kỷ nay chứ? Hihihi!!! Tôi không biết sư phụ có nhầm lẫn không, có sẽ nuối tiếc không, khi mà với tôi, hương vị cháo trắng bằng gạo mới thật quyến rũ làm sao, cái vị béo béo bùi bùi thật khó diễn tả. Tôi chỉ tự hỏi cho vui thôi. Vì tôi tự biết chánh báo và y báo của tôi có nhân duyên sâu dày với cháo trắng, còn sư phụ thì khác…

Chúng tôi gặp lại anh tài xế và chiếc xe quen thuộc để tiếp tục cuộc hành trình mới. Theo dự định, sáng nay chúng tôi đợi sư phụ cùng Hongyu đi làm giấy tờ xong sẽ đi Tam Thủy chiêm bái tượng Quan Âm thuộc khu công viên quốc gia của thành phố Quảng Châu, thay vì đi Nam Hoa như chương trình vì sợ không kịp giờ chiều thầy Tâm Từ  ra sân bay. Thế nhưng, sau khi làm giấy xong, gặp lại chúng tôi, sư phụ hỏi giờ muốn đi Nam Hoa hay đi Tam Thủy. Với chúng tôi, đi đâu trước cũng như nhau, chỉ khác là hôm nay và ngay mai, trước và sau thôi. Nên chúng tôi nhường quyền ưu tiên cho thầy Tâm Từ. Cuối cùng, đúng 10 giờ, xe thẳng hướng Thiều Quan trong nụ cười mãn nguyện của thầy Tâm Từ và sự quyết định chắc chắn kịp giờ của Sư phụ.

Tôi thì chưa có kinh nghiệm trong những chuyện như thế này, nhưng tôi tin tưởng và sự phán đoán đầy kinh nghiệm của sư phụ cũng như tin vào sự gia hộ của chư Phật, của chư Tổ sư, khiến mọi chuyện sẽ kiết tường.

Xe lướt nhẹ trên xa lộ cao tốc trong cái nắng hanh vàng, chói chang của buổi trưa hè. Phần nhiều cảnh trí nhìn thấy hai bên đường là núi non chập chùng, chỉ thỉnh thoảng có vùng đồng bằng hay những đồi đất thoai thoải có canh tác, có hình ảnh của con người, hình ảnh của cuộc sống.
Cứ nghĩ mình đang trên đường đến tổ đình của Lục Tổ là lòng tôi cứ nao nao khó tả. Hai chữ Tào Khê nghe vừa thân quen, vừa mênh mang diệu vợi muôn trùng. Vì trong cái danh ấy chứa đựng bao thật nghĩa bất diệt, dù cho vật đổi sao dời, dù cho núi sông hoán cải, dù là trong tâm người xưa hay người nay. Trong khoảng thời gian gần mười lăm thế kỉ, bao nhiêu người tìm về Tào Khê, bao nhiêu người đi trên con đường Tào Khê, nhưng mấy ai thật sự nhận ra điều đó như Huyền Giác đại sư:

Tự tùng nhận đắc Tào Khê lộ
Liễu tri snh tử vô tương can.

Con đường Tào Khê trên bản đồ địa lý đưa hành giả đến một cảnh trí Tào Khê Nam Hoa trang nghiêm hùng vĩ, một ngôi Bảo sát, nơi ghi dấu bao chứng tích lịch sủ của Tổ sư, của thiền tông một thời hưng thịnh. Nhưng để suối nguồn thiền tông tuôn chảy, để mạng mạch Phật pháp được lưu truyền, thì phải đi bằng con đường Tào Khê ngoài bản đồ địa lý. Con đường đó đã được truyền từ thời Phật, đến đời Lục Tổ con đường đó được khoác vào cái tên Tào Khê, và Huyền Giác đại sư là một trong những vị Tổ sư đã nhận được con đường đó. Một nhà Nho nào đó đã nói: “Đường vốn không có, do người ta đi mà thành nên đường”. Vâng, con đường Tào Khê đã hình thành trong từng bước chân về Nam của Lục Tổ và bao thế hệ đã đi trên con đường ấy. Dù vạn pháp hình thành và tồn tại trong quy luật thành, trụ, hoại, không, dù thời gian và lịch sử đã đẩy lùi một thời vàng son của Phật giáo vào quá khứ, nhưng con đường Tào Khê vẫn hiện hữu và mở rộng đón bước chân của những ai muốn đặt chân vào!

Theo một tài liệu bằng chữ Hán giới thiệu sơ lược về Nam Hoa tự ghi rằng:

…Nam Hoa tự, tọa lạc bên bờ Tào Khê cách thì trấn Mã Bá, huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông theo hướng đông nam 7km, cách thành phố Thiều Quan 20km, là một trong những ngôi cổ sát nổi tiếng của Phật giáo Trung Quốc, là vùng đất lành, nơi Lục Tổ Thiền Tông Phật giáo Huệ Năng hoằng dương “Nam Tông Thiền Pháp”. Nam Hoa T�

Viên Lộc