Mục lục bài viết |
---|
Tôn Giả Đại Ca Diếp (Đầu Đà Đệ Nhất) |
Tôn Giả Đai Ca Diếp (Đầu Đà Đệ Nhất) Phần II |
Tất cả các trang |
Tôn Giả Đai Ca Diếp (Đầu Đà Đệ Nhất) Phần I
1.- VĨ NHÂN RA ĐỜI NƠI GỐC CÂY:
Giả như có người ra đời từ hơn 2500 về trước mà vẫn giữ nhục thân còn sống mãi cho tới ngày nay, thì người ấy phải là tôn giả Đại Ca Diếp, vị đệ tử thượng thủ của Phật, đã từng nổi tiếng là người tu hạnh đầu đà đứng hàng đầu trong tăng đoàn thuở đó.
Trước đây không lâu, một vị bác sĩ người Pháp, ông Bá Cách Sâm, đã có lần du hành đến núi Chân Gà (Kukkutapadagiri, tức Kê Túc Sơn, một quả núi trông giống như hình chân gà, nằm cách Già Da - Gaya, hơn 25 cây số về hướng Đông Bắc, tức phía Tây Nam của thành Vương Xá; nhưng cũng có sách cho rằng, núi này là một ngọn của núi Linh Thứu, ở phía Đông Bắc thành Vương Xá. - Chú thích của người dịch) ở Ấn Độ. Tại đó ông dã được may mắn tham kiến tôn giả Đại Ca Diếp và sau đó đã xin qui y với tôn giả.Cuộc đời của vị thánh mang tính chất truyền kì này, nếu được đem giới thiệu lên thì quả là một câu chuyện thật đẹp đẽ. Vậy chúng tôi xin thuật từ đầu khi tôn giả vừa được sinh ra đời.
Hơn 2500 năm về trước, ở ngoại ô kinh thành Vương Xá (Rajagrha - Rajagaha) của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), thuộc miền Trung Ấn Độ, có một ngôi làng tên là Ma Ha Sa La Đà (Mahatittha). Trong làng này có một vị trưởng giả thuộc chủng tộc Bà la môn tên là Ni Câu Lô Đà Yết Ba, giàu sang tột bậc. Tương truyền rằng, tài sản của ông còn nhiều hơn của vị quốc vương nước Ma Kiệt Đà đương thời là vua Tần Bà Sa La (Bimbisara). Tôn giả Đại Ca Diếp đã được sinh ra trong gia đình cự phú đó!
Sự ra đời của tôn giả cũng kèm theo những sự việc lạ lùng, có thể nói, gần giống như sự giáng trần của Phật. Thân mẫu của tôn giả, trong ngày lâm bồn, lúc đang đi dạo trong sân nhà thì bỗng cảm thấy người bần thần mỏi mệt, liền ngồi xuống nơi gốc cây Tất bát la để nghỉ ngơi. Đột nhiên, áo trời không biết từ đâu bay đến, là đà đáp xuống cành cây, tức thì bà nghe tiếng khóc chào đời của em bé ... Bởi vậy, ngay lúc đó bé đã được đặt cho tên tục là Tất Bát La Da Na (Pippalayana), có nghĩa là hạ sinh nơi gốc cây.
Càng lớn lên, cậu bé Đại Ca Diếp càng trắng trẻo, mập mạp, và có gần đủ 32 tướng tốt của Phật, vì là người con duy nhất trong một gia đình giàu sang địch quốc, nên sự yêu quí cưng chiều của cha mẹ đối với cậu như thế nào, thiết tưởng không cần phải diễn tả. Có đến bốn bà vú để chăm sóc cho cậu, ngoài ra, số người suốt ngày ở bên cạnh để hầu hạ và chơi đùa với cậu thì rất nhiều.
Khi được tám tuổi, theo luật lệ Bà la môn, cậu bé Đại Ca Diếp được cha mẹ mời danh sư về nhà dạy học. Các môn học tuần tự gồm có từ cách thức tế tự, đọc, viết, vẽ, toán, văn chương, ngũ minh, bốn kinh Vệ Đà, cho đến âm nhạc, ca múa, sự vận hành của tinh tú, âm dương tốt xấu, sấm sét, động đất v.v... vì vốn có trí thông minh thiên bẩm, cho nên không có môn học nào là cậu không thấu suốt triệt để.
