Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, Apr 04th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Học Lịch Sử Tôn Giả Mục Kiền Liên (Thần Thông Đệ Nhất)

Tôn Giả Mục Kiền Liên (Thần Thông Đệ Nhất)

Email In PDF
Mục lục bài viết
Tôn Giả Mục Kiền Liên (Thần Thông Đệ Nhất)
Tôn Giả Mục Kiền Liên ( Thần Thông Đệ Nhấ) Phần II
Tất cả các trang

Tôn Giả Mục Kiền Liên (Thần Thông Đệ Nhất) Phần I

1.- NGƯỜI HẦU CẬN BUỔI ĐẦU CỦA ĐỨC PHẬT:

Ngày nay, mỗi khi bước vào chánh điện của các chùa, viện, chúng ta thường thấy trên bàn thờ trung ương, tượng đức Phật Thích Ca (Sakya) ngự trên tòa sen ngay chính giữa, còn đứng hầu hai bên bên đức Phật thì bên phải là tượng tôn giả A Nan (Ananda) và bên trái là tượng tôn giả Đại Ca Diếp (Mahakasyapa - Maha-kassapa); nhưng trong những năm đầu hoằng hóa của đức Phật thì không phải như vậy.

Xá Lợi Phất (Sariputra - Sariputta) và Mục Kiền Liên đã xuất gia theo Phật ngay trong thời gian hai năm đầu tiên sau ngày Phật thành đạo. Từ ngày qui y theo Phật, Xá Lợi Phất luôn luôn đứng hầu bên phải đức Phật, và Mục Kiền Liên thì hầu bên trái. Ngoại trừ những lúc phải đi du phương bố giáo, còn thì không lúc nào họ rời đức Phật.

Xá Lợi Phất xuất gia được nửa tháng, đã dứt trừ mọi phiền não, nhưng Mục Kiền Liên thì chỉ bảy ngày sau khi xuất gia là dứt hết mọi lậu hoặc, hiển lộ thần thông, chứng quả A la hán.

Tôn giả Mục Kiền Liên, người cao lớn, mặt vuông, tai to, nét mặt luôn luôn lộ vẻ cương nghị, lạc quan, tính tình dũng cảm, lúc nào cũng vì chính nghĩa mà can thiệp những chuyện bất bình.

Trong giáo đoàn của đức Phật, số người chứng được thần thông có rất nhiều, nhưng chỉ có Mục Kiền Liên được suy tôn là vị có thần thông rộng lớn nhất.

2.- NGUYỆN CHỨNG THẦN THÔNG:

Vì sao tôn giả Mục Kiền Liên có được thần thông như vậy? Điều đó có liên quan tới câu chuyện của một tiền kiếp của tôn giả như sau:

Trong một kiếp thời quá khứ, Mục Kiền Liên làm nghê chài lưới, thường bắt tôm cá ở biển làm kế sinh nhai. Một hôm, bỗng nhiên tâm niệm lành phát khởi, ông tự biết rằng, sinh nhai bằng cách đó thật không chánh đáng, người sống ở đời này phải biết tạo công đức cho đời sau. Ông bèn quyết định thay đổi nghề nghiệp. Sau đó không bao lâu, ông để ý thấy có một đức Phật Bích Chi thường lui tới trong thành phố. Phong độ an nhiên, oai đức tự tại của Phật đã làm cho ông sinh tâm cung kính. Một hôm, ông thỉnh Ngài về nhà để cúng dường cơm trưa. Nguyên đức Phật Bích Chi này không hề dùng pháp thoại mà chỉ sử dụng thần thông để hóa độ, cho nên sau khi thọ trai xong, Ngài bèn nhảy lên hư không, hoặc trái hoặc phải, hoặc trước hoặc sau, hoặc trên hoặc dưới tùy theo ý muốn. Ông thấy thế rất lấy làm thích thú, bèn phát nguyện kiếp sau thế nào cũng cầu tu chứng được thần thông.

Có ý chí thì sẽ thành công. Tôn giả Mục Kiền Liên, do sự phát nguyện ấy mà trong đời này được qui y với đức Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), đã chứng thần thông mà lại còn được coi là bậc thần thông số một trong hàng cao đệ của Phật.

