DaoPhat.info - Dưới đây là bài lược ghi cuộc nói chuyện của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn,
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam với nhóm phóng viên, cộng tác viên nhân dịp đầu xuân
Sau khi thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nói về các lãnh vực hoạt động của Phật giáo Việt Nam như hoằng pháp, truyền thông, giáo dục, hướng dẫn Phật tử, thanh niên Phật tử…, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, đầu tiên, đã có ý kiến chung như sau:
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (HT TTN): Các đạo hữu, cần phải thấy các hoạt động hoằng pháp, giáo dục, truyền thông, hướng dẫn Phật tử, và gồm cả thanh niên Phật tử như các đạo hữu đã nói, có quan hệ hết sức chặt chẽ, gắn bó khăng khít với nhau, thống nhất với nhau. Việc chia tách chỉ là tương đối, cho thuận tiện trong Phật sự mà thôi.
Người tu Phật, dù là người xuất gia hay người tại gia, đều có 3 nhiệm vụ lớn phải thực hiện. Đó là: tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Những hoạt động Phật sự mà các đạo hữu đang nói đến, như hoằng pháp, giáo dục…, đều thuộc về nhiệm vụ “giác tha” của người tu Phật, là giúp mọi người đều được giác ngộ như mình. Nếu không làm nhiệm vụ giác tha, hay làm mà không tận tụy, không quan tâm có kết quả hay không có thật sự giúp được người giác ngộ về đạo Phật hay không, thì không thể nói là đã tu Phật đúng nghĩa được, không thể “giác hạnh viên mãn” được.
Ngày xưa, Đức Phật giác ngộ trong khoảnh khắc, nhưng ngài dành cả một đời để “giác tha”, để hoằng dương chính pháp. Như thế, đủ thấy việc “giác tha” có vai trò như thế nào trên con đường tu Phật.
Hơn 2500 năm lịch sử Phật giáo, hành trạng của bao đời liệt vị tổ sư cũng đều như thế cả. Sau khi giác ngộ, có nhiều vị chứng quả, quý liệt vị Tổ sư đã không bỏ mặc cuộc thế, nhập diệt hay ẩn tu để tìm pháp lạc cho riêng mình, mà ra sức xây dựng các tu viện, tự viện, là những trung tâm hoằng dương chính pháp, để giúp người, giúp đời, bằng mọi cách chia sẻ sự an lạc cho tất cả chúng sinh, đưa ánh sáng đạo Phật đến với mọi người.
Ngày nay, Tăng Ni Phật tử Việt Nam sau khi chọn con đường tu Phật chúng ta cũng chỉ có một con đường như thế.
Trong bối cảnh hiện nay của Phật giáo Việt Nam chúng ta, thì theo thầy, vấn đề chính cũng chỉ tập trung ở Phật sự giác tha, tức là ở các lĩnh vực hoằng pháp, giáo dục, truyền thông, hướng dẫn Phật tử…
Nhiều vị tôn đức nêu cao tấm gương tu hành nghiêm mật. Các giá trị Phật giáo vẫn được tiếp tục khẳng định. Đó là một kho báu. Việc còn lại là phải làm sáng tỏ các giá trị Phật giáo đối với mọi người, chuyển tải các giá trị Phật giáo vào cuộc sống, mang lại nhiều hơn an vui, lợi lạc cho tất cả chúng sinh, tức là phân phát cho mọi người kho báu đó.
Vấn đề càng trở nên hết sức cấp bách khi ở nước ta hiện nay, người tin Phật, người yêu Phật giáo vẫn là nhiều, nhưng tỷ lệ người nắm vững Phật pháp, tu hành chân chính, nghiêm cẩn, đúng theo chính pháp, không phải đã là cao. Trách nhiệm “giác tha” của Tăng ni Phật tử Việt Nam càng trở nên hết sức nặng nề.
Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng cho một số ý kiến về hoạt động hoằng pháp.
HT TTN: Về những thành quả đã đạt được và những gì còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong hoạt động hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam hiện nay, các đạo hữu có thể tham khảo ở các văn kiện, tài liệu chính thức của Giáo hội. Thầy chỉ xin chia sẻ với các đạo hữu những vấn đề chung, trong chỗ thân tình.
