Vĩnh Minh Tự Viện

Monday, May 06th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Thư Viện Sách Ý Nghĩa Xuất Gia Với Tinh Thần Của Những Đức Mục Tu Dưỡng - Những Đức Mục Và Tinh Thần Đạo

Ý Nghĩa Xuất Gia Với Tinh Thần Của Những Đức Mục Tu Dưỡng - Những Đức Mục Và Tinh Thần Đạo

Email In PDF
Mục lục bài viết
Ý Nghĩa Xuất Gia Với Tinh Thần Của Những Đức Mục Tu Dưỡng
Động Cơ Của Việc Xuất Gia Chân Chính
Xuất Gia Với Động Cơ Không Chân Chính
Tinh Thần Giới Luật
Những Đức Mục Và Tinh Thần Đạo
Phương Pháp Tu Đạo Thực Tế
Đặc Biệt Luận Về Sự Tu Dưỡng Tịnh Độ
Tất cả các trang

4. Những Đức Mục Và Tinh Thần Đạo

Song song với những quy định bề ngoài ở trên, đối với những đệ tử xuất gia cầu giải thoát, cái tinh thần tu dưỡng còn được Phật coi là trọng yếu hơn. Tinh thần ấy được biểu hiện bằng nhiều đức mục, nhưng quan trọng nhất trong số những đức mục đó là Giới (sila) Ðịnh (Samadhi), Tuệ (Panna), được mệnh danh là Tam Học. Giới bao hàm những quy luật kể trên, chỉ cho tất cả đạo đức cao đẳng; Ðịnh là sự tu dưỡng làm cho tậm tập chú vào một cảnh; Tuệ là chỉ cho trí hiểu biết và phân đoán về luân hồi và giải thoát một cách chính đáng. Tam học là nền tảng của tất cả đạo hạnh, nó bao gồm hết thảy những đức mục tu dưỡng của một đệ tử Phật. Tuy nhiên, nếu chỉ nói thế thôi thì có vẻ quá bao quát, cho nên Phật lại đứng trên nhiều lập trường để chia Tam học thành những đức mục nhỏ như Tín (saddaha), Cần (viriya), Niệm (sati), Ðịnh (samadhi), Tuệ (panna) gọi là năm căn (mdruya) hay là năm lực (bala). Những đức mục tu dưỡng trong kinh Du-Già cũng ứng dụng loại này(1). Ðây là cách phân loại tóm tắt nhất. Ngoài ra còn còn cách phân loại gọi là Thất Giác Chi (bijjhanga), chuyên chỉ bày những những giai đoạn tu dưỡng chứng được tâm Bồ-Ðề. Nếu lại đem chia Giới, Ðịnh, Tuệ một cách cụ thể hơn nữa thì đó chính là Tám Thánh Ðạo (ariyamaggani), tức chính kiến (sammmaditthi), chính tư duy (sammàsankapa), chính ngữ (sammàvacà), chính nghiệp (sammàkammanta), chính niệm (sammàsati) và Chính định (sammàsamadhi). Tám loại này, trong lần thuyết pháp đầu tiên của Phật tại Lộc Dã, được gọi là Ðạo Ðế.

Cứ như thế, từ Tam Học, Ngũ căn và Bát chính đạo trên đây. Phật lại đứng trên nhiều lập trường khác nhau để chia mỗi bộ phận thành những đức mục mà con số không thể kể hết ở đây được. Chúng tôi chỉ xin đưa ra bốn năm trường hợp làm điển hình mà thôi. Trước hết, nói về Giới, trừ khử điều ác đã phát sinh, làm cho điều ác chưa phát sinh thì làm cho nảy nở ra, cứ theo đó mà tu thì gọi là Tứ chính đoạn (Samappadhana). Rồi lấy đó vận dụng vào thân, khẩu, ý để xa lìa mọi lầm lỗi, gồm có mười điều thì được mệnh danh là Thập-thiện-nghiệp-đạo. Rồi liên quan đến Thiền-định thì được chia thành nhiều loại như Tứ thiền, Tứ-vô-sắc, Tứ-vô-lượng và ba loại Tam-muội v.v… Rồi liên quan đến Tuệ thì trừ sự quan sát, tu luyện về Tứ-đế và Thậ-nhị-nhân-duyên ra, còn có cái gọi là Tứ-niệm-trụ (satipatthana), Tứ-thần-túc (iddhipàda) v.v… Trên đây là những đức mục trứ danh, và nếu giải thích thật tỉ mỉ thì những đức mục này bao hàm rất nhiều đức mục tu đạo khác nữa mà con số sẽ khiến người ta phải sợ. Thông thường, người ta bảo là một vạn tám nghìn pháp môn, tức chủ yếu chỉ một cách đại khái con số phân loại của những đức mục kể trên.

(1) Sáu phái Triết học Ấn-Ðộ p. 268.


Như vậy, trong Phật Giáo Nguyên Thủy, tất cả đạo hạnh đưa đến giải thoát đều bao hàm trong các đức mục ấy. Nói cách khác, những sự học tập và thực tu này là các phương pháp giúp đệ tử Phật đạt đến giải thoát. Cho nên, theo một ý nghĩa nào đó, người ta không lấy làm lạ tại sao Phật và các đệ tử của ngài nỗ lực tìm cầu giải thoát đã dồn hết tâm lý vào những đức mục đó. Và sau này,  khi khảo sát về A-tỳ-đạt-ma ở thời kỳ đầu là hoàn toàn chỉnh lý và thuyết minh những đức mục đó mà thôi.

Song, ở đây có điều ta cần chú ý là tuy Phật có chia phương pháp hành đạo thành nhiều loại khác nhau để thuyết minh, nhưng đứng trên lập trường của một người đệ tử thực tu mà nói thì không nhất định phải tu theo tất cả những đức mục đó; bởi vì Phật thường nói tam học Giới, Ðịnh, Tuệ là ngang nhau, cho nên các đệ tử Phật có thể, tùy theo khuynh hướng của mỗi người, chọn lấy một trong tam học mà tu hành. Sở dĩ phải chia ra nhiều tiết mục như thế là muốn để thích ứng với căn cơ của từng người trong việc lựa chọn miễn sao giúp ích cho sự thu tu là được, chứ không thể ôm đồm tất cả các bộ phận. Hãy lấy một thí dụ: Tứ-niệm-trụ; nếu xử lý về mặt thế giới quan thì, như đã trình bày ở trên, tứ niệm trụ là sự phê phán tổng hợp về sự thực cũng như giá trị của thế giới, nhưng, nếu coi nó là một Thiền quán thì không cần phải thực hành toàn bộ tứ niệm trụ cũng được. Chẳng hạn, trong truyện ký của các đệ tử Phật, ta thấy có người chỉ chuyên tu thân-niệm-trụ (quán thân là nhơ nhớp) mà thành La-Hán; có người tu theo thụ-niệm-trụ (quán thụ là khổ) mà chứng La-Hán, v.v… Nếu chỉ tu theo một bộ phận mà đạt được mục đích thì không cần phải phân tích tỉ mỉ như A-tỳ-đạt-ma sau này bảo có tổng-tướng-niệm-trụ, tướng-niệm-trụ v.v… vì quan sát như thế chỉ gây thêm phiền phức và khó khăn thôi. Cũng thế, về Tứ-vô-lượng-tâm, có người chuyên tu từ vô-lượng-tâm mà thành đại sự, cũng có người chỉ thực hành xả-vô-lượng-tâm mà được giải thoát; chứ bất tất phải tu toàn thể Từ, Bi, Hỷ, Xả. Xem thế thì biết, Phật tuy đưa ra nhiều đạo hạnh chẳng qua chỉ để thích ứng với trình độ và căn cơ của các đệ tử, có thể nói, cũng như cái mà Thiền Tông sau này gọi là công-án vậy. Lúc bảo có, lúc nói không cũng là tùy theo tâm bệnh của mỗi người, nếu cứ chấp chặt vào có, không thì sẽ mất hẳn cái tinh thần của nó, bởi thế, có thể hòa hợp tinh thần công án của Thiền với đạo hạnh của Phật Giáo Nguyên thủy, nhất là ý nghĩa quán pháp, đến một trình độ nào đó, cũng hàm thụ ý nghĩa trên đây. Do đó, nếu cứ khư khư bám chặt lấy danh số của những đức mục thì cũng lại giống hệt như trường hợp quy luật vậy, nghĩa là nếu không phản lại Phật thì ít ra cũng không nắm được cái tinh thần của những đức mục ấy. Đó là điểm ta cần ghi nhận. Chính vì thế mà pháp môn của Phật được ví như cái thuyền dùng để qua sông, sang sông rồi mà còn khư khư giữ lấy thuyền thì hiển nhiêu thuyền trở thành chướng ngại vật : nếu cố chấp pháp môn thì pháp môn trở thành chướng ngại.

“Này các Tỷ-khưu, đối với người đã giải thoát thì chính pháp còn phải bỏ huống chi là không phải chính pháp”.(1)

Không phải chính pháp mà bỏ đã đành, đàng này chính pháp mà cũng nên bỏ thì thật là một điều cực kỳ thú vị, cái tinh thần lớn của Phật chính là ở đó và, nếu muốn nắm bắt được nó, người ta không thể bỏ qua điểm này. Về sau, Đại-Thừa tuyên bố “không những chỉ bỏ ngã chấp mà còn phải bỏ cả pháp chấp nữa” thật đã bắt nguồn từ tinh thần này của Phật.

Căn cứ vào lý do trên đây, trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ dõi theo tinh thần của Phật để trình bày, bởi thế, không đề cập đến những điều mục của quy luật một cách chi tiết, đồng thời về các loại đạo phẩm cũng chỉ thuyết minh một cách vắn tắt thôi: tất cả các vấn đề này, khi nào khảo sát đến những bộ môn của A-tỳ-đạt-ma vốn chuyên chú trọng về hình thức, sẽ được thảo luận kỹ hơn, còn ở đây chỉ tìm hiểu ý nghĩa của chúng mà thôi.

Tuy nhiên, về các đạo phẩm, nếu chỉ trình bày như trên thì hơi quá tóm tắt, cho nên sau đây chúng tôi sẽ dành riêng hai mục nữa để đặc biệt nói về tinh thần tu dưỡng lấy cách phân loại tâm lý làm nền tảng, nhất là phương pháp tu Thiền-định.

(1)Trung-Hàm 54, A-La-Tra; p.251 M, 15 Alagadhupana IV 125.