Vĩnh Minh Tự Viện

Tuesday, Dec 03rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Vu Lan Với Đạo Hiếu Và Nhân Cách Người Việt

Vu Lan Với Đạo Hiếu Và Nhân Cách Người Việt

Email In PDF

Đinh Đức Hiền

Là một trong 6 tôn giáo lớn ở Việt Nam, hiện có gần bốn mươi lăm triệu tín đồ* và đã có mặt ở nước ta từ hơn 2.000 năm qua, dù đã trải qua không ít thăng trầm theo mọi bước tiến của lịch sử dân tộc, nhưng với những tư tưởng chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp: từ bi, cứu khổ, thương người, tôn trọng sự thật…, Phật giáo đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong di sản văn hóa dân tộc và nhân cách con người Việt Nam.

Nhân cách con người Việt Nam hiện nay, xét về mặt bản chất, là sản phẩm của nhiều học thuyết, tư tưởng, và tôn giáo khác nhau, là sự kết tinh của nhiều hoàn cảnh lịch sử, là sự tổng hòa từ nhiều mối quan hệ xã hội. Nhưng rõ ràng có một thực tế không thể phủ nhận; đó là, bên cạnh sự chi phối trực tiếp đến nhân cách mỗi người Phật tử bởi lý thuyết và nếp sống của Phật giáo, thì Phật giáo cũng đã có những tác động nhất định đến nhân cách của hầu hết con người dân tộc Việt, dù họ là lương hay giáo.

Tìm hiểu về những tác động của lễ Vu lan đối với đạo hiếu của con người Việt Nam phần nào lý giải cho chúng ta thấy rõ điều đó.

Đôi nét về nguồn gốc ngày lễ Vu lan trong đạo Phật

Lễ hội Vu lan còn có tên gọi khác là ngày báo hiếu hay ngày xá tội vong nhân, được toàn thể tín đồ Phật giáo coi trọng và tổ chức trang nghiêm vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm.

Kinh điển của Phật giáo cho biết nguồn gốc của lễ hội này xuất phát từ một nhân vật   có tên gọi là Tôn giả Mục-kiền-liên, một trong những vị đại đệ tử xuất chúng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Tôn giả Mục-kiền-liên có một người mẹ. Do bản tính tham lam, dối trá, bà đã tạo ra nhiều nghiệp nặng lúc còn sống, nên khi chết đi bà phải chịu sự đày đọa nơi địa ngục. Là người con hiếu thảo và biết mẹ mình nặng nghiệp, ngay khi chứng lục thông,Tôn giả Mục-kiền-liên dùng huệ nhãn quán sát và thấy cảnh mẹ mình thác sanh làm thân quỷ đói nơi địa ngục. Thương mẹ, ông vội thị hiện thần thông mang cơm dâng cho mẹ ăn; nhưng vì nghiệp chướng của người mẹ quá lớn nên bát cơm hóa thành bát than lửa đỏ, không thể dùng được. Thấy sức mình không thể cứu  mẹ,  Mục-kiền-liên  đến  cầu  xin  Đức Phật giúp đỡ. Đức Phật cho biết, muốn cứu tế người thân có nghiệp chướng sâu dày thì lòng hiếu thảo dù lớn đến đâu cũng không đủ, mà phải nhờ vào thần lực của mười phương Tăng. Nhân đó, Đức Phật hướng dẫn nghi thức cúng dường vào dịp Tự tứ hằng năm, là ngày rằm tháng Bảy. Vào ngày đó, chư Phật hoan hỷ vì chúng Tăng vừa hoàn tất một mùa an cư thanh tịnh, nếu Phật tử thành tâm cúng dường tứ sự cho mười phương Tăng và hồi hướng công đức cho cha mẹ bảy đời thì với sức chú nguyện của chư Tăng, người được hồi hướng công đức sẽ thoát khỏi cảnh khổ địa ngục. Vâng lời Phật dạy, Mục-kiền-liên đã cứu mẹ thoát khổ. Nghi thức cúng dường Vu lan được truyền tụng và hàng Phật tử đã duy trì lễ hội này đến tận ngày nay.

Lễ hội Vu lan – ngày đạo hiếu của dân tộc được nâng cao

Đã là người con của đất Việt thì không ai xa lạ với những câu ca dao ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Từ lâu, người Việt vẫn truyền tụng những câu ca dao nhắc nhở về lòng hiếu như “Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, hay “Công cha đức mẹ cao dày / Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ / Nuôi con khó nhọc đến giờ / Trưởng thành, con phải biết thờ song thân.” Để làm nổi bật tính cách quan trọng của hiếu đạo, ca dao Việt Nam nhắc nhở, “Tu đâu cho bằng tu nhà / Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”.

