Hạnh Phúc Tuổi Già
Thích Nhật Từ
Chương 5: Hạnh phúc trong Già và chết
Di chúc rồi hãy quên đi
Chúng tôi tạm gọi “những nỗi đau sau khi qua đời” bởi vì có những di chúc không được con cháu hiểu biết, thấy được tầm quan trọng và thực hiện nó. Việc viết di chúc thường để lại nỗi canh cánh bên lòng rằng không biết con cháu có làm theo hay không. Khi nỗi lo có mặt thì tiến trình tái sinh sẽ bắt đầu gặp trở ngại.
Nền văn hóa phương Tây rất coi trọng di chúc hay những ước nguyện cuối cùng của người chuẩn bị lâm chung. Phật pháp cũng tương tự, bởi vì khi nguyện ước nào chưa được thực hiện thì con người chưa cảm thấy an tâm ra đi. Người Phật tử hành trì Phật pháp sau khi nêu ra các nguyện ước của mình thì lập tức phải quên nó để không bị nỗi lo níu kéo. Việc người còn sống có thực hiện hay không không ảnh hưởng đến sự ra đi của mình.
Viết di chúc và chúc ngôn bằng lời là điều cần làm vì nếu không, con cháu sẽ không hiểu được nền văn hóa Phật giáo mà giúp chúng ta có tiến trình tái sinh như ý muốn. Tuy nhiên, khi di chúc xong thì đừng nhớ đến nữa. Trên tinh thần này, mỗi chúng ta có thể viết tử thư để con cháu hiểu tiến trình của cái chết như thế nào và cảm thông, thực tập theo những gì chúng ta yêu cầu. Nhờ đó người còn lẫn người mất đều được lợi lạc và an vui. Hãy nhớ rằng sau khi viết tử thư phải buông xả, tính cách an toàn sẽ diễn ra tuyệt đối.
Bản chất của việc tống táng đối với con người là sự chia tay mà người Việt Nam có giai đoạn dùng từ “mất”. Động từ “mất” được quan niệm là sự chia tay vĩnh viễn với người thân. Đối diện với cái mất, dòng cảm xúc đau buồn, sầu tư, lo lắng trỗi dậy. Nhiều người đã không thể vượt qua.
Nhà Phật dùng động từ “từ trần” để chỉ việc từ giã cõi đời. Bởi vì con người không chỉ sinh ra với hai bàn tay trắng mà còn cả một gia tài của nghiệp mà chính mình là người thừa tự nó. Sau khi ra đi, chúng ta lại mang cả gia tài nghiệp đó theo. Trong nghiệp có nghiệp phước và nghiệp tội, cho nên không có gì để buồn. Cái chết không phải là dấu chấm cuối cùng mà nó là một trong những dấu chấm trên đường thẳng không có điểm bắt đầu của đời sống, cũng không có điểm cuối cùng của cái chết. Nó là tiến trình trở thành một cái khác theo hạnh nghiệp, theo hành động, tâm tưởng, nguyện ước của bản thân dưới tác động của môi trường và hoàn cảnh.
Giữ được tâm, làm chủ được bản thân khi còn sống và sau khi chết thì người thân, dù có thực hiện theo di chúc hay không, không còn là cản trở cho bản thân mình nữa. Đó gọi là hành trì đúng tinh thần nhà Phật.
Nền văn hóa phương Tây có nhiều quan niệm gây trở ngại cho tiến trình tái sinh của con người. Ví dụ, ướp xác để cơ thể được tươi mát như đang trải qua giấc ngủ ngàn thu. Nền văn hóa này cho rằng cái chết giúp con người trở về đời sống vĩnh hằng ở cõi âm. “An giấc ngàn thu” là cụm từ dân gian mà ở đâu người ta cũng sử dụng.
Nhưng trên thực tế không ai có thể an giấc ngàn thu. Sau khi chết phải đi tái sinh. Quan niệm “an giấc ngàn thu” chỉ thuộc về những người không tin luân hồi, tái sinh, cho rằng chết là hết, cho nên họ bám víu vào thi thể, vào địa điểm chết, gia tài sự nghiệp, công danh hay bất cứ cái gì mà họ đeo đuổi trong cuộc đời. Do bám víu nên “an giấc ngàn thu” làm cho họ tồn tại dưới cảnh giới của ngạ quỷ. Nhà Phật dạy cảnh giới của cái chết càng rút ngắn chừng nào thì hạnh phúc diễn ra nhiều chừng đó. Nghĩa là sau khi tắt thở, chúng ta cần làm chủ tâm thức của mình trước khi cái chết diễn ra, để tiến trình tái sinh được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể.
