Từ nhỏ đã bị bạn bè và ngay cả sư phụ coi thường vì tướng mạo xấu xí, thế nhưng với tài năng thiên bẩm và trí nhớ siêu việt, sư Đạo An đã trở thành nhà Phật học đầu tiên của Trung Quốc thời cổ đại. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà người đời sau lại dành cho vị đại sư xấu xí này nhiều lời ca ngợi đến như vậy…
Tôn Sư Đạo An
1. Sư Đạo An sinh vào khoảng năm 312 dưới thời Hoài Đế nhà Đông Tấn trong một gia đình Nho giáo sinh sống tại Thường Sơn, huyện Phù Liễu, nay thuộc huyện Hà Bắc của Trung Quốc. Do khi đó thời thế loạn lạc, cha mẹ đều mất sớm nên từ nhỏ, Đạo An được một người anh họ ngoại nhận về nuôi.
Mặc dù không còn cha mẹ kèm cặp, nhưng từ khi lên bảy, Đạo An cũng bắt đầu đọc sách. Đến năm 15 tuổi thì kinh sách thánh hiền đã được Đạo An thuộc nằm lòng vì vậy, Đạo An mới chuyển sang đọc cách sách Phật giáo. Những nghĩa lý trong kinh điển nhà Phật khiến cậu thanh niên 15 tuổi thực sự bị cuốn hút. Hai năm sau đó, Đạo An quyết định xuất gia tu Phật.
Đạo An từ nhỏ tướng mạo đã xấu xí, lại gặp người thầy xét đoán các đệ tử qua vẻ bề ngoài nên Đạo An khi vừa xuất gia không được thầy đánh giá cao. Thấy Đạo An xấu xí, sư phụ cho rằng, Đạo An sẽ không làm nên trò trống gì nên ông sai Đạo An làm các công việc nặng nhọc như trồng rau, cấy lúa trong vườn chùa. Đạo An biết việc tu Phật phải trải qua khổ hạnh mới thành công nên không một lời oán thán, nhẫn nại tuân theo lời thầy, ba năm liền chăm chỉ làm việc ở vườn sau.
Sau ba năm, Đạo An đến gặp thầy xin được đọc kinh Phật. Thầy của Đạo An chẳng hứng thú gì song cũng không thể từ chối Đạo An được vì vậy nhặt đại một cuốn “Biện ý kinh” khoảng 5 ngàn chữ đưa cho Đạo An đọc.
Đạo An nhận được sách thì mừng lắm, nên tranh thủ lúc nghỉ trưa hôm đó đọc hết cuốn kinh rồi thuộc lòng luôn. Đến chiều tối, khi trở về chùa, Đạo An đem cuốn kinh trả lại cho thầy nói muốn mượn cuốn kinh khác để đọc.
Vị sư phụ thấy Đạo An xấu xí, thiếu năng lực lại không kiên nhẫn, mới mượn sách chưa được một ngày đã đem trả, lại còn đòi cuốn sách khác mới mắt cho Đạo An một trận. Đạo An phân trần nói rằng, cuốn kinh mượn khi sáng, buổi trưa, tranh thủ lúc nghỉ đã đọc và thuộc hết rồi, vì vậy mới đem trả thầy và mượn cuốn sách khác.
Thầy của Đạo An không tin nhưng vẫn lấy một cuốn kinh khác dày hơn, ước chừng hơn 10 ngàn chữ đưa cho Đạo An. Không ngờ, ngày hôm sau, Đạo An vẫn chỉ dùng giờ nghỉ trưa để đọc rồi học thuộc lòng, buổi chiều lại mang sách đến trả cho thầy và hỏi mượn cuốn sách khác. Thầy của Đạo An cảm thấy lạ, mới bắt Đạo An đứng trước mặt mình đọc lại nội dung cuốn kinh vừa cho mượn.
Đạo An không ngần ngại, đọc lại toàn bộ cuốn kinh hơn 10 ngàn chữ mà không hề sai một chữ. Vị sư phụ lúc này mới thấy cậu học trò xấu xí này quả thực không tầm thường.
Cũng từ đó, sư phụ thay đổi thái độ với Đạo An. Ít lâu sau đó, Đạo An chính thức thụ giới trở thành một tăng nhân rồi đồng ý để Đạo An xuống núi ngao du các nơi để mở rộng tầm nhìn và học hỏi thêm. Cũng bắt đầu từ thời điểm đó, ở tuổi 24, Đạo An bắt đầu cuộc sống ngao du khắp nơi để tìm thầy tu học.
2. Khi Đạo An tới đất Nghiệp Đô (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) của nhà Hậu Triệu thì ông gặp người thầy thứ hai của mình: Phật Đồ Trừng. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, Phật Đồ Trừng đã nhận ra sự tài hoa của Đạo An, bèn nhận ông làm đồ đệ và rất mực coi trọng ông. Tuy nhiên, rất nhiều tăng chúng trong chùa khi nhìn thấy tướng mạo xấu xí của Đạo An đều có ý coi thường.
Phật Đồ Trừng biết điều đó nên mỗi lần giảng kinh xong, thường nhờ Đạo An giảng lại những gì mình vừa nói cho mọi người nghe. Đạo An không những nhắc lại toàn bộ lời thầy mà còn sử dụng những điều sở đắc của riêng mình để truyền đạt lại nội dung bài giảng để mọi người dễ hiểu hơn. Các tăng chúng trong chùa khi ấy mới phục tài Đạo An mà không dám coi thường ông nữa.
Sau khi Phật Đồ Trừng viên tịch, lại gặp lúc thời thế biến loạn, Đạo An cũng rời khỏi Hà Nam về vùng Khẩu Trạch thuộc Sơn Tây trú ngụ. Khẩu Trạch là vùng khá hẻo lánh thời bấy giờ nên gần như không chịu ảnh hưởng của nạn binh đao. Đây cũng là thời kỳ Đạo An cùng những người bạn của mình chú giải những bản dịch kinh điển Phật giáo được dịch trước đó. Ở Khẩu Trạch không lâu sau thì Đạo An cùng bạn của mình lại tới núi Phi Long (nay thuộc Hà Bắc, Trung Quốc) rồi tới Thái Hành sơn, Hằng sơn,…
Sử sách còn ghi chép rằng, vào năm 349, sau khi Hậu Triệu Vũ Đế Thạch Hổ qua đời, Thạch Tuân kế vị đã mời Đạo An về sống ở Hoa Lâm Viên trong cung, đồng thời xây một căn nhà rất rộng cho Đạo An. Tuy nhiên, điều không may là Thạch Tuân mới chỉ làm Hoàng đế được 83 ngày đã bị giết, Đạo An lai một lần nữa rời khỏi Nghiệp Đô đến vùng núi Khiên Khẩu ở phía tây bắc của Nghiệp Đô để truyền giảng Phật pháp. Vào thời điểm đó, xã hội loạn lạc, cuộc sống của dân cư khốn khổ đủ điều.
Sự tận tình cùng những bài thuyết pháp gần gũi, dễ hiểu của Đạo An khi đó đã trở thành một nguồn động viên tinh thần cho dân chúng. Thời bấy giờ, sư Đạo An đã trở thành một vị cao tăng được nhiều người biết tới.
3. Vào năm Đạo An 45 tuổi, ông lại quay trở ề Nghiệp Đô sống ở chùa Thụ Đô. Học trò theo về hơn cả hàng trăm người.
Trong số này có Huệ Viễn, là người sáng lập nên Tịnh Độ Tông, một trong số ít những tông phái Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc ngày nay. Cũng vào thời điểm đó, nhà Hậu Triệu đã bị tiêu diệt được 8 năm, cuộc chiến loạn cũng đã kết thúc với thắng lợi thuộc về Mộ Dung Tuyển.
Họ Mộ Dung lập nên nhà Hậu Yến, tuy nhiên, Mộ Dung Tuyển lại là người hoàn toàn không sùng Phật. Đạo An không còn cách nào khác đành phải đem học trò của mình tới núi Vương Thật Sơn Lâm rồi vượt sông Hoàng Hà tới huyện Lục Hồn của Hà Nam.
Khi quân của Mộ Dung tấn công tới Hà Nam, Tập Tạc Xỉ, một sử gia nổi tiếng đương thời từ Tương Dương gửi cho Đạo An một bức mời ông tới phía nam để truyền giảng Phật pháp. Đạo An bèn cùng với các bạn học và đệ tử của mình rời khỏi Hà Nam lui về Tân Dã. Sau đó, để việc truyền bá đạo Phật được rộng rãi, Đạo An lệnh cho bạn học là Pháp Thải dẫn hơn 40 đệ tử tới Dương Châu, còn bạn học Pháp Hòa tới Tứ Xuyên.
Bản thân Đạo An dẫn đệ tử Huệ Viễn cùng 400 người khác tới Tương Dương. Ban đầu họ ở chùa Bạch Mã, sau đó tự lập nên một ngôi chùa khác gọi là chùa Đàn Khê. Tương Dương khi đó vẫn thuộc nhà Đông Tấn, tình hình xã hội tương đối ổn định vì vậy, Đạo An đã ở lại Tương Dương truyền bá Phật pháp hơn 15 năm. Cũng trong thời gian này, Đạo An đã có những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp nghiên cứu Phật giáo của mình.
Cho tới năm 379, năm Thái Nguyên thứ 4 đời Hiếu Vũ Đế nhà Đông Tấn, Phù Kiên Hoàng đế nước Tiền Tần sai Phù Phi tấn công thành Tương Dương cả Đạo An và Tập Tạc Xỉ đều bị đưa về Trường An. Sau khi Đạo An đã về Đến Trường An, Phù Kiên vui vẻ mà nói rằng: “Hạ thành Tương Dương ta chỉ được có môt người rưỡi”. Một người là chỉ Đạo An còn nửa người chính là Tập Tạc Xỉ. Chỉ điều này cũng đủ thấy Phù Kiên coi trọng Đạo An tới mức nào.
Khi tới Trường An, sư Đạo An đã bước sang tuổi 67, tuy nhiên, ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Trong vòng 7 năm ở Trường An, Đạo An không chỉ lãnh đạo hàng ngàn người của đạo tràng, thường xuyên thuyết giảng Phật pháp mà còn cực kỳ thành công trong việc tổ chức dịch thuật các sách kinh điển của nhà Phật.
Sử sách chép rằng, Đạo An là một người rất kỹ tính trong công việc dịch thuật này. Mỗi một cuốn kinh dịch xong, bao giờ ông cũng cùng những người bạn của mình đọc lại một lần. Nếu như có chỗ cảm thấy không đúng thì Đạo An ngay lập tức bỏ công tra cứu hoặc yêu cầu người dịch dịch lại. Chính vì vậy, ngoài 15 năm nghiên cứu Phật giáo với rất nhiều tác phẩm, Đạo An còn đóng góp một phần công sức không hề nhỏ trong việc diễn dịch các sách kinh điển của Phật giáo.
Cái chết của sư Đạo An mang đậm màu sắc truyền thuyết do sự tôn kính của các đệ tử dành cho ông. Người ta kể rằng, vào năm 385, sau khi giảng kinh cho các đệ tử, Đạo An bỗng dưng nói với các đệ tử của mình rằng: “Đến lúc ta đi rồi”. Đúng buổi tối hôm đó, sau khi trai tịnh, Đạo An viên tịch mà không hề bệnh tật gì. Năm đó, sư Đạo An 74 tuổi.
Nguồn báo Giác ngộ online
Sưu Tầm Và Trình Bày Thường Lạc Ngã Tịnh
- Tôn Giả Tu Bồ Đề (Giải Không Đệ Nhất)
- Tôn Giả Phú Lâu Na (Giảng Sư Đệ Nhất)
- Tôn Giả Mục Kiền Liên (Thần Thông Đệ Nhất)
- Thiền Sư Chân Nguyên
- Tôn Giả Xá Lợi Phất (Trí Tuệ Đệ Nhất)
- A Dục, Một Vị Vua Phât Tử
- Đức Phật Và Angulimala
- Kết thúc buồn cho mối tình si với hòa thượng
- Lịch Sử Kết Tập Kinh Luật
- Sự Hình Thành Của A Tỳ Ðạt Ma
- Khái Quát Về Nguồn Gốc Kinh A-Hàm
- Tam Tạng Kinh Điển