Vĩnh Minh Tự Viện

Tuesday, Apr 16th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Truyện Câu Chuyện Của Người Không Muốn Chết

Câu Chuyện Của Người Không Muốn Chết

Email In PDF

YEI THEODORA OZAKI - LÊ MỸ NƯƠNG dịch

Ngày xửa ngày xưa, có một người tên riêng là Tiên Thái Lang. Tên họ của anh ta “triệu phú”. Mặc dù vậy, anh ta không giàu tới mức ấy, những cũng còn lâu mới nghèo. Anh ta được thừa hưởng của bố một cơ ngơi nho nhỏ và sống ở đó, rong chơi chẳng màng tháng ngày. Cũng không hề nghĩ đến chuyện làm ăn một cách nghiêm túc đến tận năm ba hai tuổi.

 

Một hôm, chẳng có lý do nào cả, anh ta bỗng nhiên nghĩ đến bệnh hoạn và cái chết. Ý nghĩ về việc lăn ra ốm rồi chết khiến anh ta khổ sở. Anh ta tự nhủ, ”Mình phải sống đến ít nhất là phải năm sáu trăm tuổi mà hoàn toàn không bệnh hoạn chi cả. Tuổi thọ bình thường của con người sao mà ngắn ngủi!”. Anh ta tự hỏi, chẳng biết từ nay trở đi sống giản dị và thanh đạm thì có thể kéo dài cuộc sống như mong ước hay không.  Anh ta biết có những câu chuyện trong cổ sử về các vị hoàng đế đã sống cả ngàn năm, và theo truyền thuyết thì Công nương Yamato sống tới năm trăm năm là người sống cuối cùng lâu nhất đã được ghi nhận.

Tiên Thái Lang cũng thường nghe câu truyện vị hoàng đế Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đế, ông này là một trong những vị cai trị có quyền lực nhất trong sử Tàu, đã xây dựng những cung điện lộng lẫy và cả bức tường thành vĩ đại của Trung Hoa. Ông ta có tất cả những gì mà ông ta có thể ao ước; nhưng mặc cho tất cả những vui thú, những lộng lẫy xa hoa của triều đình, sự thông thái của các quận thần và sự vinh quang của triều đại, vị hoàng đế này vẫn khốn khổ vì ông ta biết chắc một ngày nào đó ông ta sẽ chết, sẽ phải bỏ lại tất cả. Mỗi đêm lên giường ngủ, mỗi sáng mai thưc dậy, cũng như mỗi lúc đi tới đi lui trong ngày,  ý nghĩ về cái chết luôn luôn làm rộn tâm trí Tần Thủy Hoàng đế. Ông ta không thể dứt bỏ cái ý nghĩ đó. A! nếu như ông ta có tìm được thuốc trường sinh, hẳn là ông ta đã thật sự hạnh phúc. Cuối cùng, vị hoàng đế triệu tập tất cả triều thần và hỏi xem họ có thể tìm được cho ông loại thuốc trường sinh và ông ta đã được đọc mà thường được nghe nói tới hay chăng.

Một trong những vị triều thần của vua có tên là An Kì Sinh tâu rằng rất xa ngoài biển khơi có một nơi gọi là Bồng Lai đảo, trên đó có những vị ẩn sĩ sinh sống, là những người gìn giữ bí mật về thuốc trường sinh. Bất kì ai uống được thuốc kì diệu đó sống đời đời.

Vị hoàng đế  liền ra lệnh cho An Kì Sinh khởi hành đến đảo Bồng Lai, tìm các vị ẩn sĩ , và đem về cho ông ta một chai thuốc kỳ diệu ấy. Hoàng đế cấp cho An Kỳ Sinh một trong những đoàn hải thuyền hùng hậu nhất, trang bị đầy đủ; lại chất lên thuyền rất nhiều của cải châu báu để An Kì Sinh dùng làm quà ra mắt các vị ẩn sĩ. An Kì Sinh dong buồm ra khơi tìm đảo Bồng Lai, và ông ta chẳng bao giờ quay trở về trình diện vị hoàng đế vẫn mỏi mòn chờ đợi; nhưng kể từ đó, người ta đồn rằng đỉnh Phú Sĩ chính là núi Bồng Lai huyền thoại kia, là nơi trú ngụ của các bậc ẩn sĩ nắm giữ bí quyết chế tạo thuộc trường sinh, và An Ki Sinh được thờ phụng như vị thần tối cao của họ.Câu chuyện của người không muốn chết