Gần đây, mỗi khi mùa Vu lan về, giới Phật tử thường truyền tụng những lời kinh Phật có gốc từ văn bản Pali nói về lòng hiếu. Chẳng hạn, kệ 332 kinh Pháp Cú viết, “Vui thay, hiếu kính Mẹ / Vui thay, hiếu kính Cha / Vui thay, kính Sa-môn / Vui thay, kính Hiền thánh”. Kinh Tăng chi, chương Hai pháp cũng có một câu được nhiều người nói đến, “Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha”. Trong kinh Phật thuyết như vậy, Mẹ và Cha được Đức Phật so sánh với những bậc đáng được cúng dường, “Phạm thiên, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Đáng được cúng dường, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ-kheo, là Mẹ Cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời”. Cũng trong chương Hai pháp thuộc kinh Tăng chi, Đức Phật dạy về cách báo hiếu, “Này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, an trú, hướng dẫn các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện trí tuệ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.

Qua những đoạn kinh văn dẫn trên, người ta thấy Phật giáo hết sức coi trọng đạo hiếu với đặc trưng của một tôn giáo lấy trí tuệ và hành động thực tiễn làm nền tảng xây dựng nhân cách. Thứ nhất, cha mẹ được coi là quan trọng như các bậc đạo sư thời xưa, như những bậc đáng được cúng dường. Có lẽ chính từ nhận thức này mà ca dao Việt Nam mới nói đến chân tu là thờ cha kính mẹ. Thứ hai, để thực hiện tột cùng lòng hiếu, người con phải biết cách khuyến khích, hướng dẫn, và an trú cha mẹ mình vào sự tin tưởng ở các thiện pháp, không tham lam bỏn sẻn, và từ từ đạt đến trí tuệ chân thực của Phật pháp.

Không chỉ nói đến lòng hiếu đễ phải biết ơn và biết cách đền ơn đối với cha mẹ, Phật giáo có nói đến tất cả bốn trọng ân mà ơn cha mẹ là hàng đầu. Ba ơn kế tiếp là ơn Tam bảo và Sư trưởng, ơn quốc gia xã hội, và ơn chúng sinh. Với quan niệm tích cực này, người Phật tử không chỉ biết đến công ơn của cha mẹ mình, mà còn quan tâm đến việc đền ơn tất cả mọi chúng sinh. Với Phật pháp, lòng hiếu được mở rộng, nhưng trên hết, Đức Phật vẫn nhắc nhở mọi đệ tử của Ngài phải chú ý đến lòng hiếu đối với Mẹ Cha, phải biết ơn và biết cách đền ơn Mẹ Cha đã, rồi mới có thể thành tựu được lòng hiếu hướng đến những đối tượng rộng lớn hơn.

Xuất phát từ những ý nghĩa đó, khi lễ Vu lan trở thành ngày hội của Phật giáo thì cũng chính là dịp để mỗi người con trong gia đìnhViệt Nam bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đến với mẹ cha. Dù có nhiều bận rộn trong công việc mưu sinh nhưng họ vẫn dành thời gian để hòa chung vào dòng người đổ về các chùa cầu nguyện cho mẹ cha.

Có thể nói, vào mùa Vu lan của Phật giáo, trong tâm hồn của không ít con người Việt, hình ảnh các bậc cha mẹ được hiện lên một cách sống động nhất, những công ơn và sự hy sinh của cha mẹ dành cho con cái được thức tỉnh và nâng niu nhất. Vì thế, tuy là ngày lễ truyền thống của đạo Phật, nhưng ở nhiều nơi trên cả nước Việt Nam, lễ hội Vu lan cũng đã gần như trở thành ngày báo hiếu của cả cộng đồng.

Trong thời kỳ hiện nay, khi mà bên cạnh những yếu tố tiến bộ của xã hội văn minh, hiện đại đem lại, vẫn còn đó sự tác động của không ít những giá trị tiêu cực, do mặt trái của cơ chế thị trường và quá trình hội nhập đưa đến, làm cho không ít người vì xoay tròn trong vòng mưu sinh, danh vọng, chạy theo lợi ích của đồng tiền mà bỏ quên cha mẹ, phụ tình phụ mẫu, không biết đến giá trị của lòng tri ân, khiến đạo hiếu của dân tộc có sự suy giảm… thì tinh thần tôn trọng, đề cao đạo hiếu trong lễ Vu lan của Phật giáo lại càng trở nên có ý nghĩa.

Thế nhưng, cũng cần phải khẳng định rằng, giá trị đích thực của chữ Hiếu không phải được thể hiện trên những hình thức trống rỗng với mâm cao cỗ đầy, với khối lượng hàng mã được đốt… Ngược lại, chữ Hiếu trong lễ Vu lan của đạo Phật được thể hiện ở thái độ, lòng tri ân thành kính thật sự và bằng chính những hành động thiết thực của người con đối với bậc sinh thành, dưỡng dục. Có như thế, giá trị chân chính của lễ hội Vu lan mới được ghi nhận và có sức lan tỏa, trở thành ngày đạo hiếu của người con Phật tử và toàn dân tộc.

Chú thích:

* Theo thống kê của Ban Hướng dẫn Phật tử, GHPGVN, công bố ngày 7-11-2008

Nguồn:vanhoaphatgiao