Vào lúc 8g30, 10 / 05 / 2012 - 20 / 04 Nhâm Thìn - PL: 2556, tại văn phòng 2 ( 294 Nam Kỳ Khởi Nghiã - P.8 - Q3 - TPHCM ), đã long trọng diễn ra Lễ Tưởng Niệm 49 Năm Bồ Tát Thích Quảng Đức Vị Pháp Thiêu Thân.
Quang lâm chứng minh và tham dự gồm có: HT. Thích Đức Nghiệp, HT. Thích Trí Quảng, HT. Thích Thiện Tánh, HT, Thích Đạt Đạo, HT. Thích Thiện Pháp, HT. Thích Hiển Tu, HT. Thích Từ Nhơn, HT, Thích Trung Hậu, HT. Thích Giác Toàn, HT. Thích Như Niệm, HT. Thích Nhật Quang cùng đông đảo chư tôn đức Tăng Ni và môn đồ pháp quyến đến tham dự.
Trong không khí trang nghiêm, hòa hợp và đạo vị của ngày Lễ Kỷ Niệm lần thứ 49 BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC vị pháp thiêu thân, hiệp kỵ chư Thánh tử Đạo đã hy sinh vì Đạo pháp. Hôm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 49, ngày Bồ Tát vị pháp thiêu thân, chư Thánh tử vì Đạo đã hy sinh cho Đạo pháp trường tồn, cho chúng ta được sống và hưởng thụ những thành công tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam hơn 4 thập niên qua, với sự hình thành và phát triển liên tục, trang nghiêm, huy hoàng vững mạnh của Phật giáo Việt Nam, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay là đỉnh cao của lịch sử và thời đại.
Cách đây 49 năm, cũng vào thời điểm này, giữa Thành phố Sài Gòn, thủ đô của chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo Miền Nam đã dấy lên những phong trào đòi độc lập tự do dân chủ. Nhất là phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các Tôn giáo của Phật giáo đồ Việt Nam. Trong khí thế bừng bừng quyết tử để Đạo pháp được trường tồn, thì xuất hiện một nhục thân Bồ Tát, đó là Bồ Tát Thích Quảng Đức, với tinh thần vô ngã vị tha, trọn một đời lập chí siêu phàm, suốt một kiếp hiện thân Đại Sĩ.
Bằng tinh thần đại hùng - đại lực - đại từ bi của Đạo Phật, Bồ Tát Thích Quảng Đức đã nêu cao gương hy sinh cao cả và tinh thần yêu nước trong sáng vì đồng bào, đồng đạo, nhất là sự tồn vong của Đạo pháp và tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các Tôn giáo, Bồ Tát đã mượn ngọn lửa thiêng để tự thiêu thân bảo tồn Phật Pháp vào sáng ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão giữa đại lộ Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Chính ngọn lửa thiêng hùng tráng, từ bi cao ngất tòa sen, đã nâng hình hài Bồ Tát vào thế giới bất diệt, hình ảnh ấy đã in đậm trong ký ức của mỗi người Việt Nam và thế giới, cùng Phật giáo đồ Việt Nam và lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Tiểu Sử Bồ Tát Thích Quảng Đức
Bồ tát Thích Quảng Đức - Vị Bồ tát tự thiêu để cúng dường Chánh pháp, tên là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897, tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, nơi nổi tiếng là nhiều gió, nên gọi là xứ Tụ Phong (Tu Bông). Song thân của Ngài là cụ Lâm Hữu Ứng và bà Nguyễn Thị Nương. Khi lên 7 tuổi, Ngài được Hòa thượng Thích Hoàng Thâm (là cậu ruột) nhận Ngài làm con nuôi, đổi tên là Nguyễn Văn Khiết. Năm 15 tuổi, Ngài thọ Sa di, 20 tuổi thọ Tỳ khưu và Bồ tát giới, pháp danh Thị Thủy, pháp tự là Hành Pháp, hiệu Thích Quảng Đức. Sau khi thọ giới xong, Ngài phát nguyện nhập thất tịnh tu 3 năm trên một đồi núi ở Ninh Hòa, và sau lập nơi núi nầy một ngôi chùa hiệu Thiên Lộc. Rời núi, Ngài vân du hóa đạo, một mình với chiếc bình bát theo hạnh đầu đà. Qua hai năm mãn nguyện, Ngài lại về nhập thất tại chùa Thiên Ân (Ninh Hòa). Năm 1932, An Nam Phật học Hội ra đời, Đại lão Hòa thượng Hải Đức đến tận nơi Ngài đang nhập thất, mời Ngài về chứng minh Đạo sư tại Chi hội Phật học Ninh Hòa; sau đó Ngài lại nhận nhiệm vụ Kiểm Tăng tỉnh Khánh Hòa, do Giáo hội Tăng già cung thỉnh. Sau thời gian hành đạo tại miền Trung, Ngài vào miền Nam, đi hóa đạo khắp vùng Sài Gòn, Gia Định, Bà Rịa, Long Khánh, Định Tường, Cai Lậy, Hà Tiên và đến Nam Vang 3 năm nghiên cứu kinh điển Pali. Hai mươi năm hành đạo ở miền Nam và Nam Vang, Ngài đã khai sơn và trùng tu 17 cảnh chùa. Tổng cộng, Ngài đã có công xây dựng và trùng tu tất cả là 31 ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cùng nơi Ngài trụ trì là chùa Quán Thế Âm, số 68 Nguyễn Huệ (Phú Nhuận), nay đổi tên đường là số 90 đường Thích Quảng Đức (Phú Nhuận). Trước