Vĩnh Minh Tự Viện

Saturday, Nov 23rd

Last update09:58:49 AM GMT

Đường dẫn hiện tại Tin Tức Tin Trong Nước TƯGH Tưởng Niệm Đại Lão HT.Thích Chơn Ngộ

TƯGH Tưởng Niệm Đại Lão HT.Thích Chơn Ngộ

Email In PDF

Trước khi cử hành lễ cung tống kim quan Hòa thượng nhập Bảo tháp, nơi an nghỉ ngàn thu của trần thế, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam có đôi lời tưởng niệm.

Kính bạch Giác Linh Hòa thượng,

Từ vùng đất địa linh, nhân kiệt, lịch sử hào hùng, nước sông Hàn thao thao dòng diệu sử, đất Quảng - Đà gió quyện mây từ, chan hòa Phước - Trí, Hòa thượng đã sớm tỏ ngộ lý chân thường, xuất gia cầu đạo. Chùa Tam Thai - núi Ngũ Hành hùng vĩ xả tục cầu chân, bỏ ngoài ngàn dặm lòng tham dục, để lẽ huyền vi còn mãi trong tâm.

vienquanqn07.jpg

Chư tôn đức lãnh đạo PG Quảng Nam kính viếng

vienquanqn05.jpg

Chư tôn thiền đức tưởng niệm trước giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Ngộ.

Rồi theo luật Phật định kỳ, chùa Phổ Đà đăng đàn thọ giới Tỳ-kheo, giới thể châu viên, chính thức dự vào hàng cập đệ, ngôi Tam bảo tam tôn kế vị, giới thân huệ mạng trang nghiêm, chan hòa bản thể. Quả thật: “Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương. Trăng sáng năm xưa ngập dặm đường. Hương lòng quyện tỏa từ độ ấy. Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

Với hạnh nguyện đại thừa, Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ, quyết chí hy sinh phụng sự cõi trần. Đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, truyền trì đạo mạch, phát huy chân lý Đạo nhà một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Quả thật: “Lưng mang bức tượng Di Đà. Chữ Trung chữ Hiếu việc nhà vẹn phân. Trãi qua bao cuộc phong trần. Đạo Tâm đâu dễ một lần phôi pha”.

Với trọng trách của bậc sứ giả Như Lai, bằng tinh thần phụng sự Đạo pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, gần hai phần ba thế kỷ hoằng dương Chánh pháp, làm bậc đống lương trong Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, Hòa thượng là hiện thân của giới luật, của đạo giải thoát vô ngại, đã cùng chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo địa phương mở Trường Phật học, đào tạo Tăng tài, kế thừa đạo mạch, làm cho Tổ ấn trùng quang, đạo vàng xán lạn, xứng danh con nhà họ Thích ngàn đời.

Trên cương vị Giới sư của các Giới đàn Quảng Nam, Đà Nẵng, Hòa thượng đã cùng chư tôn giáo phẩm khai thông giới thân huệ mạng cho nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử. Qua đó, từng lớp, từng đàn giới tử, giới thể châu viên trang nghiêm dòng diệu thể, trở thành pháp khí Đại thừa truyền trì mạng mạch Phật pháp, Trưởng tử của Như Lai, tiến tu giải thoát, lợi lạc hữu tình, tốt Đời đẹp Đạo. Quả thật, “Công ngài đổ xuống đất này, cho hoa đạo pháp ngày ngày thêm tươi”.

Bằng tinh thần hòa hợp đoàn kết, thống nhất Phật giáo cao độ, Hòa thượng đã thể hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử cả nước, đã tiếp nối dòng sinh mệnh năm 2000 lịch sử của Phật giáo Việt Nam, xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi tỉnh Quảng Nam, Hòa thượng đã không ngừng đóng góp cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam ngày càng phát triển vững mạnh, trang nghiêm, hưng thịnh trong lòng dân tộc và đạo đời mãi mãi dung thông, để từ đó,  “Hoa Đời hoa Đạo đua nhau nở. Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

Trong ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo, là trang nghiêm Tịnh độ tại nhân gian, Hòa thượng đã cùng Tăng Ni, Phật tử quyết chí dựng xây, trùng tu chốn tổ đình Tịnh Độ trang nghiêm tú lệ và nhiều tự viện khác, xứng đáng là những cơ sở của Giáo hội tại địa phương.

