Hạnh Phúc Tuổi Già
Thích Nhật Từ
Chương 1: Hạnh phúc tuổi già
Bản chất của tuổi già
Hạnh phúc tuổi già là một trong những nhu cầu rất căn bản. Nếu thiếu nó, con người thiếu đi bầu trời xanh, không khí trong lành, thiếu những chiếc áo mới, những vật thực chu cấp cho đời sống hằng ngày, tình bạn, tình thân thiết,... Thiếu thốn trong hạnh phúc tuổi già, tuổi già đó trở thành cô đơn, buồn bã, thất vọng.
Cách đây vài chục năm tại Việt Nam, tuổi thọ trung bình chỉ khoảng từ 55 đến 60 tuổi, đời sống kinh tế khó khăn, y học chưa phát triển, môi trường hoàn cảnh không thuận lợi nên tuổi già diễn ra sớm hơn và tuổi thọ con người ngắn hơn. Theo thống kê xã hội học, hiện tại ở Việt Nam có trên 3.000 người sống vào tuổi 100. Tuổi thọ trung bình chỉ 65 đến 67 tuổi. Trong khi đó, tại Đức, tuổi thọ trung bình là 85; Tây Tạng là 83. Nhật Bản hiện nay có trên 25.000 người có tuổi thọ gần 100.
Điều gì đã tạo ra sự chênh lệch quá lớn về tuổi già ở các quốc gia? Nếu chỉ lý giải đơn thuần là do ảnh hưởng từ đời sống vật chất khó khăn, lao động vất vả, về phương diện sinh học, vật lý, khoa học thì lý luận đó không sai nhưng nó không lý giải được “Tại sao có rất nhiều nước trên thế giới giàu có hơn nhưng tuổi thọ trung bình của người dân chỉ khoảng 50 đến 60 tuổi?”. Sự khác biệt này nằm ở chỗ nào? Các nhà tâm lý và các nhà tôn giáo học đã tìm và đưa ra giải pháp cơ bản: “Dòng cảm xúc, đời sống tinh thần của con người góp phần rất quan trọng trong việc quyết định tuổi thọ”. Nếu sống không có niềm vui, hạnh phúc thì những thanh niên vẫn có thể trở thành những ông cụ non.
Hai yếu tố tuổi thọ
Bản chất của già liên hệ đến hai yếu tố: Yếu tố vật lý chịu sự chi phối của thời gian, liên hệ đến môi trường, hoàn cảnh, đời sống; yếu tố tâm lý liên hệ đến thái độ, chất liệu, chất lượng sống và khuynh hướng của cuộc sống như thế nào. Tất cả quyết định tuổi thọ. Ai sung túc về đời sống vật chất mà chưa có được giá trị tinh thần thì cần phải bồi dưỡng, tưới tẩm chăm sóc những hạt giống tinh thần để tuổi thọ và sức khỏe được diễn ra theo cách thức mang lại an vui hạnh phúc.
Tiến trình dẫn đến sự già nua vật lý. Đối với rất nhiều người, tuổi già diễn ra không như ý. Trước nhất nó có thể như phản ứng của gien di truyền. Tạm vận dụng khái niệm gien di truyền của y học để diễn tả quy trình đức Phật dạy diễn ra đối với tất cả mọi người, dù là động vật có sự sống hay những thảo mộc không có tình thức. Quy trình diễn ra của sinh, phát triển đến mức độ nào đó sẽ đến cái già. Cái già nào cũng dẫn đến sự đột biến, đó là bệnh, còn gọi là suy và dẫn đến cái chết hay sự biến dạng để tạo ra cái mới. Tiến trình Sinh, Già, Bệnh, Chết đối với con người hay Thành, Trụ, Hoại, Không đối với thế giới được nhà Phật sánh với gien di truyền vật lý hay gien di truyền trong mọi sự vật hiện tượng. Hễ tất cả những gì có sự sống, trong thực tại của nó phải mang một loại gien di truyền của sự già nua. Già nua được diễn ra như một sự thật. Có những già nua diễn ra như kết quả tất yếu của bệnh tật. Bệnh do thiếu thuốc thang, do thiếu phương tiện đời sống, thiếu những cảm xúc của hạnh phúc, do môi trường xã hội… Cơn bệnh đẩy lùi tuổi thọ, con người phải chấp nhận sự thật là vẫy chào cuộc đời này một cách vĩnh viễn.
Nhà Phật dạy rằng “tiến trình diễn ra như gien di truyền của sinh học có thể khựng lại nếu con người biết cách chăm sóc sức khỏe, sống có nghệ thuật và có phương pháp. Hạnh phúc được duy trì lâu hơn”. Vấn đề quan trọng là nhận thức và thái độ sống như thế nào.
Tương truyền ở Trung Hoa có một vị Hòa thượng tên Bành Tổ đã sống đến 700 năm. Đó là tuổi thọ phá kỷ lục thế giới. Hiện nay tuổi thọ ghi trong sách Guiness là 115 tuổi. Bành Tổ đã sống đến 700 tuổi là sự kiện lạ thường. Trong nền văn học Trung Hoa còn đề cập đến Bát Tiên là những người sống rất dài lâu, tuổi thọ của những vị Bát Tiên này chưa thấy sách sử nào ghi chép. Nói chung, dù có sống 700 năm như Bành Tổ thì cũng phải đến tuổi già, cái già vẫn kéo theo cái chết. Trước khi chết, bệnh tật xuất hiện. Quy luật này không bao giờ từ chối một ai, không bao giờ từ chối bất kỳ sự vật hiện tượng nào. Con người phải thừa nhận nó. Hãy sống chung với nó thì mới có thể vượt qua nỗi khổ về nó.
