Trần Văn Chánh
Không hiểu sao, xem trong kho tàng văn chương cổ điển đồ sộ của Trung Quốc, mặc dù nó vẫn lấy ý thức hệ Nho gia phong kiến với nội dung “trung-hiếu” làm đầu, chúng ta lại rất ít thấy có những bài thơ, bài văn viết riêng về người mẹ, hay về tình mẹ.
Nguyên do có thể cũng là lý do chung mọi người thường mắc phải: Người ta mảng lo chạy theo công danh sự nghiệp, cuộc thành bại, dẫu rằng vẫn thương mẹ, thấu cảm công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ, nhưng vì mẹ quá gần gũi mà thành ra “lờn” đi, ít thấy có nhu cầu để nói hoặc không cần phô trương, chỉ cần để riêng trong lòng. Còn phần các bà mẹ thì suốt đời chỉ biết hy sinh cho con cái bằng tình thương chân thật bất vụ lợi, nên cũng không cần đến ai làm thơ, viết văn ca tụng mình.
Mặt khác, trong bối cảnh Trung Quốc cổ đại, cũng có thể một phần do tâm lý nhà nho, ngại công khai phơi bày tình cảm gia đình riêng tư, và phần khác nữa do bị ràng buộc bởi quan niệm nghiệt ngã trọng nam khinh nữ.
Bàn về đạo hiếu nói chung theo quan điểm Nho gia thì đã có Hiếu kinh, nhưng đây là sách giảng dạy luân lý, không phải văn học. Có chút hơi hướm văn chương thì phải nhắc đến Nhị thập tứ hiếu, nêu lên 24 tấm gương hiếu thảo đối với cha mẹ hoặc mẹ (như Quách Cự vì mẹ chôn con, Mạnh Tông khóc măng…), nhưng chỉ là những huyền thoại giản đơn, ít có giá trị nghệ thuật và cũng không mô tả riêng về tấm lòng người mẹ.
Liên quan đề tài này, và nói riêng cho người mẹ (chứ không chung cho cả cha mẹ), bài thơ sớm nhất nổi tiếng nhất được ghi nhận trong văn chương cổ điển Trung Quốc có lẽ là bài “Khải phong” (thuộc Bội phong) trong Kinh Thi, ca ngợi công ơn sinh thành, dưỡng dục khó nhọc của người mẹ đối với con cái.
Trích một đoạn:
Khải phong tự nam, Xuy bỉ cức tâm.
Cức tâm yêu yêu, Mẫu thị cù lao.
Khải phong tự nam, Xuy bỉ cức tân.
Mẫu thị thánh thiện, Ngã vô linh nhân…
Bản dịch của Tản Đà:
Từ phương nam, Gió hòa đưa lại. Cây gai dại,
Gió thổi lõi gai. Lõi gai non nớt tốt tươi,
Mẹ ta kể biết mấy mươi công trình.
Từ phương nam, Gió hòa đưa lại; Cây gai dại,
Gió thổi củi gai.
Mẹ ta thánh thiện ở đời;
Mà ta chẳng được có người nào hay…
Xuống tới thơ Đường, trong số gần 50 ngàn bài thơ do người đời Thanh sưu tập trong bộ Toàn Đường thi, dường như chỉ có bài “Du tử ngâm” của Mạnh Giao (751-814) là được biết tới nhiều nhất. Bài thơ chỉ có 6 câu đơn giản, nhưng cũng là bài thơ hay nhất từ trước tới nay mô tả tấm lòng người mẹ:
Từ mẫu thủ trung tuyến, Du tử thân thượng y.
Lâm hành mật mật phùng, Ý khủng trì trì quy.
Thùy ngôn thốn thảo tâm, Báo đắc tam xuân huy?
Tên bài thơ có nghĩa “Khúc ngâm của người du tử”, mà cụ Trần Trọng Kim còn dịch “Bài hát người con đi xa”:
Mẹ từ sợi chỉ trong tay,
Trên mình du tử áo may vội vàng.
Sắp đi mũi chỉ kỹ càng,
Sợ con đi đó, nhỡ nhàng trễ lâu.
Chút lòng tấc cỏ dễ đâu,
Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho vừa.
