Người Phật tử quy y đức Phật không phải hy vọng được Ngài cứu giúp bằng chính sự tịnh hóa của Ngài. Đức Phật không khi nào bảo đảm như thế. Việc tẩy sạch các ô nhiễm của chúng sinh không ở trong quyền hạn của một bậc Giác ngộ. Không ai có thể làm cho kẻ khác thanh tịnh hay nhiễm ô.
Theo danh từ Tôn giáo mà thông thường chúng ta hiểu thì Phật giáo không phải là “một hệ thống tín ngưỡng nhằm sùng bái và trung thành với một đấng siêu nhiên”.
Phật giáo không đòi hỏi các tín đồ tin tưởng mù quáng. Ở đây niềm tin đơn thuần bị truất bỏ và thay bằng niềm tin căn cứ vào hiểu biết, theo tiếng Pali là (Saddhà). Một tín đồ tin tưởng đức Phật như một bệnh nhân tin vào lương y, hay một học sinh tin vào Thầy giáo. Người Phật tử quy y đức Phật vì chính Ngài đã phát hiện con đường giải thoát.
Người Phật tử quy y đức Phật không phải hy vọng được Ngài cứu giúp bằng chính sự tịnh hóa của Ngài. Đức Phật không khi nào bảo đảm như thế. Việc tẩy sạch các ô nhiễm của chúng sinh không ở trong quyền hạn của một bậc Giác ngộ. Không ai có thể làm cho kẻ khác thanh tịnh hay nhiễm ô.
Đức Phật ở cương vị của một bậc Đạo sư dạy chúng ta nhưng chính chúng ta phải có trách nhiệm trực tiếp về sự thanh tịnh hóa của chúng ta.
Người Phật tử tuy quy y đức Phật, nhưng không phải là kẻ tự đầu hàng trước kẻ khác. Người Phật tử cũng không hy sinh tự do tư tưởng của mình để trở thành đệ tử của đức Phật. Vị ấy có thể thực hiện ý chí tự do và phát triển trí tuệ của mình cho đến mức độ chính vị ấy thành một đức Phật.
Khởi điểm của đạo Phật là lý trí hay tri thức, nói cách khác là chánh kiến (Sammàditthi).
Đối với những người cầu tìm chân lý, đức Phật dạy: “Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ vì được nghe nói (nghĩa là nghĩ rằng điều ấy chúng ta đã nghe nói từ lâu). Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ do truyền thống (nghĩa là điều đó đã được truyền lại qua nhiều thế hệ). Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ do tuyên truyền (nghĩa là tin vào những gì do người khác nói mà không tìm hiểu). Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ vì phù hợp với kinh điển của mình. Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ do ức đoán. Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ do suy diễn. Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ vì xét thấy có lý. Đừng chấp nhận bất cứ điều gì chỉ vì phù hợp với những thành kiến của mình. Đừng chấp nhận bất cứ điều gì vì dường như nó có thể chấp nhận được (nghĩa là nghĩ rằng người nói ấy có lẽ là một người tốt nên lời nói của y đáng tin). Đừng chấp nhận bất cứ điều gì vì nghĩ rằng người khổ hạnh ấy được chúng ta tôn kính nên lời nói của Ngài phải được chấp nhận.
Nhưng, khi nào chính tự mình biết rằng: Những điều này là không đúng, những điều này không chính đáng, những điều này bị người hiền trí phê phán, những điều này khi chấp nhận và thực hành sẽ đưa đến tai hại và đau buồn - thì các ngươi hãy vứt chúng đi.
Khi nào chính các ngươi biết rằng: Những điều này là chân chính, những điều này không bị chê trách, những điều này được người hiền trí khen ngợi, những điều này khi chấp nhận và thực hành sẽ dẫn đến tốt đẹp và hạnh phúc, thì các ngươi phải thực hành theo.”
Những lời dạy đầy hứng khởi này của đức Phật vẫn còn giữ được năng lực nguyên thủy và sinh động của chúng.
Tuy là không có niềm tin mù quáng, người ta có thể vặn lại là phải chăng trong Phật giáo không có sự thờ phụng những hình tượng v.v…?
Người Phật tử tôn thờ một hình ảnh không phải để mong đợi những lợi lạc trần tục hay tâm linh, mà để tỏ ra tôn kính những gì do hình ảnh kia biểu thị.
Người Phật tử hiểu biết, khi dâng hương, hoa trước ảnh tượng của đức Phật, cảm thấy như mình đứng trước đức Phật đang còn sống, và do đó, cảm thông nhân cách siêu việt và lòng từ bi vô hạn của Ngài, nên người ấy nỗ lực noi theo tấm gương cao cả của Ngài.
Cây Bồ đề cũng là một biểu tượng giác ngộ. Những vật thờ bề ngoài này không tuyệt đối cần thiết, nhưng chúng có ích, vì chúng làm cho người ta tập trung tư tưởng. Một người trí thức có thể bỏ chúng đi vì y có thể dễ dàng tập trung sự chú ý và hình dung đức Phật trong trí mình.
Vì lợi ích của chúng ta và để tỏ lòng biết ơn, chúng ta phải biểu thị sự tôn kính bề ngoài như vậy. Nhưng điều mà đức Phật kỳ vọng nơi đệ tử của Ngài không phải là phục tùng mà là thực hành giáo lý của Ngài. Đức Phật dạy: “Ai thực hành giáo lý của Ta tốt nhất là tôn vinh Ta nhiều nhất” “Ai thấy Pháp tức là thấy Ta”.