Già nua trên thân thể vật lý. Sự già nua về thân thể hiện ra rất rõ, mái tóc hoa râm, nếp nhăn trên trán, gối mỏi chân chùng, những bệnh tật, mắt mờ, tai lãng,… Tất cả biểu hiện vật lý đó dẫn đến tiến trình già nua của thân. Sự già nua này làm cho con người cảm thấy chán nản mỗi khi đối diện trước gương. Nỗi buồn xuất hiện thay thế niềm vui. Cái già của thân được diễn ra theo quy trình thông thường được gọi là “lão hóa tự nhiên”, khoa học gọi là “thuyết hao mòn vật lý”. Những vật dụng ly tách, bàn ghế, áo quần,… đều có tuổi thọ. Nếu sử dụng thiếu phương pháp, tuổi thọ của chúng sẽ giảm. Độ hao mòn là một trong những tiến trình cọ sát vật lý rất cần thiết diễn ra khi con người trù dập sức khỏe bằng cách không tưới tẩm những hạt giống của hạnh phúc. Nhà Phật dạy “đừng bao giờ để thân thể này bị trù dập bởi dòng cảm xúc không vui”. Khi nỗi khổ niềm đau xuất hiện, hãy đi bách bộ một cách nhẹ nhàng thong dong, tiếp xúc bầu trời xanh, không khí trong lành, lắng nghe tiếng chim hót. Lúc bấy giờ sự căng thẳng của não trạng vật lý sẽ giảm xuống.
Về phương diện y học, sự lão hóa thông thường của vật lý được gọi là “Thuyết tự miễn”. Tiến trình này được diễn ra là do các tế bào của hệ miễn nhiễm tấn công những tế bào bình thường. Sự tấn công đó tạo đấu trường trong cơ thể. Tế bào cũ bị thay thế bởi những tế bào mới. Thay thế càng nhiều thì sự già nua càng diễn ra nhanh chóng. Người tiêu thụ quá nhiều và thiếu phương pháp thì tiến trình già nua diễn ra nhiều hơn. Người không có điều kiện hưởng thụ “sơn hào hải vị” chưa chắc là khổ đau. Nó có thể là một trong những cửa ngõ của hạnh phúc nếu người đó biết hài lòng, “thiểu dục tri túc”.
Tuổi già và đãng trí
Một ông lão mang chứng bệnh đãng trí tìm mọi phương cách để nhớ lại những gì ông đã làm trong ngày. Ông dùng sổ tay ghi chú những điều cần thiết. Sợ quên, ông viết trên bảng để dễ dàng nhìn thấy, ấy thế mà ông vẫn quên. Ngày hôm đó ông quyết tâm lớn hơn. Ông mua thêm hai quyển sổ tay nữa, viết ba lần trong ba quyển sổ tay và một lần ghi trên bảng đen. Nhưng vì bận rộn ông xóa bảng đen ấy, ông lui hui cặm cụi việc trong nhà, đến tối ông nhớ mình còn việc gì chưa làm, nhìn lên thì bảng đã xóa, ông đi loanh quanh tìm quyển sổ nhưng cũng tìm mãi không ra. Đến một giờ sáng ông tìm thấy quyển sổ, trong sổ có ghi “Nhớ hôm nay đi ngủ sớm, lúc chín giờ”.
Bệnh hay quên hay bệnh mất trí nhớ là một trong những biểu hiện thông thường về phương diện sinh học của những người có tuổi. Khi con người đạt sáu mươi tuổi trở lên, các hoạt động của noron thần kinh yếu dần, khả năng nhớ của con người giảm đi. Cũng có rất nhiều người trẻ thỉnh thoảng rơi vào tình trạng này khi tâm bị cột vào sự việc, vào nỗi lo, nỗi khổ. Khi để tâm bị trói cột vào dòng cảm xúc mang chất liệu của buồn đau thì những cái cần thiết để nhớ, người ta không nhớ được. Hoặc một người nào đó quá bận rộn với công việc, buông việc này lại có việc khác để làm. Tình trạng đó tạo ra trạng thái làm việc căng thẳng của chức năng bộ nhớ. Nhớ và quên trở thành phản ứng lẫn lộn trong rất nhiều người.
Đến tuổi già, các hoạt động của giác quan bắt đầu giảm dần, trí nhớ kém đi, nhận thức phân biệt, cách thức ứng xử sinh hoạt không còn nữa. Tất cả điều này được xem như đặc điểm của tuổi trẻ, tuổi già phải chấp nhận một sự thật “lực bất tòng tâm”. Những điều muốn lại không làm được, những điều không muốn thì phải đối diện. Càng đối diện càng cảm thấy bực dọc. Con người luôn luôn sống trong tình huống phải giải quyết những chuyện không muốn, những chuyện muốn lại cất cánh bay cao. Phản ứng tâm lý này được kinh điển nhà Phật gọi là “cầu bất đắc khổ”, những ước muốn không đạt được mang lại nhiều nỗi khổ đau.
