Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Văn Hóa - Văn Học - Nghệ Thuật Tùy Bút Quan Âm Tóc Rối

Quan Âm Tóc Rối

Email In PDF

Huỳnh Thị Ngọc Hân

Lúc còn nhỏ tôi nghe kể câu chuyện về "Quan Âm tóc rối", rằng có chàng trai muốn đi tìm gặp Phật Quan Âm, đi hết núi này qua bể nọ vẫn không thấy. Có nhà hiền triết bảo hãy đi về hướng quê nhà, Quan Âm sẽ xuất hiện, nhưng trong hình dạng đầu bù tóc rối và một chân không mang dép.

Chàng trai đi mãi cũng không thấy đâu, mệt quá nên về nhà. Gần đến cổng anh gọi "mẹ ơi, con về rồi". Bà mẹ già mong con, bỏ dở việc chạy ra đón mừng, đầu bù tóc rối và một chân không kịp mang dép. Chàng trai tỉnh ngộ, Phật Quan Âm mình cất công tìm kiếm bấy lâu nay thì ra vẫn đang đợi mình ở đây.

Gia đình tôi thường cùng nhau đi lễ chùa, đi thăm nhà ngoại và viếng mộ ông bà vào ngày đầu năm, vì chỉ có ngày này là cả nhà cùng được nghỉ không vướng bận công việc. Nhưng năm nay ba tôi ở nhà không đi cùng vì bà nội tôi già yếu và không đi lại được nữa. Ông hay nói rằng: "Mẹ là đức Phật tại gia/ Mẹ là đức Phật Thích Ca ở nhà". Phật ở đây rồi, không cần đi đâu xa xôi, ở nhà với bà khi vẫn còn có thể.

Mẹ tôi có ba đứa con, đi Đông đi Tây, thấy cái gì đẹp dù đắt bao nhiêu, khó tìm thế nào mẹ cũng mua cho mấy chị em tôi, thấy cái gì hay cũng mua cho cả nhà, nhưng ít khi thấy mua cái gì cho riêng mình cả. Mà ai đi đâu về mua cái gì cho mẹ cũng bị nói là không cần, mẹ không thiếu cái gì, mua làm chi. Mẹ luôn nói rằng chúng tôi là lẽ sống của đời bà, đứa nào đi đâu, làm gì, sống ở đâu cũng được, chúng tôi hạnh phúc là bà hạnh phúc. Và có lẽ không một ai khác trên đời có thể cho chúng tôi một tình thương yêu như người mẹ của mình.

Có lẽ mẹ tôi cũng không khác gì hàng tỷ người mẹ khác trên hành tinh này với tình yêu vô bờ bến dành cho con của mình. Điều đó thật tuyệt vời. Nhưng tôi, cũng như hàng tỷ người con khác trên thế giới này, cũng tin rằng mẹ vừa có thể thương chúng tôi mà vẫn yêu bản thân mình nhiều hơn một chút. Mẹ có thể xót khi thấy con gái vất vả với chồng con của chúng, thì chắc bà ngoại của chúng tôi cũng đang xót con gái của bà y như vậy. Cũng với cách tương tự, chị em chúng tôi dù có lớn lên thì vẫn là những đứa "con gái rượu" của ba. Ba mong người đàn ông của con gái của mình sẽ yêu thương chúng bao nhiêu, thì hẳn là ông bà ngoại cũng đang mong điều đó bấy nhiêu đối với người gọi ba là chồng.

Tôi tin rằng thế giới này tốt đẹp hơn phần nhiều nhờ vào trái tim quả cảm của những người phụ nữ. Cho dù có là trụ cột kinh tế của gia đình hay chỉ là người nội trợ, vai trò của người phụ nữ cũng vô cùng quan trọng trong xã hội hiện đại. Lớn lên ở một nước đang phát triển nên hình ảnh những người phụ nữ bươn chải tảo tần trong cuộc mưu sinh luôn gây cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi gặp rất thường những "Quan Âm tóc rối" trong cuộc sống hàng ngày, mà mẹ tôi là một trong số đó. Tôi thấy rất nhiều những người phụ nữ luôn đặt gia đình, chồng con lên trên hết mà bỏ qua những ước vọng của bản thân và quên rằng mình cũng đã, đang và sẽ luôn là lẽ sống của ba mẹ mình - như cái cách mà mình dành cho gia đình hiện tại.

Ai cũng có thể nhân danh tình yêu và sự hy sinh cho gia đình mình, nhưng cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình sẽ trọn vẹn hơn nếu những người phụ nữ, dù là bà, là mẹ, là vợ, hay là con gái, chịu thêm mình vào danh sách những người cần được quan tâm, nâng niu và chiều chuộng. Và hãy cho những người xung quanh mình cơ hội chia sẻ điều đó, để họ cũng có cái hạnh phúc được yêu chiều người phụ nữ mà họ yêu thương.

Lời Bàn Thêm Của Duy Quang

Tôi cũng đã từng đọc về "Những nghịch lý nhân sinh mà nhiều người mắc phải", trong đó có câu của bạn: 1. Cha mẹ chỉ biết cho, chẳng biết đòi. Con cái thích vòi mà không biết trả. 2. Cha mẹ dạy điều hay, kêu lắm lời. Bước chân vào đời ngớ nga ngớ ngẩn. 3. Cha nỡ coi khinh, mẹ dám coi thường. Bước chân ra đường kính phường trộm cướp. 4. Cha mẹ ngồi đấy không hỏi, không han. Bước vào cơ quan cúi chào thủ trưởng. 5. Ngồi cùng thiên hạ, trăm việc khoe hay. Cha mẹ ốm bảy ngày không lời thăm hỏi. 6. Cha mẹ còn chẳng thơm thảo bát canh rau. Mai khuất núi rồi xây mồ to, mả đẹp. 7. Vào quán thịt cầy, trăm ngàn coi nhẹ, góp giỗ cha mẹ suy tị từng đồng. 8. Bài hát Tây Tàu hát hay mọi nhẽ. Lời ru của mẹ chẳng thuộc câu nào. 9. Giỗ cha coi nhẹ, nuôi mẹ thì không. Cả vợ lẫn chồng đi làm từ thiện. 10. Khấn Phật, cầu Trời, lễ bái khắp nơi, nhưng quên lời mời cơm Cha, trà Mẹ. Đọc xong, chảy nước mắt ... vì bản thân mình cũng có mắc phải!

Nguồn: vnexpress.vn