Có điều rấ kì lạ, từ nhỏ cho đến khi khôn lớn, Đại Ca Diếp đã tỏ ra không giống với bao nhiêu trẻ em hay thiếu niên khác: cậu rất nhàm chán những hoan lạc của thế gian, khinh bỉ tình dục, ghét những gì bất tịnh, thường thường chỉ muốn ở một mình, ngay cả dù có ở xa cha mẹ, cậu cũng hề nhớ nhung đến.
2.- VỢ CHỒNG KHÔNG CHUNG GIƯỜNG:
Ngày tháng qua mau, Đại Ca Diếp giờ đã trưởng thành, trở nên một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Cha mẹ vui vẻ vô cùng, bèn bảo cho chàng biết là ông bà sẽ cưới cho chàng một cô vợ thật xinh đẹp, đoan trang, thùy mị. Ngờ đâu khi vừa nghe thế thì chàng đã hốt hoảng, vội vàng từ chối:
- Thưa cha mẹ! Trăm ngàn làn cũng không thể được! Hi vọng duy nhất của con là được cha mẹ cho phép con đi tu mà thôi. Nếu có vợ con thì sự tu hành của con sẽ bị trở ngại.
Đương nhiên là ông bà nhất quyết không chiều ý chàng trong trường hợp này. Chàng đã suy nghĩ nhiều, và cuối cùng thì tìm ra được một cách để từ chối việc lập gia đình. Chàng lập tức nhờ một nhà điêu khắc nổi tiếng, dùng vàng để đúc nên một bức tượng mĩ nữ tuyệt đẹp, rồi đem bức tượng ấy thưa với song thân:
- Thưa cha mẹ! Nếu cha mẹ nhất định muốn con phải cưới vợ thì xin cha mẹ hãy tìm cho được cô gái nào giống hệt như bức tượng mĩ nữ này thì con mới chịu; còn không thì con nhất định suốt đời không lấy vợ.
Nghe lời yêu cầu của chàng, ông bà rất lấy làm khó xử. Lúc đó có một thầy Bà la môn rất thân cận, thường ngày vẫn hay tới lui nhà ông bà, đã hứa giúp cho ông bà thế nào cnũg sẽ tìm ra cô gái xinh đẹp giống hệt như bức tượng mũ nhân bằng vàng kia. Ông ta bèn biến bức tượng ấy thành một một tượng nữ thần, để lên kiệu, có lọng che tôn nghiêm, rồi cho người khiêng đi từ làng này sang làng khác, hết thành phố nọ đến thành phố kia, có chỗ nào có đông người tụ tập đến xem thì ông bảo: “Các cô thiếu nữ có ước muốn điều gì thì hãy đến cúng dường cầu khẩn vị nữ thần này, nhất định các cô sẽ được toại nguyện”. Khởi đầu từ kinh thành Vương Xá, ông đem tượng nữ thần tuần du. vượt qua sông Hằng tiến về phương Bắc, dần đến kinh thành Tì Xá Li.
Ở ngoại ô thành Tì Xá Li có một ngôi làng tên Ca La Tì Ca. Trong làng có một vị trưởng giả Bà la môn thuộc hạng đại phú hào, tên là Ca Tì La (Kapila). Ông có một cô con gái tên Diệu Hiền (Bhadda), thật là sắc nước hương trời, một mĩ nữ thời danh, khắp vùng không ai là không biết tiếng.
Hôm ấy đúng vào tiết “đốt lửa”, là dịp cho các thanh niên nam nữ vui đùa thỏa thích. Diệu Hiền nhân dịp này, đã rủ bạn bè cùng đi chiêm bái tượng nữ thần. Khi vừa đứng trước bức tượng vàng, sắc đẹp “hoa nhường nguyệt thẹn” của Diệu Hiền đã làm cho bức tượng bỗng dưng biến sắc. Thầy Bà la môn thấy thế thì mừng lắm, lập tức đến thăm gia đình nàng, và đem câu chuyện “kén vợ” của Đại Ca Diếp thuật rõ đầu đuôi với phụ thân nàng. Trưởng giả Ca Tì La biết được gia đình Đại Ca Diếp vừa có danh vọng, vừa giàu sang cực phẩm thì thỏa mãn lắm, liền nhận lời làm thông gia.