Câu chuyện của người không muốn chếtBấy giờ Tiên Thái Lang quyết định lên đường đi tìm các vị ẩn sĩ và nếu có thể tìm được, anh ta cũng sẽ trở thành một ẩn sĩ để có được thứ thuốc uống vào sống mãi. Anh ta nhớ rằng hồi còn nhỏ đã được nghe nói chẳng những trên đỉnh núi Phú Sĩ có các bậc ẩn tu mà các vị này còn có mặt ở tất cả những đỉnh núi cao. Thế là anh ta giao phó nhà cửa lại cho người thân rồi lên đường. Anh ta đã đi đến tất cả những vùng núi non của nước Nhật, trèo lên tất cả những đỉnh núi cao nhất nhưng anh ta chưa bao giờ tìm được một vị ẩn sĩ nào.

Cuối cùng, sau khi lang thang nơi một vùng đất xa lạ trong suốt nhiều ngày anh ta gặp một người thợ săn.

Tiên Thái Lang hỏi,” Bạn có thể cho tôi biết các vị ẩn sĩ có thuốc trường sinh sống ở chỗ nào chăng?”. “Thưa ông”, người thợ săn trả lời, ”Tôi không thể cho ngài biết nơi mà các ẩn sĩ sinh sống, nhưng trong vùng này có một tên cướp nổi tiếng, người ta bảo rằng y có tới hai trăm đồ đảng”.

Câu trả lời ngớ ngẩn khiến Tiên Thái Lang bực mình, anh ta nghĩ thật là dại khi phải mất thì giờ trong việc tim kiếm các vị ẩn sĩ theo lối này, cho nên anh ta quyết định đến thẳng đền thờ An Kỳ Sinh, người vẫn được thờ phụng như vị thần tối cao của các bậc ẩn sĩ ở miền Nam nước Nhật.

Đến được đền thờ Tiên Thái Lang cầu nguyện suốt bảy ngày đêm, khẩn lạy An Kỳ Sinh chỉ đường cho mình đi tìm một vị ẩn sĩ có thể ban cho anh ta thứ mà anh ta khao khát tìm kiếm.

Vào nửa đêm của ngày cầu nguyện thứ bảy, khi Tiên Thái Lang quỳ mọp giữa đền, cánh cửa trong đền chợt mở hé, thế rồi An Kỳ Sinh xuất hiện giữa một vầng mây chói lòa gọi tên Tiên Thái Lang lại gần mà nói:” mong muốn của nhà ngươi là một khao khát vị kỉ chẳng thế nào được ban phát. Ngươi nghĩ ngươi muốn trở thành một bậc ẩn sĩ để tìm được thuốc trường sinh. Ngươi có biết cuộc sống của một bậc ẩn sĩ khắc nghiệt tới mức nào chăng? Một ẩn sĩ chỉ được phép ăn trái cây và vỏ thông một ẩn sĩ phải rời bỏ cuộc sống thường nhật khiến tâm hồn ông ta có thể trở nên tinh ròng như vàng và tự tại trước mọi ước muốn thế tục. Lần lần sau khi theo đúng những quy tắc nghiêm ngặt ấy người ẩn sĩ không còn cảm thấy đói, thấy nóng, hay thấy lạnh nữa, thân thể ông ta trở nên nhẹ bổng khiến có thể cưỡi hạc, cưỡi rùa, có thể đi trên mặt nước mà không thể ướt chân”.

“Nhà ngươi Tiên Thái Lang, vẫn còn ham muốn một cuộc sống an nhàn với mọi tiện nghi. Ngươi còn không bằng một người bình thường vì nhà ngươi quá lười biếng, lại quá mẫm cảm với nóng lạnh so với người thường. Ngươi chưa bao giờ có thể đi chân trần hoặc mặc một tấm áo mỏng manh trong một ngày mùa đông! Ngươi lại nghĩ rằng ngươi đủ kiên nhẫn hay sự chịu đựng để sống cuộc sống của một ẩn sĩ hay sao?”

“Tuy nhiên, đáp ứng lời nguyện cầu của ngươi, ta sẽ giúp ngươi bằng cách khác. Ta sẽ đưa ngươi tới Cõi sống Vĩnh hằng, nơi thần chết không bao giờ tới – nơi mà con người sống mãi!”

Vừa nói như vậy, An Kỳ Sinh vừa đặt vào tay của Tiên Thái Lang một con hạc giấy nhỏ xíu, bảo anh ta ngồi lên lưng con hạc ấy, nó sẽ đưa anh ta tới đó.

