Vĩnh Minh Tự Viện

Wednesday, Dec 25th

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Xá lợi biểu trưng Đức Phật còn tại thế

Xá lợi biểu trưng Đức Phật còn tại thế

Email In PDF

Xá lợi là những phần kết tinh còn lại sau khi làm lễ trà tỳ nhục cốt của Đức Phật và các vị cao tăng. Đối với nhiều người theo Đạo Phật hoặc đã chứng kiến, Xá lợi chính là hiện thân của sự màu nhiệm.

Xá Lợi của Đức Phật

Theo ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn tại rừng Ta La Song Thọ, thành Câu Thi Na, các đệ tử của Ngài theo tục hoả táng của Ấn Độ đã trà tỳ (hỏa thiêu - PV).

 

Sau khi lửa tàn, họ phát hiện trong tro có rất nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau, cứng như thép, lóng lánh và tỏa ra những tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý.

Họ đếm được cả thảy 84.000 viên, đựng đầy trong 8 hộc và 4 đấu, những vật thể đó được đặt tên là Xá lợi, là bảo vật của Phật giáo.

Tương truyền Ngọc Xá lợi của Đức Phật có thể biến hóa từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn, từ đục thành trong và tỏa sáng hào quang. Sự biến hóa kỳ diệu này phải do sự thành tâm lễ bái chí thành của người có đạo tâm.

Riêng Xá lợi Răng và Xương của Đức Phật  thì không có sự biến hóa ít thành nhiều. Do vậy bảo tháp thờ Xá lợi Răng và Xương rất hiếm.

“Xá lợi Phật có ba phần: một loại lớn bằng đầu đũa, một loại bằng hạt gạo, một loại bằng hạt mè. Xá lợi bằng đầu đũa và bằng hạt gạo hiện không còn nữa. Bây giờ duy nhất còn Xá lợi bằng hạt mè” - Lời của Thượng Tọa Thích Như Điển trong cuốn Phật học Phổ thông 1.

Xá Lợi của đệ tử Đức Phật

“Có thể nói hầu hết đệ tử của đức Phật từ hàng xuất gia đến tại gia đều có Xá lợi sau khi hỏa táng (ngoại trừ người đó mắc bệnh tiểu đường, ung thư…). Kích cỡ và màu sắc cũng có khác nhau nhưng có chung một điểm là không bị hư hỏng” - Đại đức Thích Lệ Thọ - Phó Tổng thư ký Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam chia sẻ với Kienthuc.net.vn.

Cũng theo Đại đức thì những năm gần đây, lịch sử Phật giáo và giới khoa học đã ghi lại khá nhiều trường hợp các vị cao tăng sau khi viên tịch, hỏa thiêu đã để lại Xá lợi.

Tháng 12/1990, Hoằng Huyền (Pháp sư ở Singapore) viên tịch, sau khi thi thể được hỏa thiêu, người ta phát hiện thấy trong phần tro của ngài có 480 hạt cứng, loại cỡ như hạt đỗ tương, loại nhỏ bằng hạt gạo, trông gần như trong suốt và tỏa sáng lấp lánh như kim cương. Sau khi phân tích, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng đó chính là Xá lợi.

Tháng 9/1989, Khoan Năng (Pháp sư ở Trung Quốc) viên tịch ở tuổi 93. Sau khi hỏa thiêu, người ta tìm thấy trong tro hài cốt 3 viên Xá lợi màu xanh lục, trong suốt, đường kính mỗi viên lên tới 3-4 cm, tựa như những viên ngọc lục bảo.

Còn ở Việt Nam, tháng 6/1963, Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu sau khi thiêu còn trái tim, người ta đã dùng lửa đến 4.000 độ, xương thịt cháy tiêu hết. Duy chỉ có trái tim của Ngài vẫn còn nguyên, được thiêu lần thứ hai vẫn không cháy.

Lợi ích khi chiêm bái Xá lợi

Theo Đại đức Lệ Thọ thì Xá lợi có năng lực cảm hóa tâm người, phát triển lòng bác ái trong nội tâm của những ai có cơ duyên được chiêm bái Xá lợi.

Những viên Xá lợi là tinh cốt còn lưu lại có công năng thù thắng, giúp tăng trưởng các điều lành thiện và tiêu trừ những điều xấu ác. Chỉ cần thành tâm, chúng ta có thể cảm nhận được năng lực mầu nhiệm của Xá lợi.

Cho nên người nào có phước thờ Xá lợi thì Xá lợi sẽ lớn lên. Còn người nào vô phước mà thờ Xá lợi thì Xá lợi bay bổng đi nơi khác, mặc dù đang được cất giữ trong một cái tháp. Đó là sự linh thiêng của Xá lợi và cũng là đặc tính thứ nhất của Xá lợi.

Dù trong hiện tại chúng ta không đủ phước duyên để diện kiến đức Phật nhưng cũng vẫn có đầy đủ thiện duyên để gặp được Xá lợi Phật cùng Phật pháp.

Cho nên dù đức Phật không thị hiện ngay trước mặt chúng ta với sắc tướng quen thuộc của Ngài, chúng ta có thể thấy được Xá lợi Phật và vẫn còn có thể đạt giác ngộ.

Mặt khác Xá lợi không chỉ là nhân tố tạo nên mọi sự phước đức mà còn là động lực chuyển xoay tâm hồn con người từ hung dữ trở thành hiền lương, từ vô đạo đức trở thành có đạo đức.

Như vậy, Xá lợi là báu vật biểu trưng như Đức Phật còn tại thế. Nếu chúng ta dùng tâm vô nhiễm, cung kính lễ bái, cúng dường, tán thán thì được phước đức vô lượng vô biên. Xá lợi có ba đặc tính: Xá lợi có sự lớn lên; Xá lợi tự động di chuyển; Xá lợi có năm màu:

- Màu xanh tượng trưng cho niềm tin là Tín

- Màu vàng tượng trưng cho Tinh tấn

- Màu đỏ tượng trưng cho sự nhớ nghĩ tức là Niệm

- Màu trắng tượng trưng cho Định

- Màu cam tượng trưng cho Trí tuệ

Bùi Hiền