Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, May 17th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Tình Hình Tu Tập Của Chư Tăng Cuối Thế Kỷ 18

Tình Hình Tu Tập Của Chư Tăng Cuối Thế Kỷ 18

Email In PDF

Tình Hình Tu Tập Của Chư Tăng Cuối Thế Kỷ XVIII

Như chúng ta đã biết, thời đại hoàng kim của Phật giáo Việt Nam là đời Trần, văn hóa Phật giáo phát triển rực rỡ và toàn diện. Trong đó đáng chú ý nhất là việc khắc in Đại Tạng Kinh Việt Nam do Thiền sư Pháp Loa, Tổ thứ 2 của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử chủ trì. Trong lần khắc in này, Đại Tạng Kinh có khoảng hơn 5000 quyển, trong đó có một số tác phẩm của chư Tổ Việt Nam và Phật giáo đời Trần. Tiếc thay, khi nhà Minh sang xâm lược nước ta, tướng Trương Phụ đã mang toàn bộ kinh sách ấy về Kim Lăng tiêu hủy hết.

Như vậy trải qua các triều đại Lê Mạc, Tây Sơn, Trịnh Nguyễn phân tranh, kinh sách Phật giáo ở Việt Nam chỉ còn lại một số ít lưu truyền trong các ngôi cổ tự, một phần được các chư Tổ thỉnh từ Trung Quốc sang. Khi các Thiền sư vào hoằng hóa ở các vùng Đồng Nai – Gia Định, chắc chắn việc thỉnh kinh sách từ miền Trung vào là vô cùng hiếm hoi. Từ đó chúng ta có thể suy định, việc tu học của chư Tăng thời bấy giờ hoàn toàn là do Thầy truyền cho trò, kiến giải Phật pháp căn cứ vào sự tu chứng. Tuy không có nhiều Kinh sách để tham học, nhưng hình ảnh vị Tăng sĩ trong thời gian này cũng chứng tỏ là người học rộng hiểu nhiều nhất trong tầng lớp xã hội đương thời.

Việc tổ chức tu học của Chư Tăng thời bấy giờ, giữa các chùa viện với nhau có một mối quan hệ rất mật thiết. Năm 1772, bổn đạo chùa Giác Lâm đã đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Phật Ý – Linh Nhạc bổ nhiệm Tăng sĩ vào trụ trì chùa Giác Lâm. Hòa thượng cử đệ tử là Tổ Tông – Viên Quang đến đảm nhiệm chức vụ này. Thiền sư Viên Quang là một Tăng sĩ có tài đức kiêm toàn. Sư lấy chùa Giác Lâm làm nơi đào tạo các Tăng sĩ trẻ ở Gia Đinh, tổ chức gần giống như một Phật Học Viện ngày nay. Chùa đài thọ mọi chi phí cho Tăng sinh trong khoảng thời gian tu học ở đây, học Tăng khoảng trên 50 người. Rất tiếc là không còn tài liệu nào ghi chép việc tổ chức và chương trình giảng dạy thời đó ra sao. Nhưng điều chắc chắn là đào tạo được một số danh tăng nổi tiếng như Tiên Giác – Hải Tịnh, Minh Vi – Mật Hạnh…Các học Tăng thời bấy giờ có lẽ không chỉ thuộc phạm vi Sài Gòn ngày nay, mà có thể là từ Đồng Nai, hoặc các địa phương thuộc thành Gia Định (gồm cả 6 tỉnh Nam Kỳ sau này) cũng đến cư ngụ tham học. Thiền sư Viên Quang là người uyên thâm cả Nho học lẫn Phật học. Thuở nhỏ sư thường cùng Trịnh Hoài Đức đến chùa Đại Giác ở Đại Phố, Đồng Nai để lễ sám. Sau, sư xuất gia, Trịnh Hoài Đức theo Nho học, được thăng tiến đến chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ, tước An Toàn Hầu. Trong sách Gia Định Thành Thông Chí, Trịnh Hoài Đức có chép bài thơ của ông tặng Thiền sư Viên Quang nhân dịp gặp sư tại lễ ở chùa Tập Phước (xã Bình Hòa – Gia Định, thuộc quận Gò Vấp ngày nay). Bài thơ ngũ ngôn đặc sắc này thể hiện trình độ thâm hiểu Phật pháp của một Hiệp Tổng Trấn thành Gia Định, tài đức của Thiền sư Viên Quang và tình hình Phật giáo trước đó :


" Nhớ xưa thưở thái bình

Đất Đồng Nai thạnh mỹ

Đạo Phật được hưng sùng

Nhà ngoại thêm phú quý

Ta đồng tử đốt hương

Sư giới hạnh tu hành

Bên ngoài chia đạo đời

Bên trong đồng tâm chí

Lạc loạn phải xa nhau

Thế giới thành ngạ quỷ

Ta trôi nổi vào ra

Bọt bèo biển xanh tử

Mới đó bốn mươi năm

Chớp nhoáng chuyện thế sự

Nay bỗng nhiên nhàn hành

Nơi Thiền môn gặp gỡ

Ta Hiệp Biện Trấn công

Sư Cao tăng Thượng sĩ

Nhìn xưa như giấc mộng

Tâm cùng tâm tương nghị

Chuyện xưa nói sao cùng

Đạo lớn vốn « như thị "

(Bản dịch của Nguyễn Lang – VNPGSL tập 2)