Như đã nói, đã tu Phật, đã nhận thức được sự ưu việt của Phật pháp và sống trong niềm tin đó, thì tất yếu phải nỗ lực hoằng pháp. Không thể nói tu Phật mà lại đứng bên ngoài hoạt động hoằng pháp.
Vì vậy, không nên quan niệm Phật sự hoằng pháp là việc của Ban Hoằng pháp, của Giáo hội, của quý vị giảng sư…, mà phải xem đó là việc tu hành của mỗi người con Phật, của mỗi tự viện, tu viện, đạo tràng.
Một khi đã có được nhận thức đúng đắn về Phật pháp, bước chân vào con đường học Phật, tu Phật thì phải ngay lập tức, hoằng pháp, giác tha tùy theo khả năng của mình. Có thể chỉ đơn giản, là cố gắng cùng đưa con cháu, vợ chồng, người thân, bạn hữu cùng đến chùa, nghe pháp tu tập như mình.
Đối với từng tự viện, tu viện, thì nên coi Phật sự hoằng pháp là Phật sự hàng đầu.
Bởi, từ giác ngộ đến giác tha là việc khó. Khó vì đó không phải chỉ là việc của riêng mình, mà phải tác động đến nhiều người.
Cho nên, phải tập trung, dành mọi nỗ lực cho hoạt động hoằng pháp. Nếu có phải lựa chọn, thì hoằng pháp là trước tiên. Khi người người tu Phật, nhà nhà tu Phật, thì tất cả mọi Phật sự khác đều sẽ có được thuận duyên.
Mỗi tăng ni Phật tử đều ra sức hoằng pháp, mỗi tự viện, tu viện đều nỗ lực hoằng pháp, mỗi đạo tràng đều cố gắng hoằng pháp thì sự nghiệp hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam nói chung tự nhiên ngày càng thành tựu, có được những kết quả rực rỡ.
Hoằng pháp, đối với mỗi người, mỗi nhà, mỗi chùa…, là việc tưởng chừng như khó, mà kỳ thực rất dễ. Khuyến thỉnh ấn tống kinh sách, băng dĩa thuyết pháp, mời gọi mọi người cùng đến chùa nghe pháp… đều là hoằng pháp.
Hoằng pháp là một pháp tu căn bản mà đức Phật đã nỗ lực từ khi thành đạo đến lúc nhập diệt. Chúng ta nỗ lực hoằng pháp thì sẽ có công đức. Có công đức thì việc tu tập sẽ luôn tinh tấn, đương nhiên là bất thối chuyển trên con đường an vui, giải thoát.
Tóm lại, khi đã là người con Phật, thì trên hết là hoằng pháp.
Kính bạch Hòa thượng, hoằng pháp là Phật sự ưu tiên, Phật sự hàng đầu như thế, thì đối với các lãnh vực khác đang được đề cập đến, ý kiến của Hòa thượng ra sao?
HT TTN: Mọi Phật sự đang được đề cập đến cũng chính là hoằng pháp trong những trường hợp riêng, cụ thể, đối với những đối tượng riêng, cụ thể.
Chẳng hạn, các đạo hữu nói đến hoạt động thanh niên Phật tử, thì đó không gì khác hơn là hoằng pháp cho đối tượng là thanh niên.
Hay đào tạo cho Tăng ni kỹ năng giáo dục, trong nhà trường sư phạm Phật giáo, chính là đào tạo kỹ năng đưa các giá trị Phật giáo đến với mọi người, đến với cuộc đời.
Truyền thông Phật giáo thực chất là một dạng hoằng pháp đến công chúng rộng rãi bằng phương tiện hiện đại, thích hợp. Trang web Phật tử Việt Nam, tỷ dụ, nếu có đổi tên thành “hoằng pháp”, thì vẫn phù hợp với nội dung của trang tin.
Vừa qua, ở một số địa phương, cũng như trong nhiều hoạt động, Giáo hội đã tổ chức được sự liên kết, phối hợp giữa các ban, đó cũng chính là vì mục tiêu chung đã thống nhất: hoằng pháp.