Già về tâm lý
Sự già nua thứ hai được gọi là “già tâm lý”, tạo trạng thái chán nản thất vọng và rất nhiều sự bế tắc. Khi tâm già cỗi thì dù người đó hai mươi tuổi cũng không có hướng đi để mang lại giá trị hạnh phúc. Vì thế không nên để tâm bị già cỗi. Tâm già cỗi được diễn ra theo nhiều cách thức khác nhau. Một trong những cách thức đó là sự chán nản, thất vọng. Hai thái độ tâm lý này làm cho tâm trở nên bế tắc. Chán nản là ổ khóa. Thất vọng là nhà tù. Ổ khóa này nhốt con người trong nhà tù của cảm xúc bế tắc. Khi thấy dòng cảm xúc của chán nản và thất vọng xuất hiện thì hãy lập tức chuyển đổi dòng cảm xúc này bằng một dạng cảm xúc tích cực khác. Chuyển đổi bằng phương pháp thay thế những giá trị tích cực lắp vào dòng cảm xúc tiêu cực. Sẽ rất khó nếu từ bỏ nó một cách tuyệt đối.
Khuynh hướng tâm lý thông thường của con người là tìm cái gì đó để bám víu. Không biết cách, con người bám tâm vào dòng cảm xúc buồn sẽ bị khổ đau, tuổi già xuất hiện, giá trị của đời sống mất hết ý nghĩa của nó. Hãy thay thế nó bằng cách thức đơn giản và nhẹ nhàng. Khi tâm đang buồn, đừng nên nằm một chỗ, nghe những bản nhạc ảo não mà hãy dấn thân vào công việc để tâm không còn cơ hội nhớ đến nỗi buồn. Phương pháp thay thế này rất đơn giản. Cũng không nên có thái độ “đèn nhà ai nấy tỏ”. Hãy sống bằng tình thân, tình thương, thiết lập nhịp cầu thân ái với tất cả những người xung quanh, dù không ruột thịt, tạo ra phản ứng cảm thông, hiểu biết, tha thứ và chịu đựng.
Tâm lý của tuổi già là một trong những góc độ quan trọng không thể bỏ qua nếu muốn đời sống mình được hạnh phúc. Tâm lý phức tạp này có bốn loại cơ bản:
Tâm lý sợ trở nên phổ biến ở tuổi già như sợ bệnh tật, khuyết tật, vô vị, cô đơn, bị người khác cô lập khinh khi. Càng sợ thì hạnh phúc càng mất, sợ cái chết thì cái chết diễn ra đau đớn hơn. Sợ bệnh tật, bệnh tật sẽ hoành hành nhiều hơn. Vấn đề là đừng nên sợ mà hãy tìm kiếm nguyên nhân sự sợ hãi có mặt. Ví dụ, nếu nỗi sợ đó liên hệ đến cái già, làm cho mình mất nghề nghiệp, việc làm, sự tôn trọng, tất cả những gì mà mình đóng góp thì hãy tìm các loại hình lao động thích hợp với tuổi già để cho cái mất đó thay thế bởi những cái được khác. Đừng sợ tuổi già, cái chết, nếu có sợ chăng thì hãy sợ lương tâm, những sai trái, những việc làm vô ý nghĩa. Tư tưởng nhà Phật dạy câu rất sâu sắc: “Đừng bao giờ sợ nhân mà hãy nhìn thấy những quả tốt của nó”. Khi nhìn thấy quả tốt, chúng ta sẽ gieo trồng nhân tốt. Ngược lại, đừng bao giờ sợ quả khổ đau mà hãy sợ những hạt giống không tích cực. Vì hạt giống khổ đau sẽ tạo quả khổ đau. Sát thực hơn, người trí thức không bao giờ sợ quả khổ đau mà sợ những hạt giống tạo ra sự khổ đau. Đừng sợ quả già, quả cô đơn, quả bệnh tật mà hãy sợ nguyên nhân tạo ra chúng. Sợ nguyên nhân tạo ra khổ đau là đã giải quyết được khổ đau 50%. Nhận thấy được tiến trình diễn ra của nó như một quy luật thì hãy chặn đứng ngay gốc rễ của nó khi chưa nảy mầm. Nhà Phật cho rằng “không nên sợ mà hãy gieo trồng hạt giống để sự sợ hãi đó không có mặt”.
Tâm lý cô đơn
Cô đơn là kẻ thù của hạnh phúc, kẻ thù của người già, làm con người sống mất đi ý nghĩa. Trong cô đơn người ta có khuynh hướng tìm đến tình bạn hơn là chia sẻ với những người trong gia đình. Nhiều người phóng thích sự cô đơn bằng cách du lịch khắp nơi trên thế giới. Người khác thì tìm đến phương tiện giải trí. Những phương pháp này không hiệu quả lâu dài. Nếu không thiết lập được những hạnh phúc trong đời sống sinh hoạt gia đình thì sự tìm kiếm bên ngoài chỉ mang tính chất tạm thời. Sau những giờ phút vui chơi bên ngoài, trở về với gia đình, nỗi cô đơn vẫn tiếp tục diễn ra. Vì thế, hãy thiết lập những hạnh phúc trong gia đình.