Sau lễ đính hôn, họ chọn ngày lành tháng tốt để đưa cô dâu về nhà chồng.
Ngày đưa dâu đã đến, Diệu Hiền mặc áo gấm, đeo ngọc anh lạc. Dáng vẻ xinh đẹp, kièu diễm của nàng, sợ rằng đến ngay cả các vị thiên nữ cũng không sánh bằng!
Nhưng thật là kì quái! Cô dâu tuy có sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” như thế, nhưng lại rèm mi ủ dột, như có nỗi buồn gì đang trĩu nặng trong lòng ...
Tiếng trống, tiếng nhạc trổi lên; lời ca nhịp nhàng với điệu múa; hôn lễ bắt đầu được cử hành ...
Sau khi lạy trời đất, Đại Ca Diếp và Diệu Hiền được đưa vào làm lễ động phòng. Cả hai vợ chồng, trong đêm tân hôn, không ai có một nụ cười. Không ai nhìn mặt ai, mỗi người đều mang tâm sự riêng, mắt buồn xa vắng; rồi mỗi người một góc, trầm mặc tĩnh tọa ... Đêm động phòng hoa chúc cứ như vậy trôi qua; canh một, canh hai, canh, canh tư, rồi canh năm, hừng đông ló dạng, cặp vợ chồng mới cưới ấy vẫn tuyệt nhiên im lặng, không ai nói một lời nào! Đến khi mặt trời hoàn toàn sáng rỡ, bấy giờ chú rể mới cất lời nhỏ nhẹ hỏi cô dâu?
- Cô nương có tâm sự gì buồn chăng?
Diệu Hiền khẽ chớp vành mi, nhưng vẫn im lặng không trả lời.
- Có việc gì xin cô nương cứ nói. Dù gì đi nữa thì chúng ta cũng vẫn có thể chia sẻ cùng nhau được mà!
Diệu Hiền liền chảy nước mắt, nhưng vẫn im lặng. Đại Ca Diếp liền to tiếng hơn, làm như là bực bội lắm:
- Có việc gì đau lòng lắm thế, hãy nói cho tôi biết có được không?
Đại Ca Diếp hỏi đến ba lần, vạn bất đắc dĩ, bấy giờ Diệu Hiền mới trả lời, nhưng với một giọng đầy ai oán:
- Ông đã phá hoại chí nguyện của tôi! Tôi vốn nhàm chán ngũ dục, chỉ mong được ở yên để tịnh tu phạm hạnh; nhưng vì cha tôi bị mê hoặc bởi cái bả giàu sang của gia đình ông mà đã đem tôi gả bán cho ông, làm tiêu tan cái chí nguyện tu hành của tôi!
Đại Ca Diếp nghe mấy lời thì như mở cờ trong bụng, mừng rỡ vô cùng, vội vàng bảo cho Diệu Hiền biết, mình cũng có cùng một chí nguyện như vậy, cũng chán ghét ái dục ở đời, và chỉ mong được thanh tịnh tu hành.
Ôi, vưi mừng kể sao cho xiết! Đây quả là một sự sắp đặt khéo tuyệt của hóa công! Vậy là cả hai người đề có thể thực hiện chí nguyện của mình một cách tự tại. Họ bèn đồng ý nhau, kê hai cái giường riêng biệt, tuy trên danh nghĩa vẫn là vợ chồng, nhưng không bao giờ nằm chung một giường.
3.- MƯỜI HAI NĂM KIÊN TRÌ CHÍ NGUYỆN:
Đã là vợ chồng, nhưng hai người không bao giờ nằm chung giường; điều đó rồi cũng đến tai song thân chàng. Cho nên, một hôm nọ, ông bà trưởng giả bất thần vào phòng ngủ của vợ chồng chàng xem xét. Quả nhiên, ông bà trông thấy hai người nằm ở hai giưòng riêng biệt. Ông trưởng giả giận lắm, bảo:
- Hai đứa mày đã kết hôn, đã thành vợ chồng với nhau mà lại kê hai chiếc giường nằm riêng biệt thì đâu có phải là điều tốt! Tao phải gọi người chẻ bỏ đi một cái mới được!
Đại Ca Diếp không dám phản đối cha mẹ, nhưng lại kiên quyết giữ tròn chí nguyện của hai người. Chàng đề nghị với vợ:
- Dù gì đi nữa thì chúng mình cũng không được nản chí. Bây giờ chỉ còn một cái giường thì chúng mình thay phiên nhau dùng. Đầu hôm đến nửa đêm thì em ngủ, còn anh thì kinh hành hoặc tĩnh tọa; đến cuối đêm thì anh ngủ, trong khi thì em kinh hành hoặc tĩnh tọa.
Diệu Hiền tán đồng lời đề nghị của chồng, và nói thêm:
- Sao chúng mình không sớm tìm đường đi xuất giá! Ngũ dục ở thế gian thật là đáng sợ, chỗ nào cũng có chúng nó mai phhục, lỡ ra chúng mình bị mê hoặc rồi đọa lạc làm sao!
Đại Ca Diếp an ủi vợ:
- Anh cũng đã có ý nghĩ như vậy, ngặt vì song thân vẫn còn tại đường mà anh lại là con một, đâu có thể bỏ mặc ông bà được! Em hãy kiên nhẫn đi, lí tưởng và chí nguyện của chúng mình thế nào cũng có ngày thực hiện được.
Ngày tháng trôi qua, hai vợ chồng chàng sống an ổn như vậy, tuy ở chốn hồng trần mà tâm luôn luôn thanh tịnh, an vui trong đạo vị. Một đêm kia, như thường lệ, trong lúc Diệu Hiền ngủ trên giường thì Đại Ca Diếp đi kinh hành trong phòng. Bỗng chàng trông thấy một con rắn đen, loại cực độc, đang nằm dưới giường, trong khi đó, trong cơn ngủ thật say, cánh tay phải của Diệu Hiền để thòng xuống khỏi giường, và chỉ cách con rắn trong gang tấc. Trong thời khắc mười phần nguy cấp đó, chàng lập tức lấy áo bao bọc tay mình lại, rồi nhè nhẹ cầm cánh tay của nàng đặt lên giường. Dù chàng cử động thật nhẹ, nhưng cũng đã làm cho nàng giật mình thức giấc. Thấy chàng trong trường hợp ấy, nàng hết sức kinh ngạc, liền ngồi bật dậy, giọng đầy trách móc hỏi:
- Anh đã làm gì vậy? Chuyện gì đã xảy ra?
Đại Ca Diếp liền chỉ con rắn cho nàng thấy và nhỏ nhẹ giải thích cho nàng biết về việc làm của mình vừa rồi. Nghe thế nàng mới yên lòng và tỏ ra vô cùng cảm kích đối với chàng.
Cuộc sống thanh tịnh của hai vợ chồng cứ như vậy trôi qua, tính ra đã được mười hai năm.
4.- XUẤT GIA TU HÀNH:
Có hợp thì có tan, có sinh thì có tử, đó là đạo lí nhất định của thế gian. Năm ấy, hai đấng sinh thành yêu quí của Đại Ca Diếp đều lần lượt qua đời! Sau đó không lâu, một hôm, Diệu Hiền bảo mấy người nô bộc ép dầu mè. Nguyên trong mè có rất nhiều mọt, và trong khi ép dầu, bỗng Diệu Hiền nghe thoáng mấy người nô bộc nói với nhau: “Ép thế này làm chết biết bao nhiêu là sinh vật, không biết rồi đây sẽ phải chịu quả báo đến thế nào! Nhưng không sao, đây đâu phải là tội của bọn mình, mà chỉ là làm theo mệnh lệnh của chủ thôi”. Vừa nghe họ nói thế thì nàng liền thấy tâm thần rúng động, kinh hoàng, vội bảo họ ngưng việc ép dầu, rồi lập tức chạy nhanh vào phòng ngủ, đóng cửa lại, yên lặng ngồi quán niệm ...
