Ni sư Ayya Khema
Rất lạ là có nhiều người không biết thương chính bản thân. Có lẽ do họ nghĩ rằng thương yêu chính bản thân là điều dễ làm nhất trên đời nầy, vì ai cũng lo cho mình là trước nhất.
Thật vậy, lúc nào mà ta không lo xem ta có bao nhiêu của cải, công việc của ta thế nào, sức khỏe ta ra sao. Đức Phật đã nói rằng: "Chư ngã độc tôn” mà. Vậy tại sao ở đây ta lại nói yêu thương mình là khó?Biết yêu thương mình không có nghĩa là dễ dãi với chính mình. Nhiều người không thể chịu được một số tánh nết trái khoáy của chính bản thân họ. Trong mỗi người chúng ta đều có biết bao tánh khí riêng, có cái ưa, có cái ghét cần phải được buông bỏ. Tuy nhiên khi tự xét mình, ta thường bằng lòng với những cái tốt của mình, và che dấu đi cái xấu. Không muốn chấp nhận chúng. Dễ dải với bản thân như thế sẽ không giúp ta tiến xa được trên con đường tìm đến chân như.
Một hành động sai lầm nữa là tự dằn vặt mình vì những lỗi lầm mình đã tạo ra, khiến cho tình thế càng thêm xấu. Điều nầy chỉ mang đến cho ta sự sợ hãi, đôi khi dẫn đến rối loạn, mất thăng bằng. Nếu chúng ta muốn nhìn mình một cách chân thực, thì cũng không nên tự coi mình như hoàn toàn, không hề có mặt tiêu cực nào - những tánh như lấn lướt, sân, tham dục, hay dối gạt. Không dám nhìn vào những tánh xấu nầy, khiến ta xa rời thực tế, trở nên giả dối, hai mặt. Chúng ta vẫn thường gặp những người có vẻ quá lịch sự, tử tế nhưng đầy giả tạo, che giấu bộ mặt thật của họ.
Đổ lỗi cho người khác cũng không được, vì người ta cũng có thể làm thế với mình. Ta thường trách những yếu kém của người khác - dù có thực hay không, hay không coi họ cũng là con người như ta. Chúng ta ai cũng sống trong một thế giới không thực, đầy ngã tưởng, nhưng thế giới của phán xét, trách móc càng không thực hơn nữa, vì nó coi mọi thứ hoặc là quá hoàn mỹ, hoặc quá gớm ghê.
Sự thực là mỗi người chúng ta đều có lục căn: ba căn lành, ba căn ác. Căn ác là tham, sân và si, ngược lại là độ lượng, từ bi và trí tuệ. Nếu trung thực, ta có thể dễ dàng nhìn thấy chúng ở trong ta và ở tha nhân. Mọi hành động của ta đều do lục căn chi phối. Hiểu được như thế ta có thể soi lại mình một cách trung thực hơn, không dằn vặt mình vì những tánh xấu, cũng không tự đề cao những tánh tốt, chỉ chấp nhận sự có mặt của chúng trong ta. Nhờ thế ta cũng dễ dàng chấp nhận người khác, thông cảm với họ hơn.
Một thế giới phân chia rạch ròi giữa trắng đen, giữa người tốt, kẻ xấu thực ra không thể có; chỉ có bậc A-la-hán là hoàn toàn thánh thiện. Còn ở chúng sanh thì tùy vào mức độ tốt xấu khác nhau. Sự khác biệt giữa chúng ta về cái xấu, cái tốt rất ít, không đáng kể. Ai cũng phải thực hành giống nhau, vun trồng những tánh tốt và nhổ bỏ những cái xấu.
Chúng ta có vẻ khác nhau, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Tất cả chúng ta đều đối mặt với những vấn đề chung, cùng có những khả năng giải quyết giống nhau. Chỉ khác nhau trong quá trình luyện tập. Khi đã tu tâm trong một số kiếp, ta có thể nhìn được điều đó rõ hơn.
