Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Màu Thu Cao Nguyên

Màu Thu Cao Nguyên

Email In PDF

Nguyễn Thánh Ngã

Người ta thường nói có đủ 4 mùa trong một ngày Đà Lạt. Hẳn điều đó đã được đúc kết từ những cảm nhận tinh tế của hàng vạn du khách. Tuy nhiên ít ai nói tới màu thu, tức màu chiều trong không gian mùa thu. Một màu xúc động huyền bí và cô đơn…

Gần giống như trạng thái thiền. Khi ta rũ bỏ được chút bụi trần gian, đứng một mình nơi tĩnh lặng ngắm chiều rơi trên phố núi, liền nhận ra một màu lam huyền rất lặng lẽ. Có lẽ mỗi chiếu Đà Lạt đã là thu, lại ở trong tiết mùa thu, nên cái màu dành cho sự cảm thụ này trở nên rất thiêng với mỗi người. Có người cả đời ở Đà Lạt tất bật áo cơm, rồi đến tuổi “gió heo may đã về” mới nhận ra chút màu ám ảnh kia. Có người mới nói đến đã nhận ra, đã yêu và gắn bó không rời. Ấy là những nghệ sĩ của muôn phương. Họ thu hút dải ánh sáng nọ làm tiếng nói đích thực của hồn mình. Vì vậy có thể nói Đà Lạt là một trong những nơi đẹp nhất có nhiều văn nghệ sĩ đến “ở trọ” trong phố màu huyền bí đó. Họ đến gặp gỡ và thụ hưởng. Và họ đi, vẫn mang trong tiềm thức cái màu một thời làm sóng sánh tâm hồn. Không phải ngẩu nhiên mà Yersin tìm ra Đà Lạt. Có lẽ một chiếu thu nhớ nhà, cô đơn đứng dưới chân đèo xa lạ, vị bác sĩ đã tìm thấy trời Cao nguyên một thứ màu phảng phất màu thu ở quê ông. Sau này những biệt thự kiểu Pháp mọc lên trong lòng Đà Lạt đã nói lên ít nhiều về khoảng không gian có gam màu phảng phất nọ. Mỗi nhà một lò sưởi, một ống khói vươn cao giữa khoảng trời thu có màu xanh trong veo của lá kim ánh xạ ráng chiều…Bây giờ tất cả đã ùa vào trong không gian tranh của Vi Quốc Hiệp, làm nên hốn vía của màu thu cổ kính. Một không gian Đông Tây phối hợp, mà chỉ một Đà Lạt, một Sapa…còn giữ được. Chỉ tiếc rằng tính nguyên vẹn thì đên mức quý hiếm rồi…

Nhưng Đà lạt vẫn còn đó, Hồ Xuân Hương thấp thoáng cánh chim tìm về rừng Bidoup. Đồi Cù thơ mộng ngước lên đỉnh Langbian mây trắng, có lúc ngỡ  như đôi bầu sữa mẹ, mớm cho những đứa con phiêu lãng “chất người bay đến những chân trời”. Và không ai không biết đến một “Đà Lạt hoàng hôn” để “lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ” này một màu trời pha loãng cùng tiếng chuông trầm lắng của Linh Sơn tự; hay tiếng chuông rộn rã của tháp nhà thờ Con Gà trôi trong mây. Chỉ bất ngờ thôi, một màu thu lênh loang giữa không gian cô tịch, trùm xuống đồi thông, tràn qua thung lũng, len lõi qua từng góc phố, bước chân làm vương vương một chút buồn nhè nhẹ…

Tôi biết không bao giờ tôi có thể quên cái cảm giác lần đầu tiên nhận ra màu thu Cao nguyên. Đã vài lần lên tới đỉnh Langbian va chạm mây trắng, nhưng có một lần may mắn nhất được tắm mình trong màu thu tuyệt đẹp. Bởi màu thu hoang dại khó tìm, giữa vô vàn khối màu hiện đại. Và cái vị trí đỉnh núi đặc biệt thoáng đãng để cho “thị giác lắng nghe” cũng là một độc đáo khác nữa. Nếu bạn muốn cả thính giác được thu nhìn thì hãy lên đỉnh Langbian. Bạn đừng nghĩ tôi viết sai khi “thị giác lắng nghe” mà “thính giác thu nhìn”. Đó là cách người bản địa K`ho hoặc người Chil, Mạ cảm nhận đất trời. Họ thấy cái chiêng nói và họ nghe cái chiêng đẹp. Điều đó hoàn toàn đúng trong cảm giác thầm mỹ và trở thành của riêng đấy chất núi rừng của họ. Vì thế tôi có thể nói rằng, bạn hãy đến Dà lạt, hãy lắng nghe màu thu tuyệt diệu đang về trong mọi cảm giác trên mặt hồ và trên cỏ cây, hoa lá…Bạn sẽ thật sự là chính mình khi cả thể xác và tâm hồn cộng hưởng với màu thu nguyên vẹn, trong tiếng chim không tên gọi chiều về tổ…

Hãy để Đà Lạt thật rung động, thật huyền bí và thật sự cô đơn, lặng lẽ, bạn sẽ cảm hết những điều tôi vừa nói…

Nguồn:vanhoaphatgiao