Cũng cùng trong ngày ấy, Đại Ca Diếp từ sáng sớm đã ra ruộng coi nông phu cày bừa. Trong lúc quan sát, chàng đã thấy được nỗi khổ sở của những con trâu cày, sự vất vả mệt nhọc của những bác nông phu; rồi còn vô số côn trùng ở trong đất, nào lưỡi cày đi qua, nào chân người dẫm đạp, đã làm cho chúng lớp thì chết, lớp bị thương, cảnh tượng vô cùng thê thảm! Nhìn cảnh tượng ấy chàng lại càng chán nản đối với cuộc sống của thế gian, chàng nghĩ, chỉ vì cuộc sống của chính bản thân mà người đời khó tránh được gây đau khổ cho người khác cũng như cho mọi loài sinh vật. Bất luận là hạng người nào, dù muốn ăn món gì thì cũng không ăn hơn một đấu; dù muốn ngủ thế nào thì giường nệm cũng không dài quá hai tầm tay. Vậy mà người ta đã tiêu phí quá xả xỉ, thừa thãi đối với các nhu yếu hàng ngày; và chính vì những thứ xài phí xa xỉ vô ích ấy mà họ đã làm khổ biết bao nhiêu người cũng như tàn hại biết bao sinh vật. Hoàn toàn bất công! Hoàn toàn phi lí! Suy nghĩ như vậy, chàng bèn bỏ về nhà. Khi vào phòng riêng, chàng thấy vợ cũng đang mặt mày ủ dột. Hai vợ chồng lại đem tâm sự của mình nói cho nhau nghe, và lại cùng than thở về những bất hạnh, những đau khổ của thế gian. Đại Ca Diếp bèn bảo vợ:
- Bây giờ thì anh quyết định vất bỏ cái nhà này để đi tu. Ở đây chẳng khác gì đang ở trong lao ngục, bị đủ thứ trói buộc, đủ thứ phiền muộn! Ngày nào chúng ta còn bám vào cái gia sản này thì ngày ấy chúng ta còn tạo nghiệp xấu. Chi bằng hãy vất bỏ nó đi để tìm cầu cái chân thật của đời người. Chúng ta vào chốn rừng núi để tu hành thì không còn sợ bị thứ gì làm chướng ngại, cũng giống như đi lại giữa hư không. Vậy để anh ra đi trước, em tạm ở nhà chờ đợi. Khi nào tìm được minh sư, anh sẽ trở về đưa em cùng đi xuất gia. Trong khi chờ đợi, em hãy đem hết tài sản của mình mà ban phát cho người nô bộc trong nhà cùng giúp đỡ những người nghèo khó. Em đợi nhé! Nhất định anh sẽ sớm đem tin lành về báo cho em.
Diệu Hiền nghe thế thì càng kính phục chồng, đồng thời cũng rất cảm động về sự quan tâm của chồng đối với chí nguyện của mình. Chí nguyện xuất gia của hai vợ chồng vốn đã có từ lâu, nhưng vì phải phụng dưỡng cha mẹ mà đã phải đợi chờ một thời gian dài đến mười mấy năm. Bây giờ thì chí nguyện đó đã thực sự được bắt đầu thực hiện, lòng họ vui vẻ lạ thường ...
5.- TRỞ THÀNH ĐỆ TỬ PHẬT:
Năm ấy, Đại Ca Diếp đã trên ba mươi tuổi. Theo truyền thuyết, ngày ông lìa nhà ra đi tìm thầy học đạo cũng chính là ngày đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo nơi gốc cây bồ đề.
Ông đã đi đông, đi tây, đi nam, đi bắc để học đạo nhưng không mãn nguyện với một vị thầy nào cả. Hai năm sau, khi ông đang chu du ở nước Ương Già (Anga), thì có người đến mách với ông rằng, Phật Thích Ca Mâu Ni chính là đấng đại giác hiện thời; Ngài cùng với giáo đoàn của Ngài gồm các vị đệ tử tài đức như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvila Kasyapa - Uruvela Kassapa) v.v... cả ngàn người, đang mở đạo tràng tại tu viện Trúc Lâm (Venuvana). Ông nghe thế thì vui mừng không kể xiết, lập tức trở về Vương Xá và tìm tới tu viện Trúc Lâm.
Tu viện Trúc Lâm nằm ở ngoại ô về hướng Bắc của kinh thành Vương Xá, là cơ sở đạo tràng đầu tiên được tổ chức chu đáo, có qui củ, dùng làm nơi cư trú và hành đạo cho Phật và giáo đoàn của Ngài. Khi đến thành Vương Xá, Đại Ca Diếp đã không trực tiếp tiếp kiến Phật, mà chỉ hàng ngày đi theo các thiện nam tín nữ ở trong thành đến tu viện để nghe Phật thuyết pháp. Sở dĩ như thế là vì ông còn thử xem, nếu như đó không phải là một bậc đạo sư thực sự thì ông nhất định không theo.
