Ta là hạt bụi. Nhận chân điều này là một nhận chân sự thật về sự sanh-trụ-dị-diệt, theo tinh thần của lời Phật dạy. Đó cũng là nhận diện về sự vô ngã mà con đường của đạo Phật đi tới nhằm giúp cho hành giả buông chứ không phải buộc (dính mắc vào cái tôi và cái của tôi).
Theo đó, hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi (*) ngỡ như một câu hỏi nhưng thật là một câu khẳng định về sự vô thủy vô chung, nương nhau biểu hiện của sự sự vật vật trong cõi Ta-bà này. Vì sao không đầu, không cuối? Bởi tất cả đều do duyên sanh-diệt, cái này nối tiếp cái kia, cái này có thì cái kia có.
Tính chất nương nhau biểu hiện (tính tương tức) của sự sự vật vậy vì thế không thể chặt khúc ra để phân tích và cũng không thể nhận biết ta đến từ nơi nào cụ thể cả. Từ duyên sinh diệt, hiểu đúng thì như vậy để không chấp trước, để thấy rằng mình đã vần xoay, luân hồi sanh tử, xuống lên sáu đường từ vô lượng kiếp rồi.
Hạt bụi đó có ta, ta cũng có hạt bụi, cách hiểu về tương tức, sinh khởi, trong nhau. Một trong tất cả, tất cả trong một chính là như thế. Nếu không có hạt bụi thì cũng không thể có vũ trụ và không có ta. Bởi có hạt bụi nên mới có vũ trụ, và có vũ trụ nên mới có ta, đồng thời ngược lại.
Nên, Trịnh hỏi, mà cũng là nhận diện, để rồi đi đến những nhận diện gần gũi khác về sự dị-diệt như:
“Để một mai vươn hình hài lớn dậy
Ôi cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi”
Rồi đến: “Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”.
Ta vẫn thường nghe dân gian tán với nhau rằng, đến từ cát bụi, trở về với cát bụi, nghe cứ hay hay, thi vị, nhưng để hiểu sâu ta phải học Phật. Đức Phật dạy, bốn yếu tố đất-nước-gió-lửa (gọi là tứ đại) do nhân duyên mà hợp thành, sanh ra ta và người. Trong quá trình đó, nhờ sự có mặt của vô thường mà ta sanh rồi lớn lên, già đi, hoại diệt. Quy luật ấy muôn đời, và do vậy cái quan trọng không phải là sống bao lâu mà là sống như thế nào. Sống như thế nào ở đây được hiểu ở hai phương diện, thứ nhất là ta đón nhận sự thật ấy như thế nào; và thứ hai là ta sẽ gieo tạo nhơn như thế nào để hành trình tiếp nối không phải “Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui”.
Đón nhận sự thật bằng cách chấp nhận và hoan hỷ sẽ cho ta bớt thọ cảm đau thương, giằng xé, thôi những sợ hãi thường tình, thế gian tính. Đón nhận đó cũng là một cách đối đãi với quá khứ kia, rằng, tất cả biểu hiện nơi đây, ngay bây giờ chính là kết quả của một nhân nào đó ta đã gieo tạo từ những “hạt bụi” của vô thỉ kiếp trước, tác hợp-trùng phùng với duyên của hiện đời mà thành chứ đâu?
Và sống như thế nào ở hiện tại cũng chính là một cách sống cho tương lai, nghĩa là ta đang bắt đầu cắm những hạt giống vào tâm cho một mai nào đó trổ quả. Hạt lành hay hạt xấu tùy thuộc vào ta, trên nền của hiểu biết thương yêu nơi ta. Nếu ta hiểu nhân quả sâu sắc thì tự khắc biết “sợ cái nhân” mà “đoạn ác, làm lành” thôi. Và, khi đó, ta thấy thêm sự tương tức ở chỗ này, đó là, ta đón nhận quả trong tinh thần hiểu và thương là liền lúc đó ta đã cấy một hạt giống lành mang tên “hiểu và thương” cho tương lai rồi, không có tách rời!
Cái khoảng 100 năm định lượng một đời người là một sự ước lệ của thế gian, còn với nhãn quan Phật giáo thì mạng người vốn trong hơi thở. Do đó ta trải qua một kiếp làm người chính là tập hợp của vô vàn tiểu kiếp mà theo Đức Phật dạy trong kinh chính là “hằng hà sa số kiếp như số cát sông Hằng” chính là vậy! Giữa những hơi thở có niệm và vô niệm liên tiếp mà chỉ những ai tỉnh thức mới nhận ra, ai định rồi thì sẽ thấy điều này. Thấy điều đó cũng là cái tuệ mang tính “xuất thế gian”. Do vậy, Trịnh nhận diện “Cho trăm năm về chết một ngày” cũng là một sự nhận diện về sự sanh diệt theo tinh thần hằng hà sa số kiếp trong một kiếp như đã nói đó.
Và, trong những thương đau của kiếp làm người đó, thiện-ác trùng trùng, sanh khởi bởi nhơn duyên quá khứ cùng tác tạo hiện tiền. Có những lúc “bắt phong trần phải phong trần”, nghiệp vậy thì có muốn khác cũng không được, nhưng lắm lúc cũng có “xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Tức là, khi ta tích lũy đủ lượng để xô ngã thành lũy nghiệp chướng - hiểu theo nghĩa chiến đấu, hoặc sám hối để “tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm” - hiểu từ góc nhìn tu tập gìn giữ giới đức, hành trì thiền định để vỡ ra thành cái thấy “không” trong vô ngã thì sẽ giải thoát.
Nghiệp có còn sót lại hay biểu hiện thì cũng chẳng hề hấn gì, bởi thân thọ nghiệp nhưng tâm không thọ nên “đổ nghiệp” ở đây giống như là thay một chiếc áo cũ, mục để khoác áo mới vậy thôi.
Do vậy, trong cái thấy gần gũi của Trịnh rất giống với nhãn quan Phật giáo nhưng cũng nơi đó ta thấy còn chút gì đó băn khoăn, xót xót như: “Xin úp mặt bùi ngùi”. Hẳn là con người tài hoa ấy vẫn còn thiếu một chút duyên hay vẫn còn một chút đời nên cứ phải như thế? Song, dẫu có thế nào thì “Cát bụi” với những nhận chân sự thật, tinh tế đó đã là một sự minh triết không phải ai cũng thấy. Và thấy rồi chắc gì đã nhớ để mà không đau?
Lưu Đình Long (ĐPNN)
________
(*) Trích từ bài Cát bụi của Trịnh Công Sơn, sáng tác 1987
- Hạnh Phúc! Thì Ra Em Ở Đây
- Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thực Tập Tình Yêu Thương, Lòng Từ Bi Và Sự Khoan Dung
- Ngày Làm Biếng
- Thư Của Mẹ Trái Đất
- Người XưaTuổi Cũ
- Lặng Lẽ Mùa Xuân
- Sự Sống Là Thiêng Liêng
- Học Cách Quên
- Màu Xanh Của Tết
- Xuân Ở Mùa Đông Khi Nắng Hé
- Ai Cho Ta Bình An
- Sống Để Yêu Thương