Chúng ta cần phải hiểu rằng Paticca Samuppàda chỉ là một giáo lý nói về quá trình sinh tử, chứ không phải là một lý thuyết nói về nguyên nhân cùng tột của đời sống.
Paticca nghĩa là vì cái đó, hay lệ thuộc vào; Sa-muppàda là sinh khởi hay duyên khởi. Do đó, Paticca Samuppàda theo nghĩa đen là “Duyên khởi, hay tương quan sinh khởi”. Chúng ta cần phải hiểu rằng Paticca Samuppàda chỉ là một giáo lý nói về quá trình sinh tử, chứ không phải là một lý thuyết nói về nguyên nhân cùng tột của đời sống. Thuyết duyên khởi chỉ đề cập đến nguyên nhân tái sinh và đau khổ mà không cố gắng chút nào để chỉ rõ sự tiến hóa của thế giới từ những vật chất nguyên thủy.
Vô minh (Avijja) là vòng xích đầu tiên của bánh xe sinh tồn. Nó che mờ tất cả chánh kiến. Do không hiểu bốn Diệu Đế mà khởi lên các hành (Sankhàrà) - cả đạo đức và phi đạo đức. Các hành này dù thiện hay ác đều bắt nguồn từ vô minh, vô minh cần phải có những hậu quả tương xứng, chỉ nhằm kéo dài hướng đi vô định của đời sống. Tuy nhiên, những hành vi thiện rất cần thiết để thoát khỏi những khổ đau của đời sống.
Tùy thuộc các hành mà ý thức (Vinõnõàna) tái sinh khởi lên. Thức này nối kết quá khứ với hiện tại.
Đồng thời khởi lên của thức tái sinh, danh và sắc (Nàma Rùpa) xuất hiện.
Sáu giác quan – lục nhập (Salàyatana) là kết quả tất nhiên của danh và sắc (tâm và thân).
Vì lục nhập mà xúc (Phassa) phát sinh. Xúc dẫn đến cảm thọ (Vedàna).
Năm vòng xích này – Thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ là kết quả của những hành động quá khứ và chúng được gọi là mặt thụ động của đời sống.
Tùy thuộc cảm thọ, ái dục (Tanhà) khởi lên. Ái dục dẫn đến chấp thủ (Upàdàna). Chấp thủ lại làm nguyên nhân cho hữu (Bhava), đến lượt hữu tạo điều kiện cho sự tái sinh (jàti) trong tương lai. Sinh là nguyên nhân tất yếu của già và chết (Jarà Marana).
Nếu vì nhân mà quả xảy ra, thì nhân diệt, quả cũng phải diệt.
Chúng ta đảo ngược thứ tự của luật duyên khởi này, vấn đề sẽ trở nên sáng sủa hơn.
Già và chết có thể xảy ra ở trong và cùng với bộ máy tâm sinh lý. Một cơ thể như thế phải được ra đời, do đó, nó tạo điều kiện cho sinh. Nhưng, sinh là kết quả tất nhiên của những hành vi quá khứ hay nghiệp. Nghiệp lại quy định bởi chấp thủ và ái dục. Ái dục như thế chỉ có thể xuất hiện chỗ nào có cảm thọ. Cảm thọ là kết quả của sự kết thúc giữa các giác quan và đối tượng. Do đó, một giả định tất yếu là quan năng không thể có nếu vắng mặt tâm và thân (danh sắc). Ở đâu có tâm thì có ý thức. Ý thức là kết quả của hành vi thiện ác quá khứ. Việc tạo nên thiện ác là do không hiểu biết chân tướng của sự vật.
Toàn bộ công thức này có thể được tóm tắt như sau:
Do Vô minh, các Hành sinh khởi (các Hành đạo đức lẫn phi đạo đức).
Do Hành, Thức sinh khởi (Thức tái sinh).
Do Thức, Danh sắc sinh khởi.
Do Danh sắc, Lục nhập (lãnh vực của sáu giác quan) sinh khởi.
Do Lục nhập, Xúc sinh khởi.
Do Xúc, Thọ sinh khởi.
Do Thọ, Ái sinh khởi.
Do Ái, Thủ sinh khởi.
Do Thủ, Hữu (Nghiệp) sinh khởi.
Do Hữu, Tái sinh sinh khởi.
Do tái sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu và não sinh khởi.
Như vậy là toàn bộ khổ uẩn (nơi tập họp của khổ đau) sinh khởi. Hai khoen đầu của 12 vòng xích này thuộc về quá khứ, 8 khoen giữa thuộc hiện tại, và 2 khoen cuối thuộc vị lai.
Sự đoạn tận Vô minh đưa đến đoạn tận các Hành.
Sự đoạn tận các Hành dẫn đến sự đoạn tận Thức.
Sự đoạn tận Thức dẫn đến sự đoạn tận Danh sắc.
Sự đoạn tận danh sắc dẫn đến sự đoạn tận Lục nhập.
Sự đoạn tận Lục nhập dẫn đến sự đoạn tận Xúc.
Sự đoạn tận Xúc dẫn đến sự đoạn tận Thọ.
Sự đoạn tận Thọ dẫn đến sự đoạn tận Ái.
Sự đoạn tận Ái dẫn đến sự đoạn tận Thủ.
Sự đoạn tận Thủ dẫn đến sự đoạn tận Hữu.
Sự đoạn tận Hữu dẫn đến sự đoạn tận Sinh (tái sinh).
Sự đoạn tận Sinh dẫn đến sự đoạn tận Già, Chết, Sầu, Bi, Khổ, Ưu và Não.
Sự đoạn tận toàn bộ khổ uẩn này tiến hành theo cách ấy.
Tiến trình nhân quả này tiếp tục vô cùng tận. Sự bắt đầu của quá trình này không thể xác định được vì không thể nói dòng đời bị vô minh bao phủ từ bao giờ. Nhưng, khi vô minh chuyển thành minh giác thì dòng đời sống sẽ hướng vào cảnh giới Niết bàn, bấy giờ quá trình đời sống hay luân hồi (Samsàra) mới kết thúc.
- Liệu Có Sự Sống Sau Khi Chết Hay Không
- Tám Quyển Sách Qúy - Quyển 7 - Chữ "Hòa" Của Đạo Phật
- Thế Nào Gọi Là Phật Giáo Nguyên Thủy
- Nói Lời Lợi Ích
- Không Cần Phải Phật Tử Mới Có Thể Thọ Năm Giới
- Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm
- Phương Pháp Luận Trong Tư Tưởng Phật Giáo
- Lời Giải Về Chết Và Cận Tử
- Ý đẹp Với Mùa Xuân
- Những Điều Tâm Đắc Qua Việc Ăn Chay
- Tâm Là Gì?
- Tam Quy Ngũ Giới