Tiên Thái Lang vâng theo trong sự ngạc nhiên. Con hạc lớn dần đủ để anh ta cưỡi trên lưng nó một cách thoải mái. Thế rồi con hạc giương cánh, bay mãi lên cao trong không trung, lướt qua những rặng núi rồi lao thẳng ra biển. Ban đầu, Tiên Thái Lang cảm thấy sợ hãi, nhưng lần lần anh ta quen với chuyến bay trong không trung. Cứ thế, con hạc  và anh ta bay qua hàng ngàn dặm. Con hạc không ngừng nghỉ hay kiếm thực phẩm, nhưng nó là hạc giấy thì chuyện nó không cần thực phẩm cũng là chuyện không đáng ngạc nhiên, điều lạ là cả Tiên Thái Lang cũng không hề thấy đói. Sau nhiều ngày, cả hai đến một hòn đảo. Con hạc giấy bay vào sâu trong đất liền rồi hạ cánh. Ngay khi Tiên Thái Lang rời lưng con hạc, con hạc tự thu nhỏ rồi bay vào túi anh ta.

nguoi-khong-muon-chet2

Bấy giờ, Tiên Thái Lang nhìn quanh với sự ngạc nhiên; anh tò mò tìm hiểu xem Cõi sông Vĩnh hằng như thế nào. Trước hết anh ta dạo hết thôn quê rồi lần vào thành thị. Quả tình mọi thứ ở đây đều hết sức kỳ lạ, không như ở quê hương anh. Nhưng rõ ràng đất đai màu mỡ và con người sung túc, cho nên anh quyết định ở lại và đến tìm một chỗ trú ngụ tại một trong những khách sạn.

Chủ khách sạn là một con người tử tế, và vì Tiên Thái Lang cho biết mình là một người lạ muốn ở lại, nên người chủ hứa sẽ dàn xếp mọi thủ tục cần thiết với vị thị trưởng cho việc định cư của Tiên Thái Lang. Người chủ còn tìm cho người khách của mình cả một ngôi nhà. Như vậy, Tiên Thái Lang đạt được mong ước lớn nhất đời mình và trở thành công dân của Cõi sống Vĩnh hằng.

Trong ký ức của cư dân trên đảo, ở đây chưa bao giờ có người nào chết, và bịnh hoạn là chuyện không hề được biết tới. Có những vị tu sĩ đến từ Ấn Độ hay Trung Quốc nói với người dân ở đảo rằng có một cõi nước rất xinh đẹp, gọi là Thiên Đường; ở nơi đó, hạnh phúc, hỷ lạc và sự hài lòng tràn ngập lòng người; nhưng cánh cổng của cõi ấy chỉ có thể mở ra bằng cái chết. Truyền thuyết đó được nhắc lại từ xưa qua nhiều thế hệ – nhưng không một ai biết chính xác cái chết là như thế nào, trừ việc đó là lối dẫn đến Thiên Đường.

Hoàn toàn khác với Tiên Thái Lang và những con người bình thường khác, thay vì nỗi khiếp sợ trước cái chết, những cư dân ở Cõi sống Vĩnh hằng này bất kể giàu hay nghèo, đều khao khát cái chết như một điều gì tốt đẹp và khả ái nhất. Họ đều mệt mỏi vì cuộc sống dài, quá dài, và luôn luôn khao khát được đến vùng đất hạnh phúc của sự mãn nguyện gọi là Thiên Đường mà các vị tu sĩ đã cho họ biết từ hàng thế kỉ trước.

Tất cả những diều đó Tiên Thái Lang  nhanh chóng được biết qua việc trò chuyện với cư dân trên đảo. Theo quan niệm của mình, anh ta tự thấy mình đang trong một tình trạng lộn xộn. Mọi sự đều ngược đời. Anh ta đã mong muốn thoát khỏi cái chết. Anh ta đã đến được Cõi sống Vĩnh hằng với sự an ủi và niềm vui lớn lao, chỉ để thấy rằng những cư dân ở đây, bất hạnh vì chẳng bao giờ được chết, lại xem việc tìm đến cái chết là niềm hỷ lạc.

Những thứ mà cho đến nay anh ta thấy là thuốc độc, thì cư dân ở đây ngấu nghiến ăn như là một loại thực phẩm tối hảo, còn những thứ mà anh ta cho là thức ăn thì cư dân đảo ở đây lại chê ỏng chê eo. Bất kỳ lúc nào có những thương gia ở xứ khác đến, đám nhà giàu ở đây bám theo chỉ để mua thuốc độc. Họ háo hức ngốn những thứ ấy, hy vọng được chết để tới được nơi họ gọi là Thiên Đường.

Nhưng những thứ mà nơi khác thấy là độc lại chẳng có một chút tác dụng nào với cái xứ sở kỳ dị này, mà những kẻ ngốn ngấu thuốc độc với hy vọng được chết thì chỉ thấy rằng sau một thời gian ngắn, sức khoẻ của họ lại cải thiện rõ rệt chứ chẳng hề hấn gì.

Họ chỉ hoài công tưởng tượng xem cái chết có thể giống như thế nào. Những người giàu có sẵn sàng cho đi tất cả tiền bạc và tài sản của họ nếu như họ có thể rút ngắn cuộc sống của mình lại chừng vài trăm năm. Dường như tình trạng không có gì thay đổi cho việc sống mãi mãi này khiến cho người dân ở đây chán ngán và buồn rầu.

Trong những cửa hàng thuốc độc có một loại thuốc luôn luôn được hỏi mua nhiều, vì người ta cho rằng sau khi dùng thứ thuốc ấy chừng một trăm năm, tóc con người trở nên bạc và bao tử sẽ bị rối loạn. Tiên Thái Lang ngạc nhiên thấy loại cá nóc vô cùng độc vẫn được dọn ăn trong nhà hàng như một món ăn khoái khẩu, và những người bán hàng rong rao ời ợi loại nước sốt làm bằng gián Tây Ban Nha. Anh ta chưa bao giờ thấy một ai bị bệnh sau khi ăn những thứ khủng khiếp ấy, cũng chẳng ai bị ốm đau gì nặng hơn một cơn cảm lạnh.

Tiên Thái Lang lấy làm vui thích. Anh ta tự nhủ mình sẽ chẳng bao giờ mệt mỏi vì được sống, và anh ta thấy thật là báng bổ khi mong ước cái chết anh ta là người  hạnh phúc duy nhất trên hòn đảo này. Về phần mình, anh ta ước sẽ sống ngàn năm và vui hưởng cuộc sống. Anh ta lập tức lao vào chuyện làm ăn, lúc bấy giờ anh ta không hề nghĩ đến việc trở lại quê hương.

Tuy nhiên theo thời gian, mọi việc không trôi chảy như ban đầu anh ta bị lỗ lã nặng nề trong việc buôn bán và không ít lần có những chuyện rắc rối với hàng xóm. Những điều đó khiến anh ta rất bực mình.

Đối với anh ta, thời gian bay qua như một mũi tên, vì anh ta bận rộn suốt từ sáng đến tối mịt. Ba trăm năm đã trôi đi trong sự đơn điệu ấy, và thế rồi cuối cùng anh ta bắt đầu cảm thấy mệt mỏi cuộc sống xứ sở này. Anh ta khao khát được thấy lại quê hương với ngôi nhà xưa. Bao lâu mà anh ta còn sống ở đây cuộc sống sẽ luôn luôn chỉ là một trò chơi, vậy phải chăng không phải là khùng và chán ngán để lại nơi này mãi mãi sao?

Trong nỗi ao ước được thoát khỏi Cõi sống Vĩnh hằng, Tiên Thái Lang lại cầu cứu An Kỳ Sinh, người đã giúp anh ta trước đây khi anh ta mong ước thoát khỏi cái chết – và anh ta cầu nguyện để vị thánh này mang anh ta về đất Nhật trở lại.

Ngay khi anh ta dứt lời cầu nguyện thì con hạc giấy trong túi anh ta hiện ra. Tiên Thái Lang ngạc nhiên thấy rằng con hạc giấy chẳng hề hư hao gì sau bấy nhiêu năm. Một lần nữa, con hạc giấy lại lớn dần lớn dần cho đến khi đủ để Tiên Thái Lang leo lên lưng nó chở Tiên Thái Lang trên lưng, con hạc giấy sải cánh bay lên, nhẹ nhàng vượt ra biển theo hướng Nhật trực chỉ.

Cũng lại cái bản chất bướng bỉnh của con người khiến Tiên Thái Lang nhìn lui và cảm thấy tiếc những gì anh ta đã bỏ lại sau lưng. Anh ta cố dừng con hạc lại mà không được. Con hạc cứ giữ đúng hướng bay suốt ngàn dặm xuyên qua đại dương.

Thế rồi một cơn bão chợt đến, và con hạc giấy kỳ diệu bị ướt, lảo đảo ngã xuống biển. Tiên Thái Lang ngã theo. Kinh hoàng trước nỗi sợ bị chết đuối anh ta gào to tên của An Kỳ Sinh mong được vị thánh ấy đến cứu. Nhìn quanh anh ta chẳng thấy cái tàu bè nào cả. Anh ta uống mấy ngụm nước biển mặn chát, chỉ làm tăng tình trạng tuyệt vọng của mình. Trong lúc vùng vẫy để giữ mình nổi trên mặt nước, anh ta thấy một con cá mập khổng lồ bơi quanh. Khi đến gần Tiên Thái Lang,  con quái vật há cái họng toang hoác sẵn sàng nuốt chửng anh ta. Hoàn toàn tê liệt với lỗi sợ hãi rằng giờ cuối cùng của mình đã điểm, Tiên Thái Lang cố gắng  gào to hết mức tên của An Kỳ Sinh mong được ngài cứu.

Lạ chưa kìa, Tiên Thái Lang tỉnh giấc bởi tiếng gào của chính mình, thấy rằng trong cuộc cầu nguyện kéo dài, anh ta đã ngủ gục trước ngôi đền, và toàn bộ cuộc phiêu lưu phi thường và khủng khiếp của anh ta thật ra chỉ là một giấc mơ. Anh ta toát mồ hôi lạnh và hoang mang cực độ.

Thình lình, một luồng ánh sáng chiếu tới anh ta, trong luồng ánh sáng đó suốt hiện một vị thần. Vị thần này đưa ra một quyển sách và nói với Tiên Thái Lang,” Ngài An Kỳ Sinh sai ta tới đây. Đáp ứng cho lời cầu nguyện của ông, ngài đã cho phép ông được thấy Cõi sống vĩnh hằng trong giấc mơ. Nhưng ông đã chán cuộc sống nơi đó và cầu khẩn được trở lại quê hương để có thể được chết. Vì thế, ngài An Kỳ Sinh lại thử ông một lần nữa, cho ông rơi xuống biển, sai một con cá mật đến nuốt ông. Nhưng ước muốn chết của ông cũng không thật, vì ngay lúc đó ông lại kêu khóc và gào nên xin cứu vớt”.

“ Ông chỉ hoài công ước muốn trở thành một ẩn sĩ hoặc tìm kiếm thuốc trường sinh. Những điều đó không dành cho những người như ông – Cuộc sống về quê cha đất tổ để sống một cuộc sống lành mạnh và chăm chỉ. Đừng bao giờ sao lãng những ngày giỗ của tổ tiên, và hãy lấy việc chăm lo cho tương lai con cháu của ông làm nhiệm vụ của mình. Như thế, ông sẽ sống trường thọ và hạnh phúc; nhưng hãy từ bỏ cái ước muốn hão huyền về việc thoát khỏi cái chết vì không một ai có thể thực hiện điều đó, và lúc này chắc chắn ông đã hiểu được rằng ngay cả khi những ước muốn vị kỷ đã được ban phát, điều đó cũng không làm cho ông hạnh phúc.

‘Trong quyển sách tôi tặng ông có nhiều lời giáo huấn tốt đẹp cho ông – nếu ông nghiên cứu kỹ, ông sẽ được hướng dẫn theo cách mà tôi đã chỉ cho ông’.

Vị thần biến mất ngay khi dứt lời, Tiên Thái Lang ôm chặt quyển sách vào lòng. Với quyển sách trong tay, anh ta trở lại quê hương, từ bỏ những ao ước hão huyền của mình, cố gắng sống một cuộc sống tốt đẹp và hữu ích. Anh ta cũng tìm hiểu kỹ những lời dạy trong quyển sách và thực hiện đúng. Từ đó, anh và gia đình anh ngày càng thịnh vượng.

Nguồn: The Story of the Man Who Did not Wish to Die, lấy từ Japanese Fairy Tales thuộc Project Gutenberg trên Internet.

Yei Theodora Ozaki là dịch giả chuyên chuyển dịch truyện ngắn và truyện thần tiên của Nhật ra tiếng Anh. Bà là con gái của Nam tước Ozaki, một trong những người Nhật đầu tiên du học ở Phương Tây. Mẹ của bà là con gái của một vị giáo sĩ và cũng là thầy dạy của Nam tước Ozaki. Sau khi cha mẹ li hôn, bà ở với mẹ, đến lúc trưởng thành bà được gửi về Nhật ở với cha. Bà thường xuyên đi lại giữa Nhật và châu Âu. Có thời gian bà sống dưới những mái chùa của Nhật Bản. Dịch phẩm về truyện thần tiên của bà có phần đã cách điệu và rất phổ biến, được in lại nhiều lần sau khi bà qua đời. ■