Cô đơn nguy hiểm nhất là cô đơn về cảm xúc: Cảm xúc có thể tạo ra những phản ứng ảo. Do đó, hãy tìm giải pháp thiết lập tình thương trong gia đình và trong những sinh hoạt tập thể. Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn có nghìn tay nghìn mắt, bàn tay tượng trưng cho hành động, lao động tay chân hay lao động trí óc. Cần phải tìm gì đó để làm. Việc làm tạo ra tiến hóa, tạo ra thành tựu. Nhà Phật gọi đó là “tinh tiến”. Tinh tiến là chuỗi dài những việc làm tạo ra nghề nghiệp và sự thăng tiến. Nếu việc làm phục vụ giá trị kinh tế cho bản thân và cho hạnh phúc gia đình thì việc làm này cũng tạo thành trì của bản ngã, vị kỷ nhỏ nhoi. Ta giàu ta hưởng, không bận tâm đến người nghèo thì tài sản và bàn tay lao động đó có giá trị rất ít. Bàn tay lao động này phải là bàn tay của tình thương. Lao động phải mang tính chia sẻ, giúp đỡ những người đang có nhu cầu. Nếu không có phương pháp, bàn tay tình thương này có thể rơi vào trạng thái cảm tính diễn ra theo quy luật “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”. Khi thương một người nào đó người ta có thể ủng hộ, tán đồng, a dua theo kiểu “nhất hô bá ứng”. Còn khi không tán đồng, dù khuynh hướng đó đúng người ta vẫn phớt lờ. Đức Phật dạy “nếu ứng xử theo kiểu bè phái liên minh, vĩnh viễn người đó không được hạnh phúc”. Bàn tay phải là bàn tay của từ bi. Từ bi được dẫn đạo và nhận thức sáng suốt. Chính vì thế trong mỗi bàn tay đều có một con mắt. Con mắt tượng trưng cho nhận thức, trí tuệ và giải pháp. Khi có giải pháp, con đường, bàn tay tình thương này mới có thể mang lại hạnh phúc cho người và cho bản thân.
Cô đơn thứ hai được gọi là cô đơn xã hội: Diễn ra theo cách thức phe phái, liên minh, băng nhóm… Tự cô lập mình trong đoàn thể, nhóm. Mỗi đoàn thể, mỗi nhóm có nhiệm vụ chức năng chuyên biệt, nội quy, khuynh hướng khác nhau. Ai không cùng khuynh hướng sẽ bị loại ra. Đó là cô lập xã hội. Ai sống trong môi trường cô lập xã hội sẽ có trạng thái cô đơn xã hội. Cô đơn xã hội xuất hiện rất nhiều trong chiến tranh, đặc biệt thời hậu chiến, chiến tranh lạnh diễn ra. Người ta trù dập lẫn nhau bằng cách trù phạt kinh tế với những nước họ không thích. Việt Nam đã từng bị trù phạt kinh tế bởi thế giới phương Tây. Đó là trạng thái cô lập xã hội. Sự cô lập xã hội này nguy hiểm, tạo ra bè phái, cạnh tranh loại trừ dẫm đạp lẫn nhau. Nếu không khéo, trong một tập thể của đời sống cũng có những liên minh như vậy. Nỗi cô đơn xã hội bắt đầu có mặt. Cô đơn xã hội là sự phá hoạt rất lớn cho đời sống cộng đồng. Muốn được hạnh phúc trong tuổi già hay tuổi trẻ, điều tiên quyết là phải loại trừ được trạng thái cô đơn xã hội. Đừng cô lập người khác bằng việc thiết lập các liên minh. Hãy thiết lập tình thân, lòng nhân ái, nới rộng nhịp cầu vòng tay với nhau. Dần dần những sự khác biệt sẽ là những yếu tố bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Ai cũng được quyền cạnh tranh, nhưng cạnh tranh lành mạnh, để cùng tiến bộ và cùng hân hoan. Cạnh tranh loại trừ là một trong những cách thức mang lại khổ đau rất lớn.
Cô đơn thứ ba là trạng thái cô lập: Nhiều người sống lập dị vì thấy tính khí mình khác người. Người khác không phù hợp nên mình không chấp nhận, tự đứng riêng ra một thế giới, tách rời ra khỏi những người còn lại. Sự cô đơn trong tự lập này cũng rất nguy hiểm, vì có thể dẫn đến trạng thái chán nản thất vọng, nổi loạn, bất cần. Rất nhiều người đã từng tâm niệm như vậy. Càng tâm niệm như vậy họ càng bế tắc nhiều hơn, tự cô lập nhiều hơn, cuối cùng không có lối thoát.
Muốn sống hạnh phúc trong tuổi già, bằng cách ta phóng thích nỗi cô đơn trong tâm khảm, thiết lập bạn bè, tìm những người bạn thân, những người cùng chí hướng thì trạng thái cô đơn sẽ giảm đáng kể.