Tâm sáng suốt có được là do đã thanh lọc được các cảm thọ, là điều không dễ thực hiện. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được, khi không đồng hóa mình với những tình cảm lúc vui, lúc buồn. Khi chúng ta có thể thấu suốt các cảm thọ của mình, coi đó là một trong những phận sự ta phải thực hiện cho chính mình, lúc đó những sợi dây bám víu được tháo gỡ, những ý nghĩ như 'Tôi thật tốt", hay "tôi thật tệ" có thể được dẹp tan. Mỗi người là một chúng sanh với đầy những triển vọng cũng như trở ngại. Nếu chúng ta có thể chấp nhận, thương yêu 'con người nầy' với những ưu và khuyết điểm của nó, thì chúng ta cũng có thể chấp nhận, thương yêu kẻ khác một cách trung thực, và lợi ích. Nhưng nếu chúng ta có tâm phân biệt, chỉ biết yêu những ưu điểm mà không chấp nhận những thứ khác, thì chúng ta mãi mãi xa rời thực tế. Một ngày nào đó, chúng ta sẽ phải chấp nhận mọi thứ như chúng hiện hữu. Chúng ta là 'môi trường đào tạo' (kammatthana) của chính mình.
Nếu chúng ta cũng biết nhìn mình bằng con mắt như thế, ta sẽ biết thương yêu bản thân một cách trọn vẹn - như chúng ta hiện hữu - giống như Đức Phật đã dạy, 'một người mẹ không kể đến tính mạng mình, thương yêu, bảo vệ con'. Nếu chúng ta muốn có cái nhìn trung thực về mình, để vươn lên, thì chúng ta cần phải là người mẹ hiền của chính mình. Một người mẹ có ý thức có thể phân biệt hành động tốt, xấu của con, nhưng bà vẫn không ngừng yêu con, dầu khi nó không phải là đứa trẻ ngoan. Đây có thể là điều quan trọng nhất ta cần phải lưu tâm. Tất cả mọi người, cũng có những lúc, phạm phải sai lầm ở thân, khẩu, ý - nhiều nhất là ở ý, trung bình là ở khẩu, hành động lại ít hơn. Trong những trường hợp đó chúng ta làm gì? Người mẹ sẽ làm gì? Người mẹ sẽ khuyên con đừng tiếp tục hành động như thế, khẳng định tình thương của mình luôn dành cho con, nhưng kết quả thế nào, cuối cùng vẫn tiếp tục bổn phận làm mẹ của mình, nuôi dưỡng con cái. Có lẽ chúng ta cũng nên bắt đầu tự nuôi dưỡng thân.
Tất cả quá trình nầy là để dạy dỗ đứa con trưởng thành. Có trưởng thành mới có trí tuệ, là điều buồn thay không quan hệ gì đến tuổi tác. Nếu không, thì dễ lắm rồi, sự thành công là một bảo đảm của tương lai. Nhưng trên thực tế, ta cần phải phấn đấu rất nhiều mới đạt được trí tuệ, và điều đó đòi hỏi sự phấn đấu của từng cá nhân. Trước hết ta bắt đầu bằng cách luyện tập nhận thức, sau đó là chấp nhận chính mình, không đánh giá, kết tội. Bước thứ ba là sửa đổi. Có lẽ đối với nhiều người, vấn đề nhận thức là gian khổ, khó khăn nhất -không phải dễ biết những gì đang diển biến bên trong nội tâm ta. Đó là điểm quan trọng nhất và thú vị nhất trong thiền quán.
