Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, May 17th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Phật Giáo Sài Gòn Từ Sau Cách Mạng Tháng Tám

Phật Giáo Sài Gòn Từ Sau Cách Mạng Tháng Tám

Email In PDF

Phật Giáo Sài Gòn Từ Sau Cách Mạng Tháng Tám

Sau sự cáo chung của chế độ Phong kiến, thế lực chống đối Phật giáo của một số phần tử hủ Nho đã không còn nữa, lại thêm một luồng gió mới từ Tây Phương sang, văn hóa học thuật hoàn toàn lột xác. Sài Gòn bấy giờ được mệnh danh là « Hòn Ngọc Viễn Đông », tinh hoa văn hóa quy tụ về thành phố như nước chảy về chỗ trũng. Phật giáo cũng theo đó mà khoác một khuôn mặt mới, rạng rỡ hơn, tươi đẹp hơn – và tất nhiên – cũng chịu nhiều sóng gió hơn.

Nối tiếp truyền thống của các Phật học đường ngày xưa, năm 1947, Liên Hải Phật Học Đường được mở tại chùa Vạn Phước, xã Bình Trị Đông, Gia Định do Thượng tọa Trí Tịnh lãnh đạo. Phật Học Đường này có chương trình dạy từ Sơ đẳng đến Cao Đẳng. Năm đầu, lớp cao nhất là Sơ đẳng 3 quy tụ 70 tăng. Năm 1948, một Phật Học Đường cấp tiểu học ra đời lấy tên là Mai Sơn thuộc huyện Bình Chánh ngày nay. Trường này quy tụ khoảng hơn 50 học tăng, do Thượng tọa Huyền Dung lãnh đạo. Năm 1949, một Phật Học Đường khác ở cấp tiểu học ra đời đặt tại Vườn Lài lấy tên là Phật Học Đường Ứng Quan do Thượng tọa Trí Hữu phụ trách. Đây là tiền thân của chùa Ấn Quang hiện nay.

Năm 1950, Phật Học Đường Nam Việt được tổ chức tại chùa Ấn Quang sau khi kết hợp các Phật học đường Liên Hải, Sùng Đức và Ứng Quan. Năm 1953, Phật học đường Phật Quang ở Trà Ôn cũng gia nhập vào Phật học đường Nam Việt, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, người xuất thân từ Hội Lưỡng Xuyên Phật Học, một vị Phạm tăng đức độ cao dày, ôn hòa độ lượng, sau bao năm tháng tham học khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, Hòa thượng đã về chủ trì tại chùa Ấn Quang lịch sử này. Với sự cộng tác của một số danh tăng khắp hai miền Nam, Trung, các lớp Phật học được đào tạo theo một chương trình mới, hiệu quả và quy mô hơn.

Sự kiện lớn thứ 2 là sự ra đời của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt vào ngày 08-03-1953, đại chúng suy tôn Hòa thượng Huệ Quang làm Pháp chủ chính thức. Năm 1956, Ni bộ cũng được thành lập, Ni chúng xuất gia nhiều vô kể. Hai Ni trường lớn là Từ Nghiêm và Dược Sư cũng được khai giảng theo chương trình giáo hội đề ra. Từ năm 1956 trở đi, với sự hướng dẫn của Thượng tọa Nhất Hạnh, chương trình giáo dục mới được áp dụng tại Phật học đường Nam Việt. Các học tăng sau khi tốt nghiệp Trung đẳng Phật học đã có một kiến thức phổ tương đương với trình độ Tú Tài. Sau đó song song với việc học Cao đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt, nhiều học tăng ghi tên học Đại Học Sư Phạm hoặc Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Sau khi có bằng cử nhân Văn Khoa hoặc Sư Phạm, các vị này trở về mở các trường Tư Thục Bồ Đề, như một hình thức giáo dục mang sắc thái Phật giáo. Ngoài ra có những vị xuất ngoại để tiếp tục theo Phật học hay các ngành Triết học, Xã hội học…

Ngoài Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang, tại Sài Gòn còn có Phật học đường Giác Nguyên ở Khánh Hội do Hòa thượng Hành Trụ chủ trì, Phật học đường Giác Sanh do Hòa thượng Thiện Thành chủ trì, Phật học đường Huệ Nghiêm quy tụ đến 350 tăng sinh ở khắp miền Nam, sau biến thành Cao đẳng Phật học viện, đào tạo rất nhiều tăng tài phụng sự Phật pháp đến ngày nay.

Kể từ khi Phật giáo Việt Nam được chính thức làm Hội viên Hội Phật giáo Quốc tế (1950) đến khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập (1963), vỏn vẹn chỉ có 14 năm so với 250 năm thành lập thành phố, nhưng sự phát triển về văn hóa Phật giáo có thể nói là quá lớn lao. Viện Đại Học Vạn Hạnh ra đời dưới sự đảm trách của Hòa thượng Minh Châu đã là một nét son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Có đến mấy mươi tạp chí của Phật giáo chuyển tải nội dung Phật học phổ cập quần chúng, nhiều nhà in, nhà xuất bản của Phật giáo hoạt động liên tục tại Sài Gòn. Kinh điển Bắc truyền được dịch sang Việt văn rất nhiều, nổi tiếng là các Hòa thượng Trí Tịnh, Trí Quang, Thiện Siêu…Đại Tạng Kinh hệ Nam truyền cũng được Hòa thượng Minh Châu phiên dịch sang Việt văn, xuất bản đều đặn tại Tu Thư Vạn Hạnh. Phật giáo quy tụ khá nhiều phần tử trí thức cư sĩ, hỗ trợ đắc lực cho công cuộc hoằng dương Phât pháp về mọi mặt văn hóa, học thuật, hội họa, âm nhạc, thi ca…

Sau năm 1975, Phật giáo lắng xuống, hòa nhập vào một thể chế mới. Năm 1981, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, tinh thần học Phật lại bắt đầu trổi dậy. Thành phố Hồ Chí Minh nghiễm nhiên cũng trở thành trung tâm phát triển Phật học tại Việt Nam. Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam cơ sở 2 được thành lập, cũng do Hòa thượng Minh Châu đảm trác h. Trường Cơ Bản Phật Học thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm và Thiên Minh. Về sau, các lớp Sơ cấp Phật học cũng được thành lập khắp các quận huyện trong thành phố. Ban phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam cũng được hình thành với sự đóng góp của khắp các danh tăng trong nước. Ban Hoằng Pháp Trung Ương tổ chức các  khóa bồi dưỡng Giảng sư, tổ chức giảng dạy Phật pháp ở nhiều chùa viện trong thành phố. Có thể nói, sự tu học của các tăng ni được giáo hội tạo mọi điều kiện thuận lợi, từ cơ sở vật chất đến tinh thần. Một số Tăng ni tốt nghiệp Cao Cấp Phật Học được đi du học nước ngoài, chắc chắn đội ngũ kế thừa sẽ đưa Phật giáo bước đi vững chãi vào thế kỷ 21.