Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Lịch Sử Tôn Giả A Na Luật (Đệ Nhất Thiên Nhãn) - Tôn Giả A Na Luật (Thiên Nhãn Đệ Nhất) Phần II

Tôn Giả A Na Luật (Đệ Nhất Thiên Nhãn) - Tôn Giả A Na Luật (Thiên Nhãn Đệ Nhất) Phần II

Email In PDF
Mục lục bài viết
Tôn Giả A Na Luật (Đệ Nhất Thiên Nhãn)
Tôn Giả A Na Luật (Thiên Nhãn Đệ Nhất) Phần II
Tất cả các trang

 

6.- NGUYÊN NHÂN ĐỌA LẠC CỦA PHÁI NỮ:

A Na Luật tuy mắt đã bị mù, nhưng tâm trí thì vẫn rất sáng suốt. Mặc dù vậy, đối với mọi sinh hoạt của đời sống, một người không thấy đường như thế thì cũng có lắm điều không như ý. Riêng Phật thì thương xót tôn giả vô cùng. Từ sau khi giúp tôn giả vá áo. Phật thường ngày dạy cho tôn giả tu tập phép thiền định gọi là “Kim Cang chiếu sáng”, và chẳng bao lâu thì tôn giả chứng được thiên nhãn thông! Kết quả đó đã làm cho tôn giả vô cùng hoan hỉ, và Phật cũng chia sẽ niềm hoan hỉ ấy với tôn giả.

Dĩ nhiên là có nhờ vào oai lực từ bi của Phật, nhưng cũng chính là do sự quyết tâm, trì chí và nổ lực của riêng mình, cho nên tôn giả mới đạt được kết quả cao quí như thế. Bởi vậy tôn giả đã được mọi người trong tăng đoàn hết sức ái mộ và kính trọng. Từ đó, những công việc thường ngày như vá áo, rửa bát, v. v... đã không còn làm cho tôn giả bối rối nữa. Với thiên nhãn thông này, tôn giả có thể trông thấy bất cứ ở đâu, dù xa, dù gần, dù trong, dù ngoài ... Những gì mọi người không thể trông thấy được, tôn giả đều có thể thấy. Trong kinh A Di Đà, danh hiệu của tôn giả được sáp vào hàng thánh chúng (tức là A Nậu Lâu Đà), để chứng minh rằng, vì nhờ có thiên nhãn thông mà tôn giả có thể thấy được  thế giới Cực Lạc, làm cho vững chắc thêm lòng tin nơi chúng sinh về cõi Tịnh Độ của Phật A Di Đà.

Không những thấy được thế giới Cực Lạc, mà với thiên nhãn thông, tôn giả còn thấy cả mọi sự việc nơi chốn địa ngục. Một ngày nọ, nhân thấy trong địa ngục có quá nhiều phụ nữ bị đọa lạc, tôn giả bèn thỉnh ý Phật:

- Bạch Thế Tôn! Hôm nay con thấy có nhiều phụ nữ bị đọa vào địa ngục. Theo con nghĩ, người đàn bà thường nhân từ hơn người đàn ông, và họ tín phụng Phật pháp cũng hết sức dễ dàng. Vậy thì tại sao họ lại đọa lac vào địa ngục nhiều như thế?

- A Na Luật! Đối với giáo pháp của Như Lai, người đàn bà tín phụng hết sức dễ dàng, đó là sự thật; nhưng người đàn bà tạo các tội nghiệp cũng hết sức dễ dàng, và đó cũng là sự thật! Nơi người đàn bà, lòng tham lam, ghen ghét và dục vọng rất nặng nề, hơn hẳn người đàn ông, nên rất dễ gây nên lỗi lầm, và đó là nguyên nhân của sự đọa lạc.

Tôn giả A Na Luật đã thành tựu quả thánh, lại chứng được thiên nhãn thông, cho nên đã trở thành một trong các vị đệ tử cao cấp của Phật. Mặc dù vậy, trong một lần đàm đạo cùng trưởng lão Xá Lợi Phất, tôn giả vẫn bị trưởng lão Xá Lợi Phất quở trách một cách thẳng thắn. Câu chuyện như sau:

Hôm đó, tôn giả hỏi trưởng lão Xá Lợi Phất:

- Thưa sư huynh! Với thiên nhãn thanh tịnh, tôi có thể trông thấy khắp cả ba ngàn thế giới. Tôi luôn luôn tinh tấn, sống trong chánh niệm không bao giờ quên lãng. Hiện tại tôi cảm thấy như thân thể tôi đang vân du thanh thoát trong cõi đất trời vắng lặng. Tâm tôi đã xa lìa mọi sự chấp trước, không còn bị lung lạc. Thưa sư huynh, có phải như thế là tôi đã dứt trừ mọi phiền não và được giải thoát rồi không?

