Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 20th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thơ - Tùy Bút Sự Tu Học Của Tu Sĩ Phật Giáo Trong Suốt 300 Năm Hình Thành Và Phát Triển Thành Phố Sài Gòn

Sự Tu Học Của Tu Sĩ Phật Giáo Trong Suốt 300 Năm Hình Thành Và Phát Triển Thành Phố Sài Gòn

Email In PDF

Sự Tu Học Của Tu Sĩ Phật Giáo Trong Suốt 300 Năm Hình Thành Và Phát Triển Thành Phố Sài Gòn

Thành phố Sài Gòn được thành lập đến nay đã 300 năm, Phật giáo cũng có mặt tại thành phố này bằng tuổi của thành phố.

Nói như thế không có nghĩa là Phật giáo chính thức được thành lập cùng năm tháng với thành phố. Theo dấu chân hoằng hóa của các Thiền sư Đồng Nai – Gia Định, từ đầu thế kỷ 17, các Tăng sĩ đã theo các dân di cư từ Đàng Ngoài cùng một số ít người Hoa vào Đồng Nai – Gia Định lập nghiệp. Sự hiện diện của các Thiền sư là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các di dân nơi đất lạ quê người.

Đầu tiên có thể kể đến Hòa thượng Chuyết Công (tức Thiền sư Viên Văn – Chuyết Chuyết) và một số đệ tử, trong đó nổi tiếng nhất là Thiền sư Minh Hành – Tại Tại, có lẽ hoằng hóa ở vùng Sài Gòn từ năm 1630. Khoảng năm 1692-1695, sau những biến cố chính trị và các cuộc nổi loạn A Ban, Chưởng Cơ, Nguyễn Phước Thông, Nguyễn Phước Huệ, Quảng Phú và Linh Vương ở miền Trung, Tổ sư Nguyên Thiều vào lập chùa Kim Cang ở Đồng Nai, Thiền sư Thành Đẳng – Minh Lượng vào lập chùa Đại Giác ở Đại Phố, Biên Hòa. Các Thiền sư đã đào tạo được nhiều đệ tử nổi danh như Minh Vật – Nhất Tri, Minh Giác – Kỳ Phương, Thành Nhạc - Ẩn Sơn…, mở rộng phạm vi hoằng hóa xuống vùng Gia Định và các tỉnh Nam  Bộ. Như vậy, khi thành phố Sài Gòn được chính thức thành lập, Phật giáo đã thực sự hiện diện tại đây, tuy chưa hình thành rõ nét, nhưng hình ảnh của các Thiền sư thể hiện tinh thần lợi tha quảng bác, an ủi vỗ về, giúp đỡ tinh thần và những nghi lễ tôn giáo cho những di dân mới đến lập nghiệp giữa vùng rừng thiêng nước độc, nổi tiếng với cọp, beo, cá sấu và ma quỷ thần linh.

Năm 1734, Chúa Nguyễn Phước Khoát, chính thức xưng vương. Võ Vương với Đạo hiệu Từ Tế Đạo Nhân là người có tinh thần Phật giáo rất lớn. Ông phát động phong trào di dân từ miền Trung vào Đồng Nai – Sài Gòn, khiến dân số vùng này ngày một đông thêm, Phật giáo cũng theo đó mà phát triển mạnh mẽ.

Những ngôi chùa đầu tiên ở thành phố Sài Gòn, có thể kể đến chùa Từ Ân, chùa Khải Tường, do Thiền sư Phật Ý – Linh Nhạc khai sơn vào năm 1744, tức nằm trong công viên Tao Đàn ngày nay. Chùa Giác Lâm do cư sĩ Lý Thoại Long sáng lập vào năm 1744, tức là chùa ở đường Lạc Long Quân ngày nay, chùa Thiên Trường do Thiền sư Pháp Nhân khai sơn vào năm 1755, ở gần Cầu Kho ngày nay, chùa Kim Chương (tức hiện nay là chùa Lâm Tế ở quận nhất) do Thiền sư Đạt Bổn khai sơn vào năm 1756. Ngoài ra còn có một số chùa nổi tiếng như Sắc Tứ Tập Phước Tự ở Bình Thạnh, chùa Long Nhiễu, chùa Huê Nghiêm ở Thủ Đức, chùa Hội Sơn, chùa Phụng Sơn, chùa Mai Sơn, chùa Phước Kiến, chùa Trường Thọ…Như vậy, cuối thế kỷ 18, thành phố Sài Gòn đã có nhiều ngôi chùa lớn, chứng tỏ tu sĩ đã khá đông đảo và Phật giáo đã đi vào tổ chức đàng hoàng.