Vĩnh Minh Tự Viện

Friday, Apr 26th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Tin Tức Tin Trong Nước Đề Xuất Thuê Đất Tại Trung Tâm TPHCM Xúc Tiến Bảo Tàng Phật Giáo VN

Đề Xuất Thuê Đất Tại Trung Tâm TPHCM Xúc Tiến Bảo Tàng Phật Giáo VN

Email In PDF

Lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam là một phần quan trọng của lịch sử và văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc cần có một bảo tàng Phật giáo Việt Nam ở trung tâm thủ đô và trung tâm các thành phố lớn trong cả nước là điều hết sức cần thiết.

Ngoài yêu cầu về mặt khoa học, lưu giữ và giới thiệu các tác phẩm lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng có giá trị của Phật giáo Việt Nam, giáo dục truyền thống lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam đến Phật tử, công chúng rộng rãi, đặc biệt là giới trẻ; một bảo tàng lịch sử Phật giáo Việt Nam tại địa điểm trung tâm các thành phố lớn còn có ý nghĩa chính trị, văn hóa hết sức quan trọng. Đó là:

1.    Khẳng định Phật giáo là tôn giáo truyền thống của dân tộc Việt Nam, gắn bó với sự phát triển của dân tộc Việt Nam trong suốt 2000 năm lịch sử ở mọi mặt: trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc, góp phần tạo nên giá trị tinh thần quý báu của dân tộc, tiếp tục gắn bó và đồng hành cùng dân tộc…

2.    Giới thiệu nội dung kể trên với bạn bè, khách du lịch quốc tế. Như vậy, ngoài bảo tồn các giá trị, hiện vật lịch sử, bảo tàng văn hóa Phật giáo Việt Nam còn có nhiệm vụ phục vụ công tác phát triển hoạt động du lịch của đất nước, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, ngoài nhiệm vụ phát triển sự nghiệp bảo tàng nói chung.

Tuy nhiên, điều rất tiếc, hiện nay, ở TPHCM, tại khu trung tâm thương mại và du lịch thành phố (trên mặt tiền các trục đường chính như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng…) không còn một ngôi chùa lớn nào cả. Việc tạo lập một ngôi chùa mới trên mặt tiền những tuyến đường vàng này là điều không thể, vì ngoài giá trị giá đất cao, khả năng tìm cách mua lại quyền sử dụng mặt bằng đất ở khu vực này cũng là điều vô cùng khó khăn, mà có thể nói là hầu như không thể thực hiện được.

Điều đó, không có nghĩa là Phật giáo Việt Nam chúng ta đành buông xuôi, thúc thủ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, với ưu thế của mình trong quan hệ hết sức tốt đẹp với chính quyền từ trung ương đến các địa phương, hoàn toàn có thể nghĩ đến khả năng hướng đến việc xây dựng Bảo tàng Phật giáo Việt Nam bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Tại nhiều trung tâm thành phố lớn đã có nhiều bảo tàng chuyên đề về các danh nhân lịch sử, bảo tàng chuyên về dân tộc (chẳng hạn, bảo tàng về dân tộc Chăm ở Đà Nẵng), mà lại chưa có bảo tàng về lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam, thì thật là điều rất đáng tiếc.

Ý tưởng chúng tôi là trong khi chờ đợi nhân duyên tạo lập một ngôi chùa lớn ở trung tâm TPHCM, mà một phần mặt bằng có thể dùng làm bảo tàng lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam có thể nghĩ đến những hình thức quá độ, bước đầu có thể là một phòng triển lãm chẳng hạn, tại khu trung tâm TPHCM.

Ý tưởng của chúng tôi là Phật giáo Việt Nam chúng ta có thể đề xuất với Ủy ban Nhân dân TPHCM xin thuê đất tạm thời trên công viên 23/9, gần nơi đang dựng tạm rạp xiếc, để từ đó xây dựng một phòng bảo tàng, giới thiệu lịch sử và văn hóa Phật giáo.

Tương tự với rạp xiếc, nhà bảo tàng lịch sử và văn hóa Phật giáo chỉ là một công trình tạm trên mảnh đất trung tâm thành phố trước đây được dự định xây cao ốc, nhưng vì chưa thực hiện được, mà nay đã tạm trở thành một công viên, đông đảo khách du lịch nước ngoài.

Công trình tạm dùng để làm một nhà bảo tàng lịch sử và văn hóa Phật giáo mà chúng tôi đề xuất là một ngôi chùa gỗ, làm bằng nhà rường, dạng lắp ghép tạm thời, có thể tháo chuyển vị trí dễ dàng khi cần.

Khu công viên 23 tháng 9 được gọi là khu phố Tây, nơi có rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Việc có một ngôi nhà rường dùng làm bảo tàng tạm thời về lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam chắc chắn có nhiều đóng góp tích cực cho sinh hoạt văn hóa, du lịch của thành phố.

Tự thân ngôi nhà rường gỗ dùng làm bảo tàng tạm thời đã có vai trò giới thiệu kiến trúc cổ Việt Nam đến bạn bè quốc tế, tự thân chỉ ngôi nhà rường đã là một hiện vật bảo tổn có tính chất văn hóa.

Ngoài một chính điện nhỏ thờ Phật, để giới thiệu không gian thờ tự của Phật giáo Việt Nam, diện tích còn lại sẽ vừa là một bảo tàng triển lãm các cổ vật Phật giáo, vừa là một phòng thông tin du lịch chùa Việt, phục vụ quần thể du lịch phố Tây ngay bên cạnh.

Vì đây là một nhà rường cổ, tháo lắp dễ dàng, nên chùa gỗ dạng nhà rường chỉ là công trình tạm, không gây khó khăn về thủ tục. Khi nhà nước cần di dời để lấy đất xây dựng, nhà rường có thể dễ dàng tháo rời để chuyển đi, với kiến trúc được giữ nguyên vẹn, có thể dễ dàng dựng lại ở nơi khác. Bảo tàng Phật giáo Việt Nam hoạt động tại Công viên 23 tháng 9 được ngày nào thì tốt ngày đó.

Trong thời gian hiện tại, bảo tàng lịch sử và văn hóa Phật giáo bằng nhà rường vừa tận dụng được bãi đất trống chưa xây dựng, vừa có tác dụng là một công trình tạm giới thiệu kiến trúc cổ, mỹ thuật cổ, vừa có tác dụng về mặt văn hóa, bảo tàng.

Trong trường hợp ngay cả có khó khăn về khái niệm “nhà”, dù nhà rường chỉ là một công trình tạm thời, tháo lắp, thì Phật giáo Việt Nam chúng ta có thể chỉ xin thuê đất lắp ghép một “phong đình” tức dạng nhà rường lắp ghép không có cửa (đơn giản hơn cả nhà tiền chế hay nhà container kim loại). Lúc đó, thay vì trưng bày cổ vật thực sự, có thể chỉ trưng bày bản sao chép các cổ vật, hình ảnh… Tuy không hẳn là một bảo tàng tạm thời, nhưng dù sao cũng có thể góp phần nhất định vào hoạt động văn hóa, bảo tàng, phục vụ du lịch, giới thiệu truyền thống dân tộc.

Đây là lợi ích chung cho Phật giáo Việt Nam lẫn TPHCM và cả nước về nhiều mặt: văn hóa, giáo dục và quảng bá truyền thống, thúc đẩy hoạt động du lịch, và không khó để giải quyết vì là công trình tạm thời, lắp ghép. Vì vậy, kính mong lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cụ thể Ban Văn hóa Trung ương và Thành hội Phật giáo TPHCM, sớm nghiên cứu, xem xét đề xuất với cơ quan chức năng.

Minh Thạnh (Theo Phật Tử Việt Nam)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: