Vĩnh Minh Tự Viện

Sunday, Dec 22nd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Phật Giáo Phật Giáo và Đời Sống Mùa Vu Lan, Mùa Báo Hiếu

Mùa Vu Lan, Mùa Báo Hiếu

Email In PDF

Tháng 7 là mùa Vu lan, mùa báo hiếu. Người Sài Gòn cũng quen gọi tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, tháng đặc biệt tưởng nhớ đến vong hồn những người thân đã mất hay ngậm ngùi thương xót cho những vong hồn cô đơn, lẻ loi không ai nhang khói, cúng viếng.

Sài Gòn mùa này không có những cơn mưa rả rích nối tiếp từ ngày này sang ngày khác, mưa dầm dề như  ở miền Bắc, miền Trung. Sài Gòn tháng 7 năm nay vẫn nắng, vùng đất thừa nắng, thừa gió, cùng những cơn mưa bất chợt tới, bất chợt ngưng, dường như không có cái cảnh buồn của vợ chồng Ngưu-Chức.

Thị trường Sài Gòn những ngày cuối tháng 6 đã bắt đầu rậm rịch chuẩn bị cho mùa lễ, nhất là đồ cúng vong linh như vàng mã. Tháng 7 người mua thường chọn quần áo, giày dép, tiền vàng ( bằng giấy) làm đồ cúng lễ. Tháng 7 dịp này cũng thường thấy các bà, các chị đi mua mỳ ăn liền, dầu ăn, gạo v.v… mang đi cúng dường, hoặc mang đến những ngôi chùa xa  chia sẻ với người nghèo.

Người khá giả thì vậy, người không dư giả kinh tế cũng ráng làm điều tốt việc lành, hay tới đền chùa dự lễ Vu Lan với tấm lòng thành, nén nhang bông hoa, chút trái cây tưởng nhớ tới người thân đã mất, trên hết là báo hiếu song thân, kế là thương yêu anh chị em và tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm.

Sẽ còn tốt hơn, đẹp hơn nếu số tiền lớn mua vàng mã mà bỗng chốc thành tro bụi vô tri kia, được dùng vào việc thiện, như giúp đỡ người nghèo, người già không nơi nương tựa, hoặc các nhà duỡng lão và cho biết bao cảnh đời khốn khó. Chắc rằng người thân ở thế giới bên kia cũng vui lòng, không ghen tỵ, mà biết đâu còn sớm siêu thoát vì có người thân trên trần làm được điều nhân đức.

Vu Lan, mùa của những nguời con dù đã lớn khôn, hay còn nhỏ dại cũng là dịp nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha của mẹ. Mẹ cha là thứ tài sản thiêng liêng quý giá vô ngần, cũng giống như mặt trời. Mẹ cha ta chỉ có một trên đời, bởi ai sinh ra đều có cha có mẹ, và đều mong muốn được đền đáp công ơn. Được cài lên ngực bông hồng đỏ nếu còn mẹ, và bông hồng trắng chẳng may mẹ đã qua đời. Người con không hiếu thảo, không biết thương yêu cha mẹ mình, thì người ấy cũng đừng mong con người đó sẽ là người chồng, nguời vợ tốt, tất nhiên không có ích cho xã hội đất nước. Tình cảm Mẹ dành cho ta từ nhỏ đến lớn, điều đó làm an lành cuộc sống của mỗi người, và hòa bình cho thế giới này. Đến đây tôi chợt nghĩ đến bài ca Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nói lên tâm trạng đó, một bài ca còn sống mãi với thời gian.

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn trong bài Đồng dao trước hoàng hôn nói về mẹ thật cảm động:

Thêm một người quả đất sẽ chật hơn

Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt…

Trong những ngày này, mùa Vu Lan đã và đang đến tôi lại nhớ đến chuyện một nguời đạp xe xích lô, hàng ngày dành đồng tiến ít ỏi mua cho mẹ chiếc áo ấm để mặc trong những ngày đông giá rét. Và em nhỏ túc trực bên giường mẹ ốm đau, ngày đêm hầu hạ mẹ mà vẫn học giỏi, gương thật việc thật hàng ngày đáng quý biết bao. Song xã hội còn có  không ít nguời con ngỗ ngược, bất hiếu, cư xử tàn tệ với cha mẹ nhất là khi già cả, khiến xã hội phải bức xúc. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác như là một quy luật. Mùa Vu Lan không chỉ là thuơng mẹ báo ân không chỉ có mẹ, còn có phần của cha. Cha như thân cây vững chắc, mẹ như rễ cây bám rễ chặt hút nhựa nuôi hoa, nuôi lá là con, và cứ thế lớn lên theo năm tháng.

Không biết khắp địa cầu này có đâu như ở Việt Nam có hẳn một khoảng thời gian đặc biệt đến như vậy để tưởng nhớ đến công đức của mẹ, của cha cũng như khấn hương cầu nguyện cho thân nhân đã mất và các oan hồn mà không được khói nhang siêu thoát. Đành rằng bận rộn mưu sinh nhưng cũng cần lắm, đẹp lắm có một khoảng lặng mùa lễ Vu Lan, lễ báo hiếu, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Mùa Vu Lan sẽ thật sự là mùa có ý nghĩa của những tấm lòng, một khoảng lặng để người với người thiện tâm chân thành và làm nhiều việc thiện.

Đỗ Thông