Việc lạy Phật sám hối, tụng kinh, bái sám tùy thuộc hạnh nguyện ở mỗi người, miễn là phương pháp đó có thể tạo cho chúng ta sự dung thông. Người không có thời gian hay điều kiện tụng kinh có thể vận dụng phương pháp quán tưởng trong từng động tác lạy Phật, tiến trình như thế vẫn có thể giúp chúng ta hiểu kinh điển một cách sâu sắc.
Chuyển nghiệp cuối đời
Nghiệp con người có thể được chuyển hóa bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp lạy sám hối là một trong những phương pháp đắc lực nhất. Bởi vì trong lúc hướng tâm vào Tam bảo, với lòng chí thành chí kính tha thiết trong lời nguyện ước sẽ tạo động cơ đẩy chúng ta về phía trước và mỗi bước chân đi cùng tâm thức thể hiện sẽ mở ra một phương trời cao rộng, nơi đó tất cả những hạnh nghiệp đối lập có cơ hội tan biến. Nhờ phát nguyện, thay đổi tâm thức và dấn thân làm những việc đối lập với nghiệp xấu mà chúng ta làm chủ vận mệnh của mình.
Về phương diện y học, tác dụng của việc lễ lạy như là phương tiện vận động toàn thân bao gồm cả phần vận động cơ bắp.
Năng lực nghiệp không nằm ở khối lượng hành vi mà ở chiều sâu của tâm thức và cách thức dụng công như thế nào. Cùng động tác đảnh lễ, nếu không dùng nghệ thuật quán tưởng và làm chủ tâm thức, thì hành động đảnh lễ chỉ có phước báu về tín ngưỡng hoặc đạt giá trị y học trong sức khỏe là cùng. Là hành giả Phật giáo hành trì có kiến thức y học, kiến thức đạo đức và sự chuyển nghiệp thì chúng ta có thể cùng vận hành cả ba cơ chế trong một động tác đảnh lễ. Do đó giá trị đạt được là cả ba, thay vì chỉ có một.
Người bị bệnh tiểu đường, lượng đường lên cao kéo theo gan yếu, thận suy, mắt mờ, các vết thương rất khó lành. Áp dụng động tác đứng lên lạy xuống sẽ kích hoạt toàn bộ cơ thể, khống chế cơn bệnh ở mức độ mà đôi lúc chúng ta không thể ngờ được. Nếu mỗi buổi sáng chúng ta lạy 49 lạy, buổi tối trước khi đi ngủ, lạy thêm 49 lạy nữa, chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ thêm vài năm là điều hiển nhiên. Dĩ nhiên không kể những trường hợp bệnh giai đoạn cuối.
Sự dấn thân giúp người lớn tuổi vượt qua trạng thái cô đơn, buồn chán mà trong nền văn hóa Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, phần lớn người lớn tuổi thường vấp phải. Quyền tự do cá nhân được đề cao quá mức làm cho quan hệ giữa con người và con người không giống những nước Á Đông. Do đó nếu không làm chủ được bản thân, không làm chủ được cảm xúc, tâm thức của mình thì khi đối diện với những năm tháng cuối cuộc đời, chúng ta sẽ sống trong tâm trạng buồn tủi cô đơn, toàn bộ hạnh phúc bị mất hết.
Đảnh lễ Tam bảo mỗi ngày, chúng ta sẽ không cần đến phòng thể dục dụng cụ, thể dục thẩm mỹ, thậm chí cũng không cần phẫu thuật thẩm mỹ mà vẫn có được thân thể cân đối. Các bệnh tim mạch, đau nhức xương cốt của tuổi già cũng được gia giảm, chẳng những không mất tiền mà còn có phước, có thêm sự chuyển nghiệp, tuổi thọ gia tăng. Những năm cuối cuộc đời thật sự có ý nghĩa.