Chúng ta cần sống một cuộc đời đầy quán chiếu, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải ngồi Thiền suốt cả ngày. Một cuộc sống quán chiếu có nghĩa là ta xem tất cả những gì đang xảy là một phần của kinh nghiệm sống, cần được học hỏi. Trong tất cả mọi trường hợp ta luôn quay vào, đối mặt với nội tâm của chính mình. Khi chúng ta hướng ra ngoài - khi ta dẫy đầy 'sức sống trẻ' như Đức Phật đã nhắc đến, và để cả thân, khẩu và ý của chúng ta vào những chuyện thế gian, ta cần phải tự thức tỉnh, để quay lại trở vào trong. Một cuộc sống quán chiếu đối với một vài tôn giáo là cuộc sống hoàn toàn hướng đến tôn giáo. Trong đạo của chúng ta, đó là sự kết hợp giữa đạo và đời. Một cuộc sống quán chiếu không bao giờ ngừng nghỉ. Bề ngoài, ta vẫn hành động bình thường, dầu có hay không có sự kiềm chế. Sự trầm ngâm, lắng đọng là yếu tố quan trọng nhất của quán chiếu nội tâm. Không cần phải ngồi yên cả ngày, để theo dõi hơi thở. Nhưng mỗi hành động, mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói đều được ý thức.
Làm được như thế sẽ giúp ta có một nội tâm vững chắc, nhưng không xa rời thực tế. Nhiều người ao ước, mong muốn được có sự vững chải nầy, nhưng không biết làm thế nào để diễn tả, nói gì đến chứng nghiệm nó. Sống trong mộng ảo, sống trong sợ hãi, hoài vọng không bao giờ ngừng, không cho phép nội tâm ta được trưởng thành. Cảm giác an toàn sẽ phát sinh khi ta có thể đối diện với chính mình một cách trung thực, nhìn người khác một cách trung thực, và biết chấp nhận tất cả.
Đức Phật đã nói tất cả chúng sinh đều có bảy đặc tính: tham dục, sân, tà kiến, mạn nghi, tự cao, chấp ngã và vô minh. Khi nhận ra sự hiện hữu của chúng trong ta, hãy tự nhủ: Ta biết người rồi, ta sẽ tự sửa đổi.
Cuộc sống trầm tư thường có vẻ nặng nề, u uất. Không có niềm vui, ta thường bù đắp bằng cách hướng ra ngoài. Nhưng làm thể không được. Trái lại, ta cần tìm những nguồn vui nhẹ nhàng hơn cho nội tâm. Không có gì đáng phải lo âu, sợ hãi, không có gì quá khó khăn. Pháp có nghĩa là luật tự nhiên, và chúng ta luôn chịu ảnh hưởng của chúng trong cuộc sống. Dầu ở đâu, ta cũng là Pháp, ta là vô thường (anica), là khổ (dukkha) và vô ngã (anatta). Dầu đang ngồi đây hay ở trên cung trăng, cũng giống nhau cả. Chúng ta không nên nghiêm trọng quá những vấn đề của mình hay của người khác. Không cần phải bộc lộ ra bên ngoài, nhưng luôn suy gẫm ở bên trong với một chút khôi hài. Có lẽ đó là cách tốt nhất. Nếu chúng ta có thể tự chế diễu mình, hẳn là ta sẽ dễ chấp nhận chính mình hơn. Và cũng dễ chấp nhận người khác hơn.
Ở Mỹ, trước kia có chương trình TV gọi là "Con Người Buồn Cười" (Funny People). Đúng là chúng ta có những phản ứng kỳ dị nhất. Khi nhìn lại, phân tích ra, đôi khi ta thấy chúng thật là kỳ quặc. Chúng ta có những ước muốn lạ kỳ, những hình ảnh thiếu trung thực về chính mình. Con người thật buồn cười - đúng là có vậy - thế thì sao ta không nhìn thấy những khía cạnh đó của mình? Như thế sẽ khiến ta dễ chấp nhận những gì ta thấy khó chấp nhận ở trong ta và tha nhân.
Một đặc tính của cuộc đời là ta không thể thay đổi nó: cuộc đời cứ tiếp tục diễn ra. Tất cả chúng ta đã hành thiền ở đây một thời gian (ND: Chỉ những người đến học tu với Ni Sư). Nhưng thế giới bên ngoài có ai biết đến? Cuộc đời vẫn cứ đi tới. Chỉ có tâm ta là biết đến, là bị tác động. Khi có sự lo lắng, xáo trộn, ảo tưởng, thì đồng thời cũng có khổ đau. Nhưng không cần phải như thế. Hãy cứ để mọi chuyện như như. Nếu chúng ta có thể thay đổi để nhìn mọi việc xảy ra với tâm hỷ xả, thì việc thanh tịnh hóa tâm ta sẽ dễ dàng hơn. Đó là việc ta cần làm, đó là sự thanh tịnh hóa của chính mình, mỗi người phải tự thực hiện lấy.
