Vĩnh Minh Tự Viện

Tuesday, May 21st

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Công Cuộc Chấn Hưng Phật Giáo 1930 - 1945

Công Cuộc Chấn Hưng Phật Giáo 1930 - 1945

Email In PDF

Công Cuộc Chấn Hưng Phật  Giáo 1930 - 1945

Phật giáo Sài Gòn nằm trong sự chuyển biến chung của toàn quốc, vì thế muốn tìm hiểu sự phát triển của Phật giáo Sài Gòn, không thể không nói đến công cuộc chấn hưng của Phật giáo Việt Nam.

Như trên chúng tôi đã trình bày về tình hình Phật giáo đầu thế kỷ 20, tuy không có một khuôn mặt sáng sủa, nhưng những yếu tố căn bản đã đủ sức làm nền tảng cho một cuộc chấn hưng.

Phong trào chấn hưng Phật giáo lúc bấy giờ là một phong trào có tính quốc tế, được khởi xướng đầu tiên ở Ấn Độ bởi cư sĩ David-havevitarante, người Tích Lan, sau này xuất gia thành đại đức Dharmapada. Được sự hỗ trợ và khuyến khích của thi sĩ người Anh là Edwin-Arnold, tác giả The Light of Asia, Dharmapada thành lập hội Mahabodhi-Society, xuất bản tạp chí Phật học, giai cấp hạ tiện ở Ấn Độ nhờ đó theo Phật giáo rất đông. Ngày 14 – 10 – 1956 năm ngàn người đã làm lễ quy y trong một lần.

Năm 1908, chính Dharmapada là người vận động cư sĩ Dương Nhân Sơn thành lập tinh xá Kỳ Hoàn ở Trung Hoa. Năm 1912, Thái Hư Đại Sư lập Phật Học Viện Vũ Xương và nhiều hiệp hội khác như Phật Giáo Hợp Tiến, Phật Giáo Tổng Hội, Phật Giáo Liên Hiệp, Phật Giáo Cư Sĩ Lâm…Năm 1918, Tạp chí Giác Xã ra đời ở Trung Hoa và sau đó biến thành Nguyệt san Hải Triều Âm. Đây là một cơ quan ngôn luận có ảnh hưởng đến công cuộc phục hưng ở Việt Nam.  Trong lúc đó, ở các nước Miến Điện, Tích Lan, Nhật Bản cũng có nhiều chuyển biến. Nhờ một số học giả có khuynh hướng Tây học đã khám phá ra tư tưởng siêu việt của Phật giáo, nên quay về nghiên cứu Phật giáo với một phương pháp khoa học. Niềm tin Phật giáo của các nước Á Đông sống dậy với tất cả lòng nhiệt tình cố hữu, tạo tiền đề cho Phật giáo Việt Nam.

Người đầu tiên vận động chấn hưng Phật giáo Việt Nam phải nói là Hòa thượng Khánh Hòa, nhân ngày giỗ tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh vào ngày 19-09 (Âm lịch) năm 1923, sư vận động các vị tôn túc khắp các tỉnh miền Tây họp bàn. Kết quả là Hội Lục Hòa Liên Hiệp ra đời. Hòa thượng Khánh Hòa đã lặn lội ra miền Trung vận động chấn hưng, cùng sư Thiện Chiếu ở miền Bắc, sau mấy năm nhưng vẫn không có một kết quả khả quan. Thấy rõ chưa thể thành lập một hội Phật giáo chung cho cả 3 miền, Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Quang cùng với các vị Thiện Niệm, Từ Nhãn, Chơn Huệ và một số cư sĩ có Tây học như Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Cần, Trần Nguyên Chánh…tổ chức một Thích Học Đường và Phật Học Thư Xã tại chùa Linh Sơn, đường Douaumont, Sài Gòn vào năm 1928. Đến năm 1930, Hội Tam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học ra đời, lấy chùa Linh Sơn, Sài Gòn (tức ở đường Cô Giang, quận nhất ngày nay) làm trụ sở. Hội do Thiền sư Như Nhãn – Từ Phong (trụ trì chùa Giác Hải, Phú Lâm) làm Hội trưởng. Hội cho xuất bản tạp chí Từ Bi Âm do Hòa thượng Khánh Hòa chủ nhiệm, ra mắt số đầu tiên vào ngày 01-03-1932.

Như vậy, Sài Gòn là một thành phố sinh sau đẻ muộn so với các tỉnh có nền văn hóa lâu đời ở miền Trung và miền Bắc, nhưng lại là một trung tâm đầu tiên đặt cơ sở chấn hưng Phật giáo. Sau đó, miền Trung mới thành lập Hội An Nam Phật Học, đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm, do Hòa thượng Giác Tiên chủ trì cùng với sự cộng tác của các cư sĩ Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân…Tạp chí Viên Âm do bác sĩ Lê Đình Thám chủ biên ra mắt số đầu tiên vào ngày 01 -12 – 1933. Đến lượt miền Bắc, các danh tăng Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm Bảo ở Hà Đông thấy Nam và Trung Bộ đã lập hội liền ra Hà Nội cùng phối hợp với các ông Lê Dư, Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ…thành lập Hội Phật Giáo Bắc Kỳ. Hội thành lập vào năm 1934, lấy chùa Quán Sứ ở đường Richard (tức phố Quán Sứ ngày nay) làm trụ sở, suy tôn Hòa thượng Thanh Hanh làm Thiền Gia Pháp Chủ, Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng. Hội xuất bản tập Kỷ Yếu số 1 vào ngày 01 – 05 – 1935, ít lâu sau xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ.

Ba hội Phật giáo đầu tiên được thành lập ở ba miền, tiếp theo còn có nhiều hội nữa được thành lập, hội nào cũng có tạp chí xuất bản riêng, các chi hội cũng lần lượt được thành lập ở các tỉnh. Tuy ra đời sớm hơn nhưng Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học hoạt động không hiệu quả lắm do một vài yếu tố nhân sự. Hội thỉnh được Đại Tạng Kinh từ Trung Quốc về chùa Linh Sơn để làm tư liệu học Phật, xây dựng một số trường ốc, nhưng không thực sự tiến hành giảng dạy Phật học như ở Hội An Nam Phật Học tại miền Trung, đó cũng là lý do Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời ở Nam Bộ.