Về phương diện đạo lý, Phật giáo cao hơn các hệ thống đạo đức khác, nhưng đạo đức chỉ là bước đầu chứ không phải cứu cánh của Phật giáo.
Chắc chắn Phật giáo chứa đựng những nguyên tắc đạo đức tuyệt vời, vô song về sự thành tựu viên mãn và thái độ vị tha của nó. Phật giáo đề xướng một phương thức sống cho giới xuất gia và mặt khác cho giới tại gia, nhưng Phật giáo còn đặc biệt hơn một giáo lý đạo đức thông thường. Đạo đức chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho con đường thanh tịnh, và nó là một phương tiện đưa đến cứu cánh nhưng tự nó không phải là cứu cánh. Đức hạnh dù thiết yếu, tự nó vẫn không đủ làm cho người ta đạt đến giải thoát. Đức hạnh phải đi đôi với tri thức hay trí tuệ (Panõnõà). Nền tảng của Phật giáo là đạo đức, và đỉnh cao của Phật giáo là trí tuệ.
Tuân theo những nguyên tắc đạo đức, người Phật tử không những chú ý đến chính mình, mà còn phải quan tâm đến tha nhân, cả đến loài động vật. Đạo đức Phật giáo không đặt cơ sở trên sự khải ngộ đáng ngờ nào của trời ban, cũng không y cứ vào sự phát minh kỳ diệu của một trí óc siêu việt nào, nhưng đó là một nguyên tắc hợp lý và thực tiễn, dựa vào những sự kiện có thể kiểm chứng và thuộc kinh nghiệm cá nhân.
Cần phải ghi nhận rằng không có bất cứ một động cơ siêu nhiên ngoại giới nào đóng một vai trò gì để đúc nên nhân cách của một Phật tử. Trong đạo Phật không có một đấng nào để thưởng hay phạt. Đau khổ hay hạnh phúc đều là kết quả tất nhiên của hành vi mỗi người. Vấn đề chịu đau khổ hay hưởng hạnh phúc do Thượng đế an bài, không có trong tâm tư của một Phật tử. Không phải vì động cơ hy vọng được hưởng hay sợ hãi bị trừng phạt, mà người Phật tử làm việc thiện tránh điều ác. Người Phật tử ý thức những hậu quả tương lai nên tránh làm việc ác - vì làm việc ác sẽ cản trở sự giác ngộ và làm điều thiện, vì làm việc thiện sẽ giúp cho giác ngộ (Bodhi) nhanh chóng. Cũng có một số người làm việc thiện, vì đó là việc tốt, tránh làm ác, vì đó là việc xấu.
Để hiểu được những tiêu chuẩn đạo đức phi thường mà Đức Phật mong đợi ở các đệ tử lý tưởng của Ngài, người ta phải đọc kỹ các kinh: Pháp cú (Dhammapada), kinh Thiện Sinh (Sigalovada Sutta), Vyagghapajja Sutta, Mangala Sutta, Karaniya Sutta, Parabhava Sutta, Vasala Sutta, Dhammika Sutta v.v…
Về phương diện đạo lý, Phật giáo cao hơn các hệ thống đạo đức khác, nhưng đạo đức chỉ là bước đầu chứ không phải cứu cánh của Phật giáo.
Theo một nghĩa nào đó thì Phật giáo không phải là triết học, nhưng theo một nghĩa khác thì Phật giáo lại là triết học của các triết học.
Theo nghĩa này thì đạo Phật không phải là tôn giáo, nhưng theo nghĩa khác thì Phật giáo lại là tôn giáo của các tôn giáo.
Phật giáo không phải là một đạo siêu hình, cũng chẳng phải là một đạo thiên về nghi lễ.
Phật giáo không mang tính hoài nghi, cũng chẳng có tính cách giáo điều.
Phật giáo không phải là nếp sống khắc kỷ, cũng chẳng phải nếp sống phóng túng.
Phật giáo không lạc quan, cũng chẳng bi quan.
Phật giáo không phải chủ thuyết vĩnh cửu, cũng chẳng phải chủ thuyết hư vô.
Phật giáo không hoàn toàn liên hệ thế giới này, cũng chẳng thuộc thế giới nào khác.
Phật giáo là con đường duy nhất đưa đến giác ngộ.
Theo nghĩa đen của danh từ Pali nguyên thỉ thì Phật giáo là Pháp, có nghĩa là nâng đỡ. Tiếng Anh không có danh từ tương đương để dịch chính xác ý nghĩa của chữ Pali này.
Pháp (Dhamma) là cái gì có thực. Pháp là học thuyết về thực tại. Pháp là phương tiện để giải thoát đau khổ và pháp chính là giải thoát. Dù chư Phật có xuất hiện hay không, Pháp vẫn hiện hữu. Pháp bị che khuất dưới tầm mắt của loài người, cho đến khi một đức Phật, một Đấng giác ngộ chứng đắc pháp và từ bi khai thị pháp cho loài người.
Pháp không phải là cái gì ngoài tự ngã mà quan hệ mật thiết với tự ngã, như đức Phật đã khích lệ: “Hãy an trú nơi chính mình như một hòn đảo. Hãy an trú nơi chính mình như một chỗ quy y. Chớ tìm chỗ quy y ở bên ngoài.” (Parinibbàna Sutta).
- Liệu Có Sự Sống Sau Khi Chết Hay Không
- Tám Quyển Sách Qúy - Quyển 7 - Chữ "Hòa" Của Đạo Phật
- Thế Nào Gọi Là Phật Giáo Nguyên Thủy
- Nói Lời Lợi Ích
- Không Cần Phải Phật Tử Mới Có Thể Thọ Năm Giới
- Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm
- Phương Pháp Luận Trong Tư Tưởng Phật Giáo
- Lời Giải Về Chết Và Cận Tử
- Ý đẹp Với Mùa Xuân
- Những Điều Tâm Đắc Qua Việc Ăn Chay
- Tâm Là Gì?
- Tam Quy Ngũ Giới