Vĩnh Minh Tự Viện

Tuesday, May 21st

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Thực Trạng Kinh Sách Phật Giáo Tại TPHCM

Thực Trạng Kinh Sách Phật Giáo Tại TPHCM

Email In PDF

Thực Trạng Kinh Sách Phật Giáo Tại TPHCM

Khoa học kỹ thuật phát triển, ngành in ấn cũng được nâng cao. Các bản dịch kinh điển của các dịch giả hầu hết đều được xuất bản và phát hành. Từ khi mới chấn hưng Phật giáo, chư tôn giáo phẩm đã chú trọng việc phiên dịch kinh điển sang Quốc ngữ. Như trên chúng tôi đã trình bày, các Kinh điển hệ Bắc truyền hầu hết được tham khảo trong Trung văn Đại Tạng Kinh, các Kinh điển hệ Nam truyền được Hòa thượng Minh Châu dịch từ bản Pàli Text Society. Trước năm 1975, các học tăng tốt nghiệp Cao đẳng Phật học hầu hết đều thạo hai ngôn ngữ : Cổ ngữ Hán và sinh ngữ Pháp. Sau năm 1975, các học tăng tốt nghiệp phần lớn thạo Anh ngữ, riêng trình độ quốc văn có thể nói là tuyệt đối. Các tác phẩm viết về mọi lĩnh vực Phật giáo được xuất bản nhiều vô kể. Thế nhưng, các từ ngữ Phật học dùng trong các bản kinh được dịch của các dịch giả lại không được nhất quán. Nhiều từ ngữ Phật học khá căn bản lại không được các học tăng hiểu biết chính xác. Do vây, việc am hiểu Phật học đối với đại đa số người học chỉ là một lớp nổi hào nhoáng bên trên, sự mịt mờ về ngôn ngữ. Nguyên nhân thực trạng này là do đâu ?

Theo chúng tôi, các bộ từ điển Phật học ở Việt Nam còn quá ít ỏi, hiếm hoi, đó chính là nguyên nhân chính tạo nên sự hiểu biết cạn cợt về từ ngữ Phật học. Chừng nào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam còn muốn sự thống nhất về những từ ngữ được dùng trong các bản dịch, và để người học hiểu biết chính xác về Phật học, thì việc làm từ điển Phật học hiện nay phải được xem như việc làm cần thiết nhất.

Điểm qua những thư tịch thuộc phạm vi Mục lục học của các nước có Phật giáo phát triển, chúng ta mới thấy sách vở của Việt Nam ở phạm vi này nghèo nàn và hạn chế như thế nào.

Ở Trung Quốc, việc phân loại từ điển có thể chia ra làm 5 loại :

1. Sắp xếp, phân loại các danh tướng : Như Kinh Chúng Tập, Kinh Thập Thương trong Trường A-hàm, Kinh Pháp Tập Danh Số, Đại Minh Tam Tạng Pháp Số, Giáo Thừa Pháp Số…

2. Ký sự, sao lục sự tương quan giữa các kinh luận : Như Kinh Luật Dị Tướng của Ngài Bảo Xướng đời Lương, Pháp Uyển Châu Lâm của Ngài Đạo Thế đời Đường.

3. Tổ chức và phụ giải từng hạng mục : Như Pháp Môn Danh Nghĩa Tập của Ngài Lý Sự Chính đời Đường, Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện của ngài Nghĩa Tịnh đời Đường, Đại Tống Tăng Sử Lược của ngài Tán Ninh đời Tống.

4. Lấy ngôn ngữ làm trung tâm : Như Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa, Phiên Phạn Ngữ của ngài Bảo Xướng đời Lương, Phạn Ngữ Tạp Danh của Ngài Lễ Ngôn đời Đường, Phiên Dịch Danh Nghĩa Đại Tập (Phạn : Mahàvyutpatti), Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập (có chú thích tiếng Phạn) của ngài Pháp Vân đời Tống, Chỉ Quốc Dị Thổ Tập của ngài Huệ Hoãng…

5. Giải thích các danh từ khó hiểu, khó đọc trong Đại Tạng Kinh hoặc một bộ Kinh nào đó : Như Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa của Ngài Huyền Sướng đời Đường, Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa của ngài Huệ Lâm…

Đầu thế kỷ 20, ngoài những kinh sách thuộc lĩnh vực Mục lục học truyền thống của Trung Quốc, hình thức từ điển đã bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên phải kể đến Phật Học Tiểu Từ Điển của Đinh Phúc Bảo, lấy bộ từ điển của Chức Điền Đắc Năng người Nhật Bản làm gốc, xuất bản năm 1919. Tiếp theo là Phật Học Đại Từ Điển (1921) cũng của Đinh Phúc Bảo, rồi Thực Dụng Phật Học Từ Điển của Cao Quán Lư và Hà Tử Bồi chủ biên (1934), Phật Học Từ Điển của Tả Tú Linh biên soạn (1984). Về loại từ điển mang tính chất nghiên cứu riêng biệt một lãnh vực nào đó thì nhiều vô kể, như Pháp Tướng Từ Điển (1937), Trung Quốc Phật Giáo Nhân Danh Đại Từ Điển (1974), Đại Tạng Hội Duyệt (1978), Trung Quốc Thiền Học (1984)…

Ở Nhật Bản, từ điển Phật học lại càng nhiều hơn nữa. Đầu tiên là Phật giáo Đại Từ Điển của Chức Điền Đắc Năng (1717), Phật Giáo Đại Từ Vựng (1935), Phật Giáo Từ Điển (1938), Phật Giáo Học Từ Điển (1955), Tân Phật Giáo Từ Điển (1962), Phật Giáo Ngữ Đại Từ Điển (1975), Tổng Hợp Phật Giáo Đại Từ Điển (1987)…Từ điển về Tôn giáo và các lãnh vực khác có Phật Thư Giải Thuyết Đại Từ Điển (1931), Ấn Độ Phật Giáo Cố Hữu Danh Từ Từ Điển (1931), Hán Dịch Đối Chiếu Phạn Hòa Đại Từ Điển (1940) v.v…Tính hết có mấy mươi loại từ điển về Phật học, ở đây không tiện liệt kê hết. Ngoài ra, còn có một số từ điển bằng tiếng Anh, tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi trong giới học thuật như Handbook of Chinese Buddhist (1870) của E.J. Eitel, A Dictionary of Chinese Buddhist Terms (1937) của W.A. Soothill, Erkklarendes Wonterbuch zun Chinesistisches Worterbuch (1954) của H.Havkmann và J.Nobel, Buddhism (1936) của G.P.Malalasekera biên soạn, hầu giúp cho việc tra cứu, đối chiếu về các ngôn ngữ Sancrit, Pàli, Tây Tạng v.v…được thuận lợi. Các trường đại học Tông giáo cũng có soạn từ điển thuộc phạm vi tông phái mình, như Mật Giáo Đại Từ Điển (1932-1933), Tịnh Độ Tông Từ Điển (1943), Thiền Học Đại Từ Điển (1973) v.v…Thời gian gần đây, để thích ứng với nhu cầu của thời đại, Nhật Bản đã sáng tạo ra một loại « Sổ tay Phật học », giúp cho Phật giáo được xã hội hóa và Học thuật hóa, như Phật Giáo Thánh Điển (1977), Phật Cụ Từ Điển (1978), Phật Giáo Thường Thức Tiểu Bách Khoa (1078). Loại sổ tay này có công năng như một bộ từ điển, giới thiệu các Phật sự thường thức cơ bản như nghi thức tống táng, những hành sự trong năm v.v…Có thể nói từ điển Phật học ở Nhật Bản rất đa dạng và phổ cập cùng khắp.

Trở lại Việt Nam, giữa bao nhiêu mặt nổi, các từ điển Phật học chỉ đếm được trên vài đầu ngón tay. Người học Phật muốn tìm hiểu rõ ràng một từ ngữ nào, đến hỏi các vị tăng, mỗi người trả lời mỗi khác. Các từ điểm thông dụng từ trước đến nay, phần nhiều chỉ dành cho giới chuyên môn. Trước năm 1945, các dịch giả thường sử dụng Đại Minh Tam Tạng Pháp Số Mục Lục, vốn chỉ lưu hành ở Việt Nam có vài bản. Có lúc từ Sài Gòn, các vị phải lặn lội ra đến chùa Thập Tháp ở Bình Định mới tra được một từ ngữ Phật học quý báu.

Khi Phật giáo được chấn hưng, tác phẩm được các Hòa thượng sử dụng nhiều nhất là Phật Học Đại Từ Điển bằng chữ Hán của Đinh Phúc Bảo. Đây là bộ từ điển Phật học đầu tiên của Trung Quốc, được khai sáng vào năm 1912, đến năm 1921 mới khắc in xong, lấy số nét nhiều ít làm thứ tự, khoảng 300 vạn lời, hơn 30.000 hạng mục, mô phỏng theo thể lệ kiểm tự của Khang Hy Từ Điển.Tác phẩm thứ hau được thông dụng là Thực Dụng Phật Học Từ Điển do Thượng Hải Phật Học Thư Cục xuất bản năm 1934. Hai bộ từ điển trên có rất ít ở Việt Nam, từ ngữ chưa nhiều, giải thích còn đơn giản, lại là chữ Hán nên số người sử dụng được cũng rất hạn chế.

Năm 1956, nhà in Hưng Long tái bản một cuốn Từ Điển Hán Việt của cư sĩ Thiều Chửu (xuất bản lần đầu năm 1934). Đây là tác phẩm dành cho người học chữ Hán, nhưng nhờ Thiều Chửu có hiểu biết Phật học, nên cách giải thích các từ vựng gần gũi với các từ ngữ được dùng trong kinh điển, có thể được xem như quyển sách gối đầu giường cho tăng ni trẻ mới bắt đầu học chữ Hán. So với các bộ từ điển hiện đại đương thời như Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh, Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Văn Khôn, Hán Việt Từ Điển của Nguyễn Quốc Hùng v.v…thì tác phẩm của Thiều Chửu được giới học Phật sử dụng nhiều nhất, dù nó chỉ là một cuốn Tự điển mà thôi.

Năm 1966, Phật Học Tòng Thơ xuất bản bộ Từ Điển Phật Học đầu tiên bằng quốc văn của học giả Đoàn Trung Còn. Đây là một tác phẩm được tác giả biên soạn khá công phu. Đầu tiên, tác giả trình bày một bản đối chiếu Pháp – Phạn – Hán – Nhật – Tây Tạng, sau đó là phần Việt – Hán. Dưới mỗi hạng mục, soạn giả ghi rõ xuất xứ, ngữ nghĩa của từ ngữ. Ngoài từ ngữ Phật học còn có phụ lục một số từ ngữ triết học và ngoại thư. Đây là bộ từ điển Phật học rất thông dụng trong hoàn cảnh hiếm hoi từ điển ở Việt Nam, nhưng cách trình bày vốn không được khoa học lắm, ngôn ngữ diễn đạt chưa được hoàn hảo. Hơn nữa, sự khảo cứu Phật học ngày một mở rộng, một tác phẩm như thế không thể đáp ứng nhu cầu học Phật trong thời đại thông tin cực kỳ tiến bộ như hiện nay. Năm 1984, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một bộ Phật Học Từ Điển do hai vị Minh Châu và Minh Chi biên soạn, nhưng so với tác phẩm của Đoàn Trung Còn thì quá thô sơ, lại thiếu chính xác nên không được thông dụng. Bộ Bách Khoa Phật Học Tự Điển của học giả Lê Mạnh Thát xuất hiện ở Sài Gòn, được hai vần AB thì gián đoạn.

Năm 1994, viện Khoa Học Xã Hội xuất bản Từ Điển Phật Học Hán Việt. Đây được xem như bản dịch Thực Dụng Phật Học Từ Điển của Trung Quốc. Sách này được biên soạn thành 2 tập, thời gian xuất bản 2 tập lại cách nhau quá xa, người có được tập 1 thì không có tập 2, người có tập 2 lại không có tập 1. Cách sắp xếp hạng mục theo thứ tự A B C, nhưng kỳ thật trong đó có nhiều chỗ sắp xếp không hợp lý, khó tra tìm. Khi chuyển dịch từ Hán sang Việt, có nhiều câu dịch sai với nguyên bản rất xa. Dù sao thì đay cũng là một thiện chí đáng được hoan nghênh của Viện Khoa Học Xã Hội.

Rừng ngôn ngữ Phật giáo vô cùng phong phú, nghĩa lý lại sâu xa khó hiểu. Việc biên soạn một bộ Từ Điển Phật Học ngang với tầm vóc thời đại là hết sức cần thiết. Năm 1991, ban phiên dịch Phật Quang Đại Từ Điển được thành lập, lấy tu viện Huệ Quang, quận Tân Bình làm cơ sở. Phật Quang Từ Điển là một bộ sách lớn do Phật Quang Sơn ở Cao Hùng, Đài Loan biên soạn, Đại sư Tinh Vân làm chủ biên. Tác phẩm tổng hợp toàn bộ những từ ngữ liên quan đến Phật giáo, cho đến các Danh tăng, học giả, Tự viện ở khắp các nước, có thể xem như một bộ Bách Khoa Từ Điển Phật Học. Sau khi xin phép Phật Quang Sơn, ban biên tập soạn dịch và sắp xếp lại theo thứ tự A B C. Song, nội dung trong từ điển và cả cách trình bày một hạng mục nhiều chỗ không phù hợp với cấu trúc tiếng Việt. Ngoài ra còn có nhiều hạng mục thuộc lãnh vực tông giáo như Công Án Thiền Tông, Dụng Ngữ Nhân Minh…, ở đây lại giải thích theo kiến giải thông thường, dài dòng, đôi lúc vượt quá phạm vi của một bộ từ điển. Vì vậy ban biên dịch Phật Quang Đại Từ Điển quyết định chỉ lấy Phật Quang Đại Từ Điển làm lam bản, biên soạn lại thành Từ Điển Phật Học Huệ Quang, đặc biệt có phụ lục thêm nhiều Danh tăng, Danh tự và các tác phẩm Phật học của Việt Nam từ năm 1945 trở về trước, với nguyện vọng đáp ứng được phần nào nhu cầu học Phật của Việt Nam hiện nay. Công trình dự định sẽ hoàn thành vào cuối năm 1999, mừng Phật giáo Thành Phố Hồ Chí Minh bước vào thế kỷ 21, đánh dấu 300 năm hình thành và phát triển Phật giáo thành phố Sài Gòn.