3.- BẮC CẦU ĐƯA PHẬT QUA SÔNG:

Nói về thần thông của Mục Kiền Liên thì tai nghe âm thanh, dù âm thanh ở gần hay ở thật xa cũng đều nghe rõ ràng; mắt nhìn vật thì dù vật có bị che khuất cũng nhìn thấy thấu suốt; đường đi dù xa vạn dặm, nhưng chỉ trong một khoảnh khắc là đi tới nơi ... Tôn giả thường dùng thần thông ấy để giúp đức Phật trong việc hành hóa.

Có một lần dân chúng trong toàn thành Xá Vệ (Sravasti - Savatthi) họp nhau bày tiệc cúng dường cho toàn thể quí vị đạo sĩ của 96 giáo phái khác nhau. Họ cũng mời cả vua Ba Tư Nặc (Prasenajit - Pasenadi), thái tử và các vị đại thần trong triều cùng tham dự. Tiệc được dọn trên một quảng trường rộng lớn bên kia bờ sông A Kì. Hôm dó, Mục Kiền Liên là người thượng khách đến đầu tiên. Một lát sau, đồ chúng của các giáo phái khác cũng lần lượt tụ tập; nhưng vào lúc ấy bỗng nước sông dâng cao, làm cho họ không thể lội qua sông được. Họ bảo nhau: “Nước sông hôm nay bỗng nhiên dâng cao, chúng ta, không làm sao sang thọ thực được. Thôi thì hãy cố đợi chốc nữa sa môn Cồ Đàm (Gautama - Gotama) đến xem có cách nào không ...” Đúng vào lúc ấy, Mục Kiền Liên vừa trông thấy đức Phật dẫn chúng tăng đang đi tới từ đằng xa. Tôn giả bèn dùng thần lực hóa ra một cây cầu bắc qua sông để đức Phật và chúng tăng có thể đi qua. Vừa thấy có cây cầu bỗng dưng xuất hiện, chúng tu sĩ ngoại đạo kia vô cùng hớn hở, lại bảo nhau: “Ông sa môn ấy chắc là tới trễ rồi! Trời đã làm cầu giúp chúng ta qua sông trước. Chúng ta phải là thượng khách của bữa tiệc này. Chúng ta phải được ngồi ở chỗ tốt nhất ...” Vừa nói, họ tranh nhau qua cầu, nhưng khi đến giữa cầu thì bỗng nghe “rầm” một tiếng, cây cầu đã gãy. Mọi người rớt cả xuống nước, tiếng la kêu cứu thất thanh, chấn động cả một vùng. Khi ấy đức Phật và chúng tăng cũng vừa đến bờ sông, chiếc cầu lại hiện ra như trước. Phật và chúng tăng cùng bước lên cầu. Thấy tình trạng những người dưới sông có thể bị nguy hiểm, đức Phật thương cảm, bèn vận dụng thần lực cứu hết mọi người lên cầu và cùng họ sang sông. Khi đã tới bờ, ai nấy nhìn lại thì chiếc cầu đã biến mất. Khi Phật và chúng tăng đã an tọa thọ thực thì các chúng tu sĩ ngoại đạo vẫn còn đang hong phơi y phục dưới ánh nắng mặt trời buổi trưa. Nhân đó mà họ đã tự tỉnh ngộ, biết rằng mình chỉ như cái ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu, không thể nào so sánh với ánh sáng tỏ rạng như mặt trời của Phật và tăng chúng.

4.- CÙNG PHẬT TƯƠNG KIẾN TRONG THIỀN ĐỊNH:

Một lần nọ, đức Phật trú tại tu viện Kì Viên (Jetavana) ở thành Xá Vệ, còn Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên thì trú tại tu viện Trúc Lâm (Venuvana) ở thành Vương Xá (Rajagrha - Rajagaha). Hai vị cùng thiền tọa trong một tịnh thất.

Đêm ấy là một đêm vô cùng yên tĩnh. Bên ngoài thiền thất, ánh trăng giăng tỏa mông lung; bên trong thì chỉ một ngọn đèn dầu loe lét. Không hề có một tiếng động.

Đầu hôm đã qua đi. Giữa đêm cũng qua đi. Đến cuối đêm, bỗng Xá Lợi Phất lên tiếng phá tan cái không khí yên tĩnh đó. Tôn giả hỏi:

- Này sư huynh Mục Kiền Liên! Xin thứ lỗi cho tôi được đường đột hỏi câu này nhé; Có phải suốt đêm nay sư huynh an trú trong chánh định không?

- Tại sao sư huynh lại hỏi tôi như vậy? Mục Kiền Liên nho nhỏ hỏi lại.

- Tại vì tôi không nghe thấy hơi thở của sư huynh. Sư huynh cũng không hề trở mình hay có bất cứ một cử động nhẹ nào. Trong phòng hầu như đã không có sư huynh trong suốt thời gian từ đầu hôm tới giờ.

- Thì ra vậy! Đêm nay vì sực nghĩ đến vấn đề chuyên cần tinh tấn trong sự tu học nên tôi đã tức tốc đến xin đức Thế Tôn chỉ dạy. Suốt đêm tôi đã ở bên Người để hầu chuyện.

- Sư huynh nói thật khó hiểu. Hiện giờ đức Thé Tôn ở tại Kì Viên nơi phương Bắc, còn chúng ta thì đang ở Trúc Lâm nơi phương Nam, hai nơi cách nhau quá xa, làm sao sư huynh có thể vừa ở đây vừa ở nơi Người để hầu chuyện! Hay là sư huynh đã dùng thần túc thông để đến với Người, hoặc giả là Người đã dùng thần túc thông đến nơi đây?

- Không đâu! Đức Thế Tôn và tôi đều không dùng thần túc thông để đi đâu cả.

- Vậy thì sư huynh đến hầu chuyện đức Thế Tôn bằng cách gì?

- Sư huynh Xá Lợi Phất ạ! Điều này chẳng có gì là lạ lùng cả. Đức Thế Tôn có thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông. Những thứ thần thông này sư huynh và tôi cũng đã chứng được chút ít rồi đó. Bây giờ chỉ cần gia công vận dụng là chúng ta có thể được cùng hầu chuyện với Người bất cứ ở đâu và lúc nào.

Xá Lợi Phất không phải là không biết điều đó, nhưng chỉ vì tôn giả thường hay lấy thái độ khiêm cung để đối xử với mọi người mà thôi. Khi nghe Mục Kiền Liên nói thế, tôn giả hết sức hoan hỉ khen ngợi:

- Sư huynh có thần thông rộng lớn, công đức cao dầy. Tôi được cùng sư huynh tu học, cùng thờ một thầy, thật là vinh hạnh vô cùng. Sư huynh sách như ngọn núi cao, nguy nga đồ sộ, còn tôi như hòn đá nhỏ được đặt bên cạnh sư huynh, thật là cái nhân duyên khó gặp. Trên thế gian này, nếu có người nào được quen biết và tới lui gần gũi, được cung kính cúng dường sư huynh, thì người ấy nhất định sẽ có phước lành rất lớn!

Nghe Xá Lợi Phất nói vậy, Mục Kiền Liên cũng khiêm cung đáp lại:

- Tôi cũng vậy. Ngày nay tôi được cùng ngồi một chỗ với vị trưởng lão phước trí vẹn toàn Xá Lợi Phất, cũng ví như hòn đá nhỏ mà được đặt bên cạnh ngọn núi cao, tôi cảm thấy được yên ổn, phấn khởi và vinh hạnh vô cùng!

Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất là hai người bạn học vừa là bạn đạo đã lâu năm. Họ tộn kính nhau, khen ngợi nhau từ đầu đến cuối, tình bạn và tình đạo khắng khít trên đời hiếm có.

5.- AI THẦN THÔNG BẬC NHẤT:

Người bạn lâu năm của Mục Kiền Liên là Xá Lợi Phất không những là người có đại trí tuệ mà còn là người có đại thần thông. Khi làm giám đốc công trường xây cất tu viện Kì Viên ở thành Xá Vệ, tôn giả đã từng vận dụng 18 phép thần thông để tranh tài và đã thắng các nhà thủ lãnh ngoại đạo. Vì vậy, đối với dân chúng thành Xá Vệ, tôn giả được biết tới như một người vừa có trí tuệ lớn và vừa có thần thông lớn.

Một lần nọ, đúng vào ngày Rằm, đức Phật thuyết giới cho chư tăng bên hồ A Nậu Đạt. Thấy thiếu Xá Lợi Phất, Phật bảo Mục Kiền Liên:

- Thầy hãy đến thành Xá Vệ mời thầy Xá Lợi Phất về đây.

- Đức Thế Tôn mời sư huynh đến hồ A Nậu Đạt, chỗ Người sắp thuyết giới.

Xá Lợi Phất đáp:

- Xin cám ơn sư huynh đã đem mệnh lệnh lại cho tôi. Một chốc nữa chúng ta cùng đi. Bây giờ chúng ta cùng chơi trò này một tí nhé!

- Chơi trò gì vậy?

- Này, sư huynh! Sư huynh là một vị trưởng lão có thần thông lớn. Vậy đây là một cái dải áo, sin sư huynh hãy kết nó thành một cây diêm phù đề!

Xá Lợi Phất nói xong liền ném cái dải áo xuống đất. Mục Kiền Liên lượm lên nhưng không thể nào lay động nó được. Mục Kiền Liên phải vận dụng đến thần thông, và khi lấy được cái dải áo thì đã làm cho mặt đất rung động. Xá Lợi Phất bèn giật cái dải áo đem cột vào núi Tu Di, Mục Kiền Liên cũng nhanh nhẹn dở hỗng núi Tu Di lên. Xá Lợi Phất lại đem dải áo cột vào pháp tòa của đức Phật, và lần này, dù Mục Kiền Liên đã đem hết thần lực ra cũng không thể nào lay chuyển được cái pháp tòa ấy. Xá Lợi Phất cười, nói với Mục Kiền Liên:

- Sư huynh! Những điều chúng ta học được và tu chứng được, nếu đem so sánh với đức Thế Tôn vạn đức vạn năng thì thật cách xa một trời một vực. Thần lực của chúng ta có thể lay chuyển núi Tu Di, làm rung động trời đất, nhưng với cái pháp tòa của Người thì không thể làm cho nhúc nhích được. Hôm nay vì tôi nghi ngờ với chính thần lực của tôi cho nên tôi đã mời sư huynh thử nghiệm để xem có đúng như vậy không. Thôi bây giờ chúng ta hãy mau mau đi bái kiến Người. Xin sư huynh đi trước, tôi sẽ theo sau liền.

Nghe mấy lời của Xá Lợi Phất. Mục Kiền Liên rất lấy làm kính phục. Sau khi gật đầu với Xá Lợi Phất, tôn giả liền vận dụng thần túc thông trở về hồ A Nậu Đạt. Nhưng khi tôn giả về đến nơi thì đã thấy Xá Lợi Phất tự lúc nào rồi! Tôn giả đảnh lễ đức Phật và bày tỏ nổi thắc mắc, thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Có lẽ con đã mất thần túc thông rồi hay sao? Từ tu viện Kì Viên về đây, con đã đi trước sư huynh con, sao bây giờ sư huynh con lại đến trước con? Thế Tôn thường bảo rằng con là người có thần thông bậc nhất, nhưng tôn hiệu ấy bây giờ nên dùng cho sư huynh con thì đúng hơn.

Đức Phật từ hòa an ủi:

- Thầy Mục Kiền Liên! Thầy là người có thần thông lớn, trừ Như Lai ra, không ai có thể so sánh được. Thầy cũng không hề mất thần túc thông. Thầy nên biết rằng, thầy Xá Lợi Phất chỉ là người có trí tuệ lớn.

Sau khi thuyết giới ở hồ Na Nậu Đạt, đức Phật dẫn chúng tăng trở về thành Xá Vệ. Đại chúng ở thành Xá Vệ, sau khi biết được câu chuyện trên đều xôn xao bàn tán, cho rằng thần thông của Xá Lợi Phất trội hơn Mục Kiền Liên. Nghe lời bình phẩm ấy của mọi người mà Mục Kiền Liên không hề cảm thấy bất mãn. Với tấm lòng khoáng đạt, khiêm cung, tôn giả biết rằng Xá Lợi Phất đã vượt trội hơn mình. Nghe đại chúng khen ngợi Xá Lợi Phất, tôn giả cũng cảm thấy rất vinh hạnh như chính mình được khen ngợi. Nhưng riêng Xá Lợi Phất thì lại cảm thấy không yên lòng. Tôn giả cho rằng sự việc vừa rồi đã làm cho Mục Kiền Liên mất thể diện. Tôn giả liền bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Sư huynh Mục Kiền Liên con là người có thần lực lớn, có công hạnh lớn. Vừa rồi con đã đến hồ A Nậu Đạt sớm hơn là tại vì con quá vội muốn nghe Thế Tôn thuyết giới, còn sư huynh con thì tuy có vận dụng thần lực nhưng lại không muốn vội vàng. Hiện giờ đại chúng đều xôn xao bàn tán, biết rằng thần lực của con vượt trội hơn sư huynh con; điều đó con không dám nhận. Xin Thế Tôn dùng cách nào để xóa bỏ lời bình phẩm không công bằng của đại chúng đi.

Đức Phật mỉm cười gật đầu. Ngài biết hai người này đều vô cùng khiêm tốn, yêu bạn. Một hôm, sau thời giảng kinh, Phật bảo Mục Kiền Liên:

- Này thầy Mục Kiền Liên! Thầy là người có thần thông lớn, trong đại chúng không ai có thể so sánh được. Thầy cũng không hề mất thần túc thông. Bây giờ ở trước đại chúng, thầy hãy diễn bày oai lực thần thông để gây lòng tin cho những kẻ sơ học.

Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, bước ra khỏi chỗ ngồi, một chân thì đạp trên trái đất này, một chân thì đạp trên cõi trời Phạm Thiên, làm cho cõi đất chấn động sáu lần. Tôn giả lại từ không trung dùng Phạm âm để nói kệ, khiến cho chu vị tì kheo có mặt trong giảng đường trừ hết lậu hoặc, trí tuệ bừng sáng. Từ đó, mọi người đều tôn xưng tôn giả là người có thần thông bậc nhất.

6.- DỜI NÚI HÓA ĐỘ CÁC VỊ PHẠM CHÍ:

Thời đức Phật còn tại thế, tại Ấn Độ, số tu sĩ ngoại đạo, chứng được thần thông cũng không phải là ít, nhưng rất tiếc là họ không giác ngộ được chân lí rốt ráo, không tu các đức hạnh từ bi, trí tuệ, cho nên họ đã không thoát được vòng sinh tử mà vẫn bị trầm luân trong sáu nẻo luân hồi. Đối với quí vị ngoại đạo có thần thông này, để lấy độc trị độc, đức Phật thường bảo Mục Kiền Liên dùng thần thông để hóa độ cho họ. Một hôm Ngài bảo:

- Này Mục Kiền Liên! Tại một vương quốc lớn kia ở vùng biên giới, từ vua quan cho đến dân chúng đều tôn phụng các vị phạm chí mà không hề biết Phật pháp. Rất nhiều các vị phạm chí ở đó đã chứng được thần thông, có thể dời núi, ngăn sông, phân thân, biến hóa. Thầy nên đến đó, tùy tiện mà dùng oai đức hoặc thần lực để điều phục họ, khiến họ tin phục Phật pháp, bỏ con đường tà để trở về nẻo chánh.

Tôn giả vâng mạng, bay lên hư không mà đi. Đến nơi, tôn giả thấy rất nhiều vị phạm chí đang ngồi vòng quanh một quả núi lớn. Xem tình hình thì có vẻ như họ đang vận dụng thần lực để di chuyển quả núi ấy. Tôn giả bèn treo cáo quả núi ấy lên hư không và làm cho nó không thể nào di động được nữa. Chúng ngoại đạo rất lấy làm kinh dị, một vị bảo: “Quả núi này đã nhích lên được rồi, sao ai lại làm cho nó bị bất động như thế này! Hay là trong chúng ta có người nào bất tịnh chăng?” Bỗng họ nhìn lên không trung thì thấy có người đang đứng giữa hư không, ngay trên đỉnh núi. Họ bèn lớn tiếng cự nự:

- Ông là ai, sao dám tới đây buông lung? Quả núi này làm cản trở lưu thông, quốc vương sai chúng tôi dời nó đi chỗ khác. Đó là chúng tôi vì dân chúng mà trừ đi việc bất lợi, sao ông lại đè chặt không cho nó di chuyển?

Mục Kiền Liên cười đáp:

- Rõ ràng là tôi đang đứng giữa hư không đây, sao quí vị lại bảo tôi đè chặt quả núi của quí vị?

Các vị phạm chí lại gia tăng phát động thần lực, đã ba lần cố đẩy quả núi đi, nhưng núi cao vẫn y nhiên bất động, Trong lúc họ đang lo  lắng không biết làm cách nào thì tôn giả gọi họ, bảo:

- Này! Xin quí vị hãy chú ý, xem quả núi này đi mất nhé!

Tôn giả vừa nói xong thì cả quả núi cao đồ sộ kia bỗng biến đi đâu mất, trước mặt họ chỉ còn là bình địa. Họ thấy thế thì lại càng kinh dị, chỉ biết cúi đầu nói lớn:

- Thưa đại đức! Đại đức từ đâu đến? Nếu không phải là bậc có trí tuệ cao cả, đạo hạnh sâu dầy thì làm sao làm được việc vừa rồi! Vậy xin đại đức hãy thu nhận chúng tôi làm đồ đệ và xin chỉ bày cho chỗ tăm tối của chúng tôi.

Bấy giò tôn giả mới từ trên không trung hạ xuống, nói với họ một cách từ hòa:

- Tôi đã rõ thấu tấm lòng chân thành của quí vị. Quí vị đã muốn từ bỏ chỗ tối tăm để tìm về nơi sáng sủa, thì tôi xin giới thiệu bậc tôn sư của tôi, đó là đức Phật. Ngài là vị Trời trên hết các vị Trời, là vị Thánh trên hết các vị Thánh, đầy đủ trí tuệ cao diệu, vạn đức vạn năng. Xin quí vị theo tôi cùng đến với Người để xin qui y, nhất định Người sẽ từ bi thu nhận.

Các vị phạm chí lại hỏi:
- Đạo hạnh của đức Phật còn vượt quá cả đại đức nữa sao?

Tôn giả nghiêm trang đáp:

Đức Phật như núi Tu Di, còn chúng tôi thì chỉ như hạt cải; hạt cải thì đâu có thể nào so sánh với núi Tu Di! Đức Phật như biển cả, còn chúng tôi thì chỉ như một dòng sông con, một dòng sông con thì đâu có thể nào so sanh với biển cả! Gặp Phật xuất thế là việc rất khó, cho nên qui y với Người thì quí vị sẽ được hóa độ.

Các vị phạm chí nghe nói hết sức vui mừng, đều nguyện theo Mục Kiền Liên đi về chỗ Phật ngự, xin qui y thọ giáo.

7.- HÀNG PHỤC ÁC MA:

Mục Kiền Liên tuy thường dùng thần thông để hàng phục ác ma, ngoại đạo, nhưng rồi chính tôn giả cũng thường hay bị họ tìm đến quấy nhiễu.

Một ngày kia, tôn giả vâng mạng đức Phật, một mình đi đến nước Bạt Già để giáo hóa. Trong lúc tôn giả đang thiền hành trên con đường vắng thì một con ác quỉ trông thấy. Nó bèn dùng thần thông chui vào bụng tôn giả. Bỗng dưng tôn giả cảm thấy bụng đau dữ dội. Trong bụng dường như có một cục gì to bằng cái chén, lại có tiếng động lớn như tiếng sấm. Tôn giả lập tức quay về tịnh thất. Sau một lúc tĩnh tọa và quán sát, tôn giả biết ngay đó là ác ma muốn quấy phá mình. Tôn giả bảo:

- Này ác ma! Hãy mau ra đây! Tốt hơn hết là người không nên xâm phạm đến đức Phật cũng như các đệ tử của Người, vì chắc chắn là ngươi không thể nào nhiễu hại được họ; chỉ trừ phi người nào nghiệp lực chưa dứt hẳn, còn không thì ngươi vĩnh viễn không làm gì được đâu.

Ác quỉ nghĩ thầm: “Quái lạ thật! Ta dù có thế nào đức Phật cũng không biết được, Mục Kiền Liên dù có thần thông đến đâu đi nữa, làm sao biết được ta?”

Tôn giả lại bảo:

- Này ác quỉ! Ngươi đừng lấy làm lạ! Ngươi vừa  nghĩ rằng, dù có đức Phật đi nữa cũng không thể biết ngươi là gì huống hồ là ta, dù có thần thông, làm sao lại biết được ngươi, có phải không? Ngươi lầm rồi!

Ác quỉ nghe thế thì lấy làm kinh hãi vô cùng, liền hóa làm nước bọt mà chui ra ngoài. Từ đó nó không bao giờ còn dám trở lại trêu ghẹo tôn giả nữa.