Trở về tuổi hồn nhiên
Người lớn tuổi có khuynh hướng sống với người trẻ, những trẻ con. Đây là trạng thái rất hiển nhiên. Cách ứng xử của người lớn tuổi như: Vui cười, buồn khóc, ăn uống sinh hoạt đã làm cho rất nhiều người con khổ tâm vì nghĩ cha mẹ ông bà mình đổi tính. Nên tự chăm sóc trạng thái tâm lý của tuổi già để phản ứng và thái độ ứng xử đó không xuất hiện. Nền văn học Trung Hoa có nhân vật tên “lão ngoan đồng Chu Bá Thông”. Chu Bá Thông là tay võ thuật cao cường. Ông già trên bảy mươi lăm tuổi, tóc bạc phơ, ứng xử như một trẻ thơ với những nụ cười rất hồn nhiên. Vì vậy ông có biệt hiệu “ngoan đồng”, “đồng” có nghĩa là trẻ thơ, “ngoan” là vô tư hồn nhiên không tính toán. Trạng thái đó đã đem lại hạnh phúc cho bản thân ông và cho rất nhiều người.
Thời trai trẻ, Chu Bá Thông đã thương yêu hoàng hậu. Phần hoàng hậu, vì quý tài năng của ông nên đã sống với ông. Hạnh phúc gia cang của nhà vua tan vỡ đến nỗi nhà vua đã đi tu và trở thành một vị hòa thượng. Sau khi đi tu, nhà vua hiểu quy luật vô thường rằng tất cả mọi bất hạnh trong cuộc đời có thể diễn ra và sẽ tan biến nếu dòng cảm xúc không bị thắt chặt. Hiểu được nguyên lý vô thường đó, nhà vua không còn bận tâm về cuộc đời, không oán giận Chu Bá Thông và hoàng hậu. Ông buông xả tất cả, sống rày đây mai đó, giảng kinh thuyết pháp, đem lại hạnh phúc cho người có duyên. Dấn thân chia sẻ sở hữu tài sản của mình. Hạnh phúc có mặt, tuổi già đã làm ông không khổ đau khi phải nhớ về nỗi bất hạnh trong quá khứ.
Chu Bá Thông lại khác, mỗi lần hồi tưởng về sự bất hạnh đã gây ra cho nhà vua, ông cảm thấy khó chịu. Sự khó chịu đó phải được thay thế bằng trạng thái ngoan đồng, nhảy nhót ca hát ứng xử như trẻ thơ để tìm quên những điều lương tâm cắn rứt. Đạo đức làm cho ông mặc cảm tội lỗi nên phải tìm những viên thuốc giảm đau của trạng thái sống trở về tuổi thơ.
Theo tinh thần nhà Phật, đó là một trong những giải pháp nhưng chưa phải là giải pháp tối ưu. Bởi vì mặc cảm tội lỗi là một trong những bế tắc. Hãy ý thức về tội lỗi nếu có, để tìm cơ hội vươn lên, đừng bao giờ tái phạm. Bất cứ ai cũng có thể làm lại cuộc đời. Nếu chiếc áo đã bẩn, hãy dùng thuốc tẩy để tẩy vết bẩn ấy; nếu không còn có thể tẩy được, hãy thay bằng chiếc áo mới. Chiếc áo mới đó đối với đời sống con người là gì? Đó là mới về tâm, tính tình, nhân cách và đạo đức. Chiếc áo mới nhân cách sẽ làm cho con người trở nên mới hoàn toàn. Quá khứ trôi qua, không ai còn nhìn người đó với hình ảnh xa xưa nữa. Hãy sống với hạnh anh nhi, hạnh trẻ thơ hồn nhiên tư lự, ít tính toán thiệt hơn, ít hận thù, sân hận. Bỏ hết tất cả những thái độ đó, dù tám mươi tuổi, con người vẫn luôn là những người rất thanh xuân. Nụ cười hồn nhiên phát xuất từ cảm xúc, nhận thức thì hạnh phúc mới có mặt lâu dài để tống khứ nỗi cô đơn, sợ hãi, sự chán chường nhân tình thế thái. Tốt nhất hãy chuyển hóa nó bằng cuộc sống tích cực hơn với những nụ cười trên môi. Khi hiểu được nguyên lý này, tất cả mọi người hãy chăm sóc hạnh phúc cho bản thân một cách có nghệ thuật và thành công.
Tâm lý mặc cảm tự ti
Sống với tuổi già, nếu không biết cách, nỗi khổ niềm đau sẽ có mặt. Mỗi khi nhìn cô thiếu nữ, chàng thanh niên làm được rất nhiều việc, nhiều người mến, sự đóng góp của họ mở ra giá trị trong cuộc đời, thì những người lớn tuổi cảm thấy bùi ngùi nuối tiếc về thời thanh xuân mà khi đó có thể mình còn mạnh hơn, đẹp hơn chàng thanh niên thiếu nữ này. Trạng thái nuối tiếc có thể làm cho con người cảm thấy vô cùng khó chịu. Sự khó chịu đó là một sung lực có giá trị ảo tỏa bên ngoài, phủ trùm dòng cảm xúc, làm cho nhận thức của con người bấy giờ chìm vào trạng thái tâm lý mặc cảm và tự ti.
