Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Vượt Qua Sợ Hãi

Vượt Qua Sợ Hãi

Email In PDF

Nguyên Trường Trần Phước Lĩnh.

Sài Gòn, hè 2013

Bạn tôi là một con chiên ngoan đạo. Hồi trước, nghĩ đến cái chết là thấy “ánh sáng vinh quang” của Thiên Đàng, chết là “bước qua một cánh cửa”, nên bạn ấy không sợ chết và cho rằng không phải muốn chết là được. Ấy vậy mà niềm tin Thiên Chúa bây giờ không còn đủ để làm cho bạn tin là cái chết xa xôi nữa do hàng ngày đối diện với bao hiểm nguy sờ sờ trước mắt hay nhan nhản trên mặt báo, khi mà bạn ấy có quá nhiều thứ ràng buộc xung quanh không muốn đánh mất.

Sáng ra đầu phố thưởng thức một tô phở, ngộ độc, chết. Chạy xe sụp ổ gà, chết (mà sao ổ gà nhiều thế không biết). Cướp đâm đoạt xe giữa ban ngày, chết. Tiêm mũi vac-xin ngừa bệnh, sốc thuốc, chết. Lê Văn Luyện lẻn vào nhà đâm chém giữa đêm, chết... Nói chi tới ung thư, tăng xông, đột quỵ, HIV, H5N1, H7N9, bệnh kinh niên, bệnh thời đại, bệnh nhà giàu v.v… có người đang nằm ngủ ngon lành mà xe cũng tông vào sụp nhà mà chết cho bằng được. Cái chết bây giờ dễ dàng hơn sự sinh ra. Mà chết còn khỏe. Cận kề cái chết, chết không ra chết, thế mới chết. Có kẻ hôm qua vùng vẫy giang hồ hôm nay ngồi lặng lẽ nhìn cuộc đời lăn xuống đôi gò má theo hai dòng lệ mà không cử động nổi đôi bàn tay để lau khô.

Riêng gì bạn tôi và các con chiên, ai trong chúng ta lại không đứng trước bao nỗi lo âu về thân phận của mình. Loài người càng văn minh, nỗi sợ càng nhiều hơn. Ở những nước có trình độ quản lý xã hội tốt, người dân không phải quá quan tâm tới những nỗi sợ về tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, vệ sinh thực phẩm hay an ninh trật tự  thì người ta cũng có vô vàn nỗi sợ và bi quan khác: sợ khủng bố, lo thất nghiệp, buồn kinh tế xuống dốc, sầu cô đơn v.v…  Kể cũng lạ, theo đánh giá của Quỹ kinh tế mới (NEF) thì Việt Nam luôn có chỉ số hạnh phúc (HPI) trong nhóm dẫn đầu thế giới, cao hơn nhiều so với các nước tiên tiến, mặc dù những hiểm nguy ở xứ ta thì kinh thiên động địa. Phải chăng người Việt đã sống chết với hiểm nguy và cơ cực quá nhiều và quá lâu rồi nên đời sống khá lên chút xíu là ta đã thấy rất “ok”. Ai hỏi ta hạnh phúc không, ta cứ trả lời ừ thì hạnh phúc. Nghiên cứu nghiên kiết gì, mệt.

Mà thôi, có nói dông nói dài bao nhiêu về sự chết, về nỗi sợ hãi, cô đơn và bi quan thì nó cũng chỉ vo tròn trong hai chữ Khổ đế mà mấy thiên niên kỷ trước Đức Phật ở tít tắp sa mù Hi Mã Lạp Sơn đã nói cho loài người nghe rồi. Sự chết, nỗi sợ hãi và bi quan từ đâu, dứt được không, dứt bằng con đường nào, Ngài đã nói hết trơn rồi. Ở đây tôi chỉ lếu láo vài ba câu chuyện vặt vãnh của thời đại hôm nay để xem chúng ta đối diện với nỗi sợ hãi và bi quan như thế nào.

Có những người suốt ngày đọc báo và làm theo báo. Nghe ăn dầu bị ung thư, về bỏ ăn dầu, nghe ăn bột ngọt loét bao tử, về bỏ ăn bột ngọt. Nghe khoai tây bây giờ toàn khoai tây Trung Quốc, về bỏ ăn khoai tây. Nghe bún có hóa chất tẩy trắng, không bao giờ đi ăn bún nữa v.v… Đúng là thế, thức ăn bây giờ kinh quá, nên tôi biết chỉ khi nào bỏ đọc báo thì những người đó mới còn có thứ để ăn.

