Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Dec 21st

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Màu Xanh Của Tết

Màu Xanh Của Tết

Email In PDF

Lưu Đình Long

Đó không chỉ là màu xanh của cỏ cây đâm chồi nẩy lộc - một hình ảnh tươi non của mùa xuân đất trời mà còn là màu hi vọng trong lòng người như GN số 677, 678 chia sẻ về “Niềm tin ở con người” hay “Niềm tin không phai nhạt!”, dẫu cuộc sống ngoài đời, trong đạo đôi khi nhuốm những màu đen không như ý.

Mùa xuân về người ta sẽ lấy lại niềm tin, sẽ bắt đầu hình thành trong mình một sức sống mới từ chính cơ thể và tâm hồn ngỡ đã cũ mèm, mốc meo sau những tháng-ngày lăn lộn, lặn lội trong bùn nhơ, uế trược của cõi Ta-bà vốn dĩ có thiện-ác tồn tại song hành như hai mặt của một vấn đề.

Bởi còn có thiện, còn ánh sáng của từ bi-trí tuệ nên niềm tin không mất đi, bởi trong mỗi con người vẫn còn viên ngọc sáng là Phật tánh nên người học Phật mãi mãi không phai nhạt lời dạy “Phật sẽ thành” như một thọ ký mà Phật đã truyền trao cho môn đệ, cũng như Bồ-tát Thường Bất Khinh đã thực hành công hạnh lễ lạy và không ngừng tán dương “các ngài rồi sẽ thành Phật”.

Chính niềm tin này đã cho tôi và chúng ta nghĩ đến tương lai tươi sáng bội phần sẽ được tiếp nối từ chân giá trị thiện lành mà chư Phật, chư Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng đã khéo léo dùng nhiều phương tiện diễn bày, giáo hóa. Những giá trị của lòng từ, bi, hỷ, xả sẽ được biểu hiện dưới nhiều hình thức, sống động trong hàng triệu triệu con người trên khắp hành tinh, chỉ cần nơi đó còn tình người, con người còn biết nói tiếng nói của chánh nghĩa, biết bảo vệ cái tốt và đấu tranh với cái xấu.

Tất nhiên, trong tinh thần bất bạo động cũng như sự quán chiếu nhân quả của nhà Phật thì chống lại cái xấu không đồng nghĩa với chống lại con người mà là đấu tranh với hành động phi pháp, bất thiện. Do vậy, không có bên này, bên kia, càng không có định danh kẻ thù của ta là con người cụ thể mà chính là xấu ác ở trong chính chúng ta và chúng sinh bị chi phối bởi tam độc (tham-sân-si). Thấy như thế thì ta sẽ thấy được mùa xuân, đồng nghĩa với thấy được con đường đi, hi vọng vào sự thay đổi theo hướng tốt đẹp nơi tự thân mình cũng như xã hội thông qua sự hướng thượng của ba nghiệp (ý-khẩu-thân).

Khi chống lại một hành động xấu hay lên tiếng đấu tranh với cái ác cũng đồng nghĩa với việc hướng thiện trong mình nếu mình nhìn nhận được sự tương tác, tương tức của hành vi và ý niệm trong mình và người. Điều đó có nghĩa là ta có chánh niệm trong đời sống hằng ngày và kiến tạo niềm an vui cho mình từ chính mỗi giờ-phút trôi qua dù hiện tướng được biểu hiện thế nào.

Điều đó cũng có nghĩa là chống lại cái xấu, ác không phải là hành động cay cú từ ý-ngữ-thân trước những điều bất công đang diễn ra cũng như sử dụng hình phạt tối cao như một cách loại bỏ hay kết liễu để tránh rắc rối tức thời.

Chính vì vậy mà những bậc thầy trong tu tập giáo pháp luôn đứng về phía bất bạo động, không ủng hộ việc dùng cái chết để “trả lời” cho một tội ác, bởi “kẻ thù của chúng ta không phải con người”.

Khi cả thế giới gần nhưng căm phẫn với những kẻ gây ra tội ác hãm hiếp, giết người… và hình phạt tử hình là kết quả gần như không làm hả giận được dư luận thì Đức Đạt Lai Lạt Ma lại không ủng hộ vì những lý do như đã nói, rằng đó cũng là một hành động bạo động, yếu đuối mà con người đối xử với cái ác, cái xấu. Bởi, xưa nay, hình phạt nặng cho tội ác không phải là không áp dụng nhưng cái xấu, ác vẫn tồn tại đó, thậm chí phát triển âm thầm, không ngừng thi triển, thách thức.
Trong cái nhìn duyên khởi trùng trùng của đạo Phật, theo dòng chảy “xuân-hạ-thu-đông rồi lại xuân…” thì thấy “cái gì cũng có cái lý của nó” (ý nói nhân-quả công bằng, đủ duyên thì biểu hiện, nhưng có biểu hiện thì cũng vô thường, là bào ảnh, không thật tướng).

Do vậy, cốt lõi là làm sao để con người nhận ra cái lý đó mà “cắt duyên” xấu, dừng việc gieo hạt giống bất thiện, cấy vào mảnh đất tâm mình hạt giống của mùa xuân - hạt giống bình an, thiện lành để “cây đời xanh tươi”. Và đó cũng chính là một lời nhắc để ta xóa những suy nghĩ ấu trĩ, ganh ghét, thù hèm… ở trong mình trước thềm xuân, để trong tâm mình cũng có một màu xanh ngút ngàn, tươi mát, an vui vậy mà!