Vĩnh Minh Tự Viện

Tuesday, May 21st

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Phật Giáo Sài Gòn Thế Kỷ XIX

Phật Giáo Sài Gòn Thế Kỷ XIX

Email In PDF

Phật Giáo Sài Gòn Thế Kỷ XIX

Tiếp nối sự nghiệp mở mang của các tiền bối đi trước, Phật giáo thành phố Sài Gòn vào thế kỷ 19 thực sự đã chiếm một vị trí quan trọng, tạo ảnh hưởng tất yếu trong lòng quần chúng và là một đề tài không thể thiếu trong việc nghiên cứu lịch sử phát triển văn hóa của thành phố trẻ trung này.

Ngoài một số Tăng sĩ được đào tạo tại Học đường Giác Lâm vào cuối thế kỷ trước, các cao Tăng của miền Trung cũng vào khai sơn tạo tự và hoằng hóa ở Sài Gòn rất nhiều. Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh trụ trì chùa Từ Ân từng được Tả quân Lê Văn Duyệt dâng sớ tâu vua Minh Mạng sắc ban Sư ra làm Tăng cang chùa Thiên Mụ ở Huế. Sau được vua Thiệu Trị thể theo biểu tấu của các đại thần phê duyệt cho Tăng cang Hải Tịnh về trụ trì chùa Giác Lâm cho chư Tăng miền Nam trú học, thỉnh Hòa thượng Phổ Nguyện làm pháp sư kiêm Thiền chủ, yết ma Từ Cang ở chùa Trúc Lâm làm thủ tọa. Năm 1864, Hòa thượng Chánh Trực ở chùa Khải Tường cũng mở giới đàn truyền giới. Đây có thể là những giới đàn đầu tiên được tổ chức tại Sài Gòn.

Vào giữa thế kỷ 19, trong nghi lễ Phật giáo ở Nam Kỳ xuất hiện phong trào ứng phú. Qua kinh nghiệm giảng dạy các lớp Phật học và hoằng dương Phật pháp từ thành Gia Định đến kinh đô Huế, Thiền sư Hải Tịnh nhận thấy nghi lễ là một hình thức tôn giáo có khả năng hoằng dương rất hiệu quả. Khoa ứng phú có thể giúp Phật pháp được truyền bá rộng rãi, nhờ chư Tăng đến nhà của tín đồ làm lễ, tạo nhân duyên cho những người ở các địa phương có dịp được nghe kinh điển, phát tâm theo đạo Phật.

Năm 1850,  Quan Âm Các được trùng tu lại thành chùa Giác Viên (cạnh khuôn viên Đầm Sen ngày nay), trở thành trung tâm ứng phú của Lục tỉnh Nam kỳ. Thiền sư Hải Tịnh có triệu tập một cuộc đại hội của chư Tăng để phổ biến chủ trương « Bảo vệ và phát huy tinh hoa của khoa ứng phú theo đúng với đạo Phật cổ truyền ». Chùa Giác Viên được tăng tục quy tụ đông đảo, tài chánh dồi dào, hỗ trợ đắc lực về mặt đời sống cho chư Tăng tu học tại chùa Giác Lâm. Tiếc rằng sau khi quân Pháp đánh chiếm vào Gia Định, chư Tăng hai chùa sơ tán, tinh thần ứng phú không còn là nét đẹp của Phật giáo nữa. Một số Tăng sĩ chuyên đi làm thầy cúng, lấy chuyện ứng phú làm kế sinh nhai.

Cuối thế kỷ 19, Phật giáo Sài Gòn nổi tiếng với các danh tăng như Minh Vi – Mật Hạnh (1828-1898), Minh Khiêm – Hoằng Ân (1850-1914), Như Phòng – Hoằng Nghĩa ( ?-1929)…Đây là thời gian mà các Thiền sư chú trọng nhiều đến việc tạo điều kiện học Phật cho chư  Tăng hơn. Khoa ứng phú không còn là cách hoằng dương hữu hiệu đúng theo tinh thần của chánh pháp, nên các Ngài hướng dẫn chư Tăng vừa học Phật vừa đi sâu vào hành trì theo chủ trương « Thiền giáo song hành » mà chư Tổ truyền dạy. Năm 1889, Tỳ kheo Huệ Lưu ở chùa Huê Nghiêm (Thủ Đức ngày nay) biên soạn lại sách Tỳ Ni Nhật Dụng và Quy Sơn Cảnh Sách thành Tỳ-ni Sa-di Oai Nghi Cảnh Sách (gọi tắt là Trường Hàng luật). Thiền sư Minh Khiêm – Hoằng Ân trụ trì hai chùa Giác Lâm và Giác Viên chú giải và khắc bản in vào năm 1894, các bản gỗ ấy hiện nay vẫn còn lại một số tại chùa Giác Viên. Việc biên soạn và chú giải Trường Hàng Luật cho thấy chư Tăng thời bấy giờ muốn đặt định lại đời sống thực sự của một Tăng sĩ, lấy giới luật làm Thầy, tinh tu Thiền định, phát triển Huệ học. Một số tác phẩm cũng được soạn thuật cho thấy khuynh hướng chú trọng giới luật và sự truyền thừa mạng mạch của Phật giáo, như Tông Phái Sự Tích của Thiền sư Hải Tịnh soạn, Sự Tích Giới Đàn Luận của giáo thọ Quảng Thạnh ghi. Một số thi kệ cũng nói lên điều đó, như bài kệ Thi Giới ở chùa Sùng Phước (1870), bài kệ Công Khóa cho Hàng Xuất Gia do Yết ma Phước Chí ở chùa Đức Lâm khắc bản in. Ngoài ra, Ngài Minh Khiêm – Hoằng Ân còn cho khắc bản in Tống Đàn Tăng diễn nôm, thơ Nôm Hứa Sử Vãn Truyện(1880), Nhân Quả Thực Lục Toàn Bản, Lăng Nghiêm Kinh Tán, Thí Thực Khoa (1898)…Tuy nhiên, so với rừng Kinh điển Phật giáo, kinh sách tại Sài Gòn thời bấy giờ còn quá ít ỏi. Ngoài những trí tuệ đạt được nhờ sự tu chứng, tư tưởng của Tăng sĩ đương thời còn bị hạn chế rất nhiều. Một số vị giỏi Hán học phải lặn lội ra miền Trung, miền Bắc để tham học. Một số thơ Nôm được sáng tác để đáp ứng nhu cầu học Phật sơ đẳng của giới bình dân không đủ để chư Tăng Ni đi sâu vào kinh điển. Các giáo lý như Nhân quả báo ứng, Nghiệp chướng luân hồi…trở thành giáo lý nòng cốt được truyền tụng trong các thơ, vè lục bát bằng văn Nôm. Dưới sự giám sát của chính quyền Pháp thuộc và chủ trương Âu hóa của giới Tân học, Phật giáo bị xem như yếm thế, tiêu cực, tình trạng tưởng chừng ngày một xấu đi.