khi Ngài về Trụ trì chùa Quán Thế Âm, Hòa thượng đã có thời gian trụ trì chùa Long Vĩnh, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh, nên người ta còn quen gọi Ngài là Hòa thượng Long Vĩnh và Ngài còn lấy đạo hiệu là Thích Giác Tánh. Năm 1953, tại Đại hội Giáo hội Tăng già Nam Việt lần thứ hai, Đại hội đã mời Ngài giữ chức Trưởng ban Nghi lễ Giáo hội Tăng già Việt Nam; đối với Hội Phật học Nam Việt Ngài còn nhận thêm sự thỉnh cầu của Hội Phật học Nam Việt làm trụ trì chùa Phước Hòa (trụ sở đầu tiên của Hội). Khi trụ sở này được dời về chùa Xá Lợi, Ngài giao nhiệm vụ lại cho Hòa thượng Thích Quảng Minh và bắt đầu dời gót vân du hành đạo khắp nơi, dùng mọi phương tiện thích nghi, hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học theo chánh đạo. Ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão (11/6/1963), trong cuộc diễn hành trên một ngàn vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni để tranh thủ chính sách bình đẳng tôn giáo và sự tôn trọng lá cờ Phật giáo, cùng sự thực thi năm nguyện vọng chơn chánh của Phật giáo, Ngài thấu nhận “Chính pháp là ngọn đuốc thần, soi sáng thế nhân, còn thân Ngài vẫn chỉ là giả tạm” nên Ngài quyết định thực hành hạnh nguyện tự thiêu thân, cúng dường Phật pháp, và cũng để chứng tỏ những nguyện vọng chính đáng của Phật giáo, đồng thời cũng để giải tỏa cho ba ngôi chùa ở Huế, lúc ấy đang bị vây khốn. Chính vì tâm nguyện ấy, nên Ngài tự tẩm xăng, ướt mấy lớp cà sa. Khi đến giữa ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Sài Gòn (nay là đường Cách mạng Tháng 8 và Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh), từ trên xe Ngài ung dung bước xuống, ngồi kiết già và tự tay quẹt châm lửa vào người. Ngọn lửa bốc cao phủ kín thân mình, Ngài vẫn an nhiên tịnh tọa, lưng thẳng như tượng đồng. Gần 15 phút sau lửa sắp tàn, Ngài gật đầu ba lần như cúi chào tạm biệt, rồi ngã nằm ngửa, trên tay còn kiết ấn Cam lộ. Trước khi Giác linh về cõi Phật, Ngài còn để lời cảnh tỉnh Tổng thống Ngô Đình Diệm và chế độ thời ấy, hãy áp dụng sự công bình đối với tôn giáo và nhất là không nên khắc nghiệt, mà hãy mở rộng từ bi bác ái đối với quốc dân. Đối với hàng ngũ Phật giáo đồ, Ngài căn dặn rằng : “Tôi thiết tha kêu gọi chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí, hy sinh để bảo tồn Phật pháp”. Nhục thân của Bồ tát Thích Quảng Đức được rước về quàng tại chùa Xá Lợi hơn một tuần. Đến ngày 20/6/1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo, cùng tất cả chư Tăng Ni và Phật tử đưa về An dưỡng địa cử hành trọng thể lễ trà tỳ - Khi lửa cháy phủ người, mà Ngài vẫn ngồi như tượng đồng đen, tay kiết ấn, chân ngồi kiết già, không hề lay chuyển. - Khi trà tỳ, xương thịt cháy hết, nhiều mẫu xương phát ra những màu sắc tốt đẹp. Đặc biệt nhất là quả tim vẫn còn y nguyên. Sự huyền diệu này đã làm cho Tăng, Ni Phật tử và nhân loại trong cũng như ngoài nước vô cùng kính phục. Ngài thị tịch, nhưng hình ảnh Bồ tát đã khắc sâu, in đậm vào lòng người con Phật. Bồ tát đã dùng nhục thân làm ngọn đuốc phá tan màn vô minh, hắc ám của Ngô triều, làm chấn động năm châu, khiến cho tất cả các nước trên thế giới đều bênh vực phong trào đấu tranh chơn chánh của Phật giáo. Sự viên tịch vô cùng cao quý của Ngài, đã gây xúc động mạnh trong mọi giới và là một gương sáng cho toàn thể Phật giáo đồ. Bồ tát tuy viên tịch, nhưng ngọn lửa Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi của Ngài vẫn còn sáng và sáng chói mãi muôn đời trong lòng người Phật tử cùng nhân loại khắp năm châu. NAM MÔ ĐẠI HÙNG LỰC, ĐẠI TỪ BI QUẢNG ĐỨC BỒ TÁT MA HA TÁT. |
Hiền Huy- Hoà HIệp
- Khai Giảng Lớp Pali Ngữ Và Kinh Luận Giới
- 10 Kỷ Lục Việt Nam Được Công Nhận Kỷ Lục Châu Á
- Đại Hội Đại Biểu Phật Giáo TP.Bảo Lộc
- Quy Y Và Hằng Thuận Tại Chùa Thanh Sơn
- Đồng Tháp: Chùa Quê Hương Khánh ThànhTtrai Đường Cát Tường
- Tiến Hành Phiên Trù Bị Đại Hội Đại Biểu PG Tỉnh Đồng Nai
- Giáo Dục Phật Giáo VN: Định Hướng Và Phát Triển
- TP.HCM: Đại Lễ Phật Đản Chùa Kim Cương
- Krông Năng: Hân Hoan Kính Mừng Phật Đản
- Long Trọng Tổ Chức Đại Lễ Phật Đản
- Hà Nội: Vài Hình Ảnh Đêm Ca Mừng Đức Phật Đản Sinh
- Chùm Ảnh: Đêm "Hương Sen Màu Nhiệm" Mừng Phật Đản