Từ nhỏ, trong tôi ngày rằm tháng 7 với câu chuyện Mục Kiền Liên đi vào chín tầng địa ngục để tìm mẹ luôn tạo ra ấn tượng sợ hãi: cái chết và thế giới bên kia, các hình phạt của lò luyện ngục... Lớn lên đọc kinh sách mới hiểu Vu lan bồn hội là ngày cúng dường để giảm khổ đau cho người dưới âm thế.
Rồi với tác phẩm Bông hồng cài áo của thầy Nhất Hạnh thì chữ hiếu được nâng lên cao hơn cái khổ, nhưng cũng thật buồn: bông đỏ cho những ai đang còn mẹ, bông trắng cho người mồ côi mẹ...
Tôi không cho phép mình nói về khổ đau, vì dù cũng có những lúc khó trong đời, tôi chưa bao giờ đáng được gọi là đã trải qua đau khổ. Nhưng tôi biết sự đau khổ tồn tại thật.
Một người quen là kỹ sư địa chất bị ngã trên núi rừng, nằm liệt hơn mười năm từ khi còn thanh xuân, người vợ chịu không nổi phải dứt gánh ra đi, anh nằm bất động như thế trong một ngôi nhà hôi thối thiếu người chăm lo hơn một thập niên mới ra đi được. Một người bạn đang khỏe mạnh thấy đau ngực, phát hiện ung thư phổi, mổ lần đầu cắt 1/3 lá phổi, vừa xong cuộc phẫu thuật chưa kịp hồi phục lại phải mổ lần hai để cắt thêm nữa, bây giờ đang cố gắng bình phục nhưng cuộc đời đã bắt đầu phải đếm từng buổi sáng vẫn còn thấy mặt trời.
Một cô gái tuổi đôi mươi xinh như mộng, đang xếp hàng nhập cảnh Singapore tại sân bay Changi bỗng bị nhân viên di trú mời qua một hàng khác, sau một hồi tra hỏi bị đưa tiếp vào phòng trong, thì ra cô làm nghề “buôn hương bán phấn” vào Singapore hành nghề không phép. Trời đất! Cô bé xinh như thế sao lại sa vào số phận ấy và phải cúi gằm mặt tại đất khách quê người thế sao...
Không cần phải tiếp tục liệt kê về khổ đau, chỉ cần một chút quan tâm bạn sẽ nhận ra tất cả chúng ta đều trải qua mỗi ngày trong đời để vượt qua những khó khăn: ông xe ôm quen mỗi ngày cầm lái nói chỉ kiếm được 40.000 đồng vì dạo này sao nhiều xe ôm quá, anh bạn doanh nhân mỗi đêm giấc ngủ càng ngắn lại vì sao ít khách hàng quá mà đã lỡ gom hết tài sản đầu tư vào kinh doanh rồi...
Một thoáng vui, một chút khỏe mạnh, một lần thành đạt luôn xen kẽ trong đó những chặng dài buồn, nhiều lần mệt ốm yếu và một chuỗi không thành công. Đau khổ luôn nhiều hơn sướng vui nếu được thống kê và ta tìm thấy nó luôn hiện diện trong cốt lõi của dòng chảy nhân loại: đạo Phật đã tìm ra tứ diệu đế, khẳng định sống là khổ; đạo Chúa thờ một người khổ nạn và bị đóng đinh trên thập giá; các cuộc cách mạng đều để chống và loại bỏ khổ đau... Vậy khổ là điều rất quen mà ta thường muốn tránh. Và để tránh, người ta hoặc là ngó lơ đau khổ, hoặc chống lại đau khổ hoặc phải làm hòa với đau khổ.
Với hai cách đầu ta thường tìm đến cuộc sống bên ngoài để giải quyết, nhưng rồi dần dà chúng ta sẽ hiểu ra và thôi tìm kiếm những điều không có ở ngoài đó nữa, vì tự thân cuộc sống không giải quyết được hết khổ đau. Lúc đó, chúng ta quay lại tìm kiếm ngay trong chính mình vì đau khổ là một ý niệm rất cá nhân: sinh ra một mình, bất hạnh một mình, đau đớn một mình, chết đi một mình. Cộng đồng, gia đình, bạn bè có thể đồng cảm, quan tâm, cứu giúp, chữa trị... nhưng chẳng ai đau khổ thế cho người đang khổ được.
Do đó, tự mỗi con người phải được học để đối diện với đau khổ của mình. Từ khi còn là con trẻ cần được học trước hết về hạnh phúc, nhưng ngay sau đó cần biết về khổ đau, các cháu cần phải biết đói là gì, nghèo là gì, bị xúc phạm thì đau đớn thế nào và thậm chí chết là gì. Ngay tuần rồi, Đài CNN đã đưa một tin thú vị: Bồ Đào Nha vừa xuất bản một cuốn sách tranh gọi là Giải thích về khủng hoảng kinh tế cho trẻ em, đúng là chúng cần biết tại sao cha mẹ chúng thất nghiệp, nhà cửa bị phát mãi, các chuyến nghỉ hè bị hủy bỏ, thậm chí ăn uống cũng thiếu thốn..., hơn là giấu nhẹm, bao biện cho chúng trọn vẹn một giấc mơ đời không có thật!
Cho nên để chống lại khổ đau ta cần tạo ra thức ăn, nhà cửa, quần áo, chữa trị bệnh tật, giải phóng con người đang bị đối xử bất công... Nhưng để làm hòa với khổ đau ta cần để cho mỗi người tự tin ngồi lại trong cô tịch và làm quen với chính khổ đau của mình. Nhà phê bình xã hội nổi tiếng Thái Lan Sulak Sivaraska trong một quyển sách về kinh tế Phật giáo, đã nêu ra một trong những chỉ dấu tiềm năng về hạnh phúc là” mức độ phát triển tâm linh và sự thông minh về cảm xúc”.
Nhà tư tưởng dẫn đạo này cho rằng: Nếu sự thỏa mãn về vật chất chỉ đem lại những niềm vui ngắn hạn thì những trải nghiệm tâm linh, văn hóa và xã hội sẽ làm thăng tiến một hạnh phúc trường kỳ hơn. Có lẽ vì vậy mà trong ngày giảm khổ đau cho người âm thế này, ta cũng nên hướng tới người dương thế, làm hòa với khổ đau của chính mình, đồng thời chia sẻ với những ai đang thanh tẩy trong lò luyện ngục của đời họ... Đó phải chăng là những trải nghiệm tâm linh cần thiết để sống an nhiên?!
Lưu Vĩ Lân (TTCT)