Với tư cách là vị thượng thủ cao cấp nhất của tăng đoàn, trưởng lão Xá Lợi Phất đáp lời tôn giả:

- Sư huynh A Na Luật! Vừa rồi sư huynh bảo là sư huynh đã chứng được thiên nhãn thông và thấy rõ cả ba ngàn thế giới, đó là tâm ngã mạn, sư huynh bảo là sư huynh sống trong chánh niệm không bao giờ quên lãng, đó là tâm cuồng vọng, sư huynh bảo là sư huynh đã xa lìa mọi sự chấp trước, không còn bị lung lạc, đó là tâm giao động. Theo chỗ tôi hiểu về những lời dạy của đức Thế Tôn, chúng ta phải diệt trừ được tâm ngã mạn, tâm cuồng vọng, và tâm giao động thì mới không còn phiền não và được  giải thoát!

7.- NIỀM AN LẠC NƠI NÚI RỪNG TĨNH MỊCH:

Lúc bấy giờ Phật đang của trú tại Câu Thiểm Di (Kausambi - Kosambi). Một hôm nọ, một cuộc tranh chấp mãnh liệt bỗng xảy ra trong đại chúng. Phật đã đem câu chuyện về đức nhẫn nhục của vua Trường Thọ kể cho đại chúng nghe, hầu chấm dứt cuộc tranh luận. Phật bảo: “Dùng oán hận để diệt oán hận thì oán hận không bao giờ có thể diệt được. Chỉ có dùng đức từ bi và lòng nhẫn nhục mới có thể tiêu diệt được lò lửa oán hận mà thôi”.

Tuy lời khuyên bảo của Phật đã có hiệu quả với phần đông đại chúng, nhưng một số ít người vẫn bướng bỉnh, đã không chịu nghe lời Phật, lại còn tiếp tục làm cho cuộc tranh cấp càng gay gắt thêm. Thấy vậy, Phật bỗng nhớ tới con người rất mực khiêm cung, nhường nhịn, là A Na Luật, lúc ấy đang hành đạo tại rừng Ba Lị Da, nước Bạt Kì. Phật liền một mình đi đến đó để thăm A Na Luật.

Tại rừng Ba Lị Da, ngoài tôn giả A Na Luật ra còn có hai vị khác cùng tu là Bạt Đề và Kiếp Tân Na. Cả ba vị vốn là anh em họ với nhau. Lúc còn tại gia họ rất thương mến nhau, và sau khi xuất gia làng càng thương mến nhau hơn, cùng giao ước với nhau là chỉ một lòng y chỉ nơi Phật và nhất thiết đều tuân theo lời Phật dạy để tu hành. Cả ba vị đều đã chứng quả thánh. (Danh sách ba vị này, ngoài A Na Luật ra, hai vị còn lại đã có nhiều sách nói khác nhau: có chỗ thì Bà Cữu và Nan Đề; có chỗ thì Kim Tì La và Nan Đề. - Chú thích của người dịch). Cuộc sống của họ tại đây thật tịch tĩnh, hòa thuận và an lạc. Hàng ngày, buổi sáng mọi người đều vào làng khất thực. Ai khất thực xong về trước thì tự động trải chỗ ngồi cho cả ba người, rồi đi lấy nước uống, nước rửa cùng khăn lau để sẵn. Khi ăn xong, thức ăn còn dư lại thì đem để chỗ mát và trống trải hoặc trong nước sạch. Như vậy, người đi khất thực về sau, nếu thiếu thức ăn thì có thể dùng thức ăn còn lại ấy của người trước. Mọi việc dọn dẹp xong xuôi, vị ấy rửa tay chân, chỉnh đốn y áo, rồi về chỗ của mình để thiền tọa. Người đi khất thực về sau, cũng cứ như thế mà hành trì, Buổi thiền tọa có thể kéo dài tới chiều. Ai xuất thiền trước thì cũng cứ tự động đi kiểm soát xem, việc gì đáng làm thì làm, như quét dọn, lấy nước chẳng hạn. Việc gì nhắm làm một mình không nổi thì nhờ hai vị kia cùng giúp. Tất cả mọi việc đều được làm trong yên lặng. Họ nói năng rất ít. Cứ năm ngày thì họ họp một lần để chia sẽ với nhau về kinh nghiệm tu tập hoặc trù liệu các chương trình sinh hoạt mới. Cứ thế, họ sống với nhau thật hòa thuận và an lạc trong khu rừng u tĩnh ấy.

Khi Phật vừa đến phía ngoài khu rừng thì người giữ rừng liền chận Phật lại. Ông ta từ trước đến giờ chưa từng trông thấy Phật, nên không biết. Ông thưa:

- Xin ngài đừng vào rừng, vì trong ấy có ba vị thánh tăng đang tu hành.

Phật mỉm cười bảo:

- Xin ông vui lòng vào báo với ba vị ấy là có người đến thăm. Chắc chắn là ba vị ấy sẽ rất vui vẻ đón tiếp tôi.

Người giữ rừng liền vào trong thông báo. Ba người nhìn ra thì biết ngay là Phật quang lâm, nên rất hân hoan, đồng ra bìa rừng nghênh đón. A Na Luật thì tiếp lấy y bát của Phật; Bạt Đề thì lo sửa soạn chỗ ngồi; còn Kiếp Tân Na thì đi lấy nước rửa chân cho Phật. Phật hỏi thăm về nếp sống cũng như sự tiến triển tu tập của họ. Ba vị đều cứ như thật trình bày. Nghe họ nói cũng như nhìn thấy nếp sống chung của họ, Phật rất vừa lòng. Ngài khen ngợi:

- Quí thầy cùng thờ một thầy, cùng tu một đạo, đồng tâm nhất trí, đang sống chung với nhau trong một nếp sống an lạc, hòa hợp với nhau như nước với sữa. Nếp sống tốt đẹp đó của quí thầy thật ít ai có thể so sánh được!

Nhân đó Phật bèn kể lại lịch trình tu hành của mình trong những tiền kiếp xa xưa để khuyến khích thêm ba vị. Từ một nơi đầy tranh chấp đến đây và chứng kiến được một nếp sống hòa thuận tốt đẹp của ba vị tại đây, Phật rất lấy cảm kích và hoan hỉ vô cùng. Trong khi đó, A Na Luật và hai bạn đồng tu, được Phật đến tận nơi xa xôi hẻo lánh này để thăm hỏi, cũng cảm động vô cùng, lòng dâng lên một niềm vui khó tả. (Chính tại khu rừng này, lấy ba vị thánh tăng trên làm đối tượng, đức Phật đã ban bố pháp chế “Lục hòa” nhằm xây dựng một nếp sống hòa hợp, an lạc trong tăng chúng. - Chú thích của người dịch).

8.- TRỘM CƯỚP QUI Y TAM BẢO:

Nhưng không phải tôn giả A Na Luật chỉ biết ẩn mình mãi mãi nơi chốn núi cao rừng rậm. Tôn giả thường nghĩ: “Sỡ dĩ mình có được niềm pháp lạc như ngày nay là đều do ân điển của đức Thế Tôn. Muốn báo đáp ân điển đó, mình phải ra sức hoằng pháp lợi sinh. Những nơi nào chưa có người đến giáo hóa thì mình hãy đến ...” Con người trông bề ngoài có vẻ rất lạnh lùng ấy, thực ra, trong lòng rất là nhiệt tình. Bởi vậy, từ cung vua, hoặc phủ đệ của các vị quí tộc, cho đến những nơi núi rừng, làng quê hẻo lánh, không chỗ nào là không in dấu bước chân hoằng hóa của tôn giả.

Tôn giả rất hay đi thăm những người bị bệnh. Ở nước Chiêm Ba (Campa) có một người tên là Ma Na Đề Na, bị bệnh nặng, chỉ nghe tôn giả thuyết pháp, rũ bỏ âu lo phiền muộn, liền khỏi bệnh. Nhiều trường hợp tương tợ như vậy, đối với các người bệnh, tôn giả chỉ cần nói pháp, an ủi là bệnh thuyên giảm. Bởi vậy, tất cả những người đang bị bệnh, biết được có tôn giả tới đều rất vui mừng. Không những có một phương pháp chữa bệnh rất đặc biệt, tôn giả còn có cách khéo léo riêng để chuyển hóa tâm tính của dân trộm cướp.

Trong một đoạn trước chúng ta đã biết, có một hôm tôn giả bị lỡ đường, phải vào một ngôi nhà vắng bên đường xin tá túc qua đêm. Đến nửa đêm thì tôn giả bị cô gái chủ nhà trêu ghẹo; và từ đó tôn giả nguyện không bao giờ còn dám ban đêm vào nhà dân gian xin ngủ nhờ nữa. Lần này, tôn giả cũng đang đi hành hóa ở một thôn trang nọ thì trời tối. Tôn giả bèn ra khu rừng ở bên ngoài làng để tĩnh tọa chờ sáng. Ánh trăng tỏa chiếu mông lung, bóng cây lờ mờ huyền ảo. Gió thổi nhè nhẹ. Thỉnh thoảng một vì sao băng vụt qua khoảng trời không ...

Bấy giờ đêm đã về khuya, không gian hoàn toàn vắng lặng. Bỗng chập chờn một đám đông bóng người, từ xa đang di động dần về phía tôn giả. Tôn giả muốn ho lên một tiếng, nhưng đám người đã dừng lại phía trước tôn giả không xa lắm. Tôn giả dùng cặp mắt thần để quan sát thì thấy rõ ràng đó là bọn người trộm cướp. Họ dừng lại đó để chia nhau những của cải vừa ăn trộm được. Tôn giả bèn buông một tiếng thở dài thật lớn. Bọn trộm biết là có người trông thấy, tức thì vũ lộng binh khí sáng ngời. Một người trong bọn xẵng giọng:

- Ai đó, Hãy ra đây cho bọn tao thấy mặt, đồ khốn kiếp! Không thì bọn tao giết chết bây giờ! Tôn giả nói thật lớn:

- Các người muốn giết ta, cứ việc đến! Các ngươi giết ta thì tức khắc sẽ có người giết các ngươi!

Bọn trộm nghe thế thì hoảng kinh, ngó nhìn giáo giác, chẳng biết nên làm thế nào. Tên thủ lãnh liền lên tiếng:

- Ông bạn là ai! Đang đêm lại muốn phá hoại công việc tốt của chúng tôi!

A Na Luật nghiêm giọng trang nghiêm đáp:

- Tôi là một thầy tu, đang tĩnh tọa tại đây. Nếu bảo rằng tôi thấy các ông đang làm việc quấy thì đúng, nhưng bảo rằng tôi phá hoại việc tốt của các ông thì không đúng!

- Ông muốn tố cáo chúng tôi với quan phủ phải không?

- Tôi không có ý tố cáo các ông với quan phủ. Tôi chỉ muốn nói với các ông điều này: Hành vi sai quấy của các ông, quan phủ có thể sẽ không bao giờ biết được, nhưng luật nhân quả báo ứng thì sẽ không tha thứ cho các ông đâu! Tôi vì nghĩ đến cái tương lai buồn thảm đang chờ đợi các ông mà cảm thương các ông vô cùng!

Lời nói của tôn giả quả đã làm lay động được lòng trắc ẩn của đám người trộm cướp. Trong phút chốc họ dứt bỏ hẳn tâm hung ác; và tính lương thiện, giờ đây được cơ hội phát hiện. Họ thành tâm sám hối mọi lỗi lầm đã qua. Nghe theo lời chỉ dạy của tôn giả, trước hết, ngay sáng hôm sau, họ đem tất cả đồ vật đã lấy trộm trong đêm trước, hoàn trả lại cho các khổ chủ; sau đó, nhờ sự giới thiệu của tôn giả, họ được đến yết kiến Phật để xin qui y. Từ đó, họ quyết chí thay đổi hoàn toàn từ tâm ý, nói năng cho đến mọi hành vi cử chỉ, trở thành những người lương thiện trong xã hội.

9.- TU TẬP TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA CÁC BẬC ĐẠI NHÂN:

Tôn giả A Na Luật, một mặt cần cù trong việc hoằng pháp lợi sinh, một mặt vẫn tinh tấn trong công phu tu học. Một hôm, trong lúc thiền tọa tại một làng nọ thuộc nước Chi Đề (Cedi), tôn giả quán niệm rằng: “Không phải do tham dục mà đạt được Đạo, mà chính là do tâm biết đủ (tri túc); không phải ờ nơi ồn ào náo nhiệt mà tìm được Đạo, mà chính là ở nơi vắng lặng tịch mịch; muốn thấy được Đạo cần phải siêng năng, thường xuyên có chánh niệm, lại còn phải đa văn và rèn luyện trí tuệ”.

Bấy giờ Phật đang ngự tại một khu vườn ở nước Bà Kì Dũ. Trong lúc A Na Luật quán niệm những điều như trên thì Phật thấy rõ được tâm ý ấy của tôn giả, bèn đến tận nơi để khen ngợi và khích lệ. Lại được Phật quang lâm thăm hỏi, tôn giả xúc động vô cùng. Nhân đó tôn giả đem tư tưởng của mình trình bày lên, xin Phật ấn chứng, và thưa hỏi thêm:

- Bạch Thế Tôn! Theo tinh thần “Sáu nguyên tắc sống chung hòa hợp” (Lục hòa), mỗi cá nhân trong tăng đoàn phải quên đi những gì riêng tư, phải quên đi cái bản ngã nhỏ mọn của mình; đối với chúng sinh thì phải tuyệt đối dùng đức từ bi và lòng nhân ái để đối xử; những điều đó chúng con phải hiểu biết và phải thực hành trọn vẹn. Nhưng, bạch Thế Tôn các tín đồ tại gia thì rất đông, và các vị đệ tử xuất gia của Thế Tôn thường xuyên gần gũi với xã hội để hoằng pháp lợi sinh cũng rất đông; đối với những vị này, muốn cầu được giác ngộ và chứng nhập niết bàn thì làm thế nào, xin Thế Tôn từ bi khai thị.

- Thầy A Na Luật! Câu hỏi của thầy thật hữu ích! Những điều thầy đề cập tới đúng là những điều cần thiết của những người muốn tu học theo hạnh nguyện bồ tát. Thầy A Na Luật! Có tám điều giác ngộ của các bậc đại nhân mà bất cứ là đệ tử của Như Lai, bất luận ngày đêm, đều phải tinh tấn hành trì:

- Điều thứ nhất: Phải thường xuyên quán chiếu để thấy được những tính cách vô thường, giả tạm, đau khổ, không thanh tịnh, không có tự ngã của thế gian. Phải quyết chí xa lìa sinh tử thì được giác ngộ.

- Điều thứ hai: Phải thường xuyên quán chiếu để thấy được tâm tham dục và bám chặt thế gian chính là nguồn gốc của mọi khổ đau. Phải sống một cuộc sống thiểu dục, vô vi, thì thân tâm sẽ được tự tại.

- Điều thứ ba: Phải thường xuyên quán chiếu tâm mình để thấy rằng, suốt ngày nó chỉ một mực lo tham cầu và tạo tội lỗi, không biết nhàm chán. Phải biết an vui trong nếp sống đạm bạc, biết đủ, để có thể hoàn thành sự nghiệp trí tuệ.

- Điều thứ tư: Phải siêng năng làm các việc lành, không từ chối bất cứ việc gì làm lợi ích cho người, diệt trừ phiền não, hàng phục các ma chướng; có thế thì mới mong vượt thoát được ngục tù của năm ấm và ba cõi.

- Điều thứ năm: Phải biết rõ rằng, sự ngu si thật là đáng sợ. Cho nên, đối với tất cả mọi ngành học thuật đều phải để tâm nghiên cứu và học hỏi; rồi lại phải phát tâm đem những điều đã học hỏi mà giáo hóa chúng sinh, khiến cho mọi loài đều được an vui.

- Điều thứ sáu: Phải thấy rõ rằng, vì nghèo khổ mà người ta sinh nhiều oán hận. Người tu học theo hạnh bồ tát phải biết giúp đỡ họ về mặt vật chất cũng như an ủi họ về mặt tinh thần, dù ai xử tệ với mình cũng không nên khởi niệm oán hận.

- Điều thứ bảy: Dù phải sống ở trong thế gian cũng không bao giờ để cho năm thứ dục vọng của thế gian làm chủ mình. Dù là người xuất gia hay tại gia, không bao giờ để bị nhiễm ô bởi các thứ dục lạc của thế gian. Nhất mực phải sống cuộc đời cao thượng.

- Điều thứ tám: Không nên cầu sự an lạc cho riêng bản thân mình. Phải phát tâm đại thừa, cứu độ tất cả chúng sinh xa lìa đau khổ, cùng được an lạc.

Nhân lời thưa hỏi của tôn giả A Na Luật mà Phật khai thị tám điều tu tập của hạnh bồ tát. Rất nhiều người đã nương theo đó mà tu tập, cải thiện được đời sống, làm cho thân tâm được tự tại an lạc.

10.- TUỔI GIÀ:

Trong cuộc đời tu học và hành đạo của tôn giả A Na Luật chắc chắn là có nhiều sự tích huy hoàng, và kì vĩ, nhưng rất tiếc là đã không còn chứng liệu gì lưu lại để có thể truy cứu được. Chúng ta chỉ biết được ràng, tôn giả là một trong các vị đệ tử lớn của Phật, địa vị ngang hàng với các tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v... Tôn giả viên tịch tại đâu, vào lúc nào, cũng không biết được; có điều chắc chắn rằng, trong giờ phút Phật nhập niết bàn ở rừng Câu Thi Na thì tôn giả cùng với tôn giả A Nan đều có mặt và luôn luôn túc trực bên cạnh Ngài. Trong đêm Rằm tháng Hai năm ấy, ánh trăng sáng tỏ chiếu khắp trời không, trong rừng cây Sa la, giữa cái không khí trang nghiêm, vắng lặng và đầy buồn thương, Phật bấy giờ đã 80 tuổi, đối trước đông đúc đệ tử ngồi vây chung quanh, đang dạy những lời cuối cùng về việc giữ giới, nhẫn nhục, siêng năng, giữ gìn tâm ý, v.v... Sau hết Ngài nói:

- Này quí thầy! Đối với những pháp môn Như Lai đã dạy, quí thầy hãy ghi nhớ lấy, đừng để cho quên mất! Như Lai cũng như ông thầy thuốc, chẩn bệnh và cho thuốc, còn uống thuốc hay không là do người bệnh; Như Lai cũng như người chỉ đường, chỉ rõ con đường đúng, còn đi hay không đi thì không phải là do lỗi của người chỉ đường. Này quí thầy! Những giáo pháp về Bốn sự thật, Mười hai nhân duyên v.v... mà Như Lai đã đạy, đều là những chân lí mà Như Lai đã chứng ngộ, là cây đèn sáng của thế gian, là chiếc thuyền từ trên biển khổ. Những người đã hiểu rõ và tin tưởng vào chúng thì chúng chính là cánh cửa đưa họ vào đường giải thoát. Giờ đây Như Lai sắp nhập niết bàn, đối với các giáo pháp ấy, nếu ai còn chỗ nào nghi ngờ thì hãy nên bày tỏ ra ngay để Như Lai giảng giải lại.

Phật bảo đến ba lần như vậy, đại chúng vẫn ngồi yên lặng, chứng tỏ tất cả đều không có điều gì nghi ngờ. Sau khi quán sát tâm ý của đại chúng, tôn giả A Na Luật thưa:

- Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng con không có điều gì nghi ngờ về các giáo pháp Bốn sự thật, Mười hai nhân duyên v.v... Đó là chân lí của vũ trụ nhân sinh, Trên thế gian này, mặt trời có thể trở thành lạnh, mặt trăng có thể trở thành nóng, núi Tuyết có thể trở thành biển lớn, cõi đất có thể trở thành gò hoang, nhưng giáo pháp của Thế Tôn đã dạy thì không gì có thể làm cho thay đổì được!

Sau khi Phật đã nhập niết bàn, trong kì kết tập kinh điển trong hang núi Kì Xà Quật (Gijihakuta) của 500 vị A La Hán, chắc chắn là có mặt tôn giả A Na Luật. (Trong chương nói về tôn giả Đại Ca Diếp, tác giả nói rằng, kì kết tập kinh điển lần đầu tiên này đã được tổ chức tại hang núi Tất Bát La nằm ở phía Đông Nam thành Vương Xá, khác với núi Kì Xà Quật được tác giả nói ở đây, nằm ở phía Đông Bắc thành Vương Xá. Phật Quang Đại Từ Điển - do tác giả làm chủ biên - cũng nói hang Tất Bát La là nơi kết tập kinh điển lần đầu tiên. Hang Tất Bát La, cũng gọi là hang Thất Diệp - Sapta Parnaguha, một động đá nằm trong núi Tì Bà La (Vebraha), là một trong năm tu viện ở vùng Vương Xá - Chú thích của người dịch) Nhưng dấu vết về sau đó của tôn giả thì hoàn toàn không được lưu truyền. Thật là đáng tiếc!

Tôn giả A Na Luật là người có chí khí kiên cường, chỉ vì cái bệnh mê ngủ mà thành ra mù lòa. Dù vậy, với sự tinh tấn không ngừng, từ chỗ bị mù lòa tôn giả lại chứng được thiên nhãn thông, tu hành và hoằng hóa một cách an tường tự tại, được mọi người đều xưng tán, thật không hổ là một bậc thượng thủ của giáo đoàn!

Sưu Tầm