Sau nhiều lần đi nghe thuyết pháo như vậy, trí tuệ cùng oai đức của Phật đã dần dần đánh thức tâm trí ông. Thế rồi một hôm kia, như thường lệ, sau khi nghe pháp xong, ông trở về nơi trú ở trong thành. Khi còn cách cổng thành không xa lắm nơi đó có nhiều ngôi tháp, chen giữa những ngôi tháp ấy là một cây đại thọ, tàng lá chi chít; và lạ lùng làm sao, ông trông thấy Phật đang tĩnh tọa nơi gốc đại thọ ấy. Rõ ràng là khi ông rời tu viện thì Ngài vẫn đang ngồi trên tòa pháp vương kia mà, sao bây giờ Ngài lại ở đây? Ông cố nhìn đi nhìn lại thật kĩ, quả đúng là Phật! Tự dưng, ông cảm thấy sợ sệt trước cái dáng vẻ thật trầm lặng và thật oai nghiêm của Phật; và như bị một sức mạnh nào đó cuốn hút, ông bỗng cúi đầu sụp lạy, rồi thành khẩn cầu xin:
- Kính lạy đức Thế Tôn, bậc đạo sư của con! Xin hãy cho con quay về nương tựa nơi Ngài. Từ nay Đại Ca Diếp này đã là đệ tử của Ngài.
Biết chắc Đại Ca Diếp đã phát khởi lòng tin vững chắc và trọn vẹn, Phật khai thị:
- Này Đại Ca Diếp! Ông đã đích thực là đệ tử của Như Lai; và Như Lai cũng đích thực là vị đạo sư của ông. Nếu trên thế gian này không có vị giác ngộ vẹn toàn thì không ai có thể làm thầy của ông được. Ông hãy đi theo Như Lai!
Phật từ từ đứng dậy và khoan thai đi về hướng tu viện. Đại Ca Diếp đi theo sau, lòng tràn ngập niềm vui, vừa cung kính vừa cảm động, bất giác chảy nước mắt ...
Đang đi, bỗng Phật quay ra sau nhìn Đại Ca Diếp, rồi Ngài nói:
- Như Lai nghe nói về ông đã lâu. Như Lai biết rằng, rồi đây thế nào ông cũng đến đây xin theo Như Lai tu học, và hôm nay chính là ngày ông được mãn nguyện. Sự lưu truyền Phật pháp trong tương lai sẽ cần tới ông rất nhiều. Vì chúng sinh và cũng vì chính ông, ông hãy cố gắng!
Về đến Trúc Lâm, Phật thế độ cho Đại Ca Diếp, rồi giảng nói các giáo pháp Bốn Sự Thật, Mười Hai Nhân Duyên v.v... Tướng tốt và oai đức của Phật, âm thanh hiền hòa và thân thiết của Phật, có thể nói, cái bầu khí chứng ngộ lúc đó đã hoàn toàn bao quanh Đại Ca Diếp, khiến cho ông như ruộng hạn gặp mưa; cho nên chỉ tám ngày sau, ông hoàn toàn khai ngộ.
6.- HOÀN THÀNH LỜI ƯỚC HẸN VỚI NGƯỜI XƯA:
Sau khi Đại Ca Diếp xuất gia được một năm, - tức là năm thứ ba sau ngày Phật thành đạo - Phật đã trở về quê hương là kinh thành Ca Tì La để thăm phụ vương cùng hoàng tộc. Một số đông tăng chúng đã tháp tùng Phật trong chuyến đi này, trong đó có tôn giả Đại Ca Diếp. Nhân dịp này, nhiều vị vương tử, vưong tôn trong hoàng tộc đã xin được xuất gia theo Phật. Về sau, bà dì mẫu của Phật là thái hậu Kiều Đàm Di, (Gautami - Gotami - tức Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Mahaprajapati - Mahapajapati) cũng được Phật cho phép xuất gia và lập nên chúng Tì kheo ni. Về phần Đại Ca Diếp, tôn giả vẫn luôn nhớ đến lời hẹn ước với Diệu Hiền ngày xưa, nhưng vì từ trước chưa có lệ cho phái nữ xuất gia, nên tôn giả không biết làm cách nào. Nay nhân chúng Ti kheo ni đã được phép thành lập, tôn giả liền quyết định hoàn thành lời hẹn ước ấy.
