Vĩnh Minh Tự Viện

Tuesday, May 21st

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Phật Giáo Sài Gòn Thế Kỷ XIX

Phật Giáo Sài Gòn Thế Kỷ XIX

Email In PDF

Phật Giáo Sài Gòn Thế Kỷ XX

Nhờ ảnh hưởng công cuộc chấn hưng Phật giáo của Thái Hư Đại sư ở Trung Quốc, đầu thế kỷ 20, Phật giáo ở Việt Nam cũng có một sự chuyển biến đáng kể. Một số vị Trưởng lão ở thế kỷ trước hiện còn làm giềng mối cho Tăng đoàn, ở Miền Bắc có Tổ Bồ Đề - Nguyên Biểu, miền Trung có Tổ Vĩnh Gia, ở Sài Gòn có các vị Minh Khiêm – Hoằng Ân, Như Phòng – Hoằng Nghĩa…, hàng hậu tấn có các danh tăng giỏi cả Hán học và Tây học, uy thế của Phật giáo đối với triều đình cũng rất lớn, trong đó có Quốc sư Phước Huệ từng được các vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định mời vào cung thuyết pháp. Ngoài ra còn có một số danh tăng rất quan tâm đến việc chấn hưng Phật giáo, đem giáo lý Từ Bi phổ cập trong quần chúng trên tinh thần khế lý khế cơ của nhà Phật, nổi tiếng như các Hòa Thượng Giác Tiên (1880-1936), Hòa thượng Khánh Hòa (1872-1947), Hòa thượng Chánh Thành chùa Vạn An (1872-1949), Hòa thượng Huệ Quang (1888-1956, Hòa thượng Khánh Anh (1895-1961)…Một hàng ngũ danh tăng đầy tinh thần thiết tha với đạo pháp như thế, đủ cho ta thấy Phật giáo đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam có mầm chuyển biến như thế nào.

Riêng ở Sài Gòn, hai chùa Giác Lâm và Giác Viên vẫn là chiếc nôi của Phật giáo thành phố. Một số ngôi chùa lớn khác cũng được sáng lập hầu đáp ứng cho nhu cầu học Phật của tín đồ. Vào thời kỳ này, tu sĩ ở Sài Gòn đã khá đông đảo. Trong tác phẩm « Sài Gòn năm xưa » của Vương Hồng Sển có đoạn viết : « Ngày làm lễ nhập tháp của Thiền sư Như Phòng – Hoằng Nghĩa ở gần chùa Giác Viên (23 tháng 12 năm 1929) có trên 1000 vị tăng đến dự ». Con số này đủ cho ta thấy lực lượng Tăng Ni ở thành phố trước giai đoạn chấn hưng Phật giáo đông đảo như thế nào.

Nhu cầu học Phật nhiều như thế, còn điều kiện tu học thì thế nào ? Đương thời, ngoài một số thư tịch chữ Hán, chữ Nôm vẫn còn sử dụng như một thứ quốc ngữ phổ biến khi ngôn ngữ La Tinh chưa phổ cập được trong mọi giai tầng. Bấy giờ tiếng Pháp được sử dụng rộng rãi, nhưng thư tịch tiếng Pháp về Phật học thì hoàn toàn chưa có. Chư Tăng phần nhiều học Phật bằng chính chữ Hán, một vài kinh điển được diễn Nôm, nhưng chưa phải là cách tốt nhất để nghiên cứu Phật điển sâu sắc được. Năm 1912, Hòa thượng Như Nhãn – Từ Phong, trụ trì chùa Giác Hải (gần cầu Phú Lâm ngày nay) diễn Nôm bộ Quy Nguyên Trực Chỉ, một số áng thơ Nôm cũng chuyển tải giáo lý nhà Phật nhưng chỉ mang tính cơ bản, sơ sài. Các trường gia giáo vẫn được duy trì, nhưng chưa có tính đại trà. Vì thế một vị Tăng muốn đến học tại một trường gia giáo, có khi phải đi bộ hàng 20 cây số để đến nghe một đoạn kinh. Cái cảnh thức khuya, dậy sớm từ 2 giờ sáng, gói cơm mang nước đi bộ đến trường học trở thành chuyện thường ngày của Tăng sĩ Sài Gòn đầu thập niên 20, 30.

Kinh sách đương thời vốn dĩ hiếm hoi, muốn tra cứu một từ ngữ chuyên môn trong Phật học, chư Tăng phải tìm đến các bộ sách Trung Quốc, như Đại Minh Tam Tạng Pháp Số Mục Lục, hoặc các ngoại thư như Từ Hải, Khang Hy Tự điển. Trong các tự viện, Kinh điển vỏn vẹn được vài bộ Kim Cang, Pháp Hoa, Địa Tạng, Di Đà…hoặc được các Thiền sư Trung Hoa thỉnh sang, hoặc được chép tay truyền tụng. Muốn khắc in một bộ kinh như Kinh Pháp Hoa, mỗi trang là một bản gỗ to như cánh cửa, phải thực hiện nhiều năm với một kinh phí rất lớn mới hoàn thành được. Bản gỗ khắc xong là cất hàng kho, giấy má lại thiếu thốn, phương tiện giao thông khó khăn, nếu không có một công cuộc đổi mới, Phật giáo dễ bị trệ ngại, hạn chế trong một số chùa viện ở trung tâm, hình ảnh một vị sư dễ trở thành một ông từ giữ chùa hay chuyên việc ứng phú. Thiền môn dễ trở thành nơi ru ngủ cho một số sĩ phu bất đắc chí, những kẻ chán đời, nương câu kệ lời kinh nơi cửa Phật cho tiêu ngày đoạn tháng, trốn tránh bể khổ hồng trần đầy phiền muộn cam go. Chính một số tác phẩm văn học đương thời đã nói lên điều đó, như Tắt Lửa Lòng (Chuyện tình Lan và Điệp) của Nguyễn Công Hoan, Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn…Trong bối cảnh duy tân đầy tiến bộ, mầm nụ đã ươm sẵn từ lâu, chỉ chờ ngày trỗi dậy.