Hai câu “Lâm hành mật mật phùng/ Ý khủng trì trì quy” (Khi con sắp ra đi mẹ may nhặt mũi kim, trong ý sợ rằng con sẽ lâu về) nói lên một cách cảm động tâm ý sâu xa của bà mẹ với tấm lòng trìu mến thiết tha lo cho con trẻ trên bước đường tha phương lưu lạc.
Riêng hai câu cuối, “Thùy ngôn thốn thảo tâm/ Báo đắc tam xuân huy?”, ví lòng người mẹ hiền với ánh nắng dịu dàng của tiết ba xuân, mà người hiếu tử chẳng biết phải báo đáp sao cho vừa.
Đây là bài thơ hay trong số ít ỏi những bài thơ Đường ca tụng tấm lòng người mẹ. Lời lẽ giản dị, chân thật, dễ hiểu, vì phát xuất từ trái tim chân thật.
Được biết, Mạnh Giao nhà nghèo nhưng được mẹ hy sinh, chăm lo nuôi nấng cho đến lúc thành tài. Khi được làm quan muộn màng ở tuổi 50, ông đã vội đón mẹ về chung sống với mình. Tác giả đã sáng tác bài thơ trong bối cảnh đón mẹ lên Lật Dương như lời chú giải của ông: “Nghênh mẫu Lật Dương tác” (Làm khi đón mẹ đến Lật Dương).
Truy tìm thêm trong thơ ca Trung Quốc cổ, họa hoằn lắm mới thấy được lác đác vài bài nữa ca tụng lòng mẹ. Có tác giả nêu ra được 16 bài thơ Đường, nhưng thật ra cũng có phần gượng ép, vì hầu hết chỉ đả động một hai câu liên quan đến tình mẹ trong một bài thơ dài, hoặc mô tả phía tình cảm triền miên của người con đối với mẹ nhiều hơn là phía ngược lại. Trong số này, đáng kể có bài “Tư mẫu”ܠ(Nhớ mẹ) của nhà thơ tu sĩ xuất gia Dư Cung ᒑࢷ, kể rằng mẹ không còn nữa, nhớ lại năm ngoái trong tiết mai vàng đầu mùa hạ, tác giả trên mình chỉ còn chiếc áo cà-sa phải đem cầm cố để lấy tiền mua gạo về phụng dưỡng mẹ già.
Do bài này vẫn còn ít người được biết, nên xin dẫn cả nguyên văn chữ Hán để tiện tham khảo:
霜陨芦花泪湿衣,白头无复倚柴扉。 去年五月黄梅雨, 曾典袈裟籴米归。
Sương vẫn lô hoa lệ thấp y, Bạch đầu vô phục ỷ sài phi. Khứ niên ngũ nguyệt hoàng mai vũ .Tằng điển già sa địch mễ quy.
Tạm dịch xuôi:
Trông thấy sương rơi trên đám hoa lau mà lệ rơi ướt áo, Mẹ già không còn đứng tựa cửa trông ngóng con như mọi khi.
Nhớ lại cơn mưa đầu mùa hạ hồi tháng năm năm rồi, Con đã từng cầm cố chiếc áo cà-sa mua gạo về nhà nuôi mẹ.
Bài “Ức mẫu” 憶母 (Nhớ mẹ) sau đây của Nghê Thụy Tuyền ࡎᓵ, một nhà thơ Trung Quốc đời Thanh, cũng thuộc loại hiếm hoi trong số rất ít những bài thơ sáng tác về mẹ:
河广难航莫我过,未知安否近如何。 暗中时滴思亲泪, 只恐思儿泪更多!
Hà quảng nan hàng mạc ngã qua, Vị tri an phủ cận như hà.
Ám trung thời đích tư thân lệ, Chỉ khủng tư nhi lệ cánh đa!
Tạm dịch xuôi:
Sông rộng khó đi chẳng ai ghé qua nhà,
Nên chưa biết gần đây sức khỏe mẹ tốt xấu ra sao.
Lúc âm thầm, nhỏ giọt lệ nhớ mẹ,
Nhưng chỉ e nước mắt mẹ nhớ con lại còn nhiều hơn!
Riêng về văn xuôi cổ điển, đọc hết bộ Cổ văn quan chỉ, không bắt gặp có một bài nào viết riêng về người mẹ! ■
Chú Thích
Cổ văn quán chỉ 古 文 觀 止, một tuyển tập văn xuôi cổ điển Trung Quốc.
Nguồn: vanhoaphatgiao