Đó là câu thơ trong bài Xuân không mùa của Xuân Diệu. Nguyên khổ còn mấy câu nữa, rằng: “… Xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé. Giữa mùa hè khi trời biếc sau mưa. Giữa mùa thu khi gió sáng bay vừa. Lùa thanh sắc ngẫu nhiên trong ảo mộng…”. Đây không phải là lần duy nhất “ông hoàng của thơ tình yêu” viết về mùa xuân với cái nhìn tương tức như thế. Trong bài Vội vàng, ta cũng bắt gặp một góc nhìn trung dung như thế về mùa xuân: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua. Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”.
Thuở mới đọc và học Xuân Diệu, tôi chưa ngộ được cái nhìn này, có lúc ngỡ chừng như vô lý, và cứ đau đáu câu hỏi, sao mà xuân trong cái nhìn của ông khác với mùa xuân mà nhiều người vẫn cảm nhận với hoa lá, cỏ cây, sắc trời trong “mùa xuân ba tháng”. Còn Xuân Diệu thì lại bảo “Xuân không phải ở mùa xuân ba tháng” (Xuân không mùa, 1939), nhưng rồi đến lúc mình cũng lớn và nhìn sâu hơn vào cái nhìn của nhà thơ rồi ngộ ra tính tương tức của sự sự vật vật, giữa xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân đó.
Cái nhìn ấy nhân văn và thật tuyệt vời đến độ tương ưng trong những người có tư tưởng lớn, tâm hồn rộng mở, thanh cao… luôn luôn thấy “sen trong bùn” như Đoạn Tế thiền sư đã từng viết: “Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt/ Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương”, hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm khái: “Ví không có cảnh đông tàn/ Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân” (Tự miễn, Nhật ký trong tù).
Cái nhìn tương tức là cái nhìn của nhà Phật, thấy rõ khổ vui tồn tại trong nhau, nương nhau mà biểu hiện chứ nó không độc lập tồn tại. Nếu rút khổ ra khỏi vui thì vui cũng không được biểu hiện. Thiền sư so sánh điều này là nếu rút bùn ra khỏi sen thì sen cũng không thể tồn tại, sen sống được, bám rễ vào cuộc sống là nhờ bùn. Tất nhiên là còn nhiều yếu tố khác (gọi là nhiều nhân duyên) hội tụ, đủ đầy thì biểu hiện. Do vậy, nếu ta chạy trốn khỏi cõi Ta-bà này thì ta cũng sẽ khó chứng được hạnh phúc của Niết-bàn tịch tĩnh.
Và, nếu sướng quá, phước báo nhiều quá thì ta cũng khó tu bội phần vì suốt ngày chỉ biết lo hưởng phước. Vì thế mà Đức Phật mới nói cõi người dễ tu, mới bảo “làm người khó”, vì nhờ có thân người này, thọ khổ, thọ vui nên ta mới có cơ hội nhận diện nẻo chánh, đường tà để mà đoạn ác, làm lành. Nên, thi thoảng ta sẽ phải bước qua chông gai, nghe đau nhói nhưng nó giúp ta nhận ra cuộc đời vô thường, sướng khổ gì rồi cũng sẽ qua đi để ta không chấp giữ và cũng không quá đớn đau khi đi qua những khúc quanh của cuộc sống.
Ta sẽ nhớ “xuân ở giữa mùa đông khi nắng hé” để sống an vui với thân tứ đại này, tất nhiên là phải nhận diện được sự thật sanh-trụ-dị-diệt của nó mà sống, và sống có nghĩa là thấy được sự thật đó mà sống tốt hơn, để không phí hoài những tháng-năm được thân người này. Từ, bi, hỷ, xả là Bốn tâm vô lượng mà người con Phật ai cũng đọc làu làu nhưng để sống được với tâm ấy ta phải quán niệm và nhìn thấy sự tương tức của sự-vật mà hỷ và xả. Xưa, “tái ông mất ngựa” đã cho ta bài học về “trong họa có phúc” ở chỗ biểu hiện của “mất cái này, được cái kia”. Người tu theo Phật tất nhiên không thấy được/mất như kiểu thế gian, nhưng vẫn có thể cảm nhận được sự thăng hoa về đạo đức, tâm linh từ chính những trải nghiệm khổ/vui hàng ngày.
Khổ đau thì đã sao, mất mát thì đã sao, nó cũng là bài học hay, là cơ hội cho ta thực tập từ, bi, hỷ, xả với mình và với người. Có khổ đau nơi thân-tâm ta thì ta mới sực tỉnh là hóa ra ta đã từng gieo hạt giống xấu ác nên quả báo mới trổ ra đen đúa, xấu xí thế này. Có khổ đau xung quanh, ta mới có thể dễ dàng khởi phát lòng từ bi mà thực hành hạnh “cứu khổ, ban vui” để chia sẻ bài pháp “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Nhờ sự nhìn sâu ấy mà ta sẽ thôi trách hờn, sẽ bớt keo kiết, bỏn sẻn mà mở lòng, mà thấy được ánh sáng từ trong đường hầm tăm tối mà mình đang đi.
Và quan trọng, nhờ nhìn thấy “sen trong bùn”, “phúc trong họa”… mà ta có thêm niềm tin trong cuộc đời. Rằng, người xấu không phải cứ xấu hoài, xấu mãi mà đến lúc họ sẽ lấp lánh nhờ Phật tánh phát quang, như Đức Phật đã khẳng định “các con là Phật sẽ thành” vậy. Có lẽ, bám vào niềm tin sâu chắc này mà Đức Bồ-tát Thường Bất Khinh mới thị hiện ra nơi đời và không ngừng tán dương: “Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài rồi sẽ thành Phật”.
Nếu nhìn thấy ánh sáng phía sau màn tối, phía sau chiếc mặt nạ là một gương mặt thật thì ta sẽ không sợ con người nữa, sẽ không kỳ thị và luôn nuôi dưỡng niềm tin vào sự đổi thay của một ai đó, tất nhiên không trong kiếp này thì cũng là một kiếp khác. Đối với thực thể xã hội trong giềng mối tương quan rộng hơn ta cũng sẽ thấy điều đó mà hóa giải hoài nghi, rằng, con người rồi sẽ bước qua những mảng tối để đi vào vùng sáng, thứ ánh sáng mà thế gian nói là “lương tâm”, còn người Phật tử nói là “Phật tánh” đó.
Khi nào ta ngộ được điều đó, sống với điều đó thì chắc chắn ta sẽ thấy “Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng”, và sẽ tràn trề niềm tin về một tương lai sáng đẹp nếu ta biết vững chãi trước mùa đông, vững chãi trước những khổ đau và cả những cám dỗ của cuộc đời để gìn giữ chất ngọc trong mình, gìn giữ như “gìn giữ con ngươi của mắt” vậy. Điều đó không khó, nếu ta hiểu, tin, hành theo lời Phật dạy. Nhược bằng, chỉ hiểu loáng thoáng, tin sơ sơ, hành chơi chơi thì ta cũng chỉ là người “cỡi ngựa xem hoa” và thấy Phật ở rất xa mình, thấy xuân, hạ, thu, đông cứ tuần hoàn muôn thuở như ta đã từng muôn thuở xuống lên sáu đường vậy thôi!
Lưu Đình Long