Tuy nhiên, đối với những ảnh tượng, Bá Tước Kaiserling nhận định: “Trong thế giới này, tôi không thấy hình ảnh nào cao cả hơn là đức Phật. Hình ảnh này là hiện thân hoàn hảo tuyệt vời của tâm linh trong lĩnh vực hữu hình.”
Xa hơn nữa, chúng ta có thể nói rằng không có những lời cầu nguyện có tính cách van xin trong đạo Phật. Dù chúng ta có cầu nguyện đức Phật nhiều đến đâu đi nữa, chúng ta cũng không được cứu độ. Đức Phật không ban ân huệ cho những ai cầu nguyện Ngài. Thay vì cầu nguyện van xin thì có phương pháp thiền định để đưa đến tự điều phục tâm, thanh tịnh hóa bản thân và giác ngộ.
Thiền định không phải là mơ màng im lặng, cũng không phải giữ cái tâm trống rỗng. Thiền định là nỗ lực hoạt động. Thiền định có công dụng như liều thuốc bổ cho cả con tim và khối óc. Đức Phật không những dạy rằng những lời cầu nguyện suông là vô ích mà còn chê trách những tâm hồn nô lệ. Một Phật tử không phải cầu mong được cứu độ mà phải trông cậy nơi chính mình, và thực hiện tự do của mình. Những lời cầu nguyện mang tính cách cảm thông riêng tư, mặc cả vị kỷ với Thượng đế. Nó tìm kiếm những đối tượng của tham vọng trần tục và càng làm cho “cái ngã” nổi bật lên hơn bao giờ hết. Trái lại, thiền định làm thay đổi “cái ngã” (Sri Radhakrisna).[1]
Trong đạo Phật không có một Thượng đế toàn năng để phục tùng và sợ hãi như phần lớn các tôn giáo khác. Đức Phật không tin trong vũ trụ có một đấng quyền năng toàn trí và hiện diện khắp nơi. Trong đạo Phật không có những khải thị siêu nhiên hay những thiên sứ. Do đó, một Phật tử không nô lệ bất cứ một quyền năng siêu nhiên nào, vì không có một quyền năng nào kiểm soát số phận của họ và độc đoán thưởng phạt. Thế nên, Phật tử không tin sự khải thị của một đấng thần linh. Phật giáo không đòi hỏi độc quyền chân lý, và không bài xích bất cứ một tôn giáo nào khác. Nhưng đạo Phật thừa nhận tiềm năng vô hạn của con người, và dạy rằng người ta có thể giải thoát khỏi đau khổ bằng chính nỗ lực của mình, độc lập với sự phù trợ của thần linh, hoặc là sự giúp đỡ của các tu sĩ trung gian giữa thần thánh và người trần tục.
Do đó, không thể hạn hẹp gọi Phật giáo là một tôn giáo, vì Phật giáo không phải là một hệ thống tín ngưỡng và sùng bái. Phật giáo cũng không phải là “động tác hay hình thức ngoại biểu mà người ta muốn bày tỏ trước sự hiện hữu của Thượng đế hay các đấng Thần linh có toàn quyền với số phận của họ khiến họ phải phục tùng, phụng sự và tôn vinh”.
Nếu Tôn giáo có nghĩa là “một giáo lý có cái nhìn không nông cạn hời hợt về cuộc đời, một giáo lý nhìn thẳng vào cuộc sống, chứ không phải chỉ nhìn bề ngoài cuộc sống, một giáo lý cung cấp cho con người một phương châm xử sự cho phù hợp với cái nhìn thấu suốt vào nội tâm, một giáo lý làm cho những ai chuyên tâm tác ý đến nó có đủ khả năng đối diện cuộc sống với lòng can đảm kiên cường và đối diện cái chết với lòng thanh thản”. (Bhikkhu Silacara)[2] hoặc tôn giáo là một hệ thống giáo lý để giải phóng những căn bệnh của đời sống, thì chắc chắn tôn giáo đó phải là tôn giáo của mọi tôn giáo.
[1]. Xem chú thích số (2).
[2]. Bhikkhu Silacara (1872-1951): Cha Ngài người Anh, Mẹ Ngài người Tô Cách Lan; cha mất sớm được chú nuôi dưỡng, sau đó xuất gia trở thành một Tỳ kheo giới hạnh tinh nghiêm. Ngài có công truyền bá Phật giáo cả Tây phương và Đông phương gần một phần tư thế kỷ.
- Liệu Có Sự Sống Sau Khi Chết Hay Không
- Tám Quyển Sách Qúy - Quyển 7 - Chữ "Hòa" Của Đạo Phật
- Thế Nào Gọi Là Phật Giáo Nguyên Thủy
- Nói Lời Lợi Ích
- Không Cần Phải Phật Tử Mới Có Thể Thọ Năm Giới
- Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm
- Phương Pháp Luận Trong Tư Tưởng Phật Giáo
- Lời Giải Về Chết Và Cận Tử
- Ý đẹp Với Mùa Xuân
- Những Điều Tâm Đắc Qua Việc Ăn Chay
- Tâm Là Gì?
- Tam Quy Ngũ Giới