Hoạt động giáo dục, truyền thông, hướng dẫn Phật tử, thanh niên Phật tử nếu phát triển tất yếu đương nhiên sẽ là sự mở rộng và đi vào chiều sâu của hoạt động hoằng pháp.
Vì vậy, trong nhiệm kỳ sắp tới Giáo hội sẽ củng cố thành quả đã đạt được trong lãnh vực truyền thông, đẩy mạnh việc xây dựng trường sư phạm Phật giáo, đổi mới sáng tạo trong hoạt động hướng dẫn Phật tử, đặc biệt chú trọng đến đối tượng thanh niên.
Kính bạch Hòa thượng, xin Hòa thượng cho biết vì sao Hòa thượng lại đăc biệt chú trọng đến đối tượng thanh niên. Thưa, điều này khác biệt với quan điểm chú trọng đến mọi lức tuổi một cách đồng đều? (quan niệm cũ hơn là “Trẻ vui nhà, già vui chùa”)
HT TTN: Theo ý riêng của tôi, thì cần đặc biệt chú trọng hoằng pháp đến đối tượng thanh niên, nói chính xác là thanh niên (lứa tuổi cấp 3 trở lên), thiếu niên (lứa tuổi cấp 2), và nhi đồng (lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, cấp 1).
Thầy quan niệm như thế là vì:
- Thanh niên là tương lai của Phật giáo.
- Hiện nay, sinh đạo đức thanh niên nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng, như bạo lực, ma túy, tội phạm, đặc biệt có những hành vi hết sức hung hãn tàn nhẫn. Phật giáo Việt Nam phải có trách nhiệm góp phần cùng xã hội tập trung giải quyết các vấn đề đó.
- Người cao tuổi Việt Nam đã thường xuyên đi chùa, tu tập. Đó là chuyện bình thường, đương nhiên. Vì vậy, chúng ta nên đặt trọng tâm vào đối tượng hoằng pháp chủ yếu, đặc biệt quan tâm, có yêu cầu cao. Điều này cần duy trì cho đến khi tỷ lệ thanh niên đến chùa tu học tương đương với tỷ lệ thanh niên ngoài xã hội so với các lứa tuổi khác, kể cả lưu ý sự tương đương giới tính. Khi đó, chúng ta mới có thể yên lòng dành sự quan tâm như nhau đối với mọi lứa tuổi.
Muốn làm được điều này, Phật giáo Việt Nam cần có những bước đột phá, sáng tạo những hình thức mới thu hút tuổi trẻ đến chùa học Phật, tu tập. Để làm được điều đó, Tăng ni Phật tử cần:
- Có chuyển biến mạnh về mặt nhận thức.
- Có kỹ năng giáo dục, sư phạm và hoạt động thanh thiếu niên (ngoài kiến thức Phật học và quá trình tu tập là điều kiện mặc nhiên).
Do đó, các mô hình tự viện tập họp thanh thiếu niên tu học thành công cần được quảng bá, học tập, nhân rộng. Nếu chỉ có 1, 2 điểm thành công cá biệt, mà không thể nhanh chóng nhân rộng, thì đó chưa thể được coi là thành công chung của Phật giáo Việt Nam.
Chúng con thành kính tri ân về những ý kiến của Hòa thượng. Kính chúc Hòa thượng năm mới pháp thể khinh an, cát tường như ý.
- Sống An Vui
- Phiền Não Và Bệnh Tật
- Thực Hành Thiền Trong Đời Sống Hằng Ngày
- Tại Tôi
- Hãy Để Tâm Bình Yên
- Ảnh Hưởng Phật Giáo Trong Đời Sống Người Việt
- Người Trí Thức Và Đạo Phật
- Tại Sao Con Bị Bóng Đè?
- Xá lợi biểu trưng Đức Phật còn tại thế
- Phật Giáo Với Vấn Đề Bảo Vệ Môi Trường
- Hãy Là Một Pho Tượng
- Nhân tiết thanh minh, bàn đôi điều về chữ Hiếu