Trong suốt cuộc đời hành đạo, từ cương vị chánh đại diện Phật giáo thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam - Đà Nẵng, Trưởng ban Tăng sự cho đến chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam, Hòa thượng đã có những cống hiến và nhiều công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc. Vì thế tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV (1997), Hòa thượng được Đại hội suy tôn vào ngôi vị thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.  

vienquanqn12.jpg

Phật giáo đồ Quảng Nam kính tiếc viếng giác linh Hòa thượng

Thế hệ hôm nay và tế hệ mai sau là những người thừa hưởng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, trong đó Hòa thượng đã đóng góp một phần công đức rất lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, mà Hòa thượng đã thể hiện bằng sự sống, bằng hành động và bằng ý chí của mình gần một thế kỷ qua.

Thế những tưởng, trên bước đường phụng sự đạo pháp, phục vụ chúng sanh, Hòa thượng còn trụ thế lâu hơn nữa để chung vai gánh vác Phật sự của Trung ương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam, nào ngờ đâu, một thoáng vô thường, âm dương cách biệt, trần gian là cõi tạm, thân tứ đại trả về với tứ đại, Hòa thượng đã mãn nguyện Ta bà thu thần về cõi Phật, để lại cho đời cho đạo tấm gương đạo hạnh cao cả sáng ngời.   

Hôm nay, Hòa thượng tuy đã khứ lai vô ngại, như cánh nhạn giữa trời không, như bóng trăng in đáy nước. Song sự ra đi vĩnh viễn của Hòa thượng, Giáo hội không sao tránh khỏi sự bùi ngùi, luyến tiếc. Quả thực: “Người xưa nay đã còn đâu. Chỉ còn mây bạc lòng sầu tiếc thương. Ra vào lòng dạ vấn vương. Bóng hình Đại sĩ du phương xa mờ”.

Thế rồi, dù thời gian có trôi qua, không gian có thay đổi, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm trí của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, Quảng Nam, Đà Nẵng và trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, như Cổ đức đã nói: “Một mai thân xác tiêu tan, danh thơm vẫn ở thế gian muôn đời. Pháp thân lồng lộng tuyệt vời, sáng soi Pháp giới rạng ngời Chân như”.

vienquanqn04.jpg

 

Môn đồ pháp quyến

Giờ đây, trong giây phút ngàn thu vĩnh biệt, trước linh đài khói hương quyện tỏa, chúng tôi thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam là những pháp lữ đồng sự, đồng hành trong Chánh pháp, xin đốt nén tâm hương cúng dường giác linh Hòa thượng, với đôi lời tưởng niệm để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình pháp lữ đời đời trong chánh pháp; và xin nguyện cùng kề vai sát cánh bên nhau, đoàn kết một lòng cùng chung lo Phật sự, tiếp tục xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày thêm xương minh, ổn định trong lòng dân tộc mà Hòa thượng còn bỏ dỡ. Đồng thời, xin kính nguyện:

“Linh sơn nghĩa cũ tình xưa
Ta bà, Tịnh độ say sưa Pháp mầu
Kiếp sau xin nhớ nguyện đầu
Xây tình Pháp lữ, bắt cầu Tâm giao
Đời nay đến những đời sau
Chung lo Phật sự với bao nhiêu tình
Quyết lòng độ tận chúng sinh
Từ bi, Trí tuệ thỏa tình ước mong
Không rời bản thể Chân không
Tùy duyên hóa đạo thong dong mọi miền”.

Cuối cùng trong ý nghĩa Niết-bàn vô tung bất diệt, nơi bảo tháp Tịnh Độ trang nghiêm, nhục thân Hòa thượng hãy nằm đấy cho nghìn thu in bóng, mãnh hình hài lồng lộng tợ hư không, sẽ sống mãi trong lòng pháp lữ, trong tư duy cùng pháp giới vô biên.

Xin bái biệt Hòa thượng!

GHPGVN (Viên Quán ghi)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: