Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, Dec 25th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Tại Tôi

Tại Tôi

Email In PDF

Theo đạo Phật thì không hề có định mệnh hay số phận, mà tất cả do duyên và nghiệp ta đã tạo.Con người ta gắn bó với nhau là nghiệp duyên. Ta từng tạo nghiệp xấu thì hãy cứ trả một cách thản nhiên.
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.”

Có lúc nào đó, ta ngồi ngân nga vu vơ câu thơ trên như nói rằng ta đang buồn mà không thể biết được lí do. Hay rồi có lúc thì:“khi vui lại khóc, buồn tênh lại cười”, phải chăng tâm trạng con người đặc biệt là nỗi buồn thật là khó hiểu, khó giải thích đến nỗi có khi ta không thể hiểu được chính bản thân ta.


Buồn - vui, là những cảm xúc của con người, là sự rung động mà theo tâm lý học là những phản xạ có điều kiện trước hiện thực, và trong quá trình nhận thức nó đưa đến một tình cảm chủ đạo về đối tượng mà ta hướng đến. Và từ đó nó ngày càng lây lan, di chuyển, tương phản và pha trộn, có khi “giận mà thương”, lúc thì “yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”!


Bởi thương, yêu mà mang đến hạnh phúc, nhưng cũng chính vì đó mà mang lại cho người ta biết bao buồn đau, oán giận. Khi vui thì chín bỏ làm mười, thấy cái gì cũng tốt, cũng hay.


Nhưng khi gặp khổ đau thì lại quay sang trách móc: trách người, trách đời sao bạc bẽo. Biết bao nhiều câu hỏi, bao nhiêu nỗi niềm đặt ra khi ta gặp phải những cảnh ngang trái, không như ý muốn. Ta tự hỏi rằng “tại sao mình tốt, mình làm tròn bổn phận và trách nhiệm mà người thân, bạn bè lại tệ bạc, lại phủ nhận tấm chân tình và công sức của ta. Rằng tại sao mình hiền lành, lương thiện nhưng mọi chuyện không may luôn ập đến với mình mà không phải người khác?”


Thật khó tìm ra câu trả lời, hoặc có câu trả lời thì ta cũng không thể chấp nhận được sự lí giải đó. Vì dường như tất cả đều do ngoại cảnh, do người khác mang đến cho ta. Ta thấy mình không xứng đáng để đón nhận sự phũ phàng. Vậy đâu là lí do, đâu là sự thật để ta có thể chấp nhận môt cách thanh thản.


Do cái này có mặt nên cái kia mới có mặt, cái này sanh nên cái kia sanh. Bất cứ điều gì tồn tại và xuất hiện đều có lí do, lí do thì gồm có nguyên nhân và mục đích nhưng lí do chỉ là lí do khi nó thực sự đầy đủ. Vậy nếu chỉ xét đến cái lí do bên ngoài tác động đến ta, chi phối hành động của ta, dẫn kết kết quả ta đạt được thì e rằng chưa đủ, hay nó chỉ là cái nhìn phiến diện.


Nếu nỗi buồn, niềm đau kia chỉ do người khác mang lại, do số phận ta buộc phải thế thì liệu làm sao ta có thể thay đổi được?! Vậy ta còn chấp vào nó để được gì, trong khi cái chủ quan là bản thân, là tâm ta lại không được xem xét. Đối diện với sự cố, mỗi người có một cảm nhận khác nhau. Có người đau khổ tột cùng, có người buồn rồi cũng qua, có người lại xem đó như những bài học kinh nghiệm và chấp nhận nó một cách bình tĩnh.


Cội nguồn, nguyên nhân của mọi khúc mắc, mọi hạnh phúc hay đau khổ cũng chỉ ở lòng người, là cái tâm ta vậy, nó chi phối tác động đến mọi hành vi của chúng ta. Có khi ta cũng chỉ phấn đấu vì cái tôi của chính mình, để đạt được cái mục đích khiến mình hả hê thoải mãn. Tự ta thấy mình tài giỏi, tự ta thấy mình phi thường, rồi tự ta cũng mang đến cho mình bao thất vọng bởi ta hi vọng, ta mong chờ cái điều kiện xứng đáng với bản thân mà ta phải nhận được.


Đó là cái suy nghĩ tự trói buộc bản thân, tự chấp ngã vào những điều không thật của chính ta. Dẫn đến lại tiếp tục thất bại, lại sai lầm lại nối tiếp sai lầm, tuy không cái nào giống cái nào nhưng cái cách mà ta phạm sai lầm thì chỉ có một. Bởi lẽ, con người ta thường có xu hướng hành động theo cùng một phương thức, một lề lối do ta tự vạch ra rồi lại đạp lên những vết xe đổ của chính mình.


Đức Phật đã từng ví tâm ta như cái cây, có rễ chỉ hút toàn chất ngọt nhưng cũng có rễ chỉ hút toàn chất đắng. Vậy ngọt hay đắng, hạnh phúc hay đau khổ là do chính ta chọn lựa, không ai có thể trói buộc mình, hay ban phát cho mình được. Như câu chuyện một vị Thiền tăng trẻ tuổi tìm đến ngài Tổ Tăng Xán mà xin được giải thoát, Ngài đã hỏi lại vị Thiền Tăng ấy rằng: “Ai trói buộc người mà giải thoát”. Ngay lúc ấy vị thiền tăng đã ngộ liền.


Đối với chúng ta những đệ tử của Phật, cũng ít nhiều hiểu được thập nhị nhân duyên, nhân quả, vô thường, vô ngã, giới, định, tuệ, thường đọc tụng Bát Nhã Tâm Kinh,... Và có lúc ta cũng đã nhận diện được tâm mình đang ở đâu, biết được “ta là ai” giữa cõi ta bà tạm bợ này.


Thế nhưng có khi hiểu cũng rồi thôi, rồi cũng tự biện bạch cho những hành động của mình bằng vô số lí do hoặc hiểu đấy nhưng không đủ năng lực để thực hành và vượt qua nỗi buồn, qua những bão giông cuộc đời mình. Tựa như một đứa con hư, ta mắng chửi nó hư hỏng sao không tự hỏi mình không làm tròn trách nhiệm dạy dỗ chúng. Trách người yêu thương phụ bạc hay thay vì nghĩ rằng do nghiệp ta đã tạo và ta chưa sáng suốt để lựa chọn người đáng tin cậy.


Hoặc có khi nhận ra cái xấu, nhận ra người  không tốt nhưng cũng chưa hẳn đã dứt ra được bởi lẽ chúng ta vẫn vấn vương một chữ “tình”.  Như Nguyễn Du từng viết:


“Sự rằng phúc họa ở đời

Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra
Có trời mà cũng có ta
Tu là cội phúc, tình là dây oan”

Vậy làm sao để tháo được Sợi “dây oan” kia ? Liệu ta từ bỏ nó và đoạn tuyệt, lạnh lùng được chăng?


Theo đạo Phật thì không hề có định mệnh hay số phận, mà tất cả do duyên và nghiệp ta đã tạo.Con người ta gắn bó với nhau là nghiệp duyên. Ta từng tạo nghiệp xấu thì hãy cứ trả một cách thản nhiên. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh nhưng cũng chính sự phản ứng với hoàn cảnh lại nằm trong tay con người “nghiệp duyên vốn tự mình ra. Rơi vuông tắc có thiên đường địa ngục”.


Để làm được điều này, đòi hỏi chúng ta sự tu tập nghiêm túc, học và thực hành giáo lý của đức Phật với tư duy và trí tuệ. Tất cả chúng ta đều có Phật tính, có bản tính giác ngộ. Trải qua trầm luân, cay đắng ta biết vẫn dụng giáo lí của đức Phật để nhận ra được cái quy luật thật của cuộc sống. Sự an lạc, cảnh giới tâm từ sẽ đến mà không phải kiếm tìm. Như kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:


“Người tu tâm thanh tịnh

Như giác hết lầm mê
Người tu trong chánh niệm
Tín tâm biết nẻo về”

Nguồn PTVN