Nếu chúng ta có thể nhớ mình đã làm gì, ngày nầy qua ngày khác, không xao lãng, kiên trì hành thiền mà không kỳ vọng vào những kết quả to tát, dần dần tâm thanh tịnh sẽ đến với ta. Cũng như mọi thứ, hãy để sự thanh tịnh cũng như như. Khi chúng ta bớt dần các thói hư tật xấu, ta sẽ càng nhận thấy rằng chúng không mang đến cho ta sự tốt đẹp, sung sướng nào. Đâu có ai không muốn buông bỏ khổ đau. Và dần dần, ta không còn thấy cần phải làm gì hơn là lo vun trồng tâm. Khi đó, ta biết rằng sự chuyển đổi tâm đã dần hình thành. Điều đó có thể không dễ dàng xảy ra, nhưng nếu ta đã sinh diệt qua bao nhiêu kiếp sống, thì một ngày, một tháng, một năm hay mười năm nữa có là bao?
Không cần phải làm gì hơn thế nữa, không cần phải chạy tìm kiếm lăng xăng. Trái đất vẫn chuyển động theo một quỹ đạo, cũng như cuộc đời ta chuyển dịch từ sinh đến tử. Tất cả đều xảy ra dầu ta có muốn hay không. Điều duy nhất ta cần phải làm là nhận ra và hiểu được thực tại đó. Có như thế ta mới cảm thấy dễ thương yêu chính mình và tha nhân, vì đó là công việc của con tim - để thương yêu. Ngoài ra, nếu ta cũng nhìn ra được những khía cạnh còn yếu kém của mình để sửa đổi, thanh tịnh hóa tâm, thì ta không cần phải có một nỗ lực nào khác, cái đẹp của nội tâm cũng phát sáng ra ngoài.
Quay trở vào bên trong là một đặc tính quan trọng của cuộc sống trầm tư quán chiếu. Bất cứ điều gì xảy ra bên trong tâm ta đều ảnh hưởng đến tất cả những gì xảy ra ở ngoài ta. Ngọn đèn nội tâm và sự trong sáng bên trong không thể che giấu được, cũng như các tánh xấu của ta.
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng mình có thể tỏ ra là một người khác. Đâu biết rằng đó chỉ là hoài công. Đức Phật dạy rằng chỉ cần nghe một người nói nhiều chuyện hay sống với họ một thời gian, ta sẽ biết rõ họ là ai. Con người thường cố tỏ ra là một người tốt hơn con người thực của họ. Rồi khi thất bại, họ thất vọng với chính mình và người chung quanh. Hiểu được bản thân một cách chân thật, từ bi sẽ khiến lòng ta thấy nhẹ nhàng, đem lại niềm vui cho nội tâm. Chấp nhận mình và kẻ khác đúng như bản thể của ta, sẽ khiến cho việc thanh tịnh hóa tâm, đoạn trừ cấu uế, trở nên là một công việc dễ dàng hơn nhiều.
Nguồn: thuvienhoasen
- PHẬT VỀ
- Tết Bính Thân - Nói Chuyện Khỉ
- Tết, Cho Những Ai Còn Mẹ
- Nghệ Thuật Điêu Khắc Phù Điêu - Phật Giáo Nhật Bản
- Vu Lan Với Đạo Hiếu Và Nhân Cách Người Việt
- Của Cho Không Bằng Cách Cho
- Duyên Phận
- Đản Sanh Ngày Xưa, Đản Sanh Hôm Nay
- Cuộc Sống Thần Tiên Của Bộ Tộc 500 Năm Không Ăn Thịt
- Chào Buổi Sáng Tinh Mơ
- Nước Mắt Chảy Xuống
- Nhớ Ngày Tựu Trường