Có những báo chuyên nói chuyện cướp, giết, hiếp (mà mấy báo này bán chạy hết biết). Một mét vuông ba thằng ăn trộm. Giết người cướp của ở Thanh Hóa,  thanh toán ân oán giang hồ ở Hải Phòng, hiếp rồi chôn xác ở Bình Thuận, kẻ xấu bỏ ma túy vào va li của khách ở Tân Sơn Nhất, phóng sự điều tra, hồ sơ giải mật, tin vắn bốn phương v.v... Rời mắt khỏi trang báo nhìn cuộc đời đen thủi đen thui. Đọc nhiều lâu ngày bạn có tin nó hình thành tính cách của mình? Bạn dè dặt, sợ sệt, và trở nên đề phòng, kể cả với những người thân quen.

Có đứa sinh viên suốt ngày sống trên facebook, chuyên đưa hình ảnh xưa nay của mình lên mạng để bốn phương bình luận. Ngày nào cũng vậy, riết rồi bạn bè đâm chán chẳng thèm bình luận, chẳng thèm nhấn nút “like” nữa. Tôi lại nghe đứa sinh viên than thở trên “face”: Đời buồn chán chó chết, không có ai còn nghĩ đến ta.

Có trẻ bây giờ không chịu chào người lớn nữa vì chúng ngỡ mình là siêu nhân chỉ cần chưởng nhẹ một phát là người lớn bay vèo. Dạo này tôi gặp trẻ con mười đứa thì hết chín đứa ôm điện thoại chơi trò chơi điện tử. Nhiều đứa ngoài bổn phận lo bài vở ở trường thì chỉ còn biết đến những trò phiêu lưu trên mạng. Không thiếu những đứa bị chẩn đoán tâm thần nhẹ do sống trong thế giới ảo quá nhiều. Sống trên mạng mình là kiếm khách vô đối, bước ra khỏi quầy internet mình trở nên bơ vơ, lạc lỏng, điểm kém, không tiền bạc, không bạn bè. Những đứa bé trở nên trầm cảm, lầm lủi ở góc lớp mỗi ngày chờ tan học để lao vào chốn giang hồ hư ảo.

Tất cả những câu chuyện đó đang đưa chúng ta đến gần với nỗi sợ hãi và cô đơn hơn bao giờ hết.

***

Tôi tin là chúng ta có thể tự tạo ra thế giới của mình, và cũng có nghĩa chúng ta có thể tự tạo ra viễn cảnh đen tối hay sáng sủa, thật hay ảo, đáng sống hay không đáng sống, sinh động hay cô đơn (nói theo kinh là nhất thiết duy tâm tạo). Chúng ta chắc chắn không chạy trốn được sự chết, những hiểm nguy và cô đơn, nhưng chúng ta có thể vượt qua nỗi sợ, mà cách tốt nhất là tháo bỏ chiếc kính màu giả tạo để nhìn cuộc đời bằng đôi mắt thật của chính mình.
Vậy phải chăng tất cả bí quyết để vượt qua sợ hãi là THÁI ĐỘ (Attitude)?

Tôi chưa bao giờ phủ nhận thực tế bi đát như những gì tôi viết trên kia, nhưng nếu cho tôi lựa chọn, tôi sẽ không nhìn vào sự chết, sự hiểm nguy, sự cô đơn để đề phòng và sợ sệt mà tôi sẽ chọn nhìn vào những điều ngược lại để sống thênh thang. Không biết có ai đã từng đọc cùng tôi quyển “Quẳng gánh lo đi và vui sống” (How to stop worrying and start living) của Dale Carnegie?

Viết dòng này tôi nghĩ đến những người giống như tôi đã miêu tả, vì tôi biết quanh tôi cũng có một thế giới y hệt như họ, cũng cướp, giết, hiếp, ô nhiễm, truyền nhiễm, cô đơn và ảo tưởng. Nhưng cũng trong thế giới đó tôi còn có một khung cảnh khác nữa để thưởng thức: những đèo cao hun hút gió, những cánh đồng cách chỗ tôi ngồi vài tiếng đồng hồ xe máy, những con người đi qua đi lại trong đời tôi, những bữa cơm gia đình, những bữa thiền trà ngào ngạt hương trầm, những quyển sách trong thư viện, những lúc đứng lặng im nghe tiếng chuông chùa… Chỉ cần nhìn và trải nghiệm vạn vật với thái độ tích cực, biết đâu ta thấy cuộc đời thật sự tươi đẹp và từ đó không còn sợ hãi nữa?

Nếu bạn chưa chịu cách lý luận như vậy thì tôi lý luận kiểu khác vậy. Phải chăng tất cả bí quyết để vượt qua sợ hãi là SỰ CÂN BẰNG (Balance)?

Vài trang báo để biết thế giới xung quanh đang vần vũ ra sao cũng tốt. Vài phút lang thang facebook để biết bạn bè đang buồn vui thế nào cũng hay. Cần ồn ào nhưng cũng cần lặng lẽ. Cần thế giới ảo trên internet nhưng cũng cần thế giới thật có thể ngửi được, nếm được, chạm được. Làm việc hết mình vui chơi hết cỡ. Nếu các cậu học trò kia (mà thực ra cũng đầy người lớn) chỉ biết làm anh hùng trong thế giới ảo nhưng bước ra ngoài không làm nổi một con người bình thường thì phí một đời. Chúng không còn biết chơi lò cò, chơi thả diều, chơi ô quan mà chỉ biết siêu nhân và Tề thiên đại thánh thì tuổi thơ nó mất hết còn gì. Nếu chỉ biết đọc ngấu nghiến từng trang báo để hình dung thế giới xung quanh mà không chịu bước ra để nắm tay cuộc đời, để thân hành đi thăm bạn thăm bè, để làm việc và vui chơi, để nếm mùi hương đồng cỏ nội thì không sợ hãi mới lạ. Tôi không biết sự cân bằng có phải là thiền không, vì tôi không đạt tới cảnh giới thiền, nhưng tôi biết những người thực tập thiền luôn thấy thảnh thơi vì họ đối diện với thế giới bằng trực quan, bằng sự cân bằng của tâm hồn và thể xác, sự hài hòa giữa làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi và tu tập để tâm luôn bình an và đầu óc luôn sáng suốt. Phật dạy, không thể có hạnh phúc nếu không có một tâm hồn an tĩnh và một tuệ trí khai mở.

***

Nếu tôi viết thêm vài đoạn nữa sẽ có người mắng tôi rằng ông cụ non này giỏi bắt chước Suzuki, Krishnamurti, Thích Nhất Hạnh hay Dale Carnegie lý la lý luận. Nên tôi dừng lại để thành thật rằng từ đầu tôi đã giấu một sự thật khủng khiếp: Tôi viết những dòng này cho TÔI. Người bạn mà tôi đối thoại chính là tôi. Tôi không phải là pháp sư mà cũng chẳng phải là nhà tâm lý học. Tôi là một cư dân thị thành ở gần những miền quê cũng đang biến thành thị thành trong nay mai. Cuộc sống đa đoan đã làm tôi trở thành con người không như tôi hình dung thưở nhỏ. Xung quanh tôi là chiếc điện thoại, là chiếc máy tính, là chiếc ti vi, là chiếc xe máy, nếu không có chiếc gì thì đó là tờ: tờ báo, tờ đơn v.v… Tất cả những thứ đó và một vài thứ khác nữa đôi khi làm tôi xa mọi người, suy tư máy móc, triệt tiêu sáng tạo, có thái độ bi quan và lối sống mất cân bằng kinh khủng. Nếu không chế ngự được chúng có khi tôi “stress” vì chúng mà chết trước khi hiểm nguy nào có thể hạ gục tôi. Tôi viết những dòng này để bảo với chính mình rằng hãy vứt bỏ tất cả đống sách vở kia đi để đứng lên và thực tập vượt qua sợ hãi.

Chỉ có mở tròn đôi mắt và vươn vai đứng lên bước ra ngoài mới biết ngoài kia đang có một vầng trăng chênh vênh trên đỉnh đầu, đang có những tiếng côn trùng vô hại chuyện trò với trăng sao và đang có những công việc vĩ đại đáng làm và dễ làm dành cho người sợ hãi.

Tôi ơi, đừng tuyệt vọng!