Từ ngày tôn giả rời nhà ra đi, đến nay cũng đã năm năm rồi. Trong thời gian năm năm ấy, chẳng biết tình hình của Diệu Hiền ở nhà ra sao. Tôn giả bèn nhập định để quan sát, thì mới hay Diệu Hiền bây giờ đang là đệ tử của ngoại đạo, ở bên bờ sông Hằng.
Nguyên lai, từ ngày Đại Ca Diếp bỏ nhà chu du tìm thầy học đạo, Diệu Hiền vẫn ở nhà một mình để trông ngóng tin tức của chồng. Ngày tháng cứ trôi qua như dòng nước chảy, một tháng, rồi hai tháng, một năm rồi hai năm ... vẫn không có tin tức gì của chồng cả. Sốt ruột quá, không thể chờ đợi được nữa, nàng bèn quyết định tự mình đi xuất gia. Sau khi đã quyết chí như vậy, nàng đem tất cả tài sản cất chứa trong kho phân phát cho mọi người, từ những người trong thân tộc, những gia nhân, cho đến những người nghèo khó trong làng xóm, rồi một mình tìm đến bờ sông Hằng, lễ bái một vị đạo sĩ thuộc phái Lõa Hình xin làm đệ tử.
Sau khi làm đệ tử phái Lõa Hình, do vì sắc đẹp phi phàm của nàng mà lắm phen nàng phải bị lăng nhục, và rất trông mong được chồng đến tiếp cứu. Đó cũng chính là lúc tôn giả Đại Ca Diếp nhập định quan sát, biết rõ được tình cảnh của nàng và rất nôn nóng đem Phật pháp đến giáo hóa để đưa nàng về với chánh đạo. Tôn giả bèn đem sự tình nói rõ cho một vị tì kheo ni và nhờ vị này đi cứu Diệu Hiền. Ni sư rất hoan hỉ nhận lời ra đi, và chẳng bao lâu, ni sư đã đưa Diệu Hiền cùng về ni viện. Tại đây, Diệu Hiền được phép xuất gia và nhập chúng tì kheo ni.
Nhưng rồi ở nơi đây, cũng chính vì cái nhan sắc quá ư diễm lệ của mình, mà dù nay đã là một vị tì kheo ni tu học nghiêm túc, ni sư Diệu Hiền vẫn trở thành đề tài cho người ta dựng chuyện phao vu này nọ. Bị bêu rêu như vậy, ni sư rất lấy làm hổ thẹn, thường buồn phiền than thở về nỗi bất hạnh của mình đã phải sinh làm thân đàn bà! Từ đó ni sư không đi khất thực nữa, sống xa đại chúng, và không bao giờ xuất hiện ở chỗ đông người.
Tình huống đó lại làm cho tôn giả Đại Ca Diếp rất xót xa. Tôn giản bèn xin Phật cho phép, mỗi ngày được chia cho ni sư nửa phần cơm do mình khất thực được. Sự việc này rồi cũng đến tai ni sư Du Lan Nan Đà, một người rất nổi tiếng hay nói chuyện thị phi trong chúng tì kheo ni. Không biết vì ganh ghét hay vì gì khác, vị ni sư này đã đồn đại ra rất nhiều điều không tốt, như nói: “Hai người ấy cứ khoe là hồi ở nhà đã từng mười hai năm không hề ngủ chung giường, nhưng hiện thời thì mỗi ngày họ đều chia cơm sẻ áo một cách thân thiết như thế đó, nhất định là phải có tư tình như thế nào rồi!” Đối với tâm hồn khoát đạt của bậc thánh như tôn giả Đại Ca Diếp thì những điều tiếng ấy không có nghĩa gì cả, nhưng vì muốn giúp Diệu Hiền phát tâm thật dũng mãnh để phấn đấu với trở lực, hầu chóng đạt được kết quả trên đường tu học, từ đó tôn giả làm ngơ, không quan tâm đến Diệu Hiền nữa. Quả nhiên, những điều tiếng thị phi kia đã trở thành chất kích thích mạnh mẽ, giúp cho Diệu Hiền khởi lên ý chí mãnh liệt. Ni sư bèn tự hạ quyết tâm tu hành nghiêm mật, thâu đêm không ngủ, phát lồ sám hối, điều phục tâm ým và cuối cùng thì đạt ngộ. Bấy giờ ni sư tự nhủ: “Những sợi dây trói buộc đã bị chặt đứt cả rồi, hạnh thanh tịnh đã hoàn thành, những gì cần làm thì bây giờ ta đã làm xong!” Sau khi đạt ngộ, ni sư đã được Phật khen ngợi: “Trong chúng tì kheo ni, Diệu Hiền là người thông suốt về túc mạng bậc nhất!”.
7.- TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT THAM VẤN:
Có một lúc hai vị tôn giả Đại Ca Diếp và Xá Lợi Phất cùng tu trong núi Kì Xà Quật (Grdhrakuta - Gijihakuta) ở ngoại ô kinh thành Vương Xá. Bấy giờ có những người ngoại đạo đã tìm đến và đưa ra nhiều câu hỏi hóc búa yêu cầu tôn giả Xá Lợi Phất trả lời. Những câu hỏi quan trọng nhất là: Sau khi chết, Như Lai vẫn còn có sinh tử phải không? - Hay không còn có sinh tử? Hay vừa còn có sinh tử vừa không còn có sinh tử? - Hay vừa không phải còn có sinh tử, vừa không phải không còn có sinh tử?
Những lời giải đáp của tôn giả Xá Lợi Phất cho bốn vấn nạn này đã không làm hài lòng những người ngoại đạo. Họ bèn riễu cợt: “Ông ấy đã không giải đáp thỏa đáng những câu hỏi này của chúng ta thì sao lại dám xưng mình là vị thượng tọa trong tăng đoàn Phật Giáo! Lại còn là vị trí tuệ bậc nhất nữa chứ! Thật không khác một đứa con nít!” Họ cười cợt xong rồi bỏ đi. Đợi cho họ đi khuất rồi, tôn giả Xá Lợi Phất bèn đi đến hang đá gần đó, nơi tôn giả Đại Ca Diếp đang tĩnh tu, để xin tham vấn. Trước tiên, Xá Lợi Phất đem những vấn nạn của ngoại đạo thuật lại cho Đại Ca Diếp nghe, rồi hỏi:
- Sư huynh! Tại sao đức Thế Tôn chưa bao giờ giảng giải cho chúng ta những vấn đề như vậy?
Đại Ca Diếp đáp:
- Đức Thế Tôn đã dứt tuyệt mọi ái chấp, tâm không còn phiền não, vĩnh viễn giải thoát. Sự chứng ngộ của Người thật là sâu xa, rộng lớn, mà những câu vấn nạn kia thì chỉ là biểu hiện của tâm mê muội, tranh chấp, cho nên đâu có thể coi là câu hỏi chính đáng được! Vả lại, đối với những vấn đề như vậy, đâu có thể dùng ngôn từ mà giải thích; bởi vậy, tốt hơn hết là đừng nên bao giờ đặt ra những vấn nạn như thế. Đức Thế Tôn đã không bao giờ giảng giải cho chúng ta những vấn đề này là chính vì vậy.
Tôn giả Xá Lợi Phất nghe xong, rất lấy làm hoan hỉ, bèn từ tạ tôn giả Đại Ca Diếp và trở về chỗ cũ.
- Liên Tông Đệ Nhị Tổ Thiện Đạo Đại Sư
- Liên Tông Đệ Nhất Tổ Huệ Viễn Đại Sư
- Tôn Giả La Hầu La (Mật Hạnh Đệ Nhất)
- Tôn Giả A Nan (Đa Văn Đệ Nhất)
- Tôn Giả Ưu Ba Ly (Trì Giới Đệ Nhất)
- Tôn Giả A Na Luật (Đệ Nhất Thiên Nhãn)
- Tôn Giả Ca Chiên Diên ( Luận Sư Đệ Nhất)
- Tôn Giả Tu Bồ Đề (Giải Không Đệ Nhất)
- Tôn Giả Phú Lâu Na (Giảng Sư Đệ Nhất)
- Tôn Giả Mục Kiền Liên (Thần Thông Đệ Nhất)
- Thiền Sư Chân Nguyên
- Tôn Giả Xá Lợi Phất (Trí Tuệ Đệ Nhất)