Hồng Bối
Bấy giờ, tiếng ca lăng tần già vọng lại sau rặng núi trên đỉnh mây ngàn. Róc rách dòng suối chảy, mỏm đá nằm im hơi bên đồi đưa những chiếc lá vàng làm cuộc hành trình vào cõi lãng quên. Một am tranh tiêu điều, cũ kỷ xơ xác nằm dưới triền núi. Xa xa thấp thoáng, bảng lãng hình bóng thiền khách tu hành ẩn dật đang ngồi yên bất động trong sương mờ trắng xóa dày đặc giữa trời không.
Từ ngôi cổ tự đồi kia thoảng ngân dài hồi chuông làm bừng tỉnh giấc mộng mị chốn thâm u. Âm thanh hùng tráng đầy uy lực sâu hút, nghe giòn xông thẳng tận hư vô chốn rừng thiêng không một loài dám cất tiếng.
Vọng ra từ tận hư không
Tai nghe rành mạch thanh âm chuông chùa .( Hồng Bối)
Trong lúc đó, cùng khoảng nhịp đập tích tắc của thời gian, dưới chân núi có con đò nhỏ nát rách tả tơi đương ngự trên bến Hương giang. Một làn khói lam lờn vờn huyền ảo từ trong mạn thuyền toát lên, lục đục màu áo bạc. Té ra người lãng du nghệ sĩ vừa mới trở về hồi khuya sau chuyến hành trình lang bạt kì hồ.
Còn đây. Ta, một kẻ xa gia đình, xa cố hương, xa luôn những điều khắc khoải tâm hồn mang tấm thân lữ thứ đi hết đoạn trường của kiếp người không màng gì tháng năm. Gặp cảnh nào hòa cảnh ấy, thuận người, tùy duyên. Nhìn mà như không thấy. Tai nghe mà ngỡ không nghe. Miệng nói mà tập điều phối ngôn ngữ. Nên nghĩ hơn nên nghe, nên làm hơn nên nói. Như vậy, lữ thứ ta đang gạn lọc biến cuộc thăng trầm trong thân thể kết thành tinh hoa để tưới mát tâm hồn. Thấy, nghe và nói dường như rất ít, chừng lưu tâm rất nhiều. Hay chăng người lữ thứ lúc nào cũng phải đi theo chánh đạo để gội rửa trần tâm? Để phút chốc thấy mình thành thi nhân nghệ sĩ, để rồi trong cảnh độc hành, độc tọa biết bao suy tưởng cứ thấm len vào tận tâm tư làm cho cơ thể thi nhân hao mòn từng ngày, phôi pha theo gió bụi hằng tháng.
Từ định thể ngó mình xuyên ngũ uẩn. Chợt ngẫm ra: đời là những chuyến đi.
Bởi tiềm thức chuyến đi của thi nhân là định luật sống trọn với mình, chung tình với đời. Trong khoảng lặng nội tâm siêu việt nhà sư Tuệ Sỹ đã viết lên câu thơ xuất thần, kinh thiên động địa.
“Ngược xuôi nhớ nữa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về
Anh ôm giấc mộng đi hoang
Biết đâu mà kiếm trăng ngàn cho em”.
Có lẽ triết lý của thi nhân nghệ sỹ: đời là cuộc phiêu bồng rong chơi bất tận tìm kiếm bản thể nội tâm. Vì bất tận mà cái thân hữu tận thế làm sao ta biết mang gì để tặng em? May ra trong cuộc tìm kiếm miên trường người nghệ sĩ còn xót lại cây đàn gitar gỗ và điệp khúc thời gian khảy lên trong cõi huyền thơ “ độ ấy ta thương người”. Dù ở hoàn cảnh, góc độ nào miễn thi nhân nghệ sĩ biết giữ lấy bản sắc riêng của mình thì thi nhân bao giờ cũng là thi nhân.
“Trên cây đàn muôn điệu
Ta trổi khúc yêu đương
Như ngụm từng hạt sương
Nghe lòng, ôi! sao xuyến
Trong tận cùng sâu thẳm
Khí rợn vắng chân người
Ta về từ cõi ấy
Nuôi mộng gõ nhịp chơi”.( Bình Nguyên)
Hơi thở bình an là hơi thở đức Phật. Khúc nhạc êm đềm là khúc nhạc yêu thương.
Cố nhiên, tất cả những tài hoa mà thi nhân nghệ sĩ góp được chỉ cốt làm đẹp cho đời, tô thêm sự phù phiếm để cho đời thăng hoa trong nhân cách sống, cho đời chút ơn để đời trân trọng sự sống và thương quý nhau. Đời sống mà không có con đường sống rõ rệt là nỗi bi ai, bất hạnh lớn nhất của con người. Thế nên, đang đi bỗng chốc thấy mình thành thi nhân du thủ là một điều bất ngờ khá lạ, bởi người nghệ sĩ là kỹ sư sáng tạo của tâm hồn. và vì sáng tạo nên thi nhân nghệ sĩ muôn đời luôn luôn, bao giờ cũng sáng tạo. Sáng tạo là cái chất, mạch huyết sống của thi nhân. Mà muốn có được sự sáng tạo tất nhiên phải có óc tư duy, suy tưởng phong phú; Có nhiều tình cảm, giàu lòng từ bi, có đủ lý trí. Kết lại, thi nhân khi nào cũng phải có lối sống văn hóa nội tâm theo hướng riêng mình. Hướng đi có văn hóa là hướng đi theo phương pháp Phật dạy. Hướng đi nuôi lớn ý thức chánh niệm. Hướng đi đưa thi nhân vượt ra khỏi nỗi khổ não của tâm hồn. Hướng đi nuôi dưỡng cả thân lẫn tâm đi đến nguồn tịch nhiên chân lý rồi giải thoát. Đi để mà đi. Đi chốn sơn cùng thủy tận ngàn năm heo hút để nhặt một chiếc là vàng rơi, thảnh thơi nằm nghe tiếng chim hót.
“ Nhặt chiếc lá nơi cùng non cuối thẳm
Tìm cho ra tao ngộ hôm nào
Đời lữ thứ dặm trường cô độc
Sương ngàn năm rụng xuống giữa ngàn năm”.( Châu Giang)
Bước chân diệu vợi trong màn sương áo rách che mây im lìm thung lũng sâu. Người lữ thứ dặm trường cô độc ngoảnh nhìn lại tuổi đời rung rinh đôi mắt vô biên vụt hiện, vụt bay.
“ Mắt sâu hút bóng thiên đàng
Một khung trời nhỏ lá vàng chợt bay
Người ngồi giữa cuộc đổi thay
Nghe sông núi cạn phút giây vô thường”. ( Y Sa)
Dấu vết thiên thu trùng trùng khoảnh khắc đan xéo quá khứ và hiện tại làm thi nhân vọng niệm đưa hồn phiêu lãng, gió chạm làn mây chiếc lá bay.
Cõi nào là cõi thực? mùa xuân xanh tươi, mùa hạ buồn thương, mùa thu vô thường, mùa đông lạnh giá. Bốn phương, tám hướng dìu dắt đồng vọng miên viễn, lồng lộng mảnh trời trong. Người lữ thứ thi sĩ nghe ra nhịp giao cảm chạm hoàng hôn lạc nẻo chiều nơi rừng thu vắng lạ.
“ Chiều chiều nghiêng xuống đồi xa
Lắng nghe con nước chảy qua khe rừng
Âm vang như khúc nhạc mừng
Đón người du khách đăng trình cuộc chơi
Bóng chiều rơi…! Bóng chiều rơi…!
Rừng thu nắng lại còn tôi với rừng”. (Châu Giang)
Dấu tích hoang sơ nguyên thủy còn đây. Biết bao lữ thứ, lãng du nghệ sĩ dù đi đâu rồi cũng có ngày trở về chọn cảnh núi rừng u tịch làm bạn để có cơ hội dừng lại trước thiên nhiên và nhìn sâu vào dòng chảy triền miên tâm thức của cuộc đời. Sự dừng lại là để nắm bắt vườn tâm nơi mình. Cho dòng suy tư vỡ lẽ thế nào là ảo hóa của quá khứ, thế nào là bình an hạnh phúc hiện tại.
Ta dừng lại ôm đất trời vũ trụ
Để bình tâm tận hưởng phút thiêng liêng.( Hồng Bối)
Ý thức được cuộc đời vốn mộng tưởng chiêm bao, được mất bại thành, thịnh suy như giọt sương rơi thì còn gì để vương vấn. Dẫu rằng tháng năm ta đã miệt mài sương gió, trải qua dòng đời suy nghĩ: nay-xưa khác nhau.
Chỉ có phút giây này.
Phút giây: “ sống ngày nay biết ngày nay
Còn xuân thu trước không hay làm gì”.( Thiền sư Thiền Lão)
Người lữ thứ không cần suy nghĩ viễn vông gì nữa. Vì càng suy nghĩ bao nhiêu thì thời gian vun vút rời xa với giây phút hiện tại bấy nhiêu. Hãy đi vào khe núi tập ngồi yên bên dòng suối róc rách mà không vội vã, tập ngồi yên để thấy mình là người vô sự, để thấy mình là người còn có hạnh phúc. Chốn núi rừng không bao giờ bỏ rơi thi nhân nghệ sĩ. Thực ra, quanh đó còn có chim sơn ca, có ngôi cổ tự với tiếng chuông chiều, có người thiền khách tu hành ẩn dật, có kẻ lãng du nghệ sĩ vừa mới trở về, có sương mờ giăng giăng sớm hôm, có trà, có hoa. Ôi, thênh thang rộng mở nghìn thu. Hết thảy hiện tượng thiên nhiên đều mầu nhiệm. Tự nỗi lòng người thi nhân xuất hiện làn chớp khai mở đầu tiên tiềm thức.
“ Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao”.( Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Từng âm ngữ biểu lộ sự quy ẩn. Vén màn cho cuộc giáp mặt giờ ngọ của giới thi nhân, mặc khách, ẩn sĩ nơi Ngọa Vân am quanh năm sương tuyết lững lờ.
Trong núi vắng tới lui dăm ba bạn
Vui cùng ta ẩn sĩ chén trà thơm
Sương mờ thoảng xa xa bên thác nước
Bạn bè đây tỉnh thức nguyệt ló ra
Phút tĩnh lặng âm thầm nhưng huyền diệu
Rõ đôi bờ giáp mặt đến ngày sau.( Hồng Bối)
Ngồi nhìn nhau, tịch sầm, trầm sa nguyệt. Không một tiếng, an nhiên. Lãng du nghệ sĩ khảy phím đàn phảng phất du dương, chuông động xuất cung, mây treo đầu núi. Ngọa vân am, ngọn gió lồng, đèn khêu mờ tỏ nhà sư tọa thiền mặc nhiên tịnh thính. Thi nhân phóng bút.
“Vào mùa đông này đây
Sống một mình một cõi
Uống trà yên không nói”.( Thiên Lợi Hưu)
Ánh vầng đông tỏa rạng, còn đây pho kinh tìm chân lý vẹn toàn, bên chén trà nồng làm bạn. Thi nhân chấp tay búp sen thu nhiếp tâm ý thầm niệm:
“Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhựt ra hồng”