Hồ Anh Thái
Tôi nghỉ nhờ trong một Thiền viện Phật giáo Nepal. Lang thang cả tháng trời trên dãy Himalaya, loanh quanh ở vùng biên giới Nepal – Ấn Độ, tôi tình cờ tìm ra cái thiền viện này và xin tá túc. Chùa Nepal nhưng có ảnh hưởng phong cách Tây Tạng. Vùng này người Tây Tạng sống lưu vong khá nhiều, giống như vùng Dharamshala bên Bắc Ấn. Bên ấy có cả thiền viện trung ương của người Tây Tạng. Tôi có lần ghé lại mấy ngày, có lần nghe Ðà Lai Lạt Ma giáo chủ giảng bài. Một thứ tiếng Anh truyền cảm, trong vắt. Chuyện đã lâu rồi, nhưng nhớ mãi cái giọng ngài.
Còn ở vùng này, đất Nepal, nóc chùa Phật là bảo tháp hình bán cầu, đặt trên bán cầu là một kiến trúc hình vuông, vẽ cặp mắt Phật. Đấy là kiến trúc điển hình chùa Phật của Nepal. Nhưng dấu ấn Tây Tạng lại ở những cái bánh xe cầu nguyện kinh luân khắp xung quanh chùa. Người đến chùa vừa cầu nguyện vừa đẩy cho bánh xe kinh luân quay tít. Dòng chữ Phạn khắc trên ấy cứ thế mà quay. Om mani padme hum. Quay mãi.
Bên trong thiền viện có hai nhà sư Nepal đang tỉ mẩn dựng một bức tranh bằng bơ. Thêm một nét Tây Tạng. Thông thường tranh bằng bơ chỉ có người Tây Tạng làm. Xứ lạnh cao nguyên. Nước còn đóng băng chứ chưa kể đến bơ. Bơ cất từ sữa bò, người ta đem nhuộm, nhuộm nhiều màu, rồi dùng thứ bơ đặc sền sệt làm chất liệu để tạo tác những bức tranh. Tôi chỉ mới biết đến nghệ thuật tạo tác mandala bằng cát nhuộm màu của Tây Tạng. Tranh bằng bơ là một điều mới lạ. Thế là tôi sà ngay vào.
Đúng lúc ấy nhà sư Tây Tạng đến. Áo choàng màu nâu đỏ, gần như màu mận chín, tay nải trên vai. Nhà sư đang ở tuổi thanh niên. Ông chắp hai tay trước ngực chào hai vị sư Nepal, xin được nghỉ lại. Xong thủ tục chào hỏi và nhận lời chỉ trong vài phút. Nhà sư Tây Tạng bỏ tay nải xuống, cũng sà ngay đến bên bức tranh đang dựng. Ông lấy cái bút chứa bơ màu trắng, tỉ mỉ bơm nó lên trên nền xanh dòng sông có bóng một con thuyền. Những làn sóng nước màu trắng cứ thế mà lăn tăn chạy ra từ tay ông. Sóng nhấp nhô.
Ngày hôm sau tôi đã thân với nhà sư Tây Tạng. Ông dạy tôi những động tác rèn luyện thân thể. Nằm ngửa, dùng lực của thân dưới, đẩy cho hai chân duỗi thẳng bật lên chỉ hướng lên trời. Đấy là tập cho khớp hông và xương sống. Hai tay dang ngang bằng vai, cứ thế mà quay toàn thân theo chiều kim đồng hồ. Đấy là tập cho các luân xa trong thân bừng thức và chuyển động trở lại sau một giấc ngủ. Quay. Điều cốt yếu là trong khi quay phải luôn ngắm vào một điểm nào đó làm mốc. Vừa quay vừa nhớ luôn đưa mắt tìm về cái mốc ấy. Để tránh mất phương hướng. Để tránh mất thăng bằng. Để tránh chóng mặt và ngã. Quay bảy vòng. Quay chín vòng. Quay mười lăm vòng. Quay đến hăm mốt vòng. Phải nhớ luôn để mắt xác định được điểm mốc.
Buổi chiều có năm nhà sư Tây Tạng tìm đến chùa. Những bóng áo cà sa nâu đỏ đi khắp nơi trong thiền viện. Họ được phép tìm kiếm khắp nơi. Bấy giờ tôi mới nhận ra nhà sư kia đã biến đâu mất. Năm nhà sư này thuộc đội duy trì giới luật của một ngôi chùa Tây Tạng, công việc của họ ở chùa cũng giống như đội quy tắc, đội trật tự trị an trong các làng xóm phường phố. Không ai hỏi, nhưng đều biết nhà sư đến chùa hôm qua đã phạm giới luật. Năm nhà sư này đang lùng tìm ông ta.
Các nhà sư vào chùa thỉnh một tiếng chuông bằng chiếc chuông to. Kính báo về sự hiện diện của họ. Kính báo về việc họ đang làm. Rồi họ tản đi khắp chính điện, khắp khu giảng đường, khắp khu trai phòng, ký túc xá. Không rón rén theo kiểu đội đặc nhiệm. Không khom người trước một cánh cửa hoặc sau một bức tường. Không đưa mắt láo liêng hoặc dỏng tai nghe ngóng.
Mỗi người một chiếc chuông nhỏ và một cái chày nhỏ bằng gỗ. Nhà sư cầm chuông trên tay, dùng cái chày miết thành vòng tròn xung quanh vành chuông. Một âm thanh tròn đều, ban đầu nhỏ, sau to dần lên, cao vút lên, cho đến khi nó rít lên như một mũi kim đâm thẳng vào màng nhĩ. Không phải là tiếng chuông binh boong. Không khoan nhặt từng tiếng. Âm thanh dài, mảnh, triền miên, kéo dài mãi không dứt. Tạo ra tiếng chuông ấy cũng phải là người trong trạng thái thiền. Chỉ cần nhãng đi một tí, chỉ cần không đều tay, tiếng chuông căng dài sẽ đứt. Khực một cái. Lúc ấy người ta phải khởi động lại tay quay xung quanh vành chuông, từ đầu.
Tiếng chuông của năm nhà sư này thì đã thành thiện nghệ. Không một vết đứt. Nó cứ vi vút quay đều. Cứ kéo căng ra. Ðó là công cụ tìm kiếm. Nói cho chính xác, đó chỉ là cái chuông cầu nguyện, nhưng các nhà sư đã phát minh ra cho nó cái tính năng tìm kiếm. Cái sợi dây âm thanh ấy đang kéo căng ra, nếu vướng phải một vật thể nào đó, một người đang nấp đâu đó trong góc tối chẳng hạn, âm thanh sẽ mắc lại. Các nhà sư sẽ nhận được sóng âm thanh dội lại mà phán đoán được chỗ nấp của kẻ bị truy lùng. Ở đây có cái gì giống như cách loài dơi bay trong đêm tối, vừa bay vừa phóng ra những sóng âm thanh dò đường, nếu gặp vật cản, âm thanh sẽ dội ngược lại, con dơi nhận được sóng dội lại mà bay tránh đi, không đâm vào vật cản.
Vi vút vi vút. Những chùm âm thanh cứ thế được phóng ra. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu. Từng sợi dây một được thả ra, kéo căng ra. Tiếng chuông chạm vào tượng vào chuông vào nến. Tiếng chuông dội lại khi chạm vào những bức tường là bích họa kể chuyện đời Phật. Chuông chạm vào vật bằng gỗ, bằng kim khí, vào tường gạch tường đá, vào lá vào cây. Mọi vật thể đều được xác định. Mọi thứ đều không qua được mắt năm nhà sư. Không qua được thính giác họ. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu.tìm Hồ Anh Thái
Cuộc tìm kiếm kết thúc. Nhà sư kia đã biến mất. Năm nhà sư vào chính điện, đánh một tiếng chuông kính cáo rồi xin phép ra đi.
Nửa giờ sau khi đội giới luật đã đi rồi, nhà sư kia xuất hiện. Ông đã thay chiếc áo cà sa bằng bộ trang phục của thường dân, trông như một thanh niên Tây Tạng hoặc Nepal. Chiếc áo cà sa ông vừa giặt đang phơi phía sau chùa. Chắc là ông vừa nấp ở một chỗ ô uế lắm và sau khi chui ra, ông phải đi giặt ngay.
Như đọc được ý nghĩ của tôi, ông bảo một nhà sư không có gì phải nấp phải trốn, nhưng một khi buộc phải nấp trong một nơi dù ướp đầy mùi trầm chẳng hạn, thì chiếc áo khi ấy không còn sạch nữa. Phải giặt. Thân thể khi ấy không sạch nữa. Phải tắm gội. Tâm khi ấy phải được tự thanh tẩy.
Vậy là lúc nãy ông đã trốn trong một nơi đặc biệt lắm, đến mức tiếng chuông nọ đã không thể len vào ngóc ngách ấy được? Nói cho đúng, có hai vị sư đã đi qua cái ngách ấy, đã đều tay quay chuông, ông phải nằm im như một tử thi trong ngách tối. Hầu như không còn hơi thở, không còn sự sống trong mấy phút ấy.
Tôi lại hỏi chắc ông phạm lỗi gì nghiêm trọng lắm, khiến cả một nửa tiểu đội giới luật phải lùng tìm?
Có đấy, nhà sư thừa nhận thành thực. Ông chỉ tay vào ngọn tháp chùa bảo, sáng nay khi hướng dẫn tôi cách tập quay nhiều vòng, ông thấy tôi ngắm vào ngọn tháp. Lấy cặp mắt Phật phía trên tháp làm mốc. Phía trên cái kiến trúc hình vuông vẽ cặp mắt Phật “nhìn thấu mọi lẽ đời” là ngọn tháp hình xoáy trôn ốc mười ba nấc, tượng trưng cho mười ba bậc đi tới giác ngộ. Nhưng ở phía dưới ngọn tháp, cùng với hình vẽ cặp mắt Phật có một nét vẽ mà ai cũng tưởng là mũi Phật. Tôi cũng tưởng vậy. Nhà sư bây giờ mới cười bảo không phải. Cặp mắt Phật đã được vẽ theo phương pháp cách điệu, không cần vẽ miệng, thế thì việc gì người ta lại phải vẽ thêm cái mũi. Vậy, đó không phải là cái mũi. Ðó là số một theo mẫu tự Nepal. Số một. Hàm ý con đường duy nhất để được khai minh là con đường mà Ðức Phật đã chỉ ra.
Tôi đã lấy con số một ấy làm mốc khi tập quay tròn. Còn nhà sư này, trong một cuộc thảo luận lý thuyết tại thiền viện của mình, ông đã sa vào tranh luận nảy lửa với các pháp hữu. Một cái gì nghiêm túc lắm, nghiêm trọng lắm mà ông không diễn đạt ra với tôi. Chỉ là tranh luận mà một người phải bỏ ra đi. Chỉ là lời lẽ mà một người phải bỏ ra đi. Không có xúc phạm, không có khiêu khích, không có gây tổn thương. Chỉ là người đi thấy rằng mình phải tự trừng phạt, phải tự lấy làm hổ thẹn mà ra đi.
Sáng hôm sau tôi rời chùa. Trùng hợp, nhà sư nọ cũng tay nải ra đi. Ông mặc lại chiếc áo cà sa màu nâu đỏ đã giặt sạch. Chúng tôi đi bộ một đoạn đường xuống núi.
Từ đấy mới bắt xe khách đi tiếp. Ông kể rằng hôm qua lúc nằm trốn trong một ngách chùa, ông biết có hai nhà sư giới luật đã tìm kiếm xung quanh cái ngách ấy. Họ đi qua và đều tay quay chuông. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu. Tiếng chuông đã va phải người ông. Khực một cái. Ông nằm trốn vẫn nghe thấy. Vị sư thứ hai ở cách đó một quãng cũng nghe thấy. Vị sư quay chuông đi ra lẩm bẩm với người kia, xin pháp hữu thứ lỗi, ta phân tâm, làm lỡ một nhịp chuông. Vị sư thứ hai không nói gì, bước vào thay, lại đều tay quay chuông. Viiiiiiiii. Vuuuuuuuuu. Tiếng chuông này cũng va phải người đang trốn. Khực một cái. Ông ta lại quay ra, nói như xin lỗi, ta cũng phân tâm, ta cũng lỡ một nhịp chuông.
Người nằm trốn thì biết. Không có chuyện lỡ nhịp gì ở đây cả. Hai vị sư kia đã tìm ra. Nhiệm vụ của đội giới luật là phải đi tìm. Có người bỏ trốn thì phải có người đi tìm. Tìm bằng được. Nhưng ngay cả khi tìm được thì tìm được cũng không có nghĩa là bắt.
Con đường xuống núi thênh thang. Dãy Himalaya những đỉnh núi tuyết vĩnh cửu sáng bừng trong nắng vàng mật ong. Chuyện trò nhiều nên đường ngắn lại.
Nhà sư lại nhắc tôi khi mới tập quay vòng tròn phải luôn nhớ xác định một điểm mốc. Không thì sẽ ngã. Hôm qua tôi đã phải lấy mốc là con số một trên tháp chùa mà tôi tưởng là mũi Phật. Con số một. Nhưng nhà sư bảo nhiều người đã tập cho đến khi không còn nhìn thấy một nữa. Không cần mốc nữa. Họ đã quay quanh thân, khi ấy họ lấy thân mình làm trụ, mắt vẫn mở mà không cần tìm về điểm mốc. Không nhìn con số một nữa. Không còn cái duy nhất nữa. Chỉ còn không.
Tôi định hỏi nhà sư bỏ đi rồi thì sẽ đi đâu. Rồi tôi không hỏi, câu trả lời sẽ không có gì lạ. Phật tử dù có đi bất cứ nơi đâu thì dưới gầm trời này cũng không có chỗ nào ở bên ngoài cửa Phật.
Đến bến xe ở chân núi, chúng tôi chia tay.