Mặc cảm vì biết rằng bây giờ người ta sẽ không còn trọng dụng mình nữa, tự ti vì biết rằng bây giờ mình không còn đủ sức như những người thanh niên, không thể làm được nhiều việc như họ đang làm. Mặc cảm và tự ti đẩy con người vào sự bế tắc của dòng cảm xúc, và mở ra nhiều hướng bế tắc khác. Có người giam nhốt sự bế tắc này bằng cách cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao trong xã hội để không có cơ hội nhìn thấy người khác làm được những việc mà mình không còn làm được. Những cảnh tượng, trạng thái mặc cảm tâm lý đẩy con người vào hoàn cảnh sống cô cập tự thân với cuộc đời, với tha nhân. Bế tắc lại càng trương sình, nỗi khổ niềm đau càng chất chứa bơm vào như chiếc bánh xe. Sự trương phồng này có sức chịu đựng nhất định. Nếu không có phương pháp phóng thích nó một cách an toàn và có nghệ thuật thì nỗi khổ niềm đau của sự trương phồng cảm xúc này sẽ làm cho bánh xe thân thể, bánh xe hạnh phúc bị nổ tung.
Không cần đợi đến tuổi già, chỉ cần thiếu phương hướng là người thanh niên, thiếu nữ vẫn có thể rơi vào trạng thái mặc cảm khi so sánh mình với người khác. Không nên bận tâm so sánh để mặc cảm, tự ti mà hãy nhìn thấy rằng tất cả mọi người như những đóa hoa, mỗi hoa một vẻ. Tập hợp những đóa hoa này thì giá trị của nhau sẽ được đề cao. Nếu cuộc đời chỉ toàn hoa hồng thì hoa hồng sẽ trở nên đơn điệu, không ai thấy được giá trị đóng góp của nó. Nhờ có hoa hồng mà hoa cúc được nổi bật, nhờ hoa màu trắng mà hoa màu đỏ thêm hương sắc. Tất cả hỗ trợ nhau, cái này làm cho cái kia đặc sắc, cái khác làm nền cho cái này được nổi bật.
Vẻ đẹp của cuộc đời là một sự tổng hòa. Giá trị của hạnh phúc được kết nối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau. Tuổi già, tuổi trẻ, sự bất hạnh, sự thuận lợi,… đều là những viên gạch để xây dựng hạnh phúc. Nếu chưa gặp bất hạnh, chưa chắc người ta có thể đong đo được giá trị hạnh phúc thật. Một lần bất hạnh, một lần khổ đau, nếm những hương vị đắng cay thì khi tiếp xúc những hương vị ngọt, người ta mới cảm nhận giá trị của nó. Cho nên, nỗi khổ niềm đau, sự bất hạnh chính là một trong những viên đá làm nên một phần của con đường hạnh phúc. Đừng buồn, đừng thất vọng, đừng chán chường. Sự vô định mất phương hướng dễ đẩy con người vào mức độ bất hạnh cao hơn.
Cũng đừng tự đặt mình vào sự hên xui may rủi mà hãy hoạch định một kế hoạch cho đời sống, cho tương lai. Phải hoạch định rõ ràng, phương hướng hạnh phúc, dù chưa đạt được vẫn có thể mang lại niềm hân hoan. Bế tắc nằm ở chỗ nào hãy tháo gỡ ngay chỗ đó. Trốn chạy chỉ là một giải pháp giảm đau. Thuốc giảm đau có tác dụng tạo sự thoải mái nhất thời nhưng không thể trị triệt tiêu các chứng bệnh đang mang trên cơ thể. Cho nên, đối đầu với thực tại khổ đau mới có cơ hội tháo gỡ những bế tắc hiện tại.
Đừng để tâm già cỗi
Để trị liệu tâm già cỗi, điều cần làm là thay thế dòng cảm xúc tiêu cực bằng những hoạt động của tay chân. Hoạt động tay chân tạo phản ứng sinh học làm cho não trạng bớt căng thẳng, các cơ bắp mỏi mệt sẽ mang đến trạng thái hân hoan về tinh thần. Đây là sự thật, ai càng lao động sẽ càng thấy niềm vui, niềm vui của đóng góp và phục vụ. Tại phương Tây trước kia, tuổi về hưu theo quy định là năm mươi lăm.
Sau thời gian dài nghiên cứu, người ta thấy người phương Tây tuổi thọ ngày càng giảm, vì khi về hưu không còn làm việc nữa, nỗi cô đơn và bệnh tật xuất hiện. Khi thay thế bằng hoạt động của tay chân, con người có cơ hội phóng thích nỗi cô đơn ra ngoài. Nhà Phật dạy “đừng bao giờ ém nỗi khổ niềm đau trong tâm”. Ức chế sẽ tạo ra phản ứng mạnh. Hãy quan sát ống khói của căn nhà. Nếu bịt ống khói lại căn nhà này sẽ ngột ngạt, khí CO2 khống chế không khí oxy, cái chết sẽ diễn ra. Khi con người phải đối đầu với những làn khói bị bít lối về sự bất hạnh, đời sống vô định, một tương lai không phương hướng, bệnh tật, thất tình,… tất cả những thứ này là chính khí CO2 đang khống chế. Nếu không mở nắp ống khói trong ngôi nhà sức sống, nhận thức và cảm xúc của mình thì con người sẽ chết trước khi cơn bệnh chinh phục. Hãy mở ống khói ra một cách có nghệ thuật thì tất cả những khói tồn đọng trong cơ thể sẽ thoát ra ngoài. Đó là nghệ thuật thay thế, thay thế khí CO2 bằng khí Oxy. Đừng để tâm già cỗi, khi tâm già cỗi bởi những cơn nghiện, những thói quen thái độ tiêu cực, hãy dấn thân vào lao động để tâm được nhẹ nhàng thư thái.
“Làm thế nào để có được hạnh phúc trong tuổi già?” Câu hỏi lớn này không phải ai cũng tìm ra được lời giải đáp.
Nghệ thuật sống hạnh phúc trong tuổi già không có nghĩa là kéo dài tuổi già này ra thêm một trăm hay hai trăm năm như quy luật trường sinh bất tử, mãi mãi là ước mơ không bao giờ trở thành hiện thực của Lão giáo. Nhà Phật không dạy phương pháp trường sinh bất tử mà dạy con người sống có nghệ thuật và sống hạnh phúc, bởi vì bản chất của đời sống không nằm ở chiều dài thời gian con người có mặt. Sống bao nhiêu tuổi không quan trọng, quan trọng là sống như thế nào trong vòng tuổi này. Đó mới chính là chất lượng của đời sống. Nếu biết đầu tư tạo ra nhiều chất liệu cho đời sống thì chắc chắn tuổi già có hạnh phúc và tuổi thọ sẽ kéo theo sau.
Hạnh phúc là một trong những chất bổ quan trọng làm tiến trình lão hóa diễn ra một cách chậm chạp hơn, ý nghĩa đời sống kéo dài tuổi thọ của con người nhiều hơn. Bản chất của đời sống nằm ở hạnh phúc. Bản chất của tuổi thọ lệ thuộc vào hạnh phúc. Biết cách để vuông tròn hạnh phúc thì tuổi thọ sẽ có mặt. Hãy hướng đến hạnh phúc bằng cách sống có ý nghĩa trong cuộc đời. Đừng bận tâm đến tuổi già, đến những bất hạnh, những điều diễn ra không như ý.
Đừng chạy trốn nỗi đau
Có được hạnh phúc trong sự sống sẽ có hạnh phúc trong cuộc đời. Nếu hạnh phúc vắng mặt, dù ở tuổi thanh xuân hay tuổi già, thì nỗi cô đơn buồn chán, vô vị vẫn luôn diễn ra mà đôi lúc người ta giải quyết nó bằng những cách thức rất tiêu cực. Dĩ nhiên không ai muốn nhưng sự thất bại, nỗi khổ niềm đau dồn dập đôi lúc làm mất phương hướng, họ chọn những giải pháp hoàn toàn không có ý nghĩa. Cần tâm niệm đừng để “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Nguyên nhân của nỗi khổ niềm đau nếu không được tháo gỡ, có chạy trốn thế nào đi nữa, nó vẫn bám theo.
Trong đàn chim nọ, một con chim khách non vốn được quan niệm trong nền văn hóa Việt Nam và Trung Hoa là con chim mang lại niềm hỷ lạc, hạnh phúc. Con chim thứ hai là con chim cú rất già, tiếng hót của nó được quan niệm báo hiệu điều bất hạnh. Khi tiếng hót chim cú vang lên, người cầm đá, kẻ cầm súng bắn, chọi, xua đuổi. Trong khi chim khách vừa trẻ trung, vừa hót hay, tạo thiện cảm và sự mong đợi ở nhiều người. Một hôm, vì bức xúc trước cảnh bị xua đuổi và ghét bỏ, chim cú đã đến từ giã chim khách để đi nơi khác. Con chim khách cảm thấy chim cú già rất đáng thương, tuổi già có thể làm chim cú không thể kiếm mồi, cộng với nỗi buồn cô đơn sẽ làm chim cú chết sớm hơn.
Trốn chạy nỗi khổ niềm đau không phải là giải pháp tích cực. Cách thức giải quyết trước nhất, phải xác định bế tắc của khổ đau nằm ở chỗ nào, tại sao nó có. Nó do bản thân tạo ra hay do sự hiểu lầm của cuộc đời,… Muốn tìm kiếm hạnh phúc thì đầu tiên phải xác định nguồn gốc của khổ đau. Xác định được nguồn gốc của khổ đau là đã giải quyết được 50%, 50% còn lại là giải pháp, là con đường chứ không nên dồn bản thân vào ngõ cụt.
Sống với khát vọng
Nếu sống là phương tiện cần thiết thì bản chất của đời sống tạo ra những khát vọng. Khát vọng đời sống đẩy con người về phía trước, tạo niềm tin, đặt con người vào những quỹ đạo buộc phải đi, không đứng lại. Việc đứng lại làm con người trở nên lạc hậu. Do đó cần phải đi, đi trên con đường tích cực, con đường hướng thượng, thì con người mới có thể biến tuổi già trở nên trẻ trung trở lại.
Có những việc gây ra mất mát, tạo rất nhiều sự hối tiếc về sau, nhưng cũng có những việc mở ra khung trời tươi sáng với vô vàn niềm hân hoan vui vẻ. Khát vọng liên hệ trước tiên là chất lượng đời sống, thứ hai là tuổi thọ đời sống. Chất lượng đời sống được rất nhiều người quan niệm là vật chất sung túc làm cho con người có được ngoại diện ấn tượng đẹp ở người khác. Dĩ nhiên những điều đó vẫn là một trong các cửa ngõ của hạnh phúc, nhưng hạnh phúc không đơn thuần chỉ nằm ở chỗ này, bởi vì bản chất của hạnh phúc thuộc về dòng cảm xúc. Dòng cảm xúc có thể vượt lên trên và tách lập với đời sống vật chất. Người sống đơn giản mộc mạc nhưng chất liệu đạo đức và tình người phong phú vẫn được xem là người sống hạnh phúc.
Bản chất của hạnh phúc liên hệ đến chất liệu của đời sống con người. Chất liệu đó liên hệ đến nhân phẩm, cá tính, phẩm hạnh hơn là những gì thuộc về đời sống vật chất. Nếu quan niệm hạnh phúc là niềm hân hoan của các phản ứng giác quan khi mắt được xem những cảnh đẹp, tai nghe âm thanh êm dịu, thân thể xúc chạm với những sự thích hợp, mũi ngửi những hương vị thơm tho, lưỡi nếm những vị ngon lành từ sơn hào hải vị,… Tất cả tạo ra cảm giác dễ chịu khoan khoái, nhưng kinh điển nhà Phật cho rằng “đó là mức độ thấp nhất của hạnh phúc”. Đôi lúc nếu không biết cách chuyển hóa và đặt nó vào hướng tích cực, các phản ứng giác quan của mắt tai mũi lưỡi thân ý sẽ tạo ra nhiều sự nuối tiếc về sau.
Hướng đến phía trước
Nếu cứ quan niệm con đường mình đi dài đăng đẳng, thì người đó vĩnh viễn không bao giờ có thể tìm thấy một con đường. Hãy cứ đi về phía trước. Đi như thế nào?. Nhà Phật đưa ra một ẩn dụ: “Sau lưng là vực thẳm, trượt một chút là có thể mất mạng, phía trước là núi cao, leo không khéo có thể té ngã và chết, đứng tại chỗ thì một cơn gió thổi qua vẫn có thể chết”. Vấn đề là hãy tìm cuộc sống, dù cuộc sống đó có thể le lói như một ngôi sao trong màn đêm. Con đường thoát duy nhất trong tình huống này là hãy leo lên núi cao. Bên kia núi sẽ có đường để thoát. Việc đứng tại chỗ than vãn cuộc đời, càng than vãn, nỗi khổ niềm đau càng gia tăng. Càng dậm chân tại chỗ, chấp nhận số phận, sự an bày thì nỗi khổ niềm đau sẽ hoành hành nhiều hơn. Giải pháp duy nhất là phải phấn đấu với niềm lạc quan, hy vọng. Đừng tự giam nhốt bản thân trong sự bế tắc mà hãy tìm giải pháp chân chính, lâu dài và bền bỉ.
Cấp độ cao của hạnh phúc là đời sống tinh thần, cao hơn đời sống tinh thần là đời sống tâm linh. Những chất liệu này không liên hệ đến của cải vật chất. Do đó người nghèo vẫn có thể có được hạnh phúc. Không bận lòng, mặc cảm về thân phận, hoàn cảnh bất hạnh của mình mà tìm kiếm đến những giá trị hạnh phúc cao hơn, đó là hạnh phúc tinh thần. Khát vọng đời sống dẫn con người đi trên con đường tìm kiếm, mặc dù không phải sự tìm kiếm nào cũng có thể tạo ra hạnh phúc. Hãy quan sát tình trạng một con cá đang nằm trong mực nước thấp dần khi thuỷ triều xuống, chúng vùng vẫy, nhảy vọt lên rồi rơi xuống, nước bắn tung tóe lên bờ, nhưng bế tắc vẫn là bế tắc. Khi lâm vào tình huống gặp rất nhiều bất hạnh như vậy, điều quan trọng là không nên ứng xử theo phản ứng con cá. Hãy bình tĩnh tìm kiếm gốc rễ của phản ứng bế tắc đó là gì, tại sao bất hạnh này lại đến, tại sao nỗi khổ niềm đau có mặt,… Chỉ cần đặt những câu hỏi “tại sao?” thật lớn với sự sáng suốt, bình tĩnh, sớm muộn cũng sẽ tìm ra những nguyên lý căn bản gắn mình vào sự vướng víu không cần thiết. Khi nhận chân sự sai lầm trong bế tắc, lúc bấy giờ con người sẽ có hướng để sống.
Có những con cá đang tung tăng dưới nước. Dù nước không cạn nhưng trên mặt nước lại có những vết dầu loang. Nếu con cá mở to miệng ngáp vào những vết dầu loang đó, nó sẽ chết vì nhiễm độc. Con cá phải lao ra phía trước, tìm hướng đi để thoát khỏi vết dầu loang. Vấn đề không phải là tìm kiếm những phương pháp chữa lửa mà hãy tìm kiếm những cách thức lâu dài nhằm thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại, hướng đến tương lai của hạnh phúc, tương lai của đời sống thật sự có ý nghĩa.