Thích ứng trong hành trì
Ở người lớn tuổi, tiến trình lão hóa là tiến trình tự nhiên, con người với cơ thể như một cỗ xe. 70 năm trong cuộc đời đồng nghĩa cơ thể chúng ta làm việc suốt 70 năm, có nhiều cơ thể làm việc gấp hai, gấp ba lần bình thường. Đến tuổi già, “cỗ xe” ấy mỏi mệt, đau nhức là điều hiển nhiên phải xảy ra.
Những hành giả lớn tuổi có thể thiền hành thay vì thiền tọa, hoặc đi kinh hành. Sự tu tập chuyển hóa của các hệ thực tập Phật giáo không nằm ở thân mà nó nằm ở tâm thức. Cho nên tùy theo tuổi tác mà chúng ta sử dụng thích hợp thì kết quả sự hành trì mới đến một cách lâu dài.
Tổ đình Minh Đăng Quang ở California được Hòa thượng Thích Giác Nhiên mua lại từ một ngôi nhà thờ rất lớn. Chính điện gần như được giữ nguyên theo thiết kế của ngôi nhà thờ. Những hàng ghế vẫn được giữ nguyên, hòa thượng chỉ dời vài dãy ghế đầu để tạo không gian cho ai có nhu cầu lễ lạy Tam bảo. Người lớn tuổi khi đến sinh hoạt tại ngôi chùa này cảm thấy rất thoải mái vì có được cái ghế để ngồi dựa. Đó là phương tiện khá hay.
Đức Phật đã sử dụng các dữ liệu văn hóa khái niệm ngôn ngữ có trước đó nhưng nạp vào trong nó một nội dung tâm linh hoàn toàn mới. Như vậy, những người có thói quen, ảnh hưởng và đi theo truyền thống này vẫn có thể chấp nhận những gì đức Phật dạy. Chúng ta cũng có thể vận dụng phương pháp của đức Phật để tiếp biến văn hóa ở xứ sở mà nền văn hóa Phật giáo không phải là văn hóa gốc. Còn nếu nhập cảng nguyên si nền văn hóa Phật giáo phương Đông sang phương Tây, thì những người phương Tây nhìn thấy dạng thù kiến trúc văn hóa Phật giáo tuy đẹp, lạ mắt nhưng lại cảm thấy rất xa lạ, vào trong môi trường này, họ cảm thấy tâm linh của họ trở thành những người bị đổi đạo. Vì vậy, chúng ta có thể mạnh dạn giữ nguyên cấu trúc văn hóa của nhà thờ, miễn sao vào trong đó chúng ta gặp được đức Phật. Cách thức này dễ thích ứng với các thành phần trí thức vốn ảnh hưởng nền văn hóa bản địa.
Người lớn tuổi nếu không thể ngồi thiền thì có thể chọn phương pháp thiền hành hay kinh hành, quan trọng là tâm được vận dụng chuyên nhất và bất loạn. Kinh A Di Đà mô tả qua hình ảnh các vị thánh giả ở Tịnh Độ vào mỗi buổi sáng đều đi nhặt các loại hoa công đức cúng dường mười phương cõi, sau đó trở về bản quốc “phạn thực kinh hành”, dùng cơm xong rồi đi kinh hành, chứ không nghỉ ngơi.
Dĩ nhiên đức Phật thấy rất rõ người lớn tuổi thường đau nhức xương, mệt mỏi, đi đứng nặng nề, khó khăn. Nhu cầu của việc nằm nghỉ tạo phản ứng trấn an trong giai đoạn đầu nhưng càng nằm càng liệt, càng nằm càng tê, bệnh tật càng gia tăng, tuổi thọ càng rút ngắn. Đức Phật khuyến khích đi kinh hành dành cho hành giả Tịnh độ tông, thiền hành dành cho hành giả Thiền tông. Khi kinh hành và thiền hành đúng phương pháp, tức là chánh niệm tỉnh thức đối với Thiền tông, nhất tâm bất loạn đối với Tịnh độ tông. Hai tông chỉ này với hai con đường khác nhau nhưng kết quả chỉ là một, đó là an vui hạnh phúc, giải phóng tất cả những chấp trước có mặt trong cuộc đời. Do đó khi thực tập phải nắm được trọng tâm của vấn đề hơn là chỉ làm với thói quen và hình thức.
Từ ngàn xưa, các nhà sư Tây Tạng đã biết vận dụng phương pháp toán học trong sự thực tập. Chẳng hạn, phía trước cổng trái và phải của một ngôi chùa Tây Tạng luôn có bảy hay chín quả chuông, mỗi quả đều có chữ: “Om Mani Padme Hum” có giá trị hỗ trợ cho sự quán tưởng. Mỗi hành giả trước khi vào chùa dùng bàn tay của mình lăn thật nhanh các quả chuông đó, miệng niệm cùng tâm liên tưởng tương thích với sự quay của câu thần chú. Với độ quay bảy vòng thì từ một câu thần chú trở thành bảy câu, từ một quả chuông trở thành bảy quả chuông. Như thế mỗi động tác hành trì, chúng ta có vô số câu thần chú được chuyên tâm nhất ý, dẫn đến trạng thái nhất tâm bất loạn hay chánh niệm tỉnh thức. Đó là phương pháp thực tập vận dụng tâm thức.
Người có thói quen đong đo tính đếm khi làm kinh tế, mỗi lần niệm “nam mô A Di Đà Phật”, lạy một lạy, hay lạy bảy lần, chúng ta có cơ hội để sự đong đo tính đếm trỗi lên, tính đếm con số trong lễ lạy gây phiền não, tính công với đức Phật, mặc cả với ngài. Như vậy, công việc làm thiện tu đức mất đi giá trị của sự hành trì, lời nguyện ước dù chân thành nhưng cái tôi trong sự nguyện ước và phát tâm đó làm trở ngại trong giá trị tu học.
Do đó nếu không bị ảnh hưởng như những người có thói quen đong đo tính đếm, thì việc sử dụng nghệ thuật tính đếm trong đảnh lễ và tu tập nói chung trở thành phương tiện rất hữu ích không phải vô cớ mà đức Phật dạy. Chúng ta có thể áp dụng đếm trong danh hiệu hoặc đếm đơn vị của hành động đảnh lễ Tam bảo để tâm có nơi bám víu vào. Làm chủ được tâm trống rỗng là tốt, vì khi tâm trống rỗng, con người không còn làm bạn với vạn pháp, mọi thấy nghe ngửi… của mắt tai mũi… không còn kéo theo hai phản ứng chấp trước dẫn đến lòng tham hay kháng cự dẫn đến lòng sân. Con người làm chủ hoàn toàn về phương diện cảm xúc. Nhưng nếu chưa thuộc về hạng hành giả có thể làm chủ tâm trống rỗng thì việc nêu ra đối tượng để tâm nương vào đó, bớt đi tình trạng vọng tưởng là việc cần thiết. Lúc đó động tác đong đo tính đếm con số trở thành một cái nêm, tâm dính vào cái nêm này sẽ dễ dàng đạt được trạng thái tịnh chỉ. Sự dừng lắng giúp hành giả phát huy năng lực hành trì rất cao. Cho nên tùy sở trường và tâm lý mà sử dụng đếm hay dùng timer.
Đọc kinh và quán tưởng
Người lớn tuổi có thể ngồi đọc kinh mà không cần phải tụng theo nghi thức. Bản chất của việc đọc kinh là “minh Phật chi lý”, có nghĩa là hiểu thấu các giá trị triết lý, đạo đức, dẫn đến sự hành trì trong đời sống và sinh hoạt tu học, chứ không nhất thiết phải ngồi trang nghiêm, dĩ nhiên cũng có giá trị tín ngưỡng. Tuy nhiên nếu không bận tâm đến nội dung, nghĩa lý sâu của lời Phật dạy, không hành trì hiểu rõ thì dù đọc kinh hàng trăm năm vẫn không đạt được giá trị chuyển hóa tâm thức của nó. Do đó nếu sức khỏe không cho phép, chúng ta có thể ngồi trên ghế, hoặc trải dài thân mình trên võng vừa đọc vừa nghiền ngẫm thật thâm sâu huyền diệu để thấy giá trị lợi lạc và để ứng dụng hành trì chuyển hóa tâm thức, chuyển hóa nghiệp.
Nghi thức tụng niệm có giá trị tín ngưỡng cao mang đến phước báu của tín ngưỡng vì việc tụng kinh, gõ mõ làm cho tâm thức chúng ta tập trung và sáng suốt hơn là đơn thuần đọc một quyển sách. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe, chúng ta vẫn có thể thay thế việc tụng kinh bằng đọc kinh và hành trì gắn liền với niệm Phật, bái sám. Giá trị chuyển hóa tâm thức đó vừa trọn vẹn về phương diện nội dung, vừa đạt yêu cầu về phương diện y học. Chúng ta không chỉ tu luyện trong vài năm rồi chết mà còn có thể kéo dài tuổi thọ trong tình trạng sức khỏe sáng suốt vô cùng, giúp mình đoán trước được ngày tháng năm sẽ vẫy tay chào người thân với thái độ hoan hỷ không nuối tiếc.
Kết quả của tiến trình vãng sinh chắc chắn được xác lập rõ và không ảnh hưởng đến cận tử nghiệp xấu của chúng ta. Thấu hiểu trong khi hành trì thì giá trị của sự chuyển hóa sẽ không những có ngay ở phút hành trì mà còn có sau lúc hành trì. Nó tích tụ lâu ngày trở thành nguồn năng lượng mới huấn luyện và làm chủ được cận tử nghiệp.
Dùng phương pháp quán tưởng trong tình huống hành giả không thể đi được, phải nằm yên một chỗ. Mỗi khi duỗi cánh tay, hãy quán rằng bàn tay này đang dâng hoa cúng Phật, hoặc đang dâng quả lên ba ngôi Tam bảo. Liên tưởng từ các động tác như thế là chúng ta đang làm công đức ở tâm và năng lực hành trì ở tâm này sẽ giúp tinh thần sảng khoái an lạc. Không nên cho rằng vì nghiệp quá nặng, tu hành bao nhiêu điều lành, việc thiện mà Phật vẫn không gia hộ, lúc đó trạng thái phiền não trỗi dậy khống chế tinh thần, sống trong trạng thái khổ đau và mất ý nghĩa của đời sống.
Hãy quán tưởng rằng, giới hạn vật lý của sự sống phụ thuộc tiến trình hoại diệt của thời gian, con người cũng thế. Cho nên đừng buồn bã mà hãy tận dụng thời gian trong bất kỳ tư thế nào. Việc quán tưởng trong hành trì vẫn có thể đem lại kết quả như ý muốn và giá trị phước báu vẫn tương đương. Thực tập được như vậy thì giờ khắc qua đời, cận tử nghiệp đã được huấn luyện sẽ diễn ra theo ý muốn chứ không thể cưỡng lại thói quen hành trì của hành giả.
Hiện tượng báo mộng
Hiện tượng người thân, chẳng hạn người chồng đã chết hiện về trong giấc mơ có thể có hai tình huống.
Tình huống thứ nhất, giả thuyết người chồng chưa được siêu sinh thoát hóa. Sinh ly tử biệt làm cho hai người ở hai cảnh giới xa cách nhau, một bên là cảnh giới của con người đang sống và bên kia là theo nghiệp để có một tái sinh mới. Nhưng do vì thương người vợ thủy chung, hiền hậu, sống với nhau mấy mươi năm trong cuộc đời nên ông quyến luyến trở lại báo rằng tình cảm đó vẫn còn trong ông. Điều đó làm rất nhiều người vợ, người góa phụ cảm thấy hạnh phúc.
Nhưng theo Phật giáo, đó là một trở ngại cho tiến trình tái sinh. Là hành giả Phật tử, chúng ta nên tổ chức cầu siêu giúp họ siêu sinh thoát hóa. Tất cả những vong linh không siêu sinh thoát hóa được do tình yêu thường rơi vào tình huống này. Do đó, người còn lại có trách nhiệm làm thế nào để vong linh yên tâm. Lễ cầu siêu có thể diễn ra tại ngôi nhà mà bản chất hạnh phúc gia đình đã được đầm ấm mấy mươi năm qua, chính người thân còn sống đóng vai trò quan trọng trong buổi lễ này. Chúng ta có thể cung cấp các dữ liệu thông tin cho vị thầy, cô được mời đến tụng kinh. Trong khóa lễ, vị thầy cô này tập trung cao độ truyền cho vong linh thông điệp rằng hãy buông sự quyến luyến tình yêu, và hãy an tâm về tình cảm của người còn sống dành cho vong linh đó. Khi vong linh có cảm giác an tâm mới có thể ra đi, và buổi lễ cầu siêu mới có ý nghĩa.
Tình huống thứ hai, để tỏ lòng thương tưởng người quá cố, những gì không biểu hiện được, lại thường thể hiện trong những giấc mơ. Có một nguyên tắc tâm lý nhỏ để nhận biết đây là tình huống báo mộng như kinh Địa Tạng đã nói hay là do người sống thương tưởng ngày đêm, dẫn đến sự thương tưởng đó được phản ánh trong giấc mơ.
Đó là, trong tình huống này người vợ hãy đứng trước bàn hương án của chồng và nói: “Xin anh hãy về cho em thấy”. Suốt buổi tối đó, dù cô giả vờ ngủ nhưng vẫn thấy ông về. Điều này chứng tỏ người chồng hiện về báo mộng thật sự. Còn giả sử người vợ đứng trước bàn hương án của chồng và nói: “Xin anh đừng về”. Cô cứ nhẩm điều đó liên tục trong tâm thức đến khi chìm vào giấc ngủ. Nếu đến sáng hôm sau cô vẫn không nhìn thấy hình ảnh người chồng trong giấc mơ thì có thể đoán đây chỉ là tình yêu bị ức chế do thương tưởng người bạn đời.
Khi vong linh muốn báo mộng thì dù chúng ta xin người đó đừng về, người đó vẫn cứ về. Bản thân người chết không tự cứu được mình, họ báo mộng để người sống biết họ vẫn đang tồn tại và hiện hữu xung quanh. Biết như thế, chúng ta nên tổ chức lễ cầu siêu để họ được siêu sinh thoát hóa.
Ngoài ra, nhiều Phật tử hoang mang với hiện tượng sau khi người thân mất thì có một con bướm bay vào nhà. Phong tục tập quán dân gian Việt Nam cho rằng con bướm là hóa kiếp của người vừa qua đời. Hiểu như thế là sai lầm. Về phương diện y học, chúng ta chưa thể lý giải được khi người chết để trong nhà bao lâu thì mùi của nó tạo sự hấp dẫn con bướm bay vào, không chỉ một con mà có thể hai ba con. Chúng ta có thói quen để ý và lý giải rằng người đó về thăm, mà thăm viếng như vậy hoàn toàn không tốt.
Tổ chức lễ cầu siêu giúp người quá cố an tâm, hãy hẹn ước gặp nhau ở kiếp sau thì mọi việc mới thật sự viên mãn. Kinh Tăng Chi, đức Phật đã dạy rõ, người đi trước, muốn tiếp tục tình yêu với người còn lại thì trong suốt quá trình sống phải chung thủy, một vợ một chồng. Yếu tố thứ hai là người đi trước phải có tấm lòng mong đợi tái ngộ ở kiếp sau. Đồng thời người còn lại chẳng những hứa như thế mà còn phải thật sự làm bằng tâm chân thành tuyệt đối. Như vậy khi gần qua đời, cận tử nghiệp trỗi dậy với ý niệm tìm kiếm người mình đã từng sống như vợ chồng, đã từng hạnh phúc với nhau. Dù tái sinh trong gia đình khác cách xa nhau nhưng cũng sẽ tình cờ gặp gỡ và đi đến kết hôn.
Chỉ có người vợ mới giúp được người chồng quá cố của mình an tâm. Lễ cầu siêu nếu không có sự hợp tác của người còn lại thì lễ cầu siêu đó chỉ có tác dụng 50%, 60% là cùng. Trước mắt hãy đem đến trạng thái an tâm cho người chết, giúp họ ra đi với niềm hy vọng tái ngộ trong kiếp sau. Còn khi gặp lại, người vợ có nhận ra được chồng mình ở kiếp trước hay không lại là chuyện khác.
Cuộc sống có rất nhiều chuyện tình éo le. Người này thương người kia đắm đuối nhưng người kia lại đáp trả bằng sự lạnh nhạt thờ ơ, cũng có tình huống gặp nhau bất ngờ nhưng cảm giác như gặp lại người tri kỷ từ kiếp nào. Dù là tình huống một chiều hay hai chiều, chúng ta phải giúp cho hương linh an tâm ra đi. Còn việc trong đời sau có thực sự gặp